Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 98/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 26 tháng 03 năm 2015

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ ĐỨC ĐAM, CHỦ TỊCH ỦY BAN QUỐC GIA VỀ NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM TẠI HỘI NGHỊ ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC NĂM 2014 VÀ NHIỆM VỤ NĂM 2015 CỦA ỦY BAN QUỐC GIA VỀ NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM

Ngày 20 tháng 3 năm 2015, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam đã chủ trì Hội nghị đánh giá công tác năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam.

Dự Hội nghị có các thành viên của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam và đại diện của một số Bộ, ngành, cơ quan liên quan. Sau khi nghe Báo cáo kết quả thực hiện công tác năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam; ý kiến phát biểu của các thành viên Ủy ban Quốc gia và của đại diện các Bộ, cơ quan liên quan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam hoan nghênh các Bộ, ngành, địa phương, Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam, các thành viên Ủy ban và các cơ quan liên quan đã tích cực, chủ động, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ của công tác người cao tuổi năm 2014 và kết luận như sau:

1. Về kết quả thực hiện công tác người cao tuổi

Trong năm 2014, từng Bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, tập trung tổ chức thực hiện các chính sách về an sinh xã hội nói chung, trong đó có chính sách đối với người cao tuổi. Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Ban công tác người cao tuổi; 62/63 tỉnh có Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012 - 2020; trên 86% tổng số đơn vị hành chính cấp xã trong cả nước có Quỹ chăm sóc và phát huy người cao tuổi; gần 4,4 triệu người cao tuổi đang được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp xã hội hàng tháng; 49/63 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập khoa Lão khoa trong bệnh viện đa khoa cấp tỉnh; 60,8% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; 1,2 triệu người cao tuổi được khám, chữa mắt theo chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi”. Một số địa phương đã tích cực, chủ động triển khai tốt các mô hình sinh hoạt về thể dục, văn hóa, văn nghệ cho người cao tuổi, mô hình “Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau” đem lại kết quả thiết thực cho người cao tuổi và cộng đồng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác người cao tuổi vẫn còn một số hạn chế: số người cao tuổi được khám định kỳ còn thấp (tỷ lệ 27,5%) và phần đông người cao tuổi chưa có sổ theo dõi sức khỏe thường xuyên (tỷ lệ 31%); các chế độ, chính sách người cao tuổi được hưởng các ưu đãi trong hoạt động văn hóa, du lịch, chăm sóc sức khỏe cần phải tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh.

Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại trên là do một số Bộ, ngành, địa phương chưa làm tốt việc lồng ghép công tác người cao tuổi với các hoạt động của ngành, địa phương; kinh phí thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi rất hạn hẹp, chủ yếu nhờ vào hỗ trợ từ Trung ương, đặc biệt tại các tỉnh chưa tự chủ được ngân sách.

2. Về những nhiệm vụ cụ thể năm 2015

Trong năm 2015, các Bộ, ngành, địa phương và các thành viên Ủy ban cần phát huy những kết quả đạt được, những mặt tích cực trong thực hiện công tác người cao tuổi; tập trung hoàn thành các nhiệm vụ được giao (tại Thông báo số 385/TB-VPCP ngày 26 tháng 9 năm 2015 của Văn phòng Chính phủ) và một số nhiệm vụ sau đây:

a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Tổ chức sơ kết việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia và đánh giá 5 năm thực hiện Luật Người cao tuổi vào cuối năm 2015 thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả; rà soát, thống kê đánh giá toàn bộ các chính sách đối với người cao tuổi;

- Quy hoạch và từng bước triển khai mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội theo hướng mở rộng, tăng cường xã hội hóa; đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội về lợi ích của các cơ sở này đối với cá nhân người cao tuổi, gia đình và xã hội và phát huy vai trò người cao tuổi.

b) Bộ Y tế:

- Tiếp tục kiện toàn và thành lập khoa Lão khoa trong các bệnh viện; phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ngày càng tốt hơn;

- Phối hợp với Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam vận động, tuyên truyền, mở rộng việc thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân.

c) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

- Có các biện pháp khuyến khích, nhân rộng các loại hình sinh hoạt, mô hình câu lạc bộ giúp người cao tuổi rèn luyện, nâng cao sức khỏe và tinh thần;

- Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện giảm giá vé theo quy định và khuyến khích thực hiện các biện pháp ưu tiên khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người cao tuổi được tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

d) Bộ Tài chính:

- Xem xét, nghiên cứu và sửa hướng dẫn trong việc sử dụng kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam nâng cao hiệu quả hoạt động, hoàn thành chậm nhất vào tháng 6 năm 2015;

- Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan rà soát chế độ, chính sách liên quan đến người cao tuổi để đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời.

đ) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Chỉ đạo việc lồng ghép nội dung chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 ở cấp quốc gia.

e) Bộ Thông tin và Truyền thông:

Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông duy trì và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công tác người cao tuổi.

g) Bộ Nội vụ:

- Khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội;

- Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan dự thảo các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị định thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP để ban hành theo quy định.

- Có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh để đôn đốc hoàn thành việc thành lập Quỹ chăm sóc và phát huy người cao tuổi tại các đơn vị hành chính cấp xã.

h) Ủy ban Dân tộc:

- Đẩy mạnh triển khai kế hoạch tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật vùng dân tộc thiểu số và miền núi gắn với tuyên truyền chính sách về người cao tuổi;

- Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chính sách người cao tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương và tham mưu sửa đổi kịp thời các chính sách dân tộc gắn với chính sách đối với người cao tuổi.

i) Đề nghị Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam:

- Tổ chức tổng kết 20 năm ngày thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam thiết thực, hiệu quả;

- Phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan đánh giá 5 năm triển khai thực hiện Luật Người cao tuổi và Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012 - 2015;

- Nghiên cứu, trình các cấp có thẩm quyền về việc “Tháng hành động vì người cao tuổi”; trên cơ sở đó, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện;

- Tích cực hướng dẫn, đôn đốc việc nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau của người cao tuổi, các mô hình chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi hiệu quả tại cộng đồng dựa vào nguồn lực xã hội hóa.

k) Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương, các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động các tổ chức thành viên, hội viên tổ chức và tham gia tích cực các phong trào chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; lồng ghép việc chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi trong các phong trào của cơ quan, tổ chức.

l) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2016 - 2020;

- Tăng cường kiểm tra, đánh giá, tổng hợp tình hình thực hiện Luật Người cao tuổi và các chính sách hỗ trợ người cao tuổi trên địa bàn; báo cáo Ủy ban Quốc gia về tình hình và kết quả thực hiện công tác người cao tuổi của địa phương theo quy định.

m) Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi tham mưu, giúp Ủy ban Quốc gia: xây dựng, triển khai các hoạt động của chương trình, kế hoạch năm 2015; tiếp tục triển khai xây dựng phần mềm quản lý số liệu, biểu mẫu thống kê về công tác người cao tuổi thống nhất trên phạm vi cả nước.

n) Văn phòng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban quốc gia về người cao tuổi Việt Nam nghiên cứu, cân nhắc đề xuất đưa một số nội dung quan trọng về người cao tuổi liên quan đến nhiều Bộ, ngành, địa phương vào phiên họp Chính phủ thường kỳ vào giữa năm hoặc cuối năm.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng (để b/c);
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các thành viên Ủy ban Quốc gia về NCT VN;
- Các cơ quan có thành viên UBQG;
- Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- Văn phòng UBQG NCT VN;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, TCCV, V.III, HC;
- Lưu: VT,
KGVX (3). ĐND.

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Nguyễn Văn Nên

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 98/TB-VPCP ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam tại Hội nghị đánh giá công tác năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 98/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 26/03/2015
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Văn Nên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/03/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản