Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 92/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 05 tháng 3 năm 2014 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC - CHỦ TỊCH ỦY BAN AN TOÀN GIAO THÔNG QUỐC GIA TẠI HỘI NGHỊ SƠ KẾT CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ ATGT 02 THÁNG ĐẦU NĂM 2014, NHIỆM VỤ TRONG THÁNG 3 VÀ QUÝ II NĂM 2014
Ngày 25 tháng 02 năm 2014, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 02 tháng đầu năm 2014 nhiệm vụ trong tháng 3 và quý II năm 2014. Tham dự Hội nghị có các Ủy viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ủy viên Ban Thường trực; lãnh đạo và thành viên Ban An toàn giao thông 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi nghe đồng chí Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia báo cáo kết quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 02 tháng đầu năm 2014, nhiệm vụ trong tháng 3 và quý II năm 2014; ý kiến phát biểu của các đại biểu, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã kết luận như sau:
1. Khắc phục hậu quả vụ sập cầu treo tại bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu ngày 24 tháng 02 năm 2014:
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng điều động máy bay trực thăng để đưa đoàn 25 bác sỹ bệnh viện Việt Đức và bệnh viện Bạch Mai lên Lai Châu để kịp thời tham gia cứu chữa các nạn nhân bị thương, góp phần giảm thiệt hại về người trong vụ tai nạn.
Yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương cứu chữa người bị thương, động viên, thăm hỏi gia đình có người bị nạn, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, bắc cầu tạm để nhân dân đi lại. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các địa phương trên cả nước kiểm tra và tăng cường độ an toàn của các cầu cáp treo, cầu tạm trên địa bàn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa để tránh xảy ra tai nạn tương tự.
2. Kết quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 02 tháng đầu năm 2014:
Trong 02 tháng đầu năm 2014, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn cả nước và phòng chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số vụ, số người chết và số người bị thương vì tai nạn giao thông tiếp tục giảm, đặc biệt trong 9 ngày nghỉ tết Nguyên đán Giáp Ngọ giảm cả 3 tiêu chí và không có vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng.
Biểu dương; 17 địa phương đã giảm trên 50% số người chết vì tai nạn giao thông trong dịp tết Giáp Ngọ là: Gia Lai, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Đăk Lắk, Đăk Nông, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Phòng, Bắc Giang, Bình Dương, Phú Yên; đặc biệt là 04 địa phương không có vụ tai nạn giao thông gây chết người trong dịp tết là: Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Lai Châu.
Nhiều mô hình bảo đảm trật tự an toàn giao thông được triển khai hiệu quả ở một số địa phương, trong đó tiêu biểu là thành phố Hải Phòng với việc tiến hành kiểm tra doanh nghiệp vận tải hành khách và đơn vị vận tải container trên địa bàn; tỉnh Hà Nam với việc xử lý cắt thùng xe quá khổ so với quy định; tỉnh Quảng Nam với việc đưa Công an xã tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông nông thôn; các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương đã thông tin kịp thời, thường xuyên tình hình trật tự an toàn giao thông hàng ngày và cảnh báo các nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, các biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông.
3. Một số hạn chế, tồn tại và nguyên nhân:
Bên cạnh các kết quả đạt được, tình hình trật tự, an toàn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại về người và tài sản vẫn còn ở mức cao, số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong 02 tháng đầu năm vẫn tăng so với cùng kỳ, đặc biệt trong 9 ngày nghỉ tết Nguyên đán Giáp Ngọ tai nạn giao thông xảy ra ở khu vực nông thôn, đường liên thôn, liên xã tăng cao, chiếm tỉ lệ trên 70%. 14 địa phương có số người chết tai nạn giao thông tăng cao là: Thái Nguyên, Bình Phước, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Nam, Trà Vinh, Hà Giang, An Giang, Quảng Ninh, Long An, Quảng Ngãi, Cà Mau, Cao Bằng, Yên Bái.
Tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng, xe container xảy ra nhiều sau những ngày nghỉ Tết. Tình hình ùn tắc giao thông vẫn xảy ra ở một số tuyến phố tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh vào giờ cao điểm trong dịp Tết Nguyên đán.
Nguyên nhân của hạn chế, tồn tại là:
- Nhận thức trách nhiệm của một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương, đặc biệt chính quyền cấp cơ sở còn chưa đầy đủ, có hiện tượng chủ quan, lơi là, thậm chí buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tăng trong 02 tháng đầu năm so với cùng kỳ và tai nạn giao thông trên địa bàn nông thôn có xu hướng tăng, diễn biến phức tạp trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán.
- Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông ở một số địa phương, đặc biệt trên địa bàn nông thôn chưa được duy trì thường xuyên. Nội dung tuyên truyền chưa sát với thực tế và chưa đến được đối tượng chính cần tuyên truyền.
- Công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm tại một số địa phương còn chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng xe nhồi nhét khách, chạy quá tốc độ chưa được xử lý triệt để; việc phối hợp, tăng cường lực lượng trên địa bàn nông thôn, đường liên thôn, liên xã chưa đạt hiệu quả.
- Công tác quản lý phương tiện vận tải chưa được chú trọng, việc xử phạt chủ phương tiện gây tai nạn giao thông vẫn còn chưa nghiêm.
4. Nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 3 và quý II năm 2014:
a) Các nhiệm vụ triển khai thực hiện ngay:
Để đạt mục tiêu giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người bị thương và số người chết do tai nạn giao thông, giảm số vụ ùn tắc giao thông ở thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh so với năm 2013 và thực hiện rõ han chủ đề Năm an toàn giao thông 2014 là “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”, đồng thời ngăn chặn ngay các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do xe tải nặng, xe khách, xe container gây ra và các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn nông thôn, các Bộ, ngành và chính quyền các tỉnh, thành phố cần thực hiện ngay một số nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 3 và quý II năm 2014, như sau:
- Đưa Trung tâm tích hợp dữ liệu thông tin từ thiết bị giám sát hành trình vào hoạt động để quản lý, cảnh báo, ngăn chặn và hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe chở khách.
- Triển khai quyết liệt chủ đề Năm an toàn giao thông 2014 “Siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”, trước hết là ngăn chặn tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
- Xây dựng Kế hoạch tổ chức kiểm tra đồng loạt lái xe sử dụng ma túy trên cả nước, nhân rộng mô hình của thành phố Hải Phòng.
- Kiểm soát có hiệu quả người điều khiển phương tiện uống rượu, bia. Xây dựng quy định cấm cán bộ, công chức uống rượu, bia điều khiển phương tiện, uống rượu, bia vào buổi trưa, trong giờ làm việc, áp dụng chung trên toàn quốc.
- Xây dựng và triển khai Kế hoạch giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn nông thôn.
b) Nhiệm vụ của Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể và địa phương:
- Bộ Giao thông vận tải
+ Phối hợp với Bộ Công an điều tra làm rõ nguyên nhân vụ sập cầu treo tại tỉnh Lai Châu, chỉ đạo Tổng cục Đường bộ và Sở Giao thông vận tải các địa phương kiểm tra mức độ an toàn các cầu yếu, các công trình giao thông trên địa bàn, cắm biển cảnh báo và tổ chức cảnh giới đối với các công trình có nguy cơ không an toàn.
+ Chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong tháng 3 năm 2014, đưa Trung tâm tích hợp dữ liệu thông tin từ thiết bị giám sát hành trình vào hoạt động.
+ Tổ chức đồng loạt chiến dịch tuyên truyền và xử lý vi phạm quá tải trọng xe để thực hiện Công điện số 1966/CĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.
+ Chỉ đạo Sở Giao thông vận tải các địa phương tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô tô, kiểm tra chặt chẽ phương tiện và người lái về các điều kiện an toàn trước khi xuất bến; kiểm tra và xử lý nghiêm tình trạng ô tô khách chở quá số người, tăng giá vé quá quy định, vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông để tranh dành khách; áp dụng biện pháp tước phù hiệu xe hoặc tạm đình chỉ kinh doanh tuyến cố định nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng. Đồng thời, chỉ đạo Sở Giao thông vận tải các địa phương lắp đặt hệ thống biển báo và thiết bị đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn giao thông nông thôn, vận động người dân hỗ trợ khắc phục việc hạn chế tầm nhìn tại các điểm giao cắt do tường rào, cây trồng.
+ Huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài nước, từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, xóa bỏ dứt điểm các điểm đen trên các tuyến đường giao thông, đảm bảo an toàn giao thông và hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.
+ Nghiên cứu, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp với cơ sở hạ tầng giao thông; đẩy nhanh rà soát, lắp đặt hệ thống biển báo giao thông phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ. Rà soát và lắp đặt hệ thống biển báo trên các quốc lộ trọng điểm; tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường vừa thi công vừa khai thác để phòng ngừa tai nạn và ùn tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhất là trên các dự án mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.
+ Phối hợp với Bộ Y tế chỉ đạo các Sở Giao thông vận tải và Sở Y tế nhân rộng mô hình của thành phố Hải Phòng trong việc tiến hành kiểm tra đồng loạt lái xe sử dụng ma túy trên cả nước.
+ Rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải đối với xé khách 2 tầng, xe giường nằm, trong đó quy định cụ thể về tuyến đường, khung giờ chạy xe, độ tuổi lái xe và bằng lái xe... đối với loại hình vận tải này nhằm ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
- Bộ Công an
+ Tăng cường lực lượng tiếp tục tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động vận tải khách, nhất là các hành vi vi phạm quy định về tốc độ; chở quá số người quy định; đi không đúng làn đường, luồng tuyến; vi phạm quy định về thời gian lái xe, lái tàu; đón, trả khách không đúng nơi quy định.
+ Đổi mới phương pháp tuần tra kiểm soát, tăng cường tuần tra lưu động và kiểm tra theo chuyên đề, đẩy mạnh việc phát hiện và xử lý vi phạm bằng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ. Đồng thời, chỉ đạo Công an các địa phương huy động các lực lượng, trong đó có lực lượng công an xã phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát giao thông của Công an huyện tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm ở các tuyến đường giao thông nông thôn thường xảy ra tai nạn.
+ Triển khai các biện pháp của Chính sách quốc gia phòng chống lạm dụng rượu, bia vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổng cục cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội - Bộ Công an có văn bản hướng dẫn việc tổ chức cưỡng chế chuyên đề về nồng độ cồn.
- Các Bộ, ngành rà soát, sửa đổi và ban hành ngay các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo theo Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ trong Quý II năm 2014, cụ thể như sau:
+ Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo quy định tiêu chuẩn sức khỏe lái xe kinh doanh vận tải bằng ô tô; ban hành quy định về việc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.
+ Bộ Giao thông vận tải chủ trì, rà soát Luật giao thông đường bộ, Luật đường sắt, Luật giao thông đường thủy nội địa để đề xuất thống nhất các quy định về nồng độ cồn trong máu, khí thở đối với người tham gia điều khiển các phương tiện giao thông.
- Các cơ quan thành viên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật trật tự an toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền về pháp luật luật trật tự an toàn giao thông đến tận cơ sở, phường, xã, thị trấn, đến thôn, bản; phát huy hiệu quả các đội tuyên truyền lưu động và hệ thống đài truyền thanh xã, phường để tuyên truyền an toàn giao thông. Đồng thời, phát huy vai trò của Hội Nông dân trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trên địa bàn nông thôn trong chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông (Như: ký cam kết giữa gia đình với tổ dân phố, đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn, tuân thủ quy định tốc độ, không say rượu lái xe, xe mô tô, xe gắn máy không chở ba, bốn người,...).
- Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai và có các giải pháp quyết liệt, đồng bộ đảm bảo an toàn giao thông trong mùa thi tuyển sinh năm 2014.
- Bộ Tài chính:
Khẩn trương ban hành hướng dẫn về sử dụng nguồn thu từ tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông để chi cho các lực lượng có liên quan.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
+ Có biện pháp nghiêm cấm các chủ phương tiện vận tải và lái xe vận chuyển gia cầm nhập lậu, gia cầm bị dịch bệnh.
+ Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an trong việc tuyên truyền và xử lý vi phạm quá tải trọng xe trên địa bàn.
+ Chỉ đạo các lực lượng tuần tra, kiểm soát thực hiện đúng các quy định về điều lệnh, có tinh thần làm việc nghiêm túc, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, cương quyết xử lý nghiêm các hành vi chèn ép hành khách và chống người thi hành công vụ. Tăng cường phối hợp kiểm tra liên ngành về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tập trung kiểm tra tại địa bàn nông thôn, nhất là tuyến đường có tai nạn giao thông tăng cao.
+ Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án, công trình giao thông trên địa bàn, đặc biệt là trên các dự án mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên để bàn giao cho Chủ đầu tư.
+ Chỉ đạo việc kiện toàn Ban An toàn giao thông cấp xã; yêu cầu tổ chức ký cam kết giữa Trưởng ban An toàn giao thông quận, huyện với Trưởng ban An toàn giao thông xã, phường về bảo đảm an toàn giao thông trên từng địa bàn.
- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo tăng cường các lực lượng hướng dẫn giao thông, bố trí lực lượng điều tiết giao thông tại các tuyến trọng điểm. Thực hiện quyết liệt việc lập lại trật tự, kỷ cương đối với giao thông đô thị, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý theo đúng quy định đối với mọi trường hợp vi phạm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, trông giữ xe trái phép, lập lại trật tự trong quản lý lòng đường, vỉa hè.
- Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia:
+ Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải xây dựng và triển khai Kế hoạch tổ chức kiểm tra lái xe sử dụng ma túy đối với lái xe khách, xe tải nặng, xe container.
+ Phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Công an tiếp tục triển khai hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; tổ chức chiến dịch tuyên truyền về kiểm soát tải trọng xe.
+ Phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng và ban hành quy định cấm cán bộ, công chức uống rượu, bia điều khiển phương tiện, uống rượu, bia vào buổi trưa, trong giờ làm việc.
+ Xây dựng Chương trình phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam về “Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền an toàn giao thông”.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan, các địa phương, các Ủy viên Ủy ban, thành viên Ban Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, chỉ đạo triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Thông báo 358/TB-VPCP năm 2013 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16/2008/NQ-CP do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo 424/TB-VPCP năm 2013 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Nghị quyết 88/NQ-CP về giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Thông báo 05/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Thông báo 132/TB-VPCP năm 2015 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Quý I, triển khai nhiệm vụ công tác Quý II năm 2015 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Luật Đường sắt 2005
- 2Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004
- 3Luật giao thông đường bộ 2008
- 4Nghị quyết 88/NQ-CP năm 2011 về tăng cường thực hiện giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông do Chính phủ ban hành
- 5Chỉ thị 04/CT-TTg năm 2013 tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Thông báo 358/TB-VPCP năm 2013 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16/2008/NQ-CP do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 7Công điện 1966/CĐ-TTg năm 2013 tăng cường thực hiện kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ do Thủ tướng Chính phủ điện
- 8Thông báo 424/TB-VPCP năm 2013 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Nghị quyết 88/NQ-CP về giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 9Thông báo 05/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 10Thông báo 132/TB-VPCP năm 2015 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Quý I, triển khai nhiệm vụ công tác Quý II năm 2015 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Thông báo 92/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 02 tháng đầu năm, nhiệm vụ trong tháng 3 và quý II năm 2014 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 92/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 05/03/2014
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Cao Lục
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra