Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 358/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 24 tháng 09 năm 2013 |
Ngày 11 tháng 9 năm 2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Tham dự Hội nghị có các Ủy viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ủy viên Ban Thường trực; đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội; lãnh đạo và thành viên Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội và các Bộ liên quan, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ KẾT QUẢ 5 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 16/2008/NQ-CP
Công tác chống ùn tắc giao thông, bảo đảm an toàn giao thông tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua đã đạt nhiều kết quả rõ rệt; số vụ, số điểm và thời gian ùn tắc giao thông tại 2 thành phố đều giảm, góp phần tiết kiệm thời gian, vật chất, bảo đảm môi trường và hiệu quả cho xã hội, được nhân dân rất hoan nghênh.
Đạt được kết quả trên đây là do các Bộ, ngành Trung ương và chính quyền các cấp 2 thành phố đã triển khai quyết liệt, đồng bộ Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP. Các cấp Trung ương đã chỉ đạo quyết liệt, liên tục, cụ thể và đề ra được các giải pháp đúng đắn, đồng bộ. Về phía địa phương, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đã vào cuộc triển khai thực hiện với các giải pháp hiệu quả; nhất là công tác tuyên tuyền, vận động, phổ biến, giáo dục an toàn giao thông cho nhân dân; quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông; áp dụng nhiều giải pháp đột phá trong công tác tổ chức lại giao thông; thực hiện xã hội hóa và đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý ùn tắc và tai nạn giao thông; và nhiều giải pháp cụ thể khác. Phó Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia hoan nghênh và biểu dương Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan cùng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có những đóng góp quan trọng trong việc tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP trong thời gian qua.
Bên cạnh những thành công lớn và toàn diện nêu trên vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập như chưa thực hiện quyết liệt, đồng bộ việc di dời trụ sở các cơ quan hành chính nhà nước, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, các bệnh viện lớn ra ngoài khu vực trung tâm; chưa thực hiện tốt công tác giữ gìn trật tự lòng đường, vỉa hè; vẫn còn hiện tượng ùn tắc tại một số tuyến, nút giao trọng điểm; quy hoạch bến xe chưa được xử lý dứt điểm; hiện tượng bảo kê vận chuyển hành khách, bến cóc, xe dù, taxi dù vi phạm pháp luật vẫn lộng hành, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và trật tự giao thông đô thị; chưa có cơ chế thúc đẩy thực hiện chủ trương về nhà cao tầng, bến xe ngầm để đỗ ô tô; chưa triển khai quyết liệt các dự án đầu tư xây dựng đường sắt trên cao, tàu điện ngầm để sớm cung cấp phương tiện giao thông công cộng bền vững tại 2 thành phố. Công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông chưa được thường xuyên.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI
Để phát huy các kết quả đã đạt được trong 5 năm triển khai Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP, khắc phục kịp thời những mặt hạn chế, tồn tại nhằm thiết lập kỷ cương trật tự an toàn giao thông; xuất phát từ tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố hiện nay, yêu cầu các Bộ, ngành và chính quyền các thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp trọng tâm chống ùn tắc, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới như sau:
1. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy thực hiện các giải pháp đã và đang triển khai thành công, đồng thời rà soát tìm ra nguyên nhân về các giải pháp đề ra mà không thực hiện, từ đó rút kinh nghiệm, đề xuất triển khai những giải pháp mang tính đột phá nhằm khắc phục và giải quyết triệt để những điểm nghẽn ùn tắc giao thông còn lại, bảo đảm lòng đường dành cho phương tiện, vỉa hè dành cho người đi bộ và xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác khắc phục ùn tắc giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Kiên quyết, xử lý nghiêm các đơn vị, cán bộ, đảng viên, có dấu hiệu bảo kê, tiếp tay, dung túng các cơ sở kinh doanh vận tải, các lái xe, các bến xe vi phạm các quy định của Nhà nước về trật tự an toàn giao thông.
Tiếp tục rà soát các điểm, nút giao thông có nguy cơ ùn tắc, các điểm đen có nguy cơ gây tai nạn giao thông để có giải pháp tổ chức giao thông và xử lý phù hợp. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, bổ sung hệ thống đèn tín hiệu, biển báo, biển hướng dẫn giao thông, sơn kẻ vạch hướng dẫn giao thông; lắp đặt bổ sung các nút đèn tín hiệu giao thông, lắp đặt bổ sung đèn đếm lùi tại các nút giao thông đã lắp đặt đèn tín hiệu.
2. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng, phê duyệt, triển khai quy hoạch về bến bãi, trạm dừng nghỉ, giao thông tĩnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành giao thông; tập trung quản lý các hoạt động vận tải hành khách, triệt để xóa bỏ bến cóc, xe dù, taxi dù tại 2 thành phố; nghiên cứu áp dụng nút giao thông lập thể tại các điểm cần thiết.
3. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục nghiên cứu các biện pháp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển vận tải hành khách công cộng có khối lượng lớn như đường sắt đô thị, xe buýt có sức chở lớn...; xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động vận tải hành khách công cộng nhằm huy động các thành phần kinh tế tham gia.
Ngành giáo dục chỉ đạo các trường học không để tình trạng đón, đưa học sinh gây ùn tắc giao thông. Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương có phương án chống ùn tắc giao thông trong trường hợp này.
Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục rà soát, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành phương tiện vận tải công cộng bằng xe buýt để điều chỉnh, tối ưu hóa luồng tuyến xe buýt và nâng cao chất lượng phục vụ của các tuyến xe buýt. Điều chỉnh giờ hoạt động, tần suất các tuyến xe buýt phù hợp với phương án điều chỉnh giờ làm việc, học tập, kinh doanh trên địa bàn. Quản lý có hiệu quả sự gia tăng số lượng và hoạt động của phương tiện taxi.
4. Tập trung huy động lực lượng để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là hành vi gây ùn tắc, tai nạn giao thông, vi phạm hành lang an toàn giao thông, kinh doanh, buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, đậu đỗ xe không đúng quy định. Có cơ chế xã hội hóa đầu tư bến bãi đỗ xe.
5. Tiếp tục nghiên cứu phương án tổ chức giao thông hợp lý; tách làn phương tiện trên các tuyến đường có đủ điều kiện. Tiếp tục lắp đặt đèn tín hiệu tại tất cả các điểm có xung đột về giao thông. Công an các thành phố rà soát biển báo hiện, biển chỉ dẫn để lắp đặt bổ sung, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm thuận lợi cho người tham gia giao thông.
6. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh trong việc xây dựng và xác định tiến độ để bảo đảm thực hiện bằng được chủ trương di dời và quỹ đất sau khi di dời các trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính nhà nước theo đúng quy hoạch; đề xuất cơ chế ưu tiên đầu tư công trình công cộng, công trình giao thông tĩnh.
Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương đẩy nhanh để hoàn thành đúng tiến độ các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; đồng thời, nhanh chóng hoàn thiện đề án, chiến lược, quy hoạch có liên quan nhằm bảo đảm các giải pháp đồng bộ về giao thông vận tải trên địa bàn 2 thành phố.
7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ưu tiên bố trí vốn cho những dự án khắc phục ùn tắc, bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại những điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông.
8. Bộ Công an tiếp tục tăng cường lực lượng và chỉ đạo Công an thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố trọng điểm đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tổ chức thanh tra, điều tra phát hiện, xử lý nghiêm những vi phạm trong tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông, những vi phạm có dấu hiệu hình sự khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển vận tải hành khách công cộng. Nhân rộng bài học kinh nghiệm phối hợp lực lượng công an, quân đội trong tuần tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.
9. Đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền trực quan để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông. Đặc biệt chú trọng tuyên truyền đến tận cơ sở, tuyên truyền cho các hội viển, đoàn viên thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.
10. Tất cả các đơn vị thi công các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh phải có phương án thực hiện chống ùn tắc, bảo đảm an toàn giao thông khi thi công công trình.
11. Các Bộ, ngành Trung ương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình tiếp tục chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh lồng ghép xây dựng và triển khai chương trình thực hiện Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP với các chương trình thực hiện các văn bản chỉ đạo khác của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; tập trung các nguồn lực và giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP trong thời gian tới.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, địa phương liên quan, các ủy viên Ủy ban, thành viên Ban Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, chỉ đạo triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Thông báo số 21/TB-VPCP về ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại hội nghị sơ kết thực hiện quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo 106/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại hội nghị toàn quốc sơ kết một năm thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg về đề án dạy nghề cho Lao động nông thôn đến năm 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Thông báo 230/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2011, thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg về Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Thông báo 345/TB-VPCP năm 2013 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5Thông báo 92/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 02 tháng đầu năm, nhiệm vụ trong tháng 3 và quý II năm 2014 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Thông báo số 21/TB-VPCP về ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại hội nghị sơ kết thực hiện quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP về việc từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh do Chính phủ ban hành
- 3Thông báo 106/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại hội nghị toàn quốc sơ kết một năm thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg về đề án dạy nghề cho Lao động nông thôn đến năm 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Thông báo 230/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2011, thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg về Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5Thông báo 345/TB-VPCP năm 2013 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6Thông báo 92/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 02 tháng đầu năm, nhiệm vụ trong tháng 3 và quý II năm 2014 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Thông báo 358/TB-VPCP năm 2013 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16/2008/NQ-CP do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 358/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 24/09/2013
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Văn Tùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 24/09/2013
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra