VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 83/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 17 tháng 6 năm 2003 |
THÔNG BÁO
CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ SỐ 83/TB-VPCP NGÀY 17 THÁNG 6 NĂM 2003 VỀ Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG PHẠM GIA KHIÊM, CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG TRUNG ƯƠNG TẠI PHIÊN HỌP HỘI ĐỒNG GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG TRUNG ƯƠNG
Ngày 15 tháng 4 năm 2003, tại Hà Nội, Hội đồng Giáo dục quốc phòng (GDQP) Trung ương họp, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ GDQP năm 2002, xác định phương hướng, biện pháp thực hiện công tác GDQP năm 2003.
Sau khi nghe Ban Thường trực báo cáo; ý kiến phát biểu của các đồng chí thành viên Hội đồng, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục quốc phòng Trung ương đã kết luận:
I- ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG NĂM 2003
- Năm 2002, công tác GDQP và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh (BDKTQP-AN) có nhiều tiến bộ, về cơ bản đạt được mục tiêu đề ra trong kế hoạch năm. Các văn bản quy phạm pháp luật về GDQP được ban hành tương đối đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý để tổ chức triển khai thực hiện. Các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và cấp uỷ, chính quyền địa phương đã thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác GDQP. Việc tổ chức thực hiện công tác này được chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương, bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng.
- Công tác GDQP góp phần làm cho cán bộ các cấp, các ngành, đoàn thể, học sinh, sinh viên, thanh niên và các tầng lớp nhân dân có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
- Hội đồng GDQP Trung ương bước đầu hoạt động có hiệu quả; Hội đồng GDQP ở nhiều địa phương đã hoạt động đi vào nền nếp, phát huy được vai trò tham mưu, tư vấn cho cấp uỷ, chính quyền các cấp trong chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện công tác GDQP toàn dân.
- Một số địa phương, bộ, ngành đã chủ động bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng - An ninh cho lãnh đạo các cơ quan, xí nghiệp... trưởng thôn, bản, bí thư chi bộ đạt kết quả thiết thực. Hội đồng GDQP Trung ương đã phối hợp với các ngành kiểm tra kịp thời giúp các đơn vị, địa phương nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GDQP.
- Tuy nhiên, nhận thức vai trò, vị trí công tác GDQP trong một số cán bộ còn chưa thực sự sâu sắc, chưa ngang tầm với yêu cầu đặt ra trong tình hình hiện nay. Công tác tuyên truyền GDQP toàn dân trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa đều và rộng khắp; GDQP cho học sinh trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề ở nhiều địa phương còn mang tính hình thức, chưa coi trọng về chất lượng.
II- MỘT SỐ CÔNG TÁC GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG TRONG NĂM 2003 CẦN TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO
1- Bảo đảm giáo viên GDQP
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ: Lao động Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Quốc phòng, Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, soạn thảo và ban hành hướng dẫn theo thẩm quyền về biên chế, chế độ, chính sách đối với giáo viên GDQP; xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo dài hạn, bồi dưỡng giáo viên GDQP, phấn đấu đến năm 2005 đủ giáo viên GDQP cho bậc Trung học phổ thông, Trung học chuyên nghiệp, Dạy nghề; chú ý nghiên cứu đối tượng đào tạo giáo viên GDQP là quân nhân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự; có biện pháp giải quyết việc thiếu giáo viên GDQP bằng các biện pháp lồng ghép, kiêm nhiệm, hợp đồng, mời giảng. Cần chú trọng nghiên cứu rút kinh nghiệm, chỉ đạo các địa phương tổ chức học rải môn GDQP cho học sinh Trung học phổ thông.
2- Biên soạn giáo trình GDQP và bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng.
Việc biên soạn và phát hành giáo trình GDQP và bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng đồng bộ với chương trình GDQP cho từng đối tượng là rất cần thiết, cần phải được tiến hành khẩn trương, chặt chẽ; Hội đồng phân công đồng chí Lê Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Uỷ viên ban Thường trực Hội đồng và đồng chí Đinh Văn Mậu, Phó Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia, Uỷ viên Hội đồng chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, biên soạn xong giáo trình GDQP trong năm 2003 cho các đối tượng học tại các trường thuộc hệ thống 2 học viện quản lý; Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khẩn trương phát hành giáo trình GDQP cho các trường Trung học chuyên nghiệp, Dạy nghề; trong năm 2003 Bộ quốc phòng biên soạn xong giáo trình bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng cho các đối tượng theo quy định.
3- Bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất cho GDQP.
Việc bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất cho GDQP những năm qua còn nhiều bất cập, yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn bảo đảm kinh phí, xây dựng danh mục cơ sở vật chất thiết bị học cụ cho môn học GDQP trong danh mục bảo đảm của Bộ Giáo dục và Đào tạo như các môn học khác. Năm 2003 Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Quốc phòng tập trung xây dựng tiếp 2 trung tâm GDQP học sinh, sinh viên tại Tây Nguyên, Cần Thơ.
4- Công tác tuyên truyền GDQP trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Để nâng cao chất lượng tuyên truyền GDQP trên các phương tiện truyền thông đại chúng, giao đồng chí Trần Công Thìn, Uỷ viên Ban Thường trực Hội đồng, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN chủ trì cùng đồng chí Phùng Khắc Đăng, Uỷ viên Ban Thường trực Hội đồng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN chuẩn bị đề xuất nội dung, phương pháp tuyên truyền, trình Ban thường trực Hội đồng trong quý III năm 2003.
5- Việc nghiên cứu kiện toàn hệ thống Hội đồng GDQP các cấp.
Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Đề án lập Hội đồng GDQP cấp tỉnh, huyện để Hội đồng GDQP xem xét.
6- Nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài.
Cơ quan Thường trực Hội đồng xây dựng kế hoạch, đề cương nghiên cứu GDQP, phòng thủ dân sự ở nước ngoài, báo cáo Chủ tịch Hội đồng quyết định.
7- Về cơ chế chính sách.
Ban Thường trực Hội đồng trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để xây dựng cơ chế chính sách thực hiện nhiệm vụ GDQP và hoạt động của Hội đồng GDQP, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
8- Về thành lập Câu lạc bộ Thể thao Quốc phòng hàng không, Hàng hải.
Bộ Quốc phòng chuẩn bị Đề án báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành và cơ quan liên quan biết, thực hiện.
| Nguyễn Văn Lâm (Đã ký) |
- 1Thông báo số 208/TB-VPCP ngày 05/11/2004 của Văn phòng Chính phủ về việc ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm tại phiên họp Thường trực Hội đồng giáo dục quốc phòng Trung Ương
- 2Nghị định 71-CP năm 1994 về giáo dục quốc phòng trong hệ thống các trường chính trị, hành chính, đoàn thể
- 3Quyết định 46/2000/QĐ-BGDĐT về chương trình đào tạo ngắn hạn giáo viên giáo dục quốc phòng các trường Trung học phổ thông và Trung học chuyên nghiệp do Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành
- 4Nghị định 15/2001/NĐ-CP về Giáo dục quốc phòng
- 5Thông tư liên tịch 4086/2001/TTLT-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn Nghị định 15/2001/NĐ-CP về giáo dục quốc phòng do Bộ Quốc phòng- Bộ Giao dục và đào tạo- Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội- Bộ Tài chính ban hành
- 1Thông báo số 208/TB-VPCP ngày 05/11/2004 của Văn phòng Chính phủ về việc ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm tại phiên họp Thường trực Hội đồng giáo dục quốc phòng Trung Ương
- 2Nghị định 71-CP năm 1994 về giáo dục quốc phòng trong hệ thống các trường chính trị, hành chính, đoàn thể
- 3Quyết định 46/2000/QĐ-BGDĐT về chương trình đào tạo ngắn hạn giáo viên giáo dục quốc phòng các trường Trung học phổ thông và Trung học chuyên nghiệp do Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành
- 4Nghị định 15/2001/NĐ-CP về Giáo dục quốc phòng
- 5Thông tư liên tịch 4086/2001/TTLT-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn Nghị định 15/2001/NĐ-CP về giáo dục quốc phòng do Bộ Quốc phòng- Bộ Giao dục và đào tạo- Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội- Bộ Tài chính ban hành
Thông báo 83/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục quốc phòng Trung ương tại phiên họp Hội đồng giáo quốc phòng Trung ương do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 83/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 17/06/2003
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Văn Lâm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 14/11/2003
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định