Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 811/TB-BGDĐT | Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2009 |
VỀ VIỆC TUYỂN SINH ĐI HỌC ĐẠI HỌC Ở NƯỚC NGOÀI NĂM 2010
Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 322/QĐ-TTg ngày 19/4/2000 và số 356/QĐ-TTg ngày 28/4/2005 về việc phê duyệt và điều chỉnh “Đề án đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước” (dưới đây gọi tắt là Đề án 322), Công văn của Văn phòng Chính phủ số 3663/VPCP-KG ngày 15/7/2004 về việc sử dụng kinh phí xử lý nợ với Liên bang Nga và các Hiệp định, thỏa thuận hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo tuyển sinh đi học đại học ở nước ngoài năm 2010 như sau:
I. SỐ LƯỢNG HỌC BỔNG VÀ NƯỚC GỬI ĐI ĐÀO TẠO
Năm 2010 Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến tuyển chọn cấp học bổng cho 350 sinh viên ưu tú và sinh viên thuộc các đối tượng ưu tiên để gửi đi đào tạo tại nước ngoài như sau:
- Học bổng ngân sách Nhà nước (Đề án 322 và nguồn Xử lý nợ) tại các nước: Hoa Kỳ, Canada, Anh, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông và Đài Loan), Singapore, Đức, Nga, Pháp và các nước tiên tiến khác;
- Học bổng theo Hiệp định, thỏa thuận ký kết giữa Việt Nam và các nước: Ấn Độ, Ba Lan, Belarus, Bungari, Campuchia, Cu Ba, Hàn Quốc, Hungari, Lào, Ma-rốc, Mông Cổ, Moldova, Nga, Nhật Bản, Rumani, Séc, Slovakia, Trung Quốc và Ukraine;
- Học bổng do các nước và tổ chức quốc tế tài trợ cho Việt Nam: Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc (gồm cả Hồng Kông và Đài Loan),…
II. ĐỐI TƯỢNG TUYỂN CHỌN VÀ CHỈ TIÊU DỰ KIẾN
Đối tượng tuyển chọn đi học đại học ở nước ngoài năm 2010 là sinh viên tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2009 đạt loại khá, có kết quả các năm học trung học phổ thông đạt trung bình 7.0 điểm trở lên, đỗ đại học theo nguyện vọng 1 kỳ thi tuyển sinh vào đại học năm 2009 và đang học đại học năm thứ nhất hệ chính quy tại trường trúng tuyển đại học, có đạo đức tốt, đủ điều kiện sức khỏe để đi học ở nước ngoài và thuộc các nhóm đối tượng tuyển sinh sau đây:
1. Đạt giải Olympic Quốc tế năm 2009, kể cả đối tượng đã đạt giải đạt Olympic năm 2008 nhưng năm 2008 chưa tốt nghiệp trung học phổ thông. (Không hạn chế chỉ tiêu).
2. Đạt tổng điểm thi tuyển sinh đại học năm 2009 cao nhất (trong phạm vi toàn quốc của khối đã dự thi theo đề thi chung cả 3 môn thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo bao gồm các khối: A, B, C, D1, D2, D3, D4, D5, D6. Đối với các khối N, H, M, T, V, S, R chỉ tuyển chọn 01 sinh viên đạt tổng điểm tuyển sinh đại học năm 2009 cao nhất (trong phạm vi toàn quốc) cho mỗi khối. (Dự kiến 50 chỉ tiêu).
3. Đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2009 và có tổng điểm thi tuyển sinh đại học tối thiểu là 20 điểm (không làm tròn số và nhân hệ số). (Dự kiến 05 chỉ tiêu).
4. Con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và có tổng điểm thi tuyển sinh đại học tối thiểu là 20 điểm (không làm tròn số và nhân hệ số). (Dự kiến 20 chỉ tiêu).
5. Có bố hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số Việt Nam và có tổng điểm thi tuyển sinh đại học tối thiểu là 20 điểm (không làm tròn số và nhân hệ số). (Dự kiến 20 chỉ tiêu).
6. Có hộ khẩu, có bố, mẹ đang sinh sống tại các tỉnh thuộc khu vực ưu tiên gồm các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh miền Trung và các tỉnh miền núi phía Bắc; có 03 năm học THPT, tốt nghiệp THPT tại các khu vực ưu tiên đó và có tổng điểm thi tuyển sinh đại học tối thiểu là 20 điểm (không làm tròn số và nhân hệ số). (Dự kiến tối đa 03 chỉ tiêu/tỉnh).
7. Có kết quả các năm học trung học phổ thông đạt trung bình 8.0 điểm trở lên, tốt nghiệp trung học phổ thông loại giỏi năm 2009 và thi tuyển sinh đại học năm 2009 đạt 25 điểm trở lên (không làm tròn số và nhân hệ số), trúng tuyển đại học theo nguyện vọng 1 và đang học năm thứ nhất, ưu tiên sinh viên có kết quả học kỳ I năm thứ nhất đại học đạt từ 7,5 điểm trở lên. Nhóm đối tượng này đăng ký dự tuyển sẽ được xét chọn gửi đi học theo diện học bổng Hiệp định, học bổng các nước và tổ chức quốc tế cấp. (Không hạn chế chỉ tiêu học bổng và sẽ điều chỉnh theo thông báo cấp học bổng của phía nước ngoài).
Bộ Giáo dục và Đào tạo ưu tiên tuyển chọn những sinh viên đăng ký các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, môi trường và khoa học xã hội. Sinh viên đăng ký dự tuyển theo khối ngành đang học tại trường đại học ở Việt Nam hoặc ngành đã đạt giải Olympic quốc tế.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tuyển chọn công khai, đảm bảo công bằng và minh bạch trên cơ sở các hồ sơ đăng ký dự tuyển hợp lệ. Hết thời hạn nộp hồ sơ dự tuyển, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sắp xếp sinh viên theo thứ tự từ cao xuống thấp theo các tiêu chí:
1. Tổng số điểm ba môn thi tuyển sinh đại học (không làm tròn và nhân hệ số);
2. Thành tích thi học sinh giới (nếu có);
3. Tổng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông;
4. Điểm trung bình các năm trung học phổ thông;
5. Điểm ngoại ngữ theo chứng chỉ (nếu có);
6. Các tiêu chí ưu tiên khác theo quy định.
Căn cứ danh sách sinh viên được sắp xếp theo các tiêu chí trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức xét tuyển và ra quyết định phê duyệt danh sách trúng tuyển. Trường hợp có nhiều sinh viên đạt yêu cầu cho một nước nào đó nhưng chỉ tiêu học bổng nước đó hạn chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xét chuyển những sinh viên này sang các nước khác còn chỉ tiêu.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quyết định danh sách sinh viên sẽ gửi đến từng cơ sở đào tạo nước ngoài theo các thỏa thuận hợp tác đã ký kết.
Sinh viên dự tuyển thuộc nhóm đối tượng 1, 2 và 3 tại mục II được miễn yêu cầu về ngoại ngữ.
Đối với các nhóm còn lại, sinh viên đăng ký dự tuyển đi học các nước sử dụng tiếng Anh trong học tập thì tại thời điểm nộp hồ sơ dự tuyển phải có chứng chỉ tiếng Anh đạt tối thiểu 450 điểm TOEFL hoặc 5.0 điểm IELTS.
Sau khi có quyết định trúng tuyển, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức bồi dưỡng, ngoại ngữ trong thời gian tối đa 9 tháng cho sinh viên trúng tuyển học bổng ngân sách Nhà nước đi học các nước sử dụng tiếng Anh, Pháp và Đức. Đồng thời, các sinh viên cần chủ động chuẩn bị ngoại ngữ từ trước. Khi làm thủ tục ra quyết định cử đi học, sinh viên trúng tuyển đi học bằng tiếng Anh phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt tối thiểu 550 điểm TOEFL hoặc 6.0 IELTS và được trường đại học nước ngoài chấp thuận. Sinh viên sau khi được học ngoại ngữ, nhưng không đạt yêu cầu của khóa học hoặc không đạt yêu cầu tiếp nhận đào tạo của các trường đại học nước ngoài sẽ được giới thiệu về trường đại học Việt Nam mà sinh viên đã theo học năm thứ nhất để học tiếp chương trình đại học trong nước.
Đối với các nước sử dụng ngoại ngữ khác trong học tập như tiếng Hungari, Rumani, Bungari, Ba Lan, Nga, Mông Cổ, Lào, Campuchia, Trung Quốc… (diện học bổng Hiệp định) căn cứ yêu cầu đào tạo của các nước này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cử sinh viên đi học dự bị đại học và đại học tại nước ngoài.
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định phê duyệt danh sách sinh viên trúng tuyển học bổng nếu sinh viên đã có điểm ngoại ngữ đạt yêu cầu theo quy định của trường nước ngoài và có văn bản đồng ý tiếp nhận đào tạo của trường nước ngoài thì có thể được giải quyết thủ tục cho đi học ngay.
Lưu ý: Sinh viên đăng ký đi học tại Hàn Quốc và Nhật bản cần chuẩn bị trước tiếng Hàn và tiếng Nhật vì rất ít cơ sở đào tạo ở hai nước này nhận đào tạo bằng tiếng Anh. Sinh viên đăng ký đi học tại Hồng Kông chỉ xem xét trường hợp đi học bằng tiếng Anh và đã đạt yêu cầu về tiếng Anh quy định trong thông báo tuyển sinh này. Sinh viên đăng ký đi học tại Đài Loan có thể xem xét các trường hợp đi học bằng tiếng Trung hoặc bằng tiếng Anh: nếu đi học bằng tiếng Trung thì có thể sẽ được bố trí thời gian học tiếng Trung tại Đài Loan, nếu học bằng tiếng Anh thì phải đạt điểm tiếng Anh theo quy định từ khi dự tuyển.
Sinh viên đăng ký dự tuyển cần nộp 01 bộ bằng tiếng Việt gồm các giấy tờ xếp theo thứ tự quy định dưới đây (các bản sao, dịch phải được công chứng hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền):
1. Phiếu đăng ký dự tuyển (theo mẫu trên website: www.vied.vn);
2. Bản sao phiếu nhập học vào trường đại học hiện sinh viên đang theo học hoặc thẻ sinh viên;
3. Sơ yếu lý lịch có dán ảnh (có xác nhận của UBND phường, xã hoặc của trường đại học đang theo học);
4. Bản sao giấy khai sinh và hộ khẩu thường trú;
5. Bản sao bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học phổ thông tạm thời năm 2009 và học bạ trung học phổ thông;
6. Bản sao phiếu báo trúng tuyển đại học năm 2009 (nguyện vọng 1, trường đang học đại học);
7. Bản sao các giải thưởng quốc tế, quốc gia hoặc tỉnh, thành phố (nếu có) hoặc bằng khen, giấy khen… (nếu có);
8. Bản sao chứng chỉ ngoại ngữ (nếu có);
9. Bản sao xác nhận là con liệt sĩ, con thương binh, bệnh binh;
10. Cam kết nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí đào tạo (theo mẫu trên Website: www.vied.vn).
Toàn bộ giấy tờ cần trình bày trên giấy khổ A4, theo chiều dọc trang giấy, đựng trong một túi hồ sơ kích thước 25cm x 34cm. Mặt ngoài túi hồ sơ có ghi “Hồ sơ dự tuyển học bổng đại học ở nước ngoài năm 2010”, loại đối tượng dự tuyển, nước đăng ký đi học và danh mục các loại giấy tờ có trong túi, ghi rõ địa chỉ liên hệ, các số điện thoại cố định, di động và e-mail để liên lạc.
Hồ sơ và lệ phí dự tuyển (50.000 đ/sinh viên) cần gửi phát chuyển nhanh bảo đảm hoặc nộp trực tiếp tại Văn phòng một cửa Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ Giáo dục và Đào tạo, 49 Đại Cồ Việt, Hà Nội.
Thời hạn nộp hồ sơ: Trước ngày 31/12/2009 đối với các nhóm đối tượng từ 1 đến 6 và trước ngày 31/3/2010 đối với nhóm đối tượng 7 (tính theo dấu bưu điện hoặc số theo dõi nhận hồ sơ của Văn phòng một cửa - Cục Đào tạo với nước ngoài).
Hồ sơ nộp muộn và không đúng theo quy định trên được coi là không hợp lệ và không được xét tuyển. Những người khai hồ sơ dự tuyển không đúng và người xác nhận sai sẽ bị xử lý theo pháp luật. Không trả lại hồ sơ và lệ phí dự tuyển trong bất kỳ trường hợp nào.
VI. QUYỀN LỢI VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA SINH VIÊN TRÚNG TUYỂN ĐI HỌC NƯỚC NGOÀI
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt danh sách trúng tuyển, Cục Đào tạo với nước ngoài sẽ liên hệ với các cơ sở đào tạo nước ngoài để làm thủ tục tiếp nhận và giải quyết các thủ tục cần thiết. Đối với sinh viên đi học theo Đề án 322 và xử lý nợ, Nhà nước sẽ chi trả học phí (tối đa 15.000 USD/năm) và các loại phí liên quan đến việc học tập (nếu có), bảo hiểm y tế, một lượt vé máy bay quốc tế đi và về, chi phí đi đường và sinh hoạt phí hàng tháng theo quy định hiện hành của Nhà nước. Sinh viên đi học theo Hiệp định sẽ được nhận học bổng do các nước cấp và được Chính phủ Việt Nam cấp bù sinh hoạt phí, bảo hiểm y tế, chi phí đi đường và vé máy bay quốc tế đi và về theo quy định hiện hành.
Khi làm thủ tục xin phê duyệt quyết định chính thức cử đi học nước ngoài, sinh viên phải bổ sung ý kiến nhận xét về tư cách đạo đức, kết quả học tập do trường đại học đang theo học cấp và giấy khám sức khỏe của cơ quan y tế có thẩm quyền chứng nhận đủ điều kiện sức khoẻ để đi học nước ngoài, kết quả xét nghiệm không nhiễm HIV, bệnh lao và không có thai (đối với sinh viên nữ). Sinh viên và gia đình hoặc người bảo lãnh phải cam kết thực hiện các quy định đối với lưu học sinh học tập ở nước ngoài, phải chấp hành sự phân công công tác sau khi đào tạo. Trường hợp sinh viên vi phạm quy định của Nhà nước phải hồi hoàn toàn bộ kinh phí đào tạo theo quy định.
Kết quả xét tuyển sẽ được đăng tải trên các website của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Cục Đào tạo với nước ngoài: www.moet.gov.vn và www.vied.vn (dự kiến công bố trong quý II/2010 đối với nhóm đối tượng từ 1 đến 6 và trong quý III/2010 đối với nhóm đối tượng 7). Sinh viên và các trường cần theo dõi thông tin để liên hệ và giải quyết các thủ tục tiếp theo về việc đăng ký học ngoại ngữ, làm hồ sơ đăng ký nhập học với cơ sở đào tạo nước ngoài theo hướng dẫn của Cục Đào tạo với nước ngoài trên website: www.vied.vn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ra quyết định chính thức cử đi học cho từng sinh viên trúng tuyển khi đã đủ điều kiện đi học và được cơ sở nước ngoài tiếp nhận để gửi cho sinh viên và trường đại học mà sinh viên đang theo học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các Bộ, Ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố, các đại học, học viện và các trường đại học phổ biến thông báo này tới các đối tượng có liên quan và tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên có đủ điều kiện cần thiết được đăng ký dự tuyển theo đúng thời hạn và quy định dự tuyển nêu trên.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Quyết định 322/2000/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 356/2005/QĐ-TTg điều chỉnh Đề án "Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước" do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 3Thông báo 110/TB-BGDĐT về tuyển sinh đi học tại Cộng hòa Belarus năm 2010 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 4Thông tư 01/2013/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh đi học nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Thông báo 811/TB-BGDĐT về tuyển sinh đi học đại học ở nước ngoài năm 2010 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- Số hiệu: 811/TB-BGDĐT
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 24/11/2009
- Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Người ký: Phạm Vũ Luận
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra