Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 356/2005/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 04 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

 VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH ĐỀ ÁN "ĐÀO TẠO CÁN BỘ KHOA HỌC, KỸ THUẬT TẠI CÁC CƠ SỞ NƯỚC NGOÀI BẰNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC"

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 02 tháng 12 năm 1998;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại công văn số 1085/VP ngày 18 tháng 02 năm 2005 về việc xin gia hạn Đề án "Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước",

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Điều chỉnh Đề án "Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước" với những nội dung chính sau:

1. Đổi tên Đề án "Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước" thành Đề án "Đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước".

2. Chủ đề án: Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Thời gian thực hiện Đề án: đến năm 2014.

4. Mục tiêu của Đề án:

Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ từ trình độ đại học trở lên tại cơ sở nước ngoài thuộc các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế - xã hội nhằm đẩy nhanh quá trình thực hiện mục tiêu đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

5. Đối tượng đào tạo:

- Cán bộ, công chức trong biên chế hoặc hợp đồng dài hạn hiện đang làm việc tại các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước.

- Sinh viên đạt kết quả thi tuyển đại học cao nhất, đạt kết quả học tập hoặc nghiên cứu khoa học xuất sắc tại các trường đại học trong và ngoài nước.

6. Các trình độ đào tạo:

- Tiến sĩ.

- Thạc sĩ.

- Kỹ sư, cử nhân.

- Thực tập sinh khoa học.

7. Phương thức đào tạo:

- Đào tạo tập trung toàn khoá học tại nước ngoài.

- Đào tạo kết hợp một phần thời gian của khoá học tại Việt Nam.

8. Ngành nghề đào tạo:

- Công nghệ thông tin.

- Công nghệ sinh học.

- Công nghệ vật liệu.

- Các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, kinh tế - xã hội mà trong nước chưa có điều kiện đào tạo hoặc có đào tạo nhưng chưa đáp ứng đủ yêu cầu về chất lượng đào tạo.

9. Nước và cơ sở gửi đi đào tạo:

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xác định các cơ sở đào tạo có chất lượng cao ở nước ngoài để gửi người đi đào tạo.

Ưu tiên gửi đi đào tạo tại các nước: Mỹ, Canada, Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Liên bang Nga, Australia, Niu Di Lân (New Zealand), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước tiên tiến khác.

10. Quy mô đào tạo:

Từ năm 2006 đến năm 2010, mỗi năm tuyển 400 chỉ tiêu, trong đó 50% chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ, 25% chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ, 15% chỉ tiêu đào tạo kỹ sư, cử nhân và 10% chỉ tiêu cử đi thực tập khoa học.

11. Kinh phí:

Từ năm 2006 đến năm 2010 mỗi năm ngân sách nhà nước dành khoảng 260 tỷ đồng Việt Nam để chi cho số lưu học sinh đang học tập ở nước ngoài và tuyển mới theo quy mô đào tạo nêu tại khoản 10 Điều 1 Quyết định này. Từ năm 2011 sẽ bố trí kinh phí theo mức giảm dần và kết thúc vào năm 2014.

Ngân sách nhà nước sẽ chi trả những khoản sau:

- Học phí đào tạo, sinh hoạt phí và bảo hiểm y tế ở mức tối thiểu.

- Một lần tiền vé máy bay (đi và về) cho lưu học sinh trong khoá học.

- Tổ chức thi tuyển và giải quyết các thủ tục cần thiết để đưa lưu học sinh ra nước ngoài học tập.

- Phục vụ việc hợp tác đào tạo và kiểm tra, đánh giá việc học tập, nghiên cứu, sinh hoạt của lưu học sinh.

- Phục vụ yêu cầu về xử lý rủi ro, bất khả kháng xảy ra đối với lưu học sinh trong quá trình triển khai Đề án.

- Nâng cao trình độ ngoại ngữ, bồi dưỡng chính trị, tư tưởng cho lưu học sinh trước khi ra nước ngoài học tập.

- Quản lý phí và các chi phí khác có liên quan đến Đề án.

- Khen thưởng, động viên lưu học sinh có thành tích học tập, nghiên cứu.

- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính quy định mức chi cho từng đối tượng cụ thể bảo đảm yêu cầu chi hợp lý, phù hợp với từng nước, khu vực và theo các quy định hiện hành về quản lý ngân sách nhà nước.

Điều 2. Trách nhiệm quản lý của các Bộ có liên quan.

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì triển khai thực hiện Đề án, thông báo rộng rãi về mục tiêu đối tượng, tiêu chuẩn, số lượng tuyển hàng năm và cách thức tuyển chọn người cử đi đào tạo ở nước ngoài; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để có phương án quản lý, sử dụng số lưu học sinh đã được đào tạo thuộc Đề án.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa kế hoạch đào tạo cán bộ tại cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước vào kế hoạch dài hạn và kế hoạch hàng năm.

3. Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách hàng năm và bố trí ngân sách để thực hiện Đề án.

4. Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tìm hiểu khả năng đào tạo, đàm phán với các cơ sở đào tạo của nước ngoài.

5. Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm, theo dõi, đánh giá chất lượng lưu học sinh thuộc đối tượng đào tạo của Đề án; đồng thời phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ những chính sách và giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án.

6. Bộ Công an chủ trì và phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài bảo vệ chính trị nội bộ, cấp hộ chiếu và làm thủ tục xuất, nhập cảnh cho lưu học sinh và cán bộ đi đào tạo tại nước ngoài.

7. Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định ngành nghề, trình độ, số lượng đào tạo, đánh giá kết quả đào tạo ở nước ngoài và xây dựng chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ Việt Nam.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG  
PHÓ THỦ TƯỚNG

 


 
 Phạm Gia Khiêm