Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
VĂN PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 80/TB-VP

Hà Nội, ngày 09 tháng 02 năm 2010

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NGUYỄN VINH HIỂN TẠI CUỘC HỌP VỀ CÔNG TÁC KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC VÀ THANH TRA TOÀN DIỆN CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG, NGÀY 29/12/2009

Ngày 29/12/2009, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã chủ trì cuộc họp bàn về việc thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục và thanh tra toàn diện cơ sở giáo dục phổ thông. Tham dự cuộc họp có các lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và lãnh đạo đại diện các đơn vị: Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Thanh tra Bộ, Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Mầm non, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.

Các đại biểu dự họp đã nghe lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục và Thanh tra Bộ báo cáo về tình hình triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục và thanh tra toàn diện cơ sở giáo dục phổ thông. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã kết luận như sau:

1. Thanh tra toàn diện và kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông là công cụ để giúp cơ quan quản lý thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục.

Thanh tra toàn diện cơ sở giáo dục phổ thông là hoạt động của cơ quan quản lý giáo dục nhằm kiểm tra, đánh giá các mặt hoạt động của cơ sở giáo dục phổ thông theo thẩm quyền. Căn cứ các chuẩn mực và yêu cầu cụ thể, thanh tra nhằm đánh giá các ưu điểm, khuyết điểm nhưng chủ yếu là nhằm xác định cơ sở giáo dục phổ thông tuân thủ hoặc không tuân thủ các quy định trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ; từ đó nêu các kiến nghị phù hợp đối với cơ sở giáo dục phổ thông hoặc đối với các cơ quan quản lý giáo dục có trách nhiệm giải quyết.

Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông là quá trình đánh giá nhằm đưa ra quyết định công nhận mức độ mà cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng các chuẩn mực quy định. Đây là một giải pháp quản lý chất lượng thông qua việc đánh giá hiện trạng của cơ sở giáo dục có chất lượng và hiệu quả như thế nào, những điểm mạnh, điểm yếu, hiện trạng của cơ sở giáo dục so với các tiêu chuẩn đề ra; dựa vào đó, cơ sở giáo dục có thể tự định ra kế hoạch phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu để tiếp tục phát triển, đồng thời cung cấp các thông tin về cơ sở giáo dục phổ thông cho các tổ chức, cá nhân cần quan tâm.

Do vậy, thanh tra toàn diện và kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông là hai hoạt động tuy có nhiều điểm chung nhưng có mục đích, chức năng và nhiệm vụ khác nhau. Đây là hai hoạt động rất cần thiết, có quan hệ với nhau nhưng cần được phân biệt rõ để tránh trùng lặp trong khi triển khai thực hiện.

2. Các sở GD&ĐT cần chủ động trong việc xây dựng kế hoạch thanh tra toàn diện nhà trường theo nhiệm vụ trọng tâm của năm học và kiểm định chất lượng giáo dục nhà trường cho phù hợp với thực tiễn của địa phương, tránh chồng chéo và gây "quá tải" cho các cơ sở giáo dục. Ngay trong năm học 2009-2010, không quy định bắt buộc chỉ tiêu thanh tra toàn diện đối với các cấp quản lý giáo dục. Hoạt động thanh tra toàn diện và kiểm định chất lượng giáơ dục cần có sự phối hợp hiệu quả, nhất là việc thống nhất tiêu chuẩn đánh giá và sử dụng kết quả của nhau.

3. Để thực hiện có hiệu quả công tác kiểm định chất lượng giáo dục, ngay trong năm học 2009-2010, các sở GD&ĐT cần tập trung vào một số công việc sau:

a) Thống nhất tên gọi của phòng chuyên môn giúp Giám đốc sở GD&ĐT phụ trách về lĩnh vực thi và kiểm định chất lượng giáo dục là Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục. Củng cố, tăng cường hoàn thiện bộ máy, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và đẩy mạnh hoạt động của Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục để hoàn thành nhiệm vụ giúp Giám đốc sở GD&ĐT về công tác thi và kiểm định chất lượng giáo dục ở địa phương;

b) Đẩy mạnh hoạt động tự đánh giá ở các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, thực hiện nghiêm túc quy trình tự đánh giá theo nội dung hướng dẫn tại Công văn số 7880/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 08/9/2009 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn tự đánh giá cơ sở giáo dục phổ thông. Tránh tính hình thức và bệnh chạy theo thành tích trong hoạt động tự đánh giá;

c) Căn cứ điều kiện thực tế và tuỳ theo khả năng của địa phương, từng bước triển khai đánh giá ngoài một số trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông để rút kinh nghiệm. Khi thành lập các đoàn đánh giá ngoài, cần lựa chọn những cán bộ, giáo viên có năng lực, đúng tiêu chuẩn để bảo đảm chất lượng đánh giá ngoài.

4. Trước mắt, cơ quan đánh giá ngoài và công nhận cơ sở giáo dục phổ thông đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục được thực hiện theo Quyết định số 83/2008/QĐ-BGDĐT ngày 31/12/2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông. Trong thời gian tới, việc đánh giá ngoài và công nhận cơ sở giáo dục phổ thông đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục sẽ do các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện. Bộ GD&ĐT sẽ sớm ban hành Thông tư Quy định về điều kiện thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.

5. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục mầm non. Thông tư Quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục mầm non được xây dựng theo hướng: một bộ tiêu chuẩn đánh giá có thể dùng chung cho kiểm định chất lượng giáo dục, công nhận trường chuẩn quốc gia, thanh tra toàn diện và công nhận trường học thân thiện, học sinh tích cực. Ban đầu, việc kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục mầm non sẽ được thực hiện với những trường mầm non đã đạt chuẩn quốc gia.

6. Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Thông tư quy định việc khảo sát đánh giá quốc gia về kết quả học tập của học sinh phổ thông trên cơ sở chọn mẫu. Nhiệm vụ khảo sát này sẽ do Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Tiểu học phối hợp với Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục và Viện Khoa học giáo dục triển khai thực hiện.

Trên đây là những kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển tại cuộc họp bàn về việc thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục và thanh tra toàn diện cơ sở giáo dục phổ thông, Văn phòng Bộ thông báo để các đơn vị có liên quan biết và triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để b/c);
- Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ (để p/h);
- Các sở GD&ĐT (để t/h);
- Lưu: VT, KTKĐCLGD.

KT. CHÁNH VĂN PHÒNG
PHÓ CHÁNH VĂN PHÒNG




Chử Đức Nhã

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 80/TB-VP về kết luận của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển tại cuộc họp về công tác kiểm định chất lượng giáo dục và thanh tra toàn diện cơ sở giáo dục phổ thông, ngày 29/12/2009 do Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 80/TB-VP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 09/02/2010
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Chử Đức Nhã
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản