Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 790/TB-BGTVT | Hà Nội, ngày 05 tháng 08 năm 2014 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐINH LA THĂNG TẠI CUỘC HỌP VỀ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY LƯU THÔNG HÀNG HÓA TẠI CẢNG CÁT LÁI
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 5527/VPCP-TTĐT ngày 22/7/2014 của Văn phòng Chính phủ về việc xử lý thông tin trên Báo Người lao động, số ra ngày 21/7/2014, vào ngày 31/7/2014, tại trụ sở Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (bến cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh), Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc hợp về giải pháp thúc đẩy lưu thông hàng hóa tại bến cảng Cát Lái.
Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công, Chuẩn Đô đốc Lê Minh Thành - Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân - Bộ Quốc Phòng, đại diện lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh; Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan Việt Nam); Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu), Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, đại diện các hãng tàu, chủ hàng, Hiệp hội cảng biển Việt Nam, các doanh nghiệp cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh (Cảng Sài Gòn, Bến Nghé, Lotus, VICT, SPCT), doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tại khu vực và một số cơ quan thông tấn báo chí. Về phía Bộ Giao thông vận tải có lãnh đạo các cơ quan, đơn vị: Vụ Vận tải, Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Vụ Tài chính, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Quản lý Đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), Tổng Công ty Bảo đảm An toàn hàng hải Miền Nam cùng tham dự.
Sau khi nghe Lãnh đạo Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn báo cáo tình hình và giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng hàng hóa thông qua Cảng Cát Lái, ý kiến phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Văn Công và ý kiến của các đại biểu tham dự họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã kết luận như sau:
1. Cảm ơn các Bộ ngành, địa phương và các doanh nghiệp đã tham dự và phát biểu ý kiến, đề xuất giải pháp giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa tại bến cảng Cát Lái. Bộ Giao thông vận tải tiếp thu những ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự hội nghị, chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp cảng, các chủ hàng, chủ tàu trong thời gian qua. Trên cơ sở hội nghị này, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, UBND TP. Hồ Chí Minh và các Bộ, ngành, địa phương liên quan giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.
2. Bộ Giao thông vận tải đánh giá cao Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã chủ động báo cáo về tình trạng ùn ứ hàng hóa tại bến cảng Cát Lái và nỗ lực phối hợp cùng các cơ quan của Trung ương và thành phố Hồ Chí Minh thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp để khắc phục cơ bản tình trạng ùn ứ hàng hóa, đưa hoạt động khai thác bến cảng Cát Lái đi vào ổn định (từ ngày 09/7/2014). Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng trở lại của nền kinh tế, theo quy luật hàng hóa trong mùa cao điểm cuối năm, vẫn tiềm ẩn nguy cơ ùn ứ hàng hóa tại cảng biển. Để hạn chế và tiến đến giải quyết dứt điểm vấn đề này, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp cần tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1178/TTg-KTN ngày 06/8/2013 và Quyết định số 3304/QĐ-BGTVT ngày 22/10/2013 của Bộ Giao thông vận tải nhằm nâng cao hiệu quả quản lý khai thác cảng biển nhóm 5 và các bến cảng Cái Mép - Thị Vải.
3. Đối với những đề xuất kiến nghị của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, các doanh nghiệp khai thác cảng trong khu vực và các chủ hàng, Bộ Giao thông vận tải đề nghị:
a) UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ quan của thành phố khẩn trương thực hiện những nội dung đã được Lãnh đạo UBND thành phố thống nhất kết luận tại cuộc họp, cụ thể:
- Di chuyển Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động hiện đang đặt trên trục đường Lê Phụng Hiếu (gần cổng Cảng Cát Lái) ra vị trí phù hợp hơn để tổ chức giao thông ra vào Cổng Cát Lái được thuận tiện; đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương kiểm soát tải trọng phương tiện, duy trì giám sát việc thực hiện quy định tải trọng của phương tiện ra vào Cảng Cát Lái, nếu phát hiện vi phạm thì xử phạt nghiêm đối với lái xe, chủ xe và kiến nghị xử lý đối với bến cảng Cát Lái theo quy định pháp luật.
- Đẩy nhanh tiến độ thi công nâng cấp các tuyến đường Vành đai 2 (đoạn từ Cầu Phú Mỹ đến đường Đồng Văn Cống); đồng thời điều chỉnh tổ chức giao thông trên công trường, tháo dỡ dải phân cách giữa làn xe hai bánh và làn xe ô tô để tạo thuận lợi cho các phương tiện lưu thông.
- Khẩn trương nghiên cứu phương án đầu tư xây dựng đường kết nối bến cảng Cát Lái với các bến cảng khu vực Phú Hữu, Quận 9, để nhanh chóng đưa các bến cảng này vào khai thác đồng bộ.
- Sớm triển khai Dự án cầu vượt khác mức nút giao Vành đai 2 - Đồng Văn Cống; cho mở rộng thêm mặt cầu Mỹ Thủy 2 (trên đường Đồng Văn Cống) để đảm bảo cho hai làn ô tô và một làn xe máy.
b) Bộ Tài chính (Tổng cục Hài quan) chỉ đạo:
- Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh khẩn trương giải phóng hàng hóa tồn đọng tại cảng Cát Lái theo quy định của Thông tư số 15/2014/TT-BTC ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính về hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng trong khu vực giám sát hải quan để hạn chế các hàng hóa lưu kho bãi quá thời hạn.
- Cục Hải quan TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương hướng dẫn cụ thể về các thủ tục hải quan (linh hoạt trong việc ghi cảng đích của hàng hóa; cho phép di chuyển hàng hóa nhập khẩu tồn lâu ngày tại Cảng Cát Lái sang các cảng khác), cho phép tàu chở hàng có thể lựa chọn nhiều phương án cập các bến cảng lưu vực TP. Hồ Chí Minh trong trường hợp đột xuất, để xếp dỡ và thực hiện các thủ tục hải quan thuận lợi, phân tải cho bến cảng Cát Lái, đồng thời tận dụng công suất của các cảng, các ICD tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam, đảm bảo hàng hóa được lưu thông thông suốt, thuận lợi.
- Tiếp tục nghiên cứu, cải cách thủ tục hành chính đối với việc khai báo hải quan để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; phối hợp các Bộ, ngành thí điểm thực hiện đồng bộ thủ tục Hải quan điện tử tại Cảng Cát Lái để giảm thiểu thời gian làm thủ tục đối với hàng hóa xuất khẩu.
c) Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan trực thuộc:
- Tăng cường các giải pháp, phát hiện và chống cạnh tranh thiếu lành mạnh, bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp.
- Phối hợp với Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành liên quan xem xét việc thu phụ phí (phí ùn tắc, phí chênh lệch công-ten-nơ rỗng...) của các hãng tàu nước ngoài đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam và đề xuất giải pháp cụ thể để bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
d) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành liên quan tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, đặc biệt là kiến thức và kỹ năng đàm phán hợp đồng vận tải biển, nhằm nâng cao khả năng hội nhập, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
đ) Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn:
- Chủ động thực hiện các giải pháp tăng cường sản xuất, đảm bảo lưu thông hàng hóa qua cảng, trong đó, đàm phán, sớm hoàn thiện với hợp đồng hợp tác với các doanh nghiệp cảng trong khu vực (SPCT, VICT, Sài Gòn, Bến Nghé, Lotus) và với các ICD khu vực Quận Thủ Đức, Quận 9, các cảng thuộc Quận 4, Quận 7 TP. Hồ Chí Minh nhằm điều tiết hàng hóa từ cảng Cát Lái sang xếp dỡ hàng hóa tại các cảng khác trong khu vực.
- Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của cảng; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển chung của cộng đồng doanh nghiệp khai thác cảng trong khu vực.
- Cam kết và chỉ đạo Cảng Cát Lái và các cảng biển thuộc Tân Cảng Sài Gòn thực hiện đúng quy định về xếp hàng lên xe ô tô; đồng thời yêu cầu chủ hàng có hàng xuất, nhập khẩu thông qua cảng không xếp hàng vượt trọng tải cho phép đối với công-ten-nơ và xe ô tô, cương quyết không làm thủ tục đối với phương tiện và công-ten-nơ vi phạm quy định về trọng tải.
4. Đối với việc tạo cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả khai thác các cảng nhóm 5 và các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải, Bộ Giao thông vận tải giao Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì, tiếp thu các đề xuất về cơ chế phí, lệ phí cảng biển, giá dịch vụ bốc xếp công-ten-nơ tại khu vực..., phối hợp với các cơ quan đơn vị triển khai quyết liệt các giải pháp pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1178/TTg-KTN ngày 06/8/2013 và Quyết định số 3304/QĐ-BGTVT ngày 22/10/2013 của Bộ Giao thông vận tải nhằm nâng cao hiệu quả quản lý khai thác cảng biển nhóm 5 và các bến cảng Cái Mép - Thị Vải. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải đề nghị:
a) Bộ Công thương sớm ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 08/2009/TT-BCT quy định quá cảnh hàng hóa của Vương quốc Campuchia qua lãnh thổ Việt Nam, trong đó cho phép hàng hóa thuộc danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu của Việt Nam nhưng không cấm ở Campuchia khi quá cảnh qua Việt Nam bằng đường thủy qua sông Tiền thì không phải xin cấp phép của Bộ Công Thương như Quyết định số 1732/2000/QĐ-BTM để tăng nguồn hàng quá cảnh của Campuchia và Thái Lan qua cảng biển khu vực Cái Mép - Thị Vải.
b) UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với cơ quan hữu quan của địa phương phía Campuchia nghiên cứu sửa đổi khoản 2 Điều 6 của Quyết định số 93/2005/QĐ-UBND ngày 27/9/2005 của UBND tỉnh Đồng Tháp về việc ban hành Quy chế phối hợp hoạt động giữa các lực lượng Biên phòng - Công an - Hải quan - Kiểm dịch y tế - Kiểm dịch động vật - Kiểm dịch thực vật - Cảng vụ tại cửa khẩu Quốc tế Thường Phước và cửa khẩu quốc gia Dinh Bà, tỉnh Đồng Tháp theo hướng quy định thời gian làm thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu trong ngày cho các phương tiện sà lan tại biên giới Việt Nam - Campuchia” theo chế độ 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần.
5. Đối với các kiến nghị khác của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn:
a) Bộ đang chỉ đạo quyết liệt các đơn vị liên quan để hoàn thành và đưa vào khai thác dự án Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành trước ngày 15/02/2014.
b) Chấp thuận chủ trương để UBND TP Hồ Chí Minh giao cho Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đầu tư, nạo vét kéo dài tuyến luồng hàng hải Soài Rạp (giai đoạn 2) đoạn từ Cảng SPCT đến thượng lưu Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước theo hình thức xã hội hóa với chuẩn tắc luồng B = 120m, cao trình đáy luồng - 9,5m, vùng quay tàu trước cảng có bán kính 450m, cho tàu 30.000 DWT đầy tải và 50.000 DWT giảm tải vào khai thác; bàn giao lại cho Bộ Giao thông vận tải quản lý theo hệ thống luồng Quốc gia; cho phép Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn được công bố Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước được đón tàu đến 50.000 DWT.
c) Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan nghiên cứu và có văn bản đề xuất cụ thể về cơ chế, chính sách đặc thù đối với hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy nhằm đẩy nhanh tiến độ giải tỏa hàng hóa ở các cảng biển, cửa khẩu và cung cấp dịch vụ trọn khâu cho khách hàng trên khắp các vùng miền trong cả nước.
d) Chấp thuận chủ trương cho phép Cảng ODA Tân Cảng tại Cái Mép được bổ sung công năng “tiếp nhận tàu giàn khoan, tổ chức dịch vụ hậu cần, kỹ thuật dầu khí”; giao Cục Hàng hải Việt Nam nghiên cứu và báo cáo Bộ Giao thông vận tải về khả năng cho Cảng ODA Tân Cảng - Cái Mép đón tàu hàng rời có trọng tải từ 75.000 DWT trở lên, báo cáo Bộ Giao thông vận tải (trong tháng 8/2014).
đ) Giao Vụ Vận tải:
- Phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), Cục Quản lý giá (Bộ Tài Chính) xem xét đánh giá các vấn đề cạnh tranh đối với hành vi thu phụ phí của các hãng tàu nước ngoài đối với hoạt động vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu vào Việt Nam và đề xuất giải pháp cụ thể để tiến tới một thị trường giá cước và các loại phụ phí vận tải đường biển minh bạch và hợp lý.
- Dự thảo văn bản để Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giải quyết ùn ứ hàng hóa tại bến cảng Cát Lái và các văn bản đề nghị các Bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện các nội dung đã thống nhất tại cuộc họp.
- Theo dõi, đôn đốc và định kỳ hàng quý báo cáo Bộ trưởng kết quả triển khai thực hiện các nội dung kết luận.
Thừa lệnh Bộ trưởng, Văn phòng Bộ Giao thông vận tải thông báo tới các đơn vị dự họp biết và triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG |
- 1Quyết định 1732/2000/QĐ-BTM về Quy chế về hàng hoá của Vương quốc Campuchia quá cảnh lãnh thổ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành
- 2Chỉ thị 35/2008/CT-TTg về tăng cường thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, bình ổn thị trường và phục vụ Tết nguyên đán Kỷ sửu 2009 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư 08/2009/TT-BCT về quá cảnh hàng hóa của Vương quốc Campuchia qua lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Bộ Công thương ban hành
- 4Quyết định 93/2005/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp hoạt động giữa lực lượng Biên phòng – Công an – Hải quan – Kiểm dịch Y tế - kiểm dịch động vật – Kiểm dịch thực vật – Cảng vụ cửa khẩu Quốc tế Thường Phước và cửa khẩu Quốc gia Dinh Bà, tỉnh Đồng Tháp do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành
- 5Công văn 1178/TTg-KTN về Đề án Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác các cảng biển thuộc Nhóm cảng biển số 5 và các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 3304/QĐ-BGTVT năm 2013 phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác cảng biển Nhóm 5 và bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 7Thông tư 15/2014/TT-BTC hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng trong khu vực giám sát hải quan do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Thông báo 790/TB-BGTVT năm 2014 kết luận của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc hợp về giải pháp thúc đẩy lưu thông hàng hóa tại bến cảng Cát Lái
- Số hiệu: 790/TB-BGTVT
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 05/08/2014
- Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
- Người ký: Nguyễn Văn Lưu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra