Hệ thống pháp luật

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1732/2000/QĐ-BTM

Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI SỐ 1732/2000/QĐ-BTM NGÀY 13 THÁNG 12 NĂM 2000 BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ HÀNG HOÁ CỦA VƯƠNG QUỐC CAMPUCHIA QUÁ CẢNH LÃNH THỔ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI

Căn cứ Hiệp định Quá cảnh hàng hoá giữa Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia ngày 07/9/2000;
Căn cứ Nghị định 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hoá với nước ngoài;
Sau khi tham khảo ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Hải quan;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1- Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về hàng hoá của Vương quốc Campuchia quá cảnh lãnh thổ Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quy chế này thay thế cho Quy chế về hàng hoá của Vương quốc Campuchia quá cảnh lãnh thổ Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 1162/TM-XNK ngày 20/9/1994, Quyết định số 123/TM-XNK ngày 27/02/1995 và Quyết định số 689 TM/XNK ngày 09/8/1996 của Bộ trưởng Bộ Thương mại.

Điều 2- Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

 

Vũ Khoan

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

VỀ HÀNG HOÁ CỦA VƯƠNG QUỐC CAMPUCHIA QUÁ CẢNH LÃNH THỔ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1732/2000/QĐ-BTM ngày 13 tháng 12 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Thương mại.)

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Hàng quá cảnh nêu trong Quy chế này là hàng hoá của chủ hàng Campuchia quá cảnh lãnh thổ Việt Nam để sang nước thứ ba hoặc từ nước thứ ba về Campuchia hoặc được vận chuyển quá cảnh lãnh thổ Việt Nam từ địa phương này sang địa phương khác của Campuchia.

2. Việc quá cảnh hàng hoá thuộc diện cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu (trừ việc quá cảnh gỗ và sản phẩm gỗ được quy định riêng) được quy định như sau:

2.1.- Cấm quá cảnh hàng hoá mà pháp luật và tập quán quốc tế nghiêm cấm như ma tuý, hoá chất độc hại, chất phóng xạ, các sản phẩm văn hoá đồi truỵ hoặc phương hại tới độc lập chủ quyền và an ninh của Việt Nam; các loại thực vật và động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng;

2.2.- Phải được phép bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam trên cơ sở văn bản đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp Vương quốc Campuchia khi quá cảnh lãnh thổ Việt Nam vũ khí đạn dược, vật liệu nổ, trang thiết bị quân sự nhằm mục đích quốc phòng và an ninh quốc gia của Campuchia;

2.3.- Việc vận chuyển quá cảnh hàng hoá thuộc danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu của Việt Nam nhưng không cấm ở Campuchia được thực hiện như sau:

a) Khi hàng hoá quá cảnh bằng đường thuỷ qua sông Tiền (Cửu Long - sông Mêkông) qua các cặp cửa khẩu đường thuỷ quy định tại mục II của Quy chế này, chủ hàng hoặc chủ phương tiện vận chuyển được chủ hàng ủy quyền hợp pháp (gọi tắt là người chuyên chở), làm thủ tục hải quan cho hàng hoá tại Hải quan cửa khẩu mà không phải xin Giấy phép Quá cảnh tại Bộ Thương mại.

b) Khi hàng hoá quá cảnh theo tuyến đường bộ qua các cặp cửa khẩu đường bộ quy định tại mục II của Quy chế này, chủ hàng hoặc người chuyên chở phải xin Giấy phép Quá cảnh tại Bộ Thương mại (Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu thành phố Hồ Chí Minh) trên cơ sở Đơn xin quá cảnh có xác nhận của Bộ Thương nghiệp Vương quốc Campuchia.

3. Việc quá cảnh gỗ và sản phẩm gỗ được thực hiện như sau:

3.1.- Cấm quá cảnh gỗ tròn (gỗ cây đã hoặc chưa bóc vỏ, bỏ dác hoặc gỗ cây dạng vuông thô);

3.2.- Việc vận chuyển quá cảnh gỗ xẻ chỉ được thực hiện theo Giấy phép Quá cảnh của Bộ Thương mại trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp Vương quốc Campuchia;

3.3.- Khi vận chuyển quá cảnh các loại sản phẩm gỗ khác, chủ hàng hoặc người vận chuyển làm thủ tục khai báo đầy đủ và hợp lệ tại Hải quan cửa khẩu, không phải xin Giấy phép Quá cảnh.

4. Khi vận chuyển quá cảnh các loại hàng hoá khác không thuộc khoản 2, 3 mục I nêu trên theo đường bộ hoặc đường thuỷ, chủ hàng hoặc người chuyên chở chỉ cần làm thủ tục hải quan tại Hải quan cửa khẩu mà không phải xin Giấy phép Quá cảnh.

5. Hàng quá cảnh chịu sự giám sát của Hải quan Việt Nam trong suốt thời gian lưu chuyển trên lãnh thổ Việt Nam; vào và ra khỏi Việt Nam theo đúng cửa khẩu, tuyến đường quy định; số lượng, chủng loại hàng hoá xuất ra phải đúng bằng số lượng, chủng loại hàng hoá nhập vào, ở dạng nguyên đai nguyên kiện.

6. Hàng quá cảnh được phép lưu lại trên lãnh thổ Việt Nam trong thời gian tối đa là 30 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập khẩu. Thời hạn này có thể được Bộ Thương mại (nếu là hàng quá cảnh theo giấy phép) hoặc Cục Hải quan tỉnh, thành phố đang giám sát lô hàng quá cảnh (nếu là hàng quá cảnh thông thường) gia hạn. Mỗi lần gia hạn không quá 30 ngày và tối đa không quá ba lần gia hạn cho một lô hàng quá cảnh.

7. Chủ hàng quá cảnh phải nộp lệ phí hải quan và các loại phí khác áp dụng cho hàng quá cảnh theo quy định hiện hành của Nhà nước Việt Nam.

8. Hàng quá cảnh không được tiêu thụ trên lãnh thổ Việt Nam; trong trường hợp đặc biệt phải được phép của Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam.

9. Thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh phương tiện vận chuyển và người áp tải; thủ tục lưu kho, lưu bãi hàng quá cảnh; thủ tục sang mạn, thay đổi phương tiện vận chuyển hàng quá cảnh được thực hiện theo hướng dẫn của Hải quan Việt Nam.

II. CỬA KHẨU QUÁ CẢNH HÀNG HOÁ

Việc quá cảnh hàng hoá qua biên giới Việt Nam - Campuchia được thực hiện qua các cặp cửa khẩu sau đây:

 

Tên cửa khẩu phía Việt Nam

Tên cửa khẩu phía Campuchia

1.

Vĩnh Xương - Thường Phước

Sông Tiền (Cửu Long)

(An Giang - Đồng Tháp)

Ca-ôm Sam-no Cốc Rô-ca

Sông Mêkông

(Kandal - Prây Veng)

2.

Mộc Bài (Tây Ninh)

Đường số 22A

Ba-vét (Svay Rieng)

Đường số 1

3.

Xamat (Tây Ninh)

Đường số 22B

Tơ-rapeng Phơ-long (K.P Chàm)

Đường số 7

4.

Bu Porang (DacLak)

Đường số 14

Ô-Reng (Mundolkiri)

Đường số 14

5.

Lệ Thanh (Gia Lai)

Đường số 19

An-đông Pếch (Ratanak Kiri)

Đường số 19

6.

Bonue (Bình Phước)

Đường số 13

Xnun (Kratie)

Đường số 13

7.

Tịnh Biên (An Giang)

Đường số 2

Phnôm Đen (Takeo)

Đường số 2

8.

Xà Xía (Kiên Giang)

Đường số 17

Lốc (Kampot)

Đường số 17

III. CÁC QUY ĐỊNH VỀ GIẤY PHÉP VÀ VẬN CHUYỂN HÀNG QUÁ CẢNH

1. Việc xin Giấy phép Quá cảnh và gia hạn Giấy phép Quá cảnh đối với hàng quá cảnh theo giấy phép được thực hiện như sau:

- Chủ hàng quá cảnh Campuchia hoặc người chuyên chở gửi đến Bộ Thương mại văn bản đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp Campuchia đối với hàng hoá là vũ khí đạn dược, vật liệu nổ, trang thiết bị quân sự nhằm mục đích quốc phòng và an ninh quốc gia của Campuchia và hàng hoá là gỗ xẻ.

- Chủ hàng quá cảnh hoặc người chuyên chở gửi đến Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu thành phố Hồ Chí Minh Đơn xin quá cảnh hàng hoá (theo mẫu 01 đính kèm Quy chế này) hoặc văn bản xin gia hạn có xác nhận của Bộ Thương nghiệp Campuchia đối với các loại hàng hoá quá cảnh theo giấy phép khác.

2. Đối với hàng quá cảnh không cần xin giấy phép của Bộ Thương mại, việc gia hạn thời gian quá cảnh được thực hiện trên cơ sở văn bản đề nghị của chủ hàng quá cảnh Campuchia hoặc người chuyên chở gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố đang giám sát lô hàng trước khi đến hạn xuất ra khỏi Việt Nam.

3. Chủ hàng quá cảnh Campuchia được phép tự vận chuyển và làm thủ tục quá cảnh hoặc thuê doanh nghiệp Việt Nam thực hiện trong trường hợp hàng hoá quá cảnh bằng đường bộ. Trong trường hợp hàng hoá quá cảnh bằng đường thuỷ thì chủ hàng quá cảnh Campuchia được phép tự vận chuyển và làm thủ tục quá cảnh hoặc thuê doanh nghiệp Việt Nam, hoặc doanh nghiệp nước thứ ba thực hiện.

4. Chủ hàng quá cảnh Campuchia hoặc người chuyên chở phải xuất trình cho Hải quan cửa khẩu Việt Nam các văn bản sau:

4.1- Các chứng từ hàng hoá có liên quan theo quy định của Tổng cục Hải quan.

4.2- Giấy phép Quá cảnh và/ hoặc văn bản gia hạn Giấy phép Quá cảnh của Bộ Thương mại (trường hợp quá cảnh theo giấy phép).

4.3- Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam - Campuchia do cơ quan có thẩm quyền ngành giao thông vận tải cấp (nếu có).

4.4- Văn bản của Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố cho phép lưu kho, lưu bãi trên 30 ngày, thay đổi phương tiện vận chuyển hoặc thay đổi bao bì hàng hoá (nếu có); văn bản cho phép gia hạn quá cảnh (nếu có).

4.5- Trường hợp chủ hàng quá cảnh Campuchia thuê doanh nghiệp Việt Nam hoặc doanh nghiệp nước thứ ba làm dịch vụ vận chuyển hàng quá cảnh thì ngoài các hồ sơ nêu tại điểm 4.1, 4.2, 4.3, 4.4 nói trên, doanh nghiệp Việt Nam hoặc doanh nghiệp nước thứ ba phải xuất trình thêm cho cơ quan Hải quan hợp đồng vận chuyển hàng hoá quá cảnh ký với chủ hàng quá cảnh Campuchia hoặc đại lý giao nhận được chủ hàng quá cảnh Campuchia uỷ nhiệm.

5. Các phương tiện vận tải của Việt Nam, Campuchia hoặc nước thứ ba tham gia vận chuyển hàng hoá quá cảnh bằng đường bộ, đường thuỷ đều phải tuân thủ Hiệp định Vận tải đường bộ ký ngày 01/6/1998 và Hiệp định Vận tải đường thuỷ ký ngày 13/12/1998 giữa Chính phủ Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia và các quy định khác có liên quan của Việt Nam.

IV. NHỮNG QUY ĐỊNH KHÁC

1. Việc thay đổi tuyến đường vận chuyển hoặc cửa khẩu xuất, nhập hàng hoá quá cảnh sẽ do Bộ Thương mại xem xét giải quyết (nếu là hàng quá cảnh theo giấy phép) hoặc do Cục Hải quan tỉnh, thành phố đang giám sát lô hàng xem xét giải quyết (nếu là hàng quá cảnh thông thường) trên cơ sở văn bản đề nghị của chủ hàng quá cảnh Campuchia.

2. Trong quá trình vận chuyển, lưu kho trên lãnh thổ Việt Nam nếu hàng hoá quá cảnh có sự cố (đổ vỡ, mất mát, hư hỏng...) thì chủ hàng quá cảnh Campuchia (hoặc doanh nghiệp vận chuyển) phải kịp thời thông báo cho Hải quan (nơi nào không có Hải quan thì thông báo cho chính quyền địa phương nơi gần nhất từ cấp xã trở lên) nơi xảy ra sự cố lập biên bản xác nhận tình trạng hàng hoá. Biên bản xác nhận sự cố là cơ sở để Hải quan cửa khẩu xuất hàng làm thủ tục xuất khẩu cho lô hàng.

3. Tranh chấp phát sinh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và chủ hàng quá cảnh Campuchia trong quá trình thực hiện hợp đồng vận chuyển hàng quá cảnh sẽ do các bên giải quyết thông qua thương lượng. Nếu thương lượng không đạt được kết quả thì tranh chấp sẽ do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam giải quyết.

4. Việc thanh toán lệ phí và chi phí phát sinh từ hoạt động quá cảnh sẽ được thực hiện phù hợp với các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thanh toán các dịch vụ với nước ngoài và các văn bản có liên quan của Nhà nước Việt Nam.

5. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Quy chế này sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành của Việt Nam.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1732/2000/QĐ-BTM về Quy chế về hàng hoá của Vương quốc Campuchia quá cảnh lãnh thổ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành

  • Số hiệu: 1732/2000/QĐ-BTM
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/12/2000
  • Nơi ban hành: Bộ Thương mại
  • Người ký: Vũ Khoan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 5
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản