Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 73/TB-BGTVT

Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2022

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI NGUYỄN VĂN THỂ TẠI CUỘC HỌP TRỰC TUYẾN CHUẨN BỊ ĐẦU TƯ DỰ ÁN XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC BẮC- NAM PHÍA ĐÔNG GIAI ĐOẠN 2021-2025

Ngày 21 tháng 02 năm 2022, tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp chuẩn bị đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm; Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị: Văn phòng Bộ, các Vụ: Đối tác công - tư, Kế hoạch - đầu tư, Kết cấu hạ tầng giao thông, Khoa học - công nghệ, Tài chính, Pháp chế; Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Cục QLXD), Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT; các Ban Quản ý dự án: 2, 6, 7, 85, Thăng Long, đường Hồ Chí Minh, Mỹ Thuận; Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT (TEDI).

Sau khi nghe Cục QLXD báo cáo chung về tình hình chuẩn bị đầu tư Dự án, Giám đốc các Ban QLDA báo cáo cụ thể về về tình hình thực hiện từng dự án thành phần, ý kiến của các đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm và ý kiến của các thành viên dự họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kết luận như sau:

1. Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là dự án) được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022. Chính phủ đã có Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 triển khai Nghị quyết 44/2022/QH15, chỉ đạo Bộ GTVT tập trung, quyết liệt triển khai, hoàn chỉnh các thủ tục để phê duyệt dự án đầu tư trước ngày 30/6/2022, khởi công trong năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025. Bộ GTVT đã có văn bản chỉ đạo các Ban QLDA xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết theo tiến độ yêu cầu theo tiến độ tổng thể: (i) Bàn giao cọc GPMB làm 3 đợt cho các địa phương từ ngày 15/3/2022 đến 30/6/2022; (ii) Phê duyệt BCNCKT từ ngày 30/5/2022 đến 30/6/2022, khởi công từ ngày 30/11/2022 - 31/12/2022.

2. Về việc tổ chức lập, hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng; xác định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của dự án phải đáp ứng tiến độ gửi Bộ TN&MT trước ngày 10/4/2022, Bộ TN&MT tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 20/4/2022. Giao Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm chủ trì họp với các Ban QLDA và các đơn vị có liên quan để rà soát tình hình thực hiện, giải quyết các khó khăn vướng mắc, đáp ứng tiến độ yêu cầu.

3. Đối với một số nội dung vướng mắc trong hồ sơ báo cáo NCKT

Trên cơ sở thực tiễn triển khai Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, để khắc phục một số tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện, thống nhất định hướng một số giải pháp thiết kế cho các các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 như sau:

3.1. Đường gom, hầm chui dân sinh, cầu vượt ngang:

- Đường gom là đường kết nối dân sinh, thống nhất quy mô theo đường giao thông nông thôn loại A hoặc loại B tùy theo nhu cầu; riêng đối với một số đoạn kết nối khu đông dân cư xem xét quy mô lưu thông 02 làn xe cơ giới; tư vấn nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn quy mô phù hợp. Nếu đường cao tốc đi trùng đường địa phương thì hoàn trả theo quy mô tương đương đường hiện hữu (kết hợp làm đường gom), nếu đường hoàn trả kết nối trực tiếp với các quốc lộ và trùng với quy hoạch của địa phương thì có thể xem xét theo quy hoạch của địa phương, nhưng quy mô không vượt quá 02 làn xe cơ giới, tư vấn nghiên cứu, phân tích, luận chứng nhu cầu vận tải lựa chọn quy mô phù hợp.

- Hầm chui dân sinh, cầu vượt ngang: Tư vấn nghiên cứu tổng thể kết nối giao thông khu vực để luận chứng, lựa chọn vị trí, quy mô cho từng hầm chui đảm bảo phù hợp. Nếu khu vực lân cận đã có cầu vượt thì không sử dụng hầm chui có tĩnh không lớn; các hầm chui có quy mô lớn, tư vấn phân tích, so sánh kinh tế - kỹ thuật với phương án cầu vượt để lựa chọn giải pháp phù hợp.

- Quy mô cầu vượt ngang cơ bản theo quy mô đường hiện hữu; trường hợp địa phương đã có quy hoạch mở rộng đường ngang nhưng phần mở rộng không đủ để xây dựng thêm 01 đơn nguyên cầu mới thì có thể xem xét xây dựng cầu vượt ngang theo quy mô quy hoạch. Trường hợp quy hoạch của địa phương là đường mới nhưng chưa được đầu tư thì không xem xét xây dựng cầu vượt trong Dự án đường bộ cao tốc (khi xây dựng đường ngang, địa phương đầu tư cầu vượt qua đường cao tốc).

Trong quá trình thỏa thuận, trường hợp địa phương có ý kiến đề nghị xây dựng đường gom, hầm chui dân sinh, cầu vượt ngang với quy mô lớn hơn các nguyên tắc nêu trên, yêu cầu các Ban QLDA liên quan khẩn trương làm việc với địa phương để thống nhất lại. Trường hợp cần thiết, Ban QLDA báo cáo lại Thứ trưởng phụ trách để làm việc với Tỉnh.

3.2. Nút giao: Thiết kế chỗ giao nhau trên đường cao tốc đảm bảo tuân thủ Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5729:2012; nguyên tắc chung là các cầu vượt ngang vượt trên đường bộ cao tốc; ngoại trừ các trường hợp có tính chất đặc thù đường cao tốc vượt, tư vấn nghiên cứu, phân tích, tính toán, luận chứng lựa chọn giải pháp phù hợp. Trong mọi trường hợp đều phải có tính toán năng lực thông thành làm cơ sở thiết kế nút giao.

3.3. Về vị trí dừng xe khẩn cấp

- Chiều rộng vị trí dừng xe khẩn cấp các dự án thành phần trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 có bề rộng mặt đường là 2,0m và 0,75m lề đất, thống nhất điều chỉnh phù hợp với quy định tại TCVN 5729-2012 (chiều rộng mặt đường 2,5m + 0,75m lề đất, trường hợp khó khăn, chiều rộng mặt đường có thể giảm bớt 0,5m nhưng lề đường trồng cỏ phải tăng lên thành 1,0m); Với các dự án thành phần trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, giao Cục QLXD tham mưu Bộ văn bản chỉ đạo các Ban QLDA, nhà đầu tư điều chỉnh cho phù hợp với giải pháp trên.

- Về khoảng cách bố trí vị trí dừng xe khẩn cấp, thống nhất nguyên tắc bố trí với khoảng cách khoảng 4-5km/vị trí (nên bố trí kết hợp tại các vị trí hầm chui dân sinh, các vị trí cống hộp thoát nước khẩu độ lớn... để tận dụng khi mở rộng theo quy mô quy hoạch).

3.4. Về thiết kế thoát nước mặt đường một mái

Tại các đoạn thiết kế mặt đường một mái (đoạn đường cong bố trí siêu cao), yêu cầu tư vấn tính toán lượng mưa, khả năng thoát nước mặt, trường hợp không đảm bảo phải bố trí hệ thống thoát nước tại dải phân cách giữa, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

3.5 Về giải pháp thiết kế công trình tại các khu vực có nền đất yếu, ngập lụt

- Với các cầu khu vực có nền đất yếu, tư vấn nghiên cứu các giải pháp sử dụng kết cấu công trình để giảm chiều cao đắp đường đầu cầu, rút ngắn thời gian thi công, so sánh kinh tế - kỹ thuật để lựa chọn phương án tối ưu.

- Với các khu vực ngập lụt, tư vấn khảo sát, tính toán khẩu độ và bố trí đầy đủ công trình thoát nước đảm bảo yêu cầu thoát lũ.

3.6. Về trạm dừng nghỉ

- Trong dự án hoạch định vị trí trạm dừng nghỉ, thiết kế tổng mặt bằng, đảm bảo các chức năng cơ bản (bãi đỗ xe, khu vệ sinh, cung cấp nhiên liệu, khu dịch vụ, đường kết nối với cao tốc), tính kinh phí GPMB trong tổng mức đầu tư dự án, phần xây dựng trạm dừng nghỉ (bảo đảm các chức năng cơ bản nêu trên) do nhà đầu tư tự thực hiện không tính vào TMĐT.

- Giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông thẩm định, xác định vị trí, quy mô xây dựng trạm dừng nghỉ trên cơ sở đảm bảo chức năng cơ bản để xác định phạm vi, kinh phí GPMB.

3.7. Về việc thiết kế hệ thống giao thông thông minh (ITS)

- Giao Ban QLDA 6 tổ chức lập thiết kế cơ sở, tính toán chi phí của hệ thống ITS và thu phí của toàn bộ 12 dự án thành phần giai đoạn 2021 - 2025 để đảm bảo tính thống nhất, kết nối và hiệu quả. Sau khi hoàn thành, Ban 6 tách hồ sơ TKCS, chi phí theo từng dự án thành phần và bàn giao cho các Ban QLDA để tổng hợp vào các dự án thành phần.

- Về trung tâm điều hành tuyến: Thống nhất nguyên tắc mỗi dự án xây dựng 01 trung tâm điều hành tuyến (trường hợp các dự án có chiều dài ngắn có thể nghiên cứu kết hợp với các dự án liền kề) trên cơ sở kết hợp các chức năng như điều hành thu giá dịch vụ, quản lý vận hành đường cao tốc, vận hành hầm (nếu có)... Quy mô trung tâm điều hành tuyến phải xác định trên cơ sở chức năng nêu trên và phụ thuộc vào quy mô mỗi dự án.

- Cục QLXD&CLCTGT chủ trì, phối hợp với Vụ KH&CN hướng dẫn, chỉ đạo các Ban QLDA, tư vấn trong quá trình lập hồ sơ thiết kế hệ thống giao thông thông minh (ITS) và hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC), đảm bảo tính thống nhất, kết nối liên thông trên toàn Dự án.

3.8. Về việc bàn giao cho địa phương quản lý khai thác một số hạng mục công trình: Sau khi hoàn thành việc xây dựng, được cấp có thẩm quyền nghiệm thu sẽ bàn giao toàn bộ hệ thống đường gom, cầu vượt ngang và hầm chui dân sinh cho địa phương quản lý khai thác. Giao Tổng cục ĐBVN rà soát, cập nhật nội dung này vào các quy định liên quan để triển khai thực hiện.

4. Các nội dung khác:

4.1. Giao Cục QLXD:

- Tham mưu Bộ GTVT văn bản gửi UBND các tỉnh có tuyến đi qua về việc triển khai Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 của Chính phủ về dự án và văn bản Bộ chỉ đạo các cơ quan đơn vị thuộc Bộ trong việc tổ chức thực hiện triển khai Nghị quyết 18/NQ-CP.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan chỉ đạo Ban QLDA6 hoàn chỉnh hồ sơ định hướng một số nguyên tắc và giải pháp thiết kế lập báo cáo NCKT, cập nhật các nội dung đã nêu tại mục 3 nêu trên vào hồ sơ định hướng, hoàn thành trong tháng 02/2022.

4.2. Giao Vụ Kế hoạch - đầu tư phối hợp với các cơ quan có liên quan của Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính để bố trí vốn thực hiện dự án.

4.3. Giao Vụ Khoa học - công nghệ khẩn trương tham mưu trình Lãnh đạo Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị có liên quan trong Bộ chuyển đổi, sửa đổi, các Tiêu chuẩn Ngành, các Quyết định hướng dẫn thiết kế kỹ thuật để tuân thủ theo quy định hiện hành và hướng dẫn các Ban QLDA, đơn vị tư vấn lập khung tiêu chuẩn; tham mưu trình Bộ phê duyệt danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho dự án đảm bảo tuân thủ theo quy định.

4.4. Giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông rà soát Thông tư số 90/2014/TT- BGTVT, trường hợp cần thiết điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn đầu tư phân kỳ các tuyến đường cao tốc (chưa đầu tư hệ thống ITS), đáp ứng đủ điều kiện cho công tác nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng.

4.5. Giao Vụ Môi trường: Chủ trì, chỉ đạo các Ban QLDA khẩn trương hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường cho từng dự án thành phần trước ngày 18/4/2022; Phối hợp với các cơ quan liên quan của Bộ TN&MT trường trong quá trình thẩm định, quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM cho từng dự án trước ngày 15/5/2022.

4.6. Các Ban QLDA được giao nhiệm vụ chủ đầu tư, đơn vị tư vấn lập báo cáo NCKT chịu trách nhiệm trước pháp luật về các số liệu và nội dung báo cáo NCKT các dự án; kiểm soát chặt chẽ tiến độ lập dự án đầu tư, chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương điều chỉnh, bổ sung nhân sự, thiết bị trong trường hợp chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra; đặc biệt bám sát các mốc tiến độ thực hiện dự án đã cam kết.

Thừa lệnh Bộ trưởng, Văn phòng Bộ GTVT thông báo tới các đơn vị cơ quan liên quan triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để b/c);
- Các đơn vị tham gia dự họp;
- Vụ Môi trường;
- Lưu: VT, TH

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Nguyễn Trí Đức

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 73/TB-BGTVT năm 2022 về kết luận của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp trực tuyến chuẩn bị đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 73/TB-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 26/02/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Nguyễn Trí Đức
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/02/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản