Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 423/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2019

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VŨ ĐỨC ĐAM TẠI CUỘC HỌP HỘI ĐỒNG QUỐC GIA VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÀ NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH

Ngày 06 tháng 12 năm 2019, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đã chủ trì cuộc họp Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh (sau đây viết tắt là Hội đồng). Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan là Thành viên Hội đồng: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Lao động -Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Ngoại giao, Công Thương, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, Văn phòng Chính phủ; đại diện các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa; một số chuyên gia.

Hội đồng đã nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về Dự thảo Nghị quyết số 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2020.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các Thành viên Hội đồng và đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng kết luận như sau:

1. Về Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020:

Trong các năm qua, nhất là trong 3 năm gần đây, việc xây dựng, triển khai các Nghị quyết số 19 và số 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã tạo nhiều chuyển biến tích cực, quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2020, vẫn cần có Nghị quyết nhằm tiếp tục các nỗ lực cải cách, trong đó cần xác định những giải pháp, nhiệm vụ rất thiết thực, cụ thể nhất là tại những lĩnh vực, hoạt động còn nhiều dư địa cải cách (như về hóa đơn doanh nghiệp, thuế môn bài, điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành...), nhằm tạo những chuyển biến thực chất trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đối với các vướng mắc từ các luật, cũng cần thiết có tổng hợp, đánh giá và kiến nghị Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉnh sửa.

Đề nghị các Thành viên Hội đồng tham gia góp ý Dự thảo Nghị quyết, gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15 tháng 12 năm 2019 để nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh Dự thảo Nghị quyết, bảo đảm tiến độ trình Chính phủ xem xét, thông qua tại Phiên họp thường kỳ tháng 12 năm 2019.

2. Về Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các bộ, cơ quan, địa phương để hoàn chỉnh Dự thảo Nghị quyết; các nhiệm vụ, giải pháp đề ra phải cụ thể, thiết thực; chưa cần trình Chính phủ tháng 01 năm 2020. Trường hợp xét thấy cần thiết, Bộ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

3. Về việc Hội đồng đánh giá độc lập về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 02: Hiện chưa làm được, tới đây phải triển khai làm thật cụ thể, xác đáng. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện nhiệm vụ này, báo cáo kết quả cho Chủ tịch Hội đồng.

4. Đồng ý việc thành lập nhóm chuyên gia giúp việc Hội đồng với thành phần gọn nhẹ (5-7 người), có nhiệm vụ giúp việc Chủ tịch Hội đồng và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan liên quan thực hiện việc đánh giá độc lập về Nghị quyết 02.

Chủ tịch Ủy ban chuyên môn thuộc Hội đồng chủ động thành lập nhóm chuyên gia giúp việc Chủ tịch.

5. Các Ủy ban chuyên môn đề xuất danh mục nhiệm vụ, chuyên đề nghiên cứu của Ủy ban trong năm 2020 và thông báo cho Văn phòng Chính phủ trước ngày 25 tháng 12 năm 2019, bảo đảm khả thi, thiết thực; đã đăng ký là tập trung thực hiện và hoàn thành đúng thời hạn, có chất lượng.

6. Về tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững năm 2020: Trong năm 2020, sẽ chỉ tổ chức 01 Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững. Hội đồng sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị, đây là việc chung của Hội đồng, có sự tham gia của các Bộ, cơ quan liên quan.

7. Các Bộ, cơ quan có Thành viên Hội đồng thông báo sự thay đổi về nhân sự tham gia Hội đồng (nếu có) cho Văn phòng Chính phủ tổng hợp, thông báo đến các Thành viên Hội đồng để thuận tiện trong quan hệ công tác, phối hợp.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các thành viên Hội đồng, các bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTTg Chính phủ (để b/c);
- Các Bộ. CQ: KHĐT, TNMT, KHCN, YT, LĐTBXH, GDĐT, NG, TC, CT, NNPTNT, TTTT, VHTTDL, XD, GTVT, UBDT, VHLKHXHVN, VHLKHCNVN;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp VN;
- Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Các thành viên HĐQG về PTBV&NCNLC;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ, Cục: KTTH, CN, NN, QHQT, TCCV, KSTT, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KGVX (3) Q.

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Mai Tiến Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 423/TB-VPCP năm 2019 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 423/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 12/12/2019
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Mai Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản