Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 402/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2016

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRỊNH ĐÌNH DŨNG TẠI CUỘC HỌP VỀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI CỦA THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG VÀ THỰC HIỆN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CẢNG BIỂN KHU VỰC HẢI PHÒNG

Ngày 04 tháng 11 năm 2016, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra hoạt động quản lý đầu tư, khai thác các cảng biển khu vực Hải Phòng, Khu bến cảng Lạch Huyện và làm việc với Lãnh đạo thành phố Hải Phòng về phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Tham gia đoàn công tác của Phó Thủ tướng có đại diện Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Giao thông vận tải, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quốc phòng và Văn phòng Chính phủ, thành phố Hải Phòng và Cục Hàng hải Việt Nam.

Sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng báo cáo kết quả kinh tế - xã hội 10 tháng, phương hướng, nhiệm vụ cuối năm 2016 và một số kiến nghị của thành phố; Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải báo cáo về tình hình hoạt động quản lý đầu tư, khai thác các cảng biển khu vực Hải Phòng nói chung, Khu bến cảng Lạch Huyện nói riêng, ý kiến phát biểu của đồng chí Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đại diện Lãnh đạo các Bộ và Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Tổng công ty hàng hải Việt Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ, NHẬN ĐỊNH CHUNG

1. Về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Hải Phòng

Trong điều kiện khó khăn chung, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Hải Phòng đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt được nhiều thành tựu trong 10 tháng đầu năm 2016. Kinh tế thành phố đạt kết quả khá toàn diện, tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước; công nghiệp, xây dựng tăng 16,56%; sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển đạt 64 triệu tấn, tăng 13,91%; kim ngạch xuất khẩu đạt 4,28 tỷ USD, tăng 19,72%; tổng thu ngân sách thu nội địa tăng 37,2%. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 2,75 tỷ USD, lần đầu tiên dẫn đầu cả nước. Chủ đề năm 2016 của thành phố “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách - cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh” là chủ trương phù hợp, sát thực tế và đạt kết quả tốt. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục và chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được quan tâm, chú trọng và đạt kết quả khá; đời sống nhân dân được cải thiện. Công tác cải cách hành chính 03 năm liền (các năm: 2013, 2014 và 2015) xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, phòng, chống tham nhũng tiếp tục được tăng cường, chấn chỉnh; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

2. Về tình hình quản lý đầu tư, khai thác các bến cảng biển khu vực Hải Phòng và Khu bến cảng Lạch Huyện

Hệ thống các cảng biển nói chung và các bến cảng khu vực Hải Phòng nói riêng trong thời gian qua đã có bước phát triển quan trọng, góp phần phát triển giao thông vận tải của cả nước. Cùng với các công trình đường sắt, đường cao tốc, cảng biển ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vận chuyển, chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Một số cảng biển đã được đầu tư hiện đại, trong đó các cảng biển khu vực Hải Phòng được đầu tư nhanh, có tốc độ tăng trưởng khá cao, năng lực bốc dỡ hàng hóa được cải thiện với công nghệ bốc dỡ hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, hệ thống cảng biển Việt Nam nói chung và cảng biển khu vực Hải Phòng nói riêng còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục, như: Quy hoạch phát triển cảng biển tuy đã có những điều chỉnh nhưng chưa thống nhất, thiếu đồng bộ, chất lượng công tác quy hoạch chi tiết còn hạn chế; việc đầu tư tại một số khu vực chưa phù hợp với quy hoạch phát triển, đặc biệt việc đầu tư còn phân tán; kết nối giao thông, kết nối các phương thức vận tải chưa đồng bộ.

Việc quản lý điều hành bốc dỡ hàng hóa chưa hiệu quả; năng lực dịch vụ logistics còn hạn chế. Do vốn đầu tư còn nhỏ, các doanh nghiệp vận tải chủ yếu làm đại lý cho các doanh nghiệp lớn của thế giới, do đó, chưa khai thác hết tiềm năng vận tải biển của đất nước.

Để khắc phục tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; trong đó hệ thống cảng biển được phân chia thành 6 nhóm cảng biển và 3 loại cảng biển; tập trung đầu tư cảng cửa ngõ quốc tế, gồm Hải Phòng và Cái Mép - Thị Vải để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đảm bảo phục vụ các tàu trọng tải lớn và đảm bảo vai trò trung chuyển hàng container quốc tế.

Phó Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Giao thông vận tải, thành phố Hải Phòng, các cơ quan quản lý đầu tư, Cảng Hải Phòng đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển các cảng biển khu vực Hải Phòng và quy hoạch chi tiết Khu bến cảng Lạch Huyện. Cảng Hải Phòng đã phát huy truyền thống lịch sử của thành phố Hải Phòng, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, là đơn vị chủ lực của Tổng công ty hàng hải Việt Nam, giải quyết nhiều lao động, việc làm cho người lao động.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

1. Trong thời gian tới, thành phố Hải Phòng cần bám sát các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế; năng động, sáng tạo thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn tới, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2016.

Thành phố cần lưu ý đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm của thành phố; có các biện pháp, cơ chế chính sách cụ thể để hỗ trợ, thảo gỡ khó khăn cho doanh; nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; tập trung giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, quản lý đất đai; tiếp tục làm tốt công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư; đồng thời tiếp tục chăm lo đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

2. Để đạt được mục tiêu phát triển hệ thống cảng biển quốc gia nói chung, cảng biển khu vực Hải Phòng nói riêng, các bộ, ngành cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

a) Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tập trung thực hiện việc đầu tư Khu bến cảng Lạch Huyện cùng với các khu bến cảng khác trong khu vực Hải Phòng đảm bảo tiến độ, có kỹ thuật, công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và khu vực.

b) Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng có kế hoạch di dời cảng phù hợp quy hoạch, trong đó xây dựng lộ trình cụ thể và cơ chế, chính sách để thực hiện việc di dời cảng biển.

c) Bộ Giao thông vận tải có kế hoạch đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kết nối, đặc biệt khu vực sau cảng, như: khu dịch vụ logistics, đường giao thông gồm các phương thức vận tải đường sắt, đường thủy nội địa...; nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo sự cạnh tranh quốc tế.

d) Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy việc dịch chuyển cơ cấu hàng hóa, quy hoạch cơ cấu đầu tư, khai thác cảng hợp lý; đảm bảo cân đối giữa nhu cầu và năng lực bốc dỡ hàng tổng hợp và hàng công-ten- nơ để đảm bảo khai thác có hiệu quả nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng biển tại các khu vực cảng biển trong phạm vi cả nước.

đ) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện các cơ chế về phí, lệ phí, giá dịch vụ cảng biển, các quy định về hải quan, thuế.

e) Về Ban quản lý khai thác cảng biển: Bộ Giao thông vận tải tổ chức nghiên cứu, xây dựng mô hình Ban quản lý đầu tư và khai thác cảng biển theo hướng đơn giản hóa và giao cho các địa phương thực hiện; Bộ Giao thông vận tải tập trung, tăng cường công tác quản lý nhà nước. Ban quản lý đầu tư và khai thác cảng biển cần được tổ chức với chức năng, nhiệm vụ tương tự như Ban quản lý khu kinh tế và phù hợp với quy định của Bộ luật hàng hải Việt Nam. Ban này phải đóng vai trò điều hành chung, quản lý đầu tư phát triển bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch; đồng thời, quản lý khai thác cảng đảm bảo hiệu quả. Các cơ quan quản lý nhà nước tập trung tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra.

III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

1. Về việc đầu tư các bến cảng tiếp theo của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Khu bến cảng Lạch Huyện): Giao Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan đề xuất phương án lựa chọn nhà đầu tư và thực hiện công tác đầu tư xây dựng và kinh doanh, khai thác, bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố Hải Phòng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các địa phương khu vực phía Bắc; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 01 năm 2017.

2. Về việc di dời các bến cảng khu vực Hoàng Diệu - Lê Thánh Tông để xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Nguyễn Trãi: Đồng ý với đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng; giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch di dời các cảng biển khu vực Hải Phòng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Trước mắt, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng thống nhất với Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng tạo điều kiện để đơn vị được thành phố chỉ định triển khai công tác khảo sát, chuẩn bị đầu tư trong mặt bằng cảng khu vực Hoàng Diệu, bảo đảm an toàn và không ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của Cảng.

3. Về việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng được tham gia hợp tác đầu tư tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện: Đồng ý về nguyên tắc, các doanh nghiệp liên quan xây dựng phương án cụ thể về đầu tư Khu bến cảng Lạch Huyện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

4. Về việc đẩy nhanh tiến độ Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và tuyến đường sắt đến Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng: Giao Bộ Giao thông vận tải xem xét cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng và các cơ quan, đơn vị liên quan biết, thực hiện.

 


Nơi nhận:
- TTg; các PTTg;
- Các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường;
- Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng;
- Cục Hàng hải Việt Nam;
- Các Tổng công ty: Hàng hải Việt Nam, Tân cảng Sài Gòn;
- Tập đoàn Vingroup;
- Các Công ty: Cổ phần Cảng Hải Phòng, TNHH Cảng container quốc tế Hải Phòng- HICT;
- Các Hiệp hội: Cảng biển, chủ tàu, chủ hàng Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm, các Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, TH. V.III, NC, V.I, TKBT;
- Lưu: VT, KTN (3). Hiền.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Cao Lục

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 402/TB-VPCP năm 2016 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc học về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng và thực hiện quy hoạch phát triển cảng biển khu vực Hải Phòng do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 402/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 12/12/2016
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Cao Lục
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/12/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản