Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 396/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 21 tháng 8 năm 2024 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN HỒNG HÀ TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN VỚI CÁC ĐỊA PHƯƠNG VỀ VIỆC BAN HÀNH BỔ SUNG, CẬP NHẬT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC QUỐC GIA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
Ngày 14 tháng 8 năm 2024, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với địa phương về việc ban hành bổ sung, cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đại diện Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và đại diện các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Viện Năng lượng. Tại điểm cầu của các địa phương có các đồng chí đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan tại địa phương. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Công Thương báo cáo tóm tắt các nội dung bổ sung, cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, ý kiến phát biểu của các địa phương, các Bộ, ngành tại Hội nghị, ý kiến bổ sung thêm của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã kết luận như sau:
1. Việc ban hành bổ sung, cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là hết sức cần thiết, bảo đảm tính tổng thể, khả thi, hiệu quả và đồng bộ với Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo báo cáo của các địa phương tại Hội nghị cho thấy về thông tin và số liệu của các địa phương đã cơ bản gửi đầy đủ đến Bộ Công Thương, tuy nhiên một số địa phương còn kiến nghị về việc bổ sung dự án điện gió, pin tích trữ điện mặt trời; nâng công suất dự án điện rác, sinh khối… của các địa phương như: Ủy ban nhân dân các tỉnh: Thái Nguyên, Khánh Hòa, Kon Tum, An Giang, Bình Dương… Một số dự án liên quan đến kết luận thanh tra, điều tra chưa được các địa phương và Bộ Công Thương phối hợp rà soát kỹ để xử lý.
2. Để sớm hoàn thiện bổ sung, cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII làm căn cứ triển khai các dự án điện, kịp thời đáp ứng và bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương, các cơ quan liên quan và các địa phương thực hiện:
(i) Các tỉnh: Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu khẩn trương rà soát, bổ sung các thông tin, tài liệu liên quan đối với 07 Dự án điện gió trong việc khắc phục những vi phạm do Thanh tra Chính phủ nêu, phù hợp với 9 tiêu chí của Bộ Công Thương, trên cơ sở đó gửi Bộ Công Thương trước ngày 25 tháng 8 năm 2024 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
(ii) Đề nghị Bộ Công an rà soát kỹ danh sách 154 dự án điện mặt trời do Thanh tra Chính phủ chuyển, có phân tích, đánh giá, tiêu chí phân loại dự án theo tiêu chí vi phạm: đối với các dự án không có vi phạm pháp luật về hình sự hoặc các dự án có sai phạm nhưng có thể khắc phục được để tiếp tục triển khai, xem xét, nghiên cứu đề xuất xử lý tránh lãng phí tài sản của nhà nước, doanh nghiệp, người dân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 8 năm 2024.
(iii) Giao Bộ Công Thương:
- Phối hợp với Bộ Công an để rà soát kỹ 154 dự án điện mặt trời, trong đó có phân loại những dự án vướng mắc về mặt pháp lý, dự án có vướng mắc về pháp lý nhưng có thể khắc phục được những vi phạm, sai phạm theo kết luận của thanh tra, kiểm tra, điều tra và phù hợp với 9 tiêu chí thì xem xét, nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định pháp luật.
- Đối với các dự án điện gió và thủy điện nhỏ (trong kết luận 1027/KL-TTCP): Phối hợp với Thanh tra Chính phủ tiếp tục rà soát kỹ, trường hợp không có vướng mắc hay vi phạm về mặt pháp lý mà chỉ được nêu tên trong kết luận là triển khai chậm do các yếu tố khách quan (như công tác đền bù triển khai chậm…), hoặc đã và đang khắc phục những vi phạm, sai phạm theo kết luận thanh tra và có tài liệu gửi Bộ Công Thương về những vấn đề đã được khắc phục thì tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét theo đúng quy định pháp luật, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.
- Chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát các dự án điện mặt trời, điện gió có hệ thống pin lưu trữ, điện rác, điện sinh khối... xem xét tổng hợp, đề xuất bổ sung theo đúng quy định các dự án đầy đủ tiêu chí, phù hợp với quy mô công suất đã phân bổ cho các địa phương, bảo đảm tính khả thi.
- Rà soát, xử lý kiến nghị của: Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về phương án đấu nối; Dự án điện Công Thanh (chuyển đổi nhiên liệu từ than sang LNG) đảm bảo phù hợp với Quy hoạch được duyệt; Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam về cập nhật lại thông tin, số liệu (loại bỏ 2 dự án đã triển khai, bổ sung 3 dự án mới và tăng công suất 0,7 MW); Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về di dời nhà máy nhiệt điện ra khỏi Thành phố;
- Đối với các dự án nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các dự án điện nằm trên khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, trường hợp các dự án điện nằm trên khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia được Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận phù hợp với thời gian dự trữ khoáng sản và các quy định pháp luật có liên quan thì xem xét, đề xuất tiếp tục được triển khai theo đúng quy định pháp luật.
- Đối với các dự án điện gió chồng lấn với khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản: Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan đề xuất hướng xử lý bảo đảm theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm hài hoà lợi ích phát triển của địa phương, các doanh nghiệp, nhà đầu tư có liên quan.
- Về việc điều chuyển quy mô công suất điện sinh khối còn dư thừa của khu vực Nam Bộ (tỉnh An Giang): Nghiên cứu đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang và căn cứ Quy hoạch được duyệt, các tiêu chí do Bộ đã ban hành rà soát, báo cáo rõ cơ sở đề xuất phân bổ chỉ tiêu công suất tại Quyết định 262/QĐ-TTg ngày 1 tháng 4 năm 2024, lý do, căn cứ điều chỉnh để có đề xuất cụ thể bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, công khai, minh bạch, không để tình trạng xin cho đối với từng dự án, từng địa phương.
- Về các dự án nguồn điện đề xuất mới sử dụng nhiệt dư, khí lò cao, các sản phẩm phụ của dây chuyền công nghệ trong các cơ sở công nghiệp: Theo chức năng nhiệm vụ được giao nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, cập nhật nguồn điện này vào Quy hoạch điện VIII trong kỳ quy hoạch tới trên cơ sở cân đối tổng thể nguồn, tình hình thực hiện, tiến độ triển khai các loại hình nguồn điện, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của Luật Quy hoạch và quy định pháp luật khác có liên quan.
- Rà soát quy định của pháp luật về quy hoạch, quy định của pháp luật có liên quan và chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, trước pháp luật về các nội dung đề xuất, kiến nghị về việc bổ sung, cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 27 tháng 8 năm 2024.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Công Thương, các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Thông báo 396/TB-VPCP năm 2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 396/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 21/08/2024
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Cao Huy
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra