Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 363/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2012

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO NHÀ NƯỚC VỀ KẾ HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG GIAI ĐOẠN 2011-2020

Ngày 23 tháng 10 năm 2012, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo để đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2012, chuẩn bị kế hoạch giai đoạn 2013-2015 và kế hoạch năm 2013. Tham dự cuộc họp có các đồng chí Thành viên Ban chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 (Ban chỉ đạo). Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo; ý kiến của các Thành viên Ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận như sau:

1. Về kết quả thực hiện Kế hoạch

Từ đầu năm đến nay, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2012; đã huy động được các tầng lớp nhân dân, thu hút các thành phần kinh tế, các tổ chức tham gia thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng nhằm đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cụ thể như sau:

- Đã kiện toàn thành lập Ban chỉ đạo, Văn phòng Ban chỉ đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương. Đến nay đã có 22 tỉnh kiện toàn thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh; Ban chỉ đạo Nhà nước đã Ban hành quy chế làm việc, cơ chế phối hợp giữa Ban chỉ đạo cấp Trung ương và Ban chỉ đạo cấp tỉnh; hướng dẫn, giao chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch năm 2012 cho các địa phương; hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trung hạn giai đoạn 2013 - 2015; tổ chức 4 đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện kế hoạch 9 tháng năm 2012 trên địa bàn 9 tỉnh thuộc 3 vùng Bắc, Trung, Nam;

- Về thực hiện chỉ tiêu kế hoạch: Khoán bảo vệ rừng được hơn 1.966.000 ha, đạt 98% kế hoạch, ước thực hiện năm 2012 là 2.000.000 ha, đạt 100% kế hoạch; khoanh nuôi tái sinh: 211.337 ha (trong đó có 192.340 ha chuyển tiếp), đạt 60% kế hoạch, ước thực hiện năm 2012 là 250.000 ha, đạt 74% kế hoạch; trồng rừng tập trung 137.000 ha, đạt gần 54% kế hoạch; trồng 35.760.000 cây phân tán, đạt 72% kế hoạch, ước thực hiện năm 2012 trồng 50.000.000 cây, đạt 100% kế hoạch; chăm sóc rừng 226.746 ha, đạt 64% kế hoạch.

- Về xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2013-2015: Từ báo cáo kế hoạch của các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổng hợp kế hoạch giai đoạn 2013-2015, hiện đang hoàn thiện để trình phê duyệt theo quy định.

Tuy vậy, việc thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2012 vẫn còn một số tồn tại chủ yếu như sau:

Chậm hướng dẫn thực hiện Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 về phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 (Quyết định số 57/QĐ-TTg) và các Quyết định có liên quan của Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng, trong đó có việc hướng dẫn cụ thể các địa phương thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2012 chưa kịp thời, dẫn đến tình trạng một số địa phương bố trí, sử dụng vốn được giao kế hoạch năm 2012 chưa chú trọng cho nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch là trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng, bố trí nhiều vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ nhà máy chế biến gỗ; việc cân đối, bố trí nguồn vốn để thực hiện các chính sách trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng chưa đáp ứng được yêu cầu; một số địa phương có nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng chưa chủ động bố trí nguồn vốn này cùng với nguồn vốn đầu tư phát triển được giao để thực hiện kế hoạch; việc tổng kết đánh giá dự án thí điểm điều tra, kiểm kê rừng tại hai tỉnh Bắc Kạn và Hà Tĩnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ chưa bảo đảm thời gian (yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là hoàn thành dự án và báo cáo trước ngày 30 tháng 6 năm 2012).

II. Một số nhiệm vụ trong thời gian tới

Để hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch năm 2012, chuẩn bị thực hiện kế hoạch năm 2013 và những năm tiếp theo, yêu cầu các Bộ, ngành địa phương khẩn trương thực hiện những nhiệm vụ sau:

1. Đối với các Bộ, ngành Trung ương

a) Các Bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo căn cứ nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 57/QĐ-TTg, Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo và các quyết định có liên quan của Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng, khẩn trương xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng cơ chế chính sách mới, nghiên cứu những chính sách cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quy định.

Tại kỳ họp Ban Chỉ đạo tiếp theo (lần thứ tư), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê cụ thể việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành là thành viên Ban chỉ đạo, báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

b) Một số nhiệm vụ cụ thể

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

+ Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính hoàn thành ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện Quyết định số 57/QĐ-TTg trước ngày 20 tháng 11 năm 2012 để phục vụ cho việc triển khai thực hiện kế hoạch năm 2013; khẩn trương hoàn thiện kế hoạch bảo vệ phát triển rừng năm 2013, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp chung, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

+ Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện dự án thí điểm điều tra, kiểm kê rừng tại hai tỉnh Bắc Kạn và Hà Tĩnh trước ngày 30 tháng 11 năm 2012.

+ Hoàn chỉnh lại Đề án quản lý khai thác rừng sản xuất là rừng tự nhiên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11 năm 2012, trong đó phân tích làm rõ ưu nhược điểm, tác động đến kinh tế, xã hội của từng phương án, gồm: Phương án 1: Tạm dừng khai thác gỗ rừng sản xuất là rừng tự nhiên trên địa bàn cả nước; Phương án 2: Đối với vùng Tây Nguyên cho phép Công ty Lâm nghiệp Đắk Tô, tỉnh Kon Tum (đã được cấp Chứng chỉ gỗ có kiểm soát và sẽ cấp Chứng chỉ rừng FSC quốc tế vào năm 2013) được khai thác sản lượng ổn định 8.000 m3/năm; đối với các địa phương còn lại, cho phép các công ty khai thác theo phương án điều chế rừng hoặc phương án quản lý rừng bền vững được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Riêng đối với khai thác rừng thông tự nhiên tại tỉnh Lâm Đồng, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 481/TTg-KTN ngày 11 tháng 4 năm 2012.

+ Về Đề án Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động Kiểm lâm giai đoạn 2012-2015: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, bổ sung hoàn chỉnh theo 2 phương án: Phương án 1: Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động Kiểm lâm giai đoạn 2012-2020; Phương án 2: Thành lập lực lượng Cảnh sát Lâm nghiệp (tương tự như lực lượng Cảnh sát Biển). Tại mỗi phương án cần phân tích làm rõ ưu nhược điểm, tính khả thi của từng phương án. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn gửi dự thảo Đề án lấy ý kiến các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương, tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong quý I năm 2013.

+ Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án Tổ chức quản lý bảo vệ và phát triển rừng Tây Nguyên trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng về công tác quản lý rừng hiện nay của các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, các công ty lâm nghiệp (lâm trường) đề xuất mô hình tổ chức phù hợp với tình hình hiện nay, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Trong đó cần lưu ý nội dung Đề án phải có sự kết hợp và kế thừa nội dung tổng kết thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2003 của Bộ Chính trị về “tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh” để có phương án tổ chức lại các ban quản lý rừng, lâm trường và có cơ chế chính sách bảo đảm sử dụng đất lâm nghiệp có hiệu quả kinh tế, xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

+ Dự thảo Thông tư hướng dẫn trồng rừng thay thế đối với các dự án khi chuyển mục đích sử dụng đất có rừng sang xây dựng công trình thủy điện, khai thác khoáng sản và các công trình xây dựng khác, gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, các địa phương theo quy định và ký ban hành theo thẩm quyền trong quý I năm 2013.

Việc trồng rừng thay thế phải quy định chặt chẽ theo hướng: Phải có phương án trồng rừng được duyệt bảo đảm tính khả thi thì mới được khởi công công trình; đối với những tỉnh không còn đất trồng rừng thay thế thì phải nộp số tiền theo dự án trồng rừng thay thế được duyệt về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng trung ương để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí cho tỉnh còn quỹ đất trồng rừng thay thế thực hiện.

Đối với các dự án đã chuyển mục đích sử dụng rừng từ khi Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng có hiệu lực mà đến nay chưa trồng rừng thay thế thì yêu cầu chủ đầu tư phải trồng lại rừng nếu địa phương đó còn quỹ đất, nếu không còn quỹ đất thì phải nộp tiền theo hướng xử lý nêu trên.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương tiến hành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tình hình thực hiện dự án trồng rừng thay thế tại các địa phương, báo cáo kết quả kiểm tra tại cuộc họp Ban chỉ đạo lần thứ tư và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

+ Khẩn trương tổ chức Hội nghị sơ kết việc chuyển mục đích sử dụng đất có rừng sang trồng cao su tại các tỉnh vùng Tây Nguyên và một số địa phương khác, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11 năm 2012.

+ Xây dựng Đề án rà soát diện tích rừng hiện nay trên địa bàn cả nước (sử dụng ảnh vệ tinh có độ phân giải cao), trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 01 năm 2013; Chủ trì tổ chức việc kiểm tra, khảo sát về hiện trạng rừng vùng Tây Nguyên (bằng máy bay) cho các thành viên Ban chỉ đạo trong tháng 12 năm 2012.

+ Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc sử dụng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng trong trường hợp các địa phương sử dụng chưa hết theo quy định thì cho phép thực hiện chi nội dung khác của kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng.

+ Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương khẩn trương tổng kết, đánh giá việc giao đất, giao rừng, giao khoán bảo vệ rừng, cho thuê môi trường rừng; việc quản lý, sử dụng rừng đúng mục đích đối với diện tích rừng và đất rừng được giao, được thuê; từ kết quả tổng kết, đánh giá đề xuất biện pháp giải quyết để phát huy hiệu quả của việc giao đất, giao rừng. Nghiên cứu, đề xuất biện pháp quản lý sử dụng đất và rừng bảo đảm hiệu quả đối với các trường hợp sử dụng rừng, đất rừng chưa đúng mục đích được giao, được thuê, được nhận khoán bảo vệ; diện tích rừng và đất rừng bị lấn chiếm, cho mượn; diện tích đất trước đây là rừng, là đất quy hoạch cho lâm nghiệp, hiện nay người dân đang sử dụng làm nương rẫy, trồng cây nông nghiệp và cây không phải mục đích lâm nghiệp.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2013-2015 trước 15 tháng 11 năm 2012 theo nguyên tắc: Xây dựng chỉ tiêu kế hoạch phải bảo đảm phù hợp với cân đối bố trí nguồn vốn thực hiện, bảo đảm tính khả thi của kế hoạch.

- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện nguồn vốn sự nghiệp kinh tế của Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng theo quy định tại Quyết định số 57/QĐ-TTg.

2. Đối với các địa phương

a) Những tỉnh chưa hoàn thành việc kiện toàn thành lập Ban chỉ đạo, Văn phòng Ban chỉ đạo cấp tỉnh cần khẩn trương thực hiện và hoàn thành trong năm 2012, báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cấp chính quyền, các chủ rừng trong việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đã được bố trí và thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình dự án khác trên địa bàn để thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, trong đó cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh việc trồng rừng nhằm đạt chỉ tiêu kế hoạch của năm 2012; chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2013.

c) Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, khai thác rừng trái pháp luật; huy động các lực lượng thường xuyên phát hiện và phòng cháy chữa cháy rừng kịp thời hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra; kiểm tra, giám sát việc trồng rừng thay thế đối với các dự án khi chuyển mục đích sử dụng đất có rừng sang xây dựng công trình thủy điện, khai thác khoáng sản và các công trình xây dựng khác, xử lý nghiêm đối với các sai phạm theo quy định.

d) Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương trong việc tham gia ý kiến vào nội dung các đề án, cơ chế chính sách liên quan đến công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, bảo đảm mỗi cơ chế chính sách được ban hành có tính khả thi, phù hợp với thực tế của địa phương.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan có liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Các thành viên BCĐ Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm, Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, ĐP, TKBT, KGVX, NC, TH,
- Lưu: VT, KTN (3)

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Văn Trọng Lý

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 363/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 363/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 31/10/2012
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Văn Trọng Lý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/10/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản