Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 24 tháng 01 năm 2017

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2016-2020

Ngày 10 tháng 01 năm 2017, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 (Ban Chỉ đạo). Tham dự có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Đào Ngọc Dung và các thành viên Ban Chỉ đạo, đại diện các Bộ, ngành Trung ương.

Sau khi nghe Lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư báo cáo kết quả thực hiện năm 2016, phương hướng nhiệm vụ năm 2017 của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ý kiến phát biểu của thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Năm 2016 là năm đầu tiên của giai đoạn 2 (2016-2020) thực hiện theo Nghị quyết 100/2015/QH13 của Quốc hội, năm có nhiều thiên tai (hạn hán, bão lụt, sự cố môi trường biển...), nhưng nhờ sự quan tâm sát sao, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với hệ thống khung pháp lý và các văn bản hướng dẫn được ban hành đã kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc của giai đoạn trước và tạo thêm động lực, khích lệ các địa phương để tạo đà cho việc triển khai thực hiện trong giai đoạn 2016-2020. Ban Chỉ đạo duy trì chế độ họp định kỳ 6 tháng một lần để kiểm điểm, đánh giá tiến độ triển khai thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương và đề ra nhiệm vụ tiếp theo; những vấn đề phát sinh, đột xuất được Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ,Trưởng Ban Chỉ đạo trực tiếp họp với các cơ quan thường trực để bàn giải quyết kịp thời. Đến cuối năm 2016, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia đã tổ chức 08 cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo và Ban Chỉ đạo. Tổ chức phát động Phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020 và Phát động phong trào vận động nhắn tin vì người nghèo; tổ chức thành công lễ phát động Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020; chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí cuộc thi viết về xây dựng nông thôn mới. Huy động sự tham gia của cộng đồng cho xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là người nghèo, khơi dậy ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo.

Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2016 cả nước có 2.358 xã đạt 19 tiêu chí (đạt 26,43) tăng thêm 1,43 % so với mục tiêu năm 2016, hiện nay còn 257 xã mới đạt dưới 5 tiêu chí (giảm 69 xã so với cuối năm 2015), bình quân cả nước đạt 13,47 tiêu chí/xã (tăng 1,23/ tiêu chí/xã so với 2015); đã có 30 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và cả nước không có tỉnh nào không có xã đạt chuẩn nông thôn mới. Về nguồn lực, đã huy động được trong năm 2016 khoảng 228.398 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp là 7.374 tỷ đồng (3,2%), ngân sách địa phương hỗ trợ trực tiếp 28.152 tỷ đồng (12,3%) và lồng ghép từ chương trình, dự án khác: 23.889 tỷ đồng (10,4%); tín dụng là: 136.693 tỷ đồng (chiếm 59,7%), từ doanh nghiệp là: 13.542 tỷ đồng (5,9%), cộng đồng dân cư và nguồn khác là: 19.504 tỷ đồng (8,5%). Về xử lý nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới cũng có bước chuyển đáng ghi nhận. Tổng hợp nhanh của 25 tỉnh có số nợ lớn đến nay có 17/25 tỉnh đã giảm được 5.624 tỷ đồng, chiếm 36,8%. Tổng nợ còn lại đến tháng 12 năm 2016 khoảng 9.654 tỷ đồng (so với mức 15.277 tỷ đồng vào đầu năm 2016).

Về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, mặc dù có một số văn bản quy định đối tượng hỗ trợ trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo hết hiệu lực. Trong khi chưa có văn bản mới thay thế, Ban Chỉ đạo đã kịp thời chỉ đạo các tỉnh tiếp tục áp dụng quy định tại Quyết định 539/QĐ-TTg làm căn cứ để ngân sách bố trí khoảng 11.000 tỷ đồng để mua thẻ bảo hiểm y tế cho khoảng 16 triệu người nghèo. Về chính sách hỗ trợ cho học sinh nghèo, năm 2016, ngân sách Trung ương bố trí khoảng 5.649 tỷ đồng để thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho hơn 3,807 triệu em; thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi hơn 27.321 tỷ đồng cho trên 862.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn và trên 21.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn lần đầu trong năm. Chính sách hỗ trợ tiền điện đạt 1.105 tỷ đồng, tương ứng với khoảng 2 triệu người được hỗ trợ... ước đến cuối năm 2016, tỷ lệ nghèo cả nước còn 8,58-8,38%, giảm khoảng 1,3-1,5% so với cuối năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo còn 46,43%, giảm 4%, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo cùng với các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng và đạt được kết quả đáng ghi nhận trong năm 2016 vừa qua.

II. MỤC TIÊU

Cơ bản thống nhất với mục tiêu của 02 Chương trình đề ra, tuy nhiên cần rà soát tiến độ từng năm để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, trong đó đề xuất mục tiêu năm 2017 sao cho hợp lý. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cần xem lại mục tiêu 30% số xã đạt chuẩn và huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 còn thấp, đảm bảo thu nhập bình quân cho các xã tăng từ 1,5 - 2 lần. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cần tập trung, tích cực hơn, cao hơn, tạo cho dân có tích lũy để tạo động lực cho xây dựng nông thôn mới, phấn đấu giảm nghèo phải đạt mục tiêu ở cận cao (giảm 1,5% /năm), không thấp hơn mức Quốc hội đã giao.

III. NHIỆM VỤ GIẢI PHÁP 2017

Nhất trí với nhiệm vụ, giải pháp thực hiện tại 02 báo cáo của Cơ quan Thường trực chương trình, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương tập trung làm tốt một số công việc sau:

1. Khẩn trương rà soát, hoàn thiện các văn bản trong khung khổ pháp lý của các Chương trình, các thông tư liên quan đến vốn. Đối với tiêu chí phân bổ vốn áp dụng hệ số 1,2 đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long sau khi Quốc hội có ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ quyết định.

2. Về Quyết định phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: Ủy ban Dân tộc sớm trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 1 năm 2017.

3. Đối với việc hướng dẫn Bộ tiêu chí nông thôn mới theo Quyết định 1980/QĐ-TTg, các Bộ khẩn trương có văn bản hướng dẫn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp chung vào cẩm nang hướng dẫn, làm căn cứ để Ủy ban nhân dân các tỉnh quyết định thực hiện cụ thể trên địa bàn (hoàn thành trong quý I năm 2017).

4. Về nguồn lực:

a) Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cần đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện thông qua các hình thức lồng ghép các dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn; huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; tăng cường các hình thức xã hội hóa để thu hút đầu tư vào bảo vệ và xử lý môi trường, giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, cung cấp nước sạch, dịch vụ văn hóa - thể thao; công khai các khoản đóng góp của dân, theo nguyên tắc tự nguyện và do hội đồng nhân dân cấp xã thông qua.

Về cơ chế để lại 80% tiền bán đất để lại cho xã: giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng giao tỉnh điều tiết cụ thể (trong quý I năm 2017).

b) Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, sớm cân đối phân bổ nguồn lực và lồng ghép các chương trình khác để thực hiện giảm nghèo theo tiếp cận đa chiều; xây dựng cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn và giảm nghèo.

- Về tín dụng: Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, cấp đủ vốn điều lệ cho các ngân hàng (Ngân hàng Đầu tư, Ngân hàng Phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội...), xây dựng cơ chế chính sách để ngân hàng chính sách huy động nguồn lực.

- Đối với việc tích hợp Quyết định 102/2009/QĐ-TTg ngày 7 tháng 8 năm 2009 vào Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, thông qua việc bổ sung nguồn vốn vào chương trình để thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban Dân tộc nghiên cứu, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

5. Việc kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia các cấp theo hướng thành lập một Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp làm Trưởng ban: Bộ Nội vụ hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các tỉnh thực hiện.

6. Chương trình kế hoạch hoạt động năm 2017 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương xây dựng Kế hoạch, trong đó dự kiến phân công các thành viên phụ trách các địa phương, gửi xin ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo trong tháng 1 năm 2017; trình Trưởng Ban Chỉ đạo trong tháng 2 năm 2017.

7. Công tác truyền thông của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: Cần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền (nhất là truyền thông về nông thôn mới); thực hiện Nghị quyết Liên tịch phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và đẩy mạnh các cuộc vận động của các đoàn thể chính trị, xã hội về “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

8. Hội nghị các nhà tài trợ quốc tế cho chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 (xúc tiến đầu tư): Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và các nhà tài trợ chuẩn bị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

9. Trên cơ sở nội dung này và ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thiện 02 báo cáo, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp thành báo cáo chung để báo cáo các cấp có thẩm quyền.

10. Yêu cầu các Bộ, cơ quan liên quan căn cứ vào chức năng quản lý nhà nước của Bộ, ngành, rà soát, khẩn trương thực hiện theo tiến độ công việc đã được Thủ tướng Chính phủ giao theo Quyết định số 398/QĐ-TTg ngày 11 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về 02 chương trình mục tiêu quốc gia.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, Ban, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư TW Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- VP Quốc hội, Ủy ban Kinh tế Quốc hội;
- Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương;
- Thành viên BCĐTW các CT MTQG;
- VPĐP nông thôn mới TW (Bộ NN&PTNT);
- VPQG giảm nghèo (Bộ LĐ-TB và XH);
- VP Chương trình 135 (UBDT);
- UBND các Tỉnh, TP trực thuộc TW;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: KTTH, KGVX, TH, NC, CN, QHĐP, TCCV, TTĐT;
- Lưu: Văn thư, NN (3).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Cao Lục

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 32/TB-VPCP năm 2017 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 32/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 24/01/2017
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Cao Lục
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/01/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản