Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 316/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 20 tháng 07 năm 2017

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH LÂM ĐỒNG

Ngày 06 tháng 7 năm 2017, tại trụ sở Tỉnh ủy Lâm Đồng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm việc với lãnh đạo Tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 và một số đề xuất, kiến nghị. Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Ủy ban Dân tộc, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Tỉnh, ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Bộ, cơ quan tham dự, Phó Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Biểu dương nỗ lực và những kết quả đã đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Lâm Đồng trong những năm qua, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của vùng và cả nước. Kinh tế - xã hội năm 2016 của Tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, phần lớn các chỉ tiêu chủ yếu đạt kế hoạch và tăng so với cùng kỳ năm trước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Các ngành du lịch, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được đẩy mạnh. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, đến cuối năm 2016 có 51,28% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (so với bình quân chung cả nước là gần 30%). Kinh tế hợp tác xã được đẩy mạnh phát triển. Công tác cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả. An ninh, quốc phòng được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Trong 6 tháng đầu năm 2017, tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực (GRDP tăng 8,5% so cùng kỳ; tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng 13%; thu ngân sách nhà nước bằng 53% dự toán, tăng 36% so cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công đạt 55% kế hoạch, tăng 11,8%; kim ngạch xuất khẩu đạt 278 triệu USD, bằng 50,6% kế hoạch, tăng 33,4%; khách du lịch tăng 13,4%, trong đó khách quốc tế tăng 44,3%).

2. Tuy nhiên, Lâm Đồng vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, thách thức. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội chưa đồng bộ; việc huy động nguồn lực xã hội hóa cho phát triển hạ tầng còn hạn chế; tiến độ đầu tư xây dựng một số công trình, dự án trọng điểm còn chậm, gây trở ngại cho sản xuất kinh doanh và cải thiện đời sống nhân dân, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển kinh tế - xã hội chưa đồng đều, một số chỉ tiêu chưa đạt; khoảng cách phát triển giữa các vùng trong tỉnh chưa được thu hẹp đáng kể. Sản xuất nông - lâm nghiệp nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập và thiếu bền vững, Chưa khai thác đầy đủ, hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch; công tác quản lý du lịch vẫn còn bất cập; sản phẩm du lịch chưa phong phú, chất lượng dịch vụ chưa cao và chưa tương xứng với tiềm năng. Phát triển doanh nghiệp tuy đạt một số kết quả nhưng số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể còn cao. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh ở một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp, tai nạn giao thông chưa được kiềm chế.

II. VỀ NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI

Cơ bản thống nhất với định hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và giai đoạn 2016 - 2020 mà Tỉnh đã đề ra; đồng thời nhấn mạnh một số nội dung chủ yếu sau:

1. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Lâm Đồng đoàn kết, nỗ lực cao hơn nữa, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XII; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIV. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2017 và kế hoạch 5 năm 2016-2020; trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, chỉ đạo sát sao từng ngành, từng huyện, phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu tăng trưởng năm 2017 của Tỉnh, đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước.

2. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực trên địa bàn Tỉnh; bảo đảm gắn kết chặt chẽ với quy hoạch vùng; tăng cường liên kết vùng để mở rộng không gian phát triển, phát huy tối đa lợi thế của địa phương (trong đó chú trọng các lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao; bảo vệ, phát triển rừng và bảo vệ các nguồn tài nguyên khác; du lịch, dịch vụ...).

3. Tập trung chỉ đạo quyết liệt nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn, quản lý chặt chẽ nguồn thu; kiểm soát chi tiêu chặt chẽ, đúng chế độ và tiết kiệm các khoản chi tiêu công; hạn chế đến mức thấp nhất các khoản chi phát sinh ngoài dự toán.

4. Tập trung đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thu hút nhà đầu tư chiến lược có đủ năng lực, uy tín đầu tư vào Tỉnh. Quan tâm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, bảo quản sau thu hoạch và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

5. Tăng cường quản lý đầu tư; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn các dự án trọng điểm/ chuẩn bị điều kiện để triển khai các công trình, dự án ngay sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư và bố trí vốn.

6. Thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh thực hiện dự án xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp. Thu hút doanh nghiệp và huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tập trung phát triển, tăng cường liên kết hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ, gắn với xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng, lợi thế và sức cạnh tranh cao của tỉnh.

7. Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phát triển mạnh du lịch, dịch vụ. Tỉnh phải có chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động có mục tiêu cụ thể để phát triển du lịch nhanh và bền vững (chú trọng phát triển hạ tầng du lịch, thu hút các doanh nghiệp du lịch, có các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, phù hợp với các đối tượng, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá...).

8. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 và các cơ chế, chính sách khác đối với vừng đồng bào dân tộc thiểu số.

9. Chú trọng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân; chăm lo, thực hiện tốt các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội. Chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân ở nông thôn.

10. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng các cấp chính quyền liêm chính, năng động, sáng tạo, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tháo gỡ rào cản gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp; cải thiện mạnh môi trường đầu tư, kinh doanh.

11. Thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Làm tốt công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trên địa bàn. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí.

III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH

1. Về đề nghị chưa thu hồi khoản vốn ứng trước 586,14 tỷ đồng trong giai đoạn 2016- 2020: Tỉnh thực hiện theo Quyết định số 547/QĐ-TTg ngày 20 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, đề xuất hỗ trợ Tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Dự án phát triển Đà Lạt xanh và bền vững: Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đông lập dự án cụ thể, rà soát, phân loại theo từng lĩnh vực đầu tư, sắp xếp thứ tự ưu tiên, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để tổng hợp, đề xuất nguồn vốn đầu tư (nguồn ngân sách nhà nước, vốn ODA, vốn xã hội hóa,...), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Về Dự án đầu tư xây dựng hồ chứa nước Đông Thanh, huyện Lâm Hà; Dự án đầu tư xây dựng hồ chứa nước Hiệp Thuận, huyện Đức Trọng; Dự án xây dự hồ chứa nước Ta Hoét, huyện Đức Trọng: Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, lựa chọn dự án cấp bách cần đầu tư trước; làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, báo cáo Thủ tướng Chính phủ,

4. Về Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường tránh phía Tây thành phố Bảo Lộc: Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính cân đối vốn hỗ trợ cho Dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1938/VPCP-KTTH ngày 12 tháng 3 năm 2013 của Văn phòng Chính phủ.

5. Về Dự án Bệnh viện y học cổ truyền Bảo Lộc: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

6. Về Dự án dân di cư tự do và ổn định dân di cư vùng đặc biệt khó khăn: Tỉnh xây dựng dự án cụ thể, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan thực hiện theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 6373/VPCP-KTTH ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ,

7. Về Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương: Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn tất thủ tục đầu tư để triển khai trong năm 2018 đoạn Dầu Giây - Tân Phú; phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng và các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, tìm nguồn và cân đối vốn để triển khai đầu tư đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc - Liên Khương.

8. Về Dự án Quốc lộ 27 tuyến tránh sân bay Liên Khương: Bộ Giao thông vận tải đưa Dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 của Bộ.

9. Về Dự án cải tạo, nâng cấp hoàn chỉnh tuyến Quốc lộ 27, 28, 55 qua địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B nối Lâm Đồng và Bình Thuận: Bộ Giao thông vận tải sớm thu xếp vốn cho các tuyến quốc lộ dở dang nêu trên; trước mắt, tiếp tục tăng cường công tác duy tu, sửa chữa và đảm bảo an toàn giao thông từ nguồn Quỹ bảo trì đường bộ.

10. Về Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm huấn luyện thể thao tỉnh Lâm Đồng: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ theo quy định.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Dân tộc, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lâm Đồng;
- VPCP: BTCN, các PCN, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, CN, NN, KGVX;
- Lưu: VT, QHĐP (3). Ch

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Văn Tùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 316/TB-VPCP năm 2017 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 316/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 20/07/2017
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Văn Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/07/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản