Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3117/TB-BNN-VP

Hà Nội, ngày 26 tháng 5 năm 2021

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG TRẦN THANH NAM TẠI HỘI NGHỊ SƠ KẾT CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2017-2020, ĐỀ XUẤT KHUNG CHƯƠNG TRÌNH GIAI ĐOẠN 2021-2025

Ngày 26 tháng 4 năm 2021, tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, đã chủ trì Hội nghị Sơ kết Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới (Chương trình) giai đoạn 2017-2020 và đề xuất khung Chương trình giai đoạn 2021-2025. Cùng chủ trì Hội nghị có đồng chí Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; đồng chí Mai Văn Huỳnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang; GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh, Chủ nhiệm Chương trình. Tham dự Hội nghị có đại diện các Bộ, ngành Trung ương; các Ủy viên Ban Chủ nhiệm Chương trình; lãnh đạo các Viện, Trường, cơ quan có liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lãnh đạo UBND tỉnh, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới của 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các nhà khoa học và chủ nhiệm các đề tài, dự án thuộc Chương trình.

Sau khi nghe đại diện Ban Chủ nhiệm Chương trình báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn 2017-2020 và đề xuất khung Chương trình giai đoạn 2021-2025, phát biểu của lãnh đạo Bộ Khoa học và công nghệ, ý kiến phát biểu, thảo luận của các đại biểu tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam kết luận như sau:

1. Đánh giá chung

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới cả nước đã đạt được những kết quả toàn diện, tích cực1. Để tiếp tục hỗ trợ, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 12/01/2017 phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Quyết định số 27/QĐ-TTg ngày 05/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ). Đến nay, Chương trình đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn2. Đặc biệt, Chương trình đã đóng góp nhiều hoạt động nghiên cứu quan trọng vào sự kiện tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2020), như: Nghiên cứu tổng kết cơ sở lý luận, thực tiễn và đánh giá kết quả 10 năm xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam từ góc nhìn khoa học; tổ chức thành công Hội thảo khoa học công nghệ toàn quốc về lý luận và thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam; tham gia tổ chức chuỗi hội nghị tổng kết ở các vùng và Hội nghị toàn quốc3,… Đồng thời, Ban Chủ nhiệm Chương trình cũng đang thực hiện một số nhiệm vụ khoa học do Ban Kinh tế trung ương đặt hàng để phục vụ cho Tổng kết 13 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn và định hướng xây dựng nghị quyết trong giai đoạn sau 2020; góp phần cung cấp cho các Bộ, ngành, địa phương những tài liệu tham khảo có giá trị4, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới và bước đầu định hướng Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020.

Thay mặt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Chương trình, hoan nghênh và biểu dương đóng góp của Ban Chủ nhiệm Chương trình và các cơ quan, đơn vị có liên quan, đặc biệt là sự tham gia mạnh mẽ của các viện, trường, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Chương trình còn một số hạn chế, vướng mắc sau: Một số đề tài, dự án triển khai chậm so với tiến độ. Một số đề tài, dự án còn tản mạn, chưa tập trung nhiều vào các trọng tâm cấp bách xây dựng nông thôn mới. Một số vấn đề quan trọng trong khung nội dung Chương trình, nhưng chưa có hoặc có ít nhiệm vụ được đề xuất và tổ chức nghiên cứu (các nhiệm vụ về nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa, nông nghiệp 4.0…). Có đề tài đề xuất giải pháp chưa cụ thể hoặc chưa triển khai được giai đoạn ứng dụng trong thực tế, nên tác động còn hạn chế. Sự phối hợp của một số cơ quan quản lý Chương trình chưa thường xuyên, thiếu nhuần nhuyễn.

2. Một số nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới.

a) Để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành nhiệm vụ Chương trình đảm bảo chất lượng theo Quyết định 45/QĐ-TTg ngày 12/01/2017, cần thực hiện một số nhiệm vụ sau:

- Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu các đề tài, dự án theo tiến độ đã được phê duyệt, để có thể nhanh chóng đưa vào áp dụng trong thực tiễn và kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc trong xây dựng nông thôn mới; phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ban Chủ nhiệm Chương trình và các Cơ quan quản lý Chương trình trong tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Chương trình tư vấn và giám sát chất lượng của các đề tài, dự án; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các Hội đồng tư vấn, tuyển chọn và đánh giá kết quả thực hiện các đề tài, dự án để đảm bảo chất lượng chuyên môn và tiến độ; có cơ chế kiểm tra, giám sát để nâng cao trách nhiệm của các chủ nhiệm nhiệm vụ và đơn vị chủ trì thực hiện.

- Phát huy hơn nữa vai trò của các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu trong nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn xây dựng nông thôn mới; kịp thời phát hiện và đề xuất các vấn đề thiết thực để nghiên cứu; tổ chức các hội thảo chuyên đề để tìm kiếm các giải pháp xây dựng nông thôn mới bền vững giai đoạn 2021-2025.

- Chỉ đạo, hướng dẫn UBND và Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn; đề xuất các đề tài, dự án cụ thể để thực hiện trong khuôn khổ Chương trình; lồng ghép, huy động các nguồn lực hợp pháp khác để cùng thực hiện Chương trình.

- Về tổ chức triển khai Chương trình, cần tăng cường cơ chế phối hợp Trung ương và địa phương; gắn kết với các Chương trình khoa học Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ; tăng cường liên kết giữa nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; khắc phục các vướng mắc về thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng thực hiện Chương trình.

b) Về dự thảo Khung Chương trình giai đoạn 2021-2025

Các đại biểu tham dự Hội nghị đều nhất trí cao đề nghị Chính phủ cho Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới tiếp tục thực hiện giai đoạn 2021-2025 để phục vụ hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; đề nghị Ban chủ nhiệm Chương trình phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự hội nghị để hoàn thiện Dự thảo Chương trình với một số nội dung chính như sau:

- Về mục tiêu, Chương trình cần có cách tiếp cận mới ở tầm cao hơn, cung cấp được luận cứ khoa học, thực tiễn và giải pháp thúc đẩy thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 thông qua tập hợp nguồn lực khoa học và công nghệ đa ngành, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, cải thiện thu nhập của người dân, xây dựng nông thôn xanh, sạch và thu hẹp khoảng cách giữa thành thị với nông thôn, giữa các vùng, miền.

- Về nội dung, cần bám sát định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025; đặt hàng của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trong đó, tập trung vào một số nội dung mới, cần nghiên cứu sâu về lý luận và thực tiễn, cụ thể như: vấn đề về thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh; phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM theo hướng nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thông của dân tộc; xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa (hỗ trợ tương tác giữa nông thôn và thành thị, NTM hỗ trợ cho đô thị mới, các giải pháp gắn kết phát triển đô thị - nông thôn để gắn xây dựng NTM với quá trình đô thị hóa);…. tránh trùng lắp với Chương trình khoa học của Bộ và các Chương trình khoa học công nghệ khác.

- Về các giải pháp, nghiên cứu cần tập trung vào một số vấn đề: Thiết chế quản lý cộng đồng, trang trại thông minh; bảo tồn và phát triển ngành nghề nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ nông thôn; phát triển kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ; xây dựng thiết chế văn hóa bền vững, đa dạng hóa văn hóa, vai trò của phụ nữ, bình đẳng giới; du lịch nông thôn gắn với văn hóa và bảo tồn di tích văn hóa, gắn khai thác tài nguyên với trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước (nuôi trồng thủy sản, dược liệu); ứng dụng chuyển giao công nghệ trong sản xuất và phát triển nông thôn.

- Đề nghị Ban Chủ nhiệm Chương trình phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và cơ quan có liên quan hoàn thiện dự thảo khung Chương trình khoa học công nghệ giai đoạn 2021-2025 và dự thảo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục lấy ý kiến các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để trình Thủ tướng Chính phủ ngay sau khi Quốc hội phê chuẩn chủ trương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

Văn phòng Bộ thông báo để các cơ quan, địa phương biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ trưởng Lê Minh Hoan (để b/c);
- Thứ trưởng Trần Thanh Nam (để b/c);
- Các Bộ: KH&CN, TC, KH&ĐT, CT, TN&MT, VHTT&DL, CA, QP, LĐ-TB&XH (để p/h);
- Các CT KH&CN: Tây Bắc, Tây Nguyên, TNB (để p/h);
- UBND, Sở NN&PTNT, VPĐP NTM các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ;
- Các thành viên BCN;
- Lưu: VT, TH.

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Lê Văn Thành

 



1 Đến tháng 4 năm 2021 cả nước đã có 5.248 xã (63,5%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân 16,68 tiêu chí/xã, có 473 xã dưới 10 tiêu chí, 190 đơn vị cấp huyện (28,6%) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, có 12 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

2 Triển khai được 86 đề tài bao gồm 46 đề tài, 40 dự án. Trong đó có 05 đề tài nghiên cứu về quy ho ạch; nguồn lực bền vững; 10 đề tài nghiên cứu các mô hình sản xuất nông nghiệp; 17 đề tài, dự án liên kết, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghi ệp, 10 đề tài về hạ tầng nông thôn bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; 12 đề tài về nghiên cứu về văn hóa, du lịch; 05 đề tài, dự án nghiên cứu về môi trường, cảnh quan…

3 Đã xây dựng 05 báo cáo đánh giá kết quả 10 năm xây dựng nông thôn mới của các vùng và toàn quốc từ góc nhìn khoa học; 14 báo cáo chuyên đề; tập hợp 37 báo cáo tham luận đánh giá các mặt của xây dựng nông thôn mới,

4 147 kiến nghị giải pháp chính sách đã được tiếp nhận sử dụng, 287 sản phẩm mới, 85 công nghệ mới được tạo ra, 232 công nghệ đã chuyển giao cho sản xuất, 236 mô hình đã triển khai.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 3117/TB-BNN-VP năm 2021 về kết luận của Thứ trưởng Trần Thanh Nam tại Hội nghị sơ kết Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017-2020, đề xuất khung Chương trình giai đoạn 2021-2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 3117/TB-BNN-VP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 26/05/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Lê Văn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản