Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 293/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 13 tháng 8 năm 2020

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC TRỰC TUYẾN VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH BÌNH THUẬN

Ngày 23 tháng 7 năm 2020, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020; giải ngân vốn đầu tư công và giải quyết một số vướng mắc, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận. Cùng dự với Thủ tướng tại đầu cầu Hà Nội có đồng chí Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương, đồng chí Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Quốc phòng, Tư pháp và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh Bình Thuận và ý kiến của các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Bình Thuận là tỉnh có nhiều lợi thế so sánh trong phát triển kinh tế như đất đai rộng lớn, con người cần cù, đa dạng về văn hóa, có bề dày lịch sử, có nhiều thuận lợi cho phát triển như: cảng nước sâu, ngư trường lớn, khoáng sản, năng lượng tái tạo, du lịch, nông nghiệp, công nghiệp... Trong nhiệm kỳ qua, Tỉnh đã quyết tâm rất cao khắc phục khó khăn, nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. GRDP của tỉnh năm 2019 tăng 10,45% hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, tập trung xây dựng nông thôn mới, khu du lịch chất lượng cao. Đẩy mạnh công tác quy hoạch, lập quy hoạch Bình Thuận giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2050. Phê duyệt quy hoạch đồ án chung thị xã La Gi đến năm 2035, quy hoạch phát triển đô thị Phan Rí Cửa đến năm 2035, triển khai quy hoạch chung đô thị mới Vĩnh Tân đến năm 2030..., Chương trình phát triển đô thị thành phố Phan Thiết. Thu ngân sách năm 2019 đạt gần 12.000 tỷ tăng gần 150% so với dự toán. Tập trung triển khai, tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm như: Dự án cao tốc Bắc Nam trên địa bàn (giải phóng mặt bằng đạt gần 100%), Cảng hàng không Phan Thiết, đường ĐT.719, đường ĐT.719B, hồ Sông Lũy, hồ Ka Pét. Môi trường đầu tư, chất lượng giáo dục đào tạo,... được cải thiện rõ rệt. Đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực, giữ gìn quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Triển khai đồng bộ các hoạt động, các công việc để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tích cực, tránh nhiệm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Thực hiện tốt các nhiệm vụ sẵn sàng tiếp nhận, điều trị các trường hợp bệnh nhân nhiễm vi rút Covid-19, chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly, thành lập các đội đáp ứng nhanh hỗ trợ điều trị cho tuyến dưới, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ, thuốc, hóa chất phòng chống dịch.

Năm 2020, Tỉnh phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, không thay đổi chỉ tiêu thu ngân sách trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19. Mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt, nắng hạn gay gắt, nhưng 6 tháng đầu năm 2020, kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận tiếp tục phát triển tích cực (GRDP của tỉnh năm 2019 đứng thứ 32/63 tỉnh, thành phố, thì 6 tháng đầu năm, đã vươn lên đứng thứ 18):

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 3,81% so với cùng kỳ năm trước. Giải ngân kế hoạch đạt 38,42% cao hơn cả nước (33,9%) thuộc nhóm trung bình. Thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, 35 dự án cấp phép (cấp mới 21 dự án và cấp điều chỉnh 14 dự án). Triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Lũy kế số doanh nghiệp đăng ký đến ngày 15 tháng 7 năm 2020 là 6.711 doanh nghiệp, số vốn đăng ký 124.541 tỷ đồng.

Triển khai kịp thời Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tính đến ngày 31 tháng 5 năm 2020, đã thực hiện chi hỗ trợ cho 113.584 đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với số tiền là 116 tỷ đồng.

Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí được thực hiện tốt. Công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với công dân được tăng cường, xử lý kịp thời, chặt chẽ, đúng pháp luật.

Bên cạnh những kết quả đạt được đáng khích lệ, tỉnh Bình Thuận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế:

Tỉnh còn phải chịu ảnh hưởng lớn về hạn hán triều cường, xâm thực bờ biển, hạ tầng kinh tế xã hội chưa đồng bộ, trồng lấn quy hoạch titan với quy hoạch khác là điểm nghẽn chưa được tháo gỡ kịp thời ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch, tiêu thụ sản phẩm, xuất, nhập khẩu gặp nhiều trở ngại ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng, quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai khoáng sản, môi trường, trật tự xây dựng còn lỏng lẻo kiểm tra, xử lý chưa kịp thời, chưa kiên quyết các hành vi phi pháp khai thác quặng trái phép. Cải cách hành chính các chỉ số xếp hạng đều tụt so với năm 2018 (Par-Index năm 2019 xếp thứ 47/63 với giảm 5 bậc so với 2018 xếp 42/63; PCI: năm 2019 xếp thứ 31/63, giảm 9 bậc so với 2018 xếp 22/63; SIPAS: Năm 2019 xếp thứ 63/63 giảm 5 bậc so với năm 2018 xếp thứ 58/63; ICT index: năm 2019 xếp thứ 49/63, giảm 14 bậc so với năm 2018 xếp thứ 35/63). Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI): Năm 2019 thuộc nhóm thấp nhất với 41,63 điểm. An ninh chính trị đã được lập lại một cách căn bản nhưng vẫn còn nhiều tiềm ẩn, yếu tố phức tạp, khó lường.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Thuận khẩn trương khắc phục tồn tại, hạn chế, đoàn kết, nỗ lực vươn lên mạnh mẽ, khai thác tiềm năng, lợi thế để có giải pháp đột phá để xây dựng Tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện. Đề nghị Tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

1. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng XII, các Nghị quyết của Quốc hội, số 01, 02 của Chính phủ và Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, đặc biệt rà lại các chỉ tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ 2015 - 2020 để phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2020, khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng của Tỉnh.

2. Cấp ủy, chính quyền tỉnh Bình Thuận tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tập trung chống hạn, bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân, bảo vệ mùa màng, cây ăn quả.

3. Tiếp tục thực hiện phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19. Đẩy manh hoạt động truyền thông, tuyên truyền về dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống. Tiếp tục chỉ đạo ngành y tế chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa, chất, vật tư chuyên dụng, trang bị phòng hộ. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh. Nhất là tình hình hiện nay dịch Cov-19 đang bùng phát.

4. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; phấn đấu thực hiện giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020, thúc đẩy xử lý 03 dự án ODA còn nhiều bất cập trong một số cơ chế về giải phóng mặt bằng. Phải coi việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020. Có chế tài xử lý những trường hợp cá nhân, bộ phận thiếu trách nhiệm, không làm tròn nhiệm vụ.

5. Tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch để không bị chồng lấn, lãng phí, Tỉnh cần tập trung giải quyết mâu thuẫn quan trọng này không để triệt phá lẫn nhau nhất là mâu thuẫn giữa lĩnh vực khoáng sản và du lịch. Chuẩn bị xây dựng quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và triển khai thực hiện tốt quy hoạch sau khi được phê duyệt.

6. Tập trung phát triển đồng bộ công nghiệp, nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến; phát triển mạnh du lịch, đưa ngành này thực sự trở thành ngành kinh tế động lực, có thương hiệu trong khu vực. Tập trung phát triển doanh nghiệp; tăng cường quản lý hiệu quả tài nguyên, đất đai, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

7. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, xây dựng chính quyền, xã hội số, thương mại điện tử, cải cách thủ tục hành chính phát triển kinh tế số, khuyến khích người dân sử dụng thương mại điện tử, sử dụng điện thoại thông minh trong thanh toán, giao dịch theo thực hiện số hóa của Chính phủ,.

III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH

1. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa và cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Thông báo số 246/TB-VPCP ngày 22 tháng 7 năm 2020 về Cảng hàng không Phan Thiết và điều chỉnh Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

2. Về Cảng hàng không Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận:

a) Về Dự án e.KQ920:

- Giao Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở thống nhất giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu trên; giao Bộ Quốc phòng hoàn chỉnh hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Cho phép Bộ Quốc phòng ứng trước kinh phí để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư Dự án; phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cập nhật công trình, dự án Cảng hàng không Phan Thiết vào danh mục dự án công trình có sử dụng đất giai đoạn 2016 - 2020, sớm đưa Cảng hàng không Phan Thiết vào hoạt động, đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành và cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện đấu giá diện tích đất tại sân bay Nha Trang, tạo nguồn vốn thực hiện Dự án theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 226/TB-VPCP ngày 26 tháng 6 năm 2018 của Văn phòng Chính phủ.

b) Về lập quy hoạch bổ sung đường cất hạ cánh số 02 của Cảng hàng không Phan Thiết vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Cảng hàng không, sân bay toàn quốc đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 và để rút ngắn thời gian; Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận thống nhất với Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập Quy hoạch Cảng hàng không Phan Thiết thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Bộ Giao thông vận tải thống nhất với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận bố trí nguồn vốn hợp pháp để lập Quy hoạch cảng hàng không Phan Thiết thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và gửi hồ sơ quy hoạch cho Cục Hàng không Việt Nam xem xét, trình Bộ Giao thông vận tải tổ chức thẩm định, phê duyệt theo quy định hiện hành.

3. Về điều chỉnh Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia trên địa bàn tỉnh Bình Thuận:

a) Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo “Nghị định về quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án đầu tư trên mặt”, trình Chính phủ trong tháng 9/2020 làm cơ sở pháp lý để triển khai các dự án đầu tư ở khu vực dự trữ khoáng sản titan trên địa bàn Tỉnh; trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cục bộ khu vực dự trữ khoáng sản titan quốc gia (Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ) trong quý IV năm 2020, đúng pháp luật.

b) Giao Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ điêu chỉnh cục bộ Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan (Quyết định số 1546/QĐ-TTg ngày 03 tháng 9 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ) trong quý IV năm 2020.

4. Về triển khai 04 dự án mà tỉnh Bình Thuận đề nghị: Sau khi “Nghị định về quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án đầu tư trên mặt” được Chính phủ ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận điều chỉnh quy hoạch liên quan theo thẩm quyền của Tỉnh làm cơ sở triển khai công tác chuẩn bị đầu tư với 04 dự án đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật và Nghị định nêu trên.

5. Về bổ sung dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind và điện khí LNG Kê Gà vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia: Giao Bộ Công Thương nghiên cứu trong quá trình lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 (Quy hoạch điện VIII), trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2020.

6. Về phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng các dự án: (1) Dự án xây dựng Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ; (2) Dự án Kênh tiếp nước Suối Măng - Cây Cà; (3) Dự án Kênh tiếp nước Sông Móng - Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam (4) Dự án Sửa chữa, nâng cấp hồ Sông Quao: Văn phòng Chính phủ khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định trong tháng 8/2020 để Tỉnh thực hiện.

7. Về tiến độ phục vụ khởi công xây dựng dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa bàn tỉnh Bình Thuận vào cuối tháng 8 năm 2020: Giao Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan: Đẩy nhanh tiến độ và sớm hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư để tổ chức đấu thầu, triển khai khởi công xây dựng các gói thầu của dự án vào cuối tháng 8 năm 2020. Đồng thời, cập nhật bổ sung vào dự án đường bộ cao tốc đoạn qua địa bàn tỉnh về đường gom, hầm chui, cầu vượt trực thông, tuy nen kỹ thuật,...

8. Về đường dây tải điện đường điện cao thế 500 kV, 220 kV: Bộ Công Thương, chỉ đạo Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia phối hợp hướng dẫn cho địa phương và tạo điều kiện thuận lợi trong công tác thẩm định các hồ sơ di dời, cải tạo đường dây, phương án tổ chức thi công tại các vị trí giao chéo đường điện cao thế 500 kV, 220 kV với đường cao tốc.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Quốc phòng, Tư pháp, Y tế;
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Thuận;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Khánh Hòa;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, NN, CN, NC, KGVX;
- Lưu: VT, QHĐP (3b). Thg

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Cao lục

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 293/TB-VPCP năm 2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 293/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 13/08/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Nguyễn Cao Lục
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản