Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 293/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 14 tháng 08 năm 2012

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ VĂN NINH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH AN GIANG

Ngày 23 tháng 7 năm 2012, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang. Cùng làm việc với Phó Thủ tướng có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Sau khi nghe Tỉnh báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội; ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã kết luận như sau:

1. Năm 2011, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, Đảng bộ và nhân dân tỉnh An Giang đã phát huy tiềm năng thế mạnh của Tỉnh phấn đấu đạt được thành tựu khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; 6 tháng đầu năm 2012, tốc độ tăng trưởng GDP tăng 7,04% trong đó nông, lâm, thủy sản tăng 0,39%, công nghiệp - xây dựng tăng 5,1%, dịch vụ tăng 10,7%. Năm 2012, mặc dù vẫn còn khó khăn, nhưng 6 tháng đầu năm các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt khá và tăng so với cùng kỳ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, có hiệu quả; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, sản lượng lương thực tăng cao. Thủy sản tăng cả về đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu. Đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,84%; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Việc triển khai thực hiện Chương trình nông thôn mới theo đúng định hướng chỉ đạo của Chính phủ đạt kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, tăng trưởng tín dụng, hoạt động xuất khẩu đạt thấp so với kế hoạch đề ra; chưa phát huy hết tiềm năng lợi thế của Tỉnh; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; công tác bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức; công tác an sinh xã hội tuy có bước tiến bộ, nhưng số hộ cận nghèo tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo cao. Tỉnh cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo giải quyết.

2. Tỉnh tiếp tục chủ động thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2012, Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10 tháng 3 năm 2012, Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ, phù hợp với điều kiện cụ thể trên địa bàn. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, duy trì sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, du lịch và dịch vụ; đồng thời rà soát cắt giảm đầu tư công, tái cơ cấu đầu tư và tái cơ cấu doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ giá cả không để xảy ra tình trạng đầu cơ tăng giá.

3. Tập trung làm tốt công tác quy hoạch phát triển, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, tiếp tục huy động nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Có những giải pháp phù hợp để phát huy tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, đất đai. Đẩy mạnh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, du lịch, dịch vụ..., sản xuất lúa theo hướng thâm canh, cơ cấu lại mùa vụ phù hợp (nhất là đối với lúa, gạo, thủy sản) nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng, phấn đấu đạt sản lượng lương thực cao nhất; gắn sản xuất lương thực với bảo quản, chế biến phục vụ cho xuất khẩu.

4. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả cao, gắn công nghiệp chế biến với xuất khẩu. Xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; giao đất sản xuất nuôi trồng thủy sản gắn với điều kiện xây dựng nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản để thu hút và khuyến khích những doanh nghiệp có tiềm lực thực hiện; rà soát công tác quy hoạch nông thôn mới để điều chỉnh, bổ sung kịp thời phù hợp đảm bảo chất lượng, kết hợp hài hòa giữa các chủ thể với mục tiêu vì dân và do dân; xem xét, điều chỉnh tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với địa phương, lồng ghép các nguồn lực trên địa bàn để thực hiện chương trình đạt kết quả.

5. Phát triển kinh tế phải đi đôi với tích cực giải quyết các vấn đề xã hội, y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. Chú trọng công tác đào tạo cán bộ, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có trình độ cao phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quan tâm chăm lo đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm hộ nghèo gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; phòng chống tham nhũng có hiệu quả, giảm tai nạn giao thông; làm tốt công tác giải quyết đơn thư, khiếu kiện đông người; tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện với các tỉnh của Campuchia.

6. Về một số kiến nghị của Tỉnh:

a) Về hướng dẫn thực hiện Điều 13, Điều 15 khoản 3, Điều 16 khoản 5, Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; hướng dẫn để các doanh nghiệp đầu tư theo chương trình 4 triệu tấn kho lương thực quy định tại Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg và số 65/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản: Giao Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn để các địa phương có căn cứ thực hiện, bảo đảm thống nhất hiệu quả.

b) Việc sửa đổi nội dung phân loại giá trị giữa đất nuôi trồng thủy sản và đất nông nghiệp của Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT: Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp để các địa phương sớm triển khai thực hiện.

c) Về cơ chế thu mua tạm trữ thóc, gạo: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương nghiên cứu, xây dựng quy chế mua tạm trữ thóc, gạo và phương thức mua tạm trữ theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 146/TB-VPCP ngày 13 tháng 4 năm 2012; số 232/TB-VPCP ngày 03 tháng 7 năm 2012 của Văn phòng Chính phủ.

d) Về hỗ trợ kinh phí để đầu tư hoàn chỉnh thủy lợi, đê bao, giao thông nội đồng...mô hình “cánh đồng lớn”: Tỉnh lập đề án cụ thể và làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xử lý.

đ) Về xác định tiêu chuẩn chủng loại giống lúa tiến bộ kỹ thuật có năng suất và chất lượng cao, được nhà nước hỗ trợ 100% tiền mua lúa giống để áp dụng thử nghiệm theo quy định của Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg; hướng dẫn thực hiện Nghị định số 42/2012/NĐ-CP, ngày 11 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, ban hành, hướng dẫn các địa phương thực hiện. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

e) Về ban hành Nghị định quản lý hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra, basa; xây dựng cơ chế thu mua tạm trữ và điều tiết cung cầu thị trường mặt hàng cá tra: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ liên quan nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

g) Về áp dụng trần lãi suất cho vay và hạn mức cho vay đối với gạo, cá tra: Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét, giải quyết.

h) Về điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản : Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ liên quan nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

i) Về triển khai thực hiện gói hỗ trợ cho người nuôi và doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra; thuế thu nhập doanh nghiệp của các hộ nhận nuôi gia công : Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

k) Về thành lập Hiệp hội cá tra Việt Nam: Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ liên quan xem xét, xử lý theo quy định.

l) Về đầu tư dự án khu nuôi trồng thủy sản tập trung; vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước xây dựng lưới điện phát triển trạm bơm phục vụ sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2008-2012: Đồng ý về chủ trương, Tỉnh lập dự án, làm việc cụ thể với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, xem xét, giải quyết.

m) Về bổ sung một số máy móc thiết bị được hưởng chính sách ưu đãi theo Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg và số 65/2011/QĐ-TTg đối với máy móc trong nước chưa sản xuất được: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4935/VPCP-KTTH ngày 04 tháng 7 năm 2012.

n) Về miễn thuế VAT đối với mặt hàng thức ăn gia súc, thuốc thú y, thủy sản: Thực hiện theo quy định của Luật thuế hiện hành.

o) Đồng ý hỗ trợ kinh phí mở mới diện tích sản xuất lúa vụ Thu Đông năm 2011, giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tỉnh kiểm tra và xác nhận diện tích mở mới, căn cứ vào quy định Bộ Tài chính hỗ trợ cho địa phương thực hiện.

p) Về vốn đối ứng dự án thủy lợi Bắc Vàm Nao (ODA): Thực hiện theo Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 250/TB-VPCP ngày 12 tháng 7 năm 2012; Tỉnh làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nguồn vốn (kể cả trường hợp ứng vốn kế hoạch năm 2013), trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

q) Về việc nâng tỷ lệ phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang và chuyển quyền đại diện phần vốn nhà nước từ Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước về Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang: Đồng ý về nguyên tắc, giao Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), phối hợp với Tỉnh và các cổ đông của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, căn cứ quy định của pháp luật xem xét, xử lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

r) Về chính sách đối với Khu kinh tế cửa khẩu: Giao Bộ Tài chính khảo sát thực tế, nghiên cứu đề xuất ý kiến, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang và các Bộ, cơ quan có liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTTg Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Nội vụ, Tài Nguyên và Môi trường;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ;
- Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC);
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh An Giang;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, Trợ lý TTg;
- Các Vụ: TH, KTTH, KTN, ĐMDN;
- Lưu: VT, ĐP (5) Thg.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Phạm Văn Phượng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 293/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 293/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 14/08/2012
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Phượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/08/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản