Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 266/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 30 tháng 7 năm 2020

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRỊNH ĐÌNH DŨNG TRONG CHUYẾN CÔNG TÁC TẠI TỈNH NINH BÌNH VÀ KIỂM TRA TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG MỘT SỐ ĐOẠN ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC TRÊN TUYẾN BẮC - NAM PHÍA ĐÔNG

Ngày 17 tháng 7 năm 2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi thăm, làm việc tại tỉnh Ninh Bình và kiểm tra tình hình triển khai Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông. Tham gia chuyến công tác có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, Văn phòng Chính phủ và đại diện các Bộ, cơ quan: Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, sau khi nghe lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh 6 tháng đầu năm 2020 và tình hình triển khai Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45; ý kiến của Bộ Giao thông vận tải về tình hình triển khai Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông và ý kiến của các đại biểu dự hợp; ý kiến phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Ninh Bình là địa phương có bề dầy truyền thống văn hóa lịch sử và cách mạng, có nhiều danh lam thắng cảnh; cùng với đó, Ninh Bình có nhiều doanh nghiệp lớn, là nhân tố rất quan trọng để xây dựng quê hương, đất nước; 06 tháng đầu năm 2020, mặc dù còn nhiều khó khăn, tỉnh Ninh Bình phải dồn sức chung tay cùng cả nước quyết liệt phòng chống dịch bệnh Covid-19, mọi hoạt động kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nhưng với sự đoàn kết của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong Tỉnh, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cùng với cố gắng, lỗ lực, tranh thủ thời cơ, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, Ninh Bình vẫn duy trì được sản xuất, đạt được kết quả tích cực, tăng trưởng kinh tế đạt mức khá (GRDP đạt 3,85%), cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển biến mạnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp; thu ngân sách đạt 9.800 tỷ đồng (đạt 63% kế hoạch, tăng 17% so với cùng kỳ), tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 0,6%; văn hóa - xã hội được bảo đảm, đặc biệt là sự phát triển về du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh; quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Đặc biệt, tỉnh Ninh Bình đã cùng với các bộ, ngành, địa phương có liên quan quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh; trong đó đã cùng với Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định triển khai dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, bảo đảm đúng tiến độ đã đề ra; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 71,22% kế hoạch (là 1 trong 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước).

Cùng phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ của ngành, Bộ Giao thông vận tải đã tập trung, nỗ lực triển khai Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, đã đạt được một số kết quả bước đầu.

2. Tuy nhiên, việc triển khai tổng thể Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông còn nhiều vướng mắc, nhất là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt đối với đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45; bên cạnh đó Bộ Giao thông vận tải còn lúng túng trong xử lý một số thủ tục đầu tư xây dựng, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai ở một số dự án thành phần, nhất là phương án lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP và 03 dự án thành phần đã được Quốc hội cho phép chuyển đổi từ đầu tư theo hình thức PPP sang đầu tư công (đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 đi qua địa bàn tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa; đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây). Từ đó đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa của ngành Giao thông vận tải, cũng như các bộ, cơ quan có liên quan và các địa phương, trong đó có sự vào cuộc của tỉnh Ninh Bình trong việc tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư nói chung, trong đó có các dự án đường cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông.

II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI

Để tỉnh Ninh Bình hoàn thành nhiệm vụ kép vừa phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19, vừa bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra; đồng thời cùng với Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành, địa phương có liên quan đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, tỉnh Ninh Bình, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan, địa phương có liên quan cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

1. Đối với tỉnh Ninh Bình

- Nhiệm vụ số một là không để dịch bệnh Covid-19 quay trở lại.

- Quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho đầu tư của nhà nước để giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch; làm tốt công tác quy hoạch, chủ động tạo quỹ đất và hạ tầng tốt, đặc biệt là hạ tầng về giao thông; có cơ chế chính sách tốt, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ công chức; đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục giữ vững ổn định xã hội để huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển.

- Trên cơ sở đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế và điều kiện của địa phương, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật, điều chỉnh Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình, xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2021-2025, bảo đảm khả thi. Tập trung kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh Covid-19, đồng thời chỉ đạo hoàn thành tốt các mục tiêu kế hoạch đã để ra cho năm 2020.

- Làm tốt Quy hoạch tỉnh; chủ động bổ sung, cập nhật, điều chỉnh các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch khu công nghiệp; kiểm soát chặt chẽ quá trình thực hiện quy hoạch, quá trình đầu tư xây dựng, quản lý và phát triển đô thị để nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát nguồn lực của nhà nước và nhân dân (cả thất thoát vô hình và thất thoát hữu hình); tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh để đưa tỉnh Ninh Bình trở thành địa phương đi đầu về mọi mặt của khu vực Đồng bằng sông Hồng.

- Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân tất cả các nguồn vốn đầu tư, trong đó có đầu tư công, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2020; đặc biệt lưu ý đối với các công trình, dự án trọng điểm, trong đó có Dự án thành phần Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45 thuộc Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, bảo đảm công khai, minh bạch, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí.

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đối với Dự án thành phần Cao Bồ - Mai Sơn trước ngày 31 tháng 7 năm 2020 để bàn giao cho đơn vị thi công, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành Dự án trong năm 2020; phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, hoàn thành bàn giao cho đơn vị thi công trước ngày 31 tháng 8 năm 2020.

2. Đối với Bộ Giao thông vận tải

- Tập trung thực hiện Nghị quyết Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (khi Nghị quyết được ban hành).

- Quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện toàn Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chuẩn bị tốt các điều kiện để sớm khởi công các dự án (đặc biệt là Dự án thành phần đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45); khẩn trương tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP, đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công đối với các dự án thành phần đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, bảo đảm chất lượng, an toàn (cả trong thi công và trong khai thác sử dụng), tiến độ, hiệu quả, công khai, minh bạch, tuyệt đối không để xảy ra lợi ích nhóm làm thất thoát tài sản nhà nước.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh có dự án đi qua quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của pháp luật để bàn giao cho các đơn vị thi công chậm nhất vào ngày 31 tháng 8 năm 2020; cùng với Bộ Giao thông vận tải phấn đấu hoàn thành cơ bản toàn Dự án vào năm 2021, thông xe vào năm 2022.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan có liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ: GTVT, KHĐT, TC, XD, TNMT;
- Ngân hàng NNVN;
- TU, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình;
- UBND các tỉnh: Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long;
- VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, PL, KTTH, NN, QHĐP;
- Lưu: VT, CN (2) pvc

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Cao Lục