Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 261/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 30 tháng 8 năm 2016

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI BẢO HIỂM TIỀN GỬI VIỆT NAM

Ngày 10 tháng 8 năm 2016, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì, làm việc về tình hình hoạt động, định hướng phát triển và vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTG) trong quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tổ chức tín dụng (TCTD). Tham dự cuộc họp có đại diện Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Lao động-Thương binh và xã hội, Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC), Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Sau khi nghe Chủ tịch HĐQT của BHTG báo cáo, ý kiến phát biểu của các thành viên dự họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:

1. Qua 16 năm hoạt động, từ nguồn vốn điều lệ được cấp là 5.000 tỷ đ, tới nay, BHTG đã đạt quy mô tổng tài sản 30.660 tỷ đồng, thực hiện bảo hiểm tiền gửi cho 100% các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (Luật BHTG). BHTG đã hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Luật BHTG, thực hiện chi trả cho người gửi tiền tại các quỹ tín dụng nhân dân bị giải thể bắt buộc, thực hiện kiểm tra, giám sát định kỳ đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; cũng như đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 527/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2016 để làm rõ mô hình hoạt động của định chế này, qua đó giải quyết cơ bản các vướng mắc về tổ chức và địa vị pháp lý của BHTG.

2. Bên cạnh đó, hoạt động của BHTG vẫn còn một số hạn chế nhất định, ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động. Là một công cụ tài chính của Nhà nước để sử dụng khi hệ thống ngân hàng gặp khó khăn, tuy nhiên, với khuôn khổ pháp lý và nguồn lực hiện tại, BHTG mới thực hiện được chức năng chi trả tiền gửi bảo hiểm, chưa được chủ động tham gia vào quá trình giám sát các tổ chức tham gia BHTG là ngân hàng thương mại cũng như vào quá trình kiểm soát đặc biệt các ngân hàng yếu kém (hiện tại chỉ thực hiện được vai trò này đối với hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức tài chính vi mô).

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN VÀ NHIỆM VỤ THỜI GIAN TỚI

BHTG trong thời gian tới cần xác định vai trò lớn hơn trong quá trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, đồng thời gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu:

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

a) Chỉ đạo BHTG hoàn thiện các Đề án về tăng hạn mức tiền gửi tối đa được chi trả và lộ trình áp dụng cơ chế phí bảo hiểm phân biệt, lấy ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó lưu ý việc tăng hạn mức cần gắn với việc nâng cao năng lực tài chính của BHTG, đáp ứng đủ yêu cầu chi trả khi cần thiết; lộ trình cơ chế phí phân biệt cần gắn với năng lực và quyền hạn của BHTG trong việc giám sát, đánh giá rủi ro, phân loại các tổ chức tham gia bảo hiểm.

b) Phát huy vai trò của Ngân hàng Nhà nước là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước của BHTG, tăng cường quản lý, chỉ đạo và có giải pháp để nâng cao năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động cho BHTG, từ đó tham gia tích cực, hiệu quả hơn vào các quá trình giám sát an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng và kiểm soát đặc biệt các ngân hàng thương mại yếu kém; tăng cường hỗ trợ về cơ chế nghiệp vụ, chia sẻ thông tin giữa Ngân hàng Nhà nước với BHTG để tạo điều kiện cho BHTG sớm tích lũy đủ kinh nghiệm, nguồn lực sẵn sàng tham gia tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và ổn định thị trường tài chính.

c) Chỉ đạo BHTG xây dựng Chiến lược phát triển BHTG giai đoạn 2017­2025 với định hướng nâng cao vai trò, vị trí BHTG trong việc đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống tổ chức tín dụng, trình Thủ tướng Chính phủ.

d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng văn bản bản quy phạm pháp luật về tái cơ cấu tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu (dưới hình thức là Luật hoặc Nghị định của Chính phủ) để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay, tạo khuôn khổ pháp lý đủ mạnh để thực hiện đề án tái cơ cấu tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật BHTG (kết hợp hoặc riêng rẽ với văn bản quy phạm nêu trên) để tăng cường vai trò của BHTG cũng như tạo cơ sở pháp lý cho việc sử dụng nguồn lực của BHTG trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu.

2. Đối với BHTG:

a) Tiếp thu ý kiến các Bộ, cơ quan tại cuộc họp, hoàn thiện Đề án tăng hạn mức chi trả tiền gửi bảo hiểm và tính toán thận trọng lộ trình áp dụng cơ chế phí bảo hiểm phân biệt, báo cáo Ngân hàng Nhà nước để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

b) Xây dựng Chiến lược phát triển BHTG giai đoạn 2017-2025 trong điều kiện khuôn khổ pháp lý cho phép BHTG tham gia vào các quá trình giám sát an toàn hoạt động và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng cũng như có cơ chế sử dụng nguồn lực của BHTG để tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém.

c) Củng cố, hoàn thiện mô hình tổ chức mới theo Quyết định số 527/QĐ- TTg ngày 01 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ; chủ động rà soát để đề xuất các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật liên quan cho phù hợp với mô hình tổ chức mới; tăng cường tích lũy các nguồn lực về tài chính, chuyên môn nghiệp vụ, nhân sự, công nghệ thông tin để sẵn sàng tham gia vào các nhiệm vụ tái cơ cấu, xử lý các tổ chức tham gia BHTG quy mô lớn.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- TTgCP, các PTTg;
- Các Bộ: Tài chính, KH&ĐT, Nội Vụ, Tư pháp, LĐTBXH;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam;
- Các Công ty: DATC, VAMC;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: TH, TKBT, V.I;
- Lưu: VT, KTTH (3bLV.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Sỹ Hiệp

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 261/TB-VPCP năm 2016 kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 261/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 30/08/2016
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Sỹ Hiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản
File đang được cập nhật