Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2512/TT-BNN-VP

Hà Nội, ngày 05 tháng 5 năm 2021

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG PHÙNG ĐỨC TIẾN TẠI CUỘC HỌP GIAO BAN CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP, AN TOÀN THỰC PHẨM NÔNG LÂM THỦY SẢN THÁNG 3, 4 VÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THÁNG 4, 5/2021

Ngày 19/4/2021, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã chủ trì cuộc họp giao ban công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN), an toàn thực phẩm (ATTP) nông lâm thủy sản tháng 3,4/2021 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 4,5/2021. Tham dự cuộc họp có đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Ban Chỉ đạo chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trong lĩnh vực nông nghiệp. Trên cơ sở báo cáo cập nhật kết quả công tác quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản, triển khai Kế hoạch hành động bảo đảm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2021 và đề xuất nhiệm vụ trọng tâm tháng 4,5/2021; ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kết luận như sau:

1. Trong thời gian qua, các đơn vị đã tích cực triển khai một số nội dung:

- Quản lý thực phẩm chay, xử lý ngộ độc thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng.

- Hoàn thiện trình Chính phủ ký Chương trình phối hợp giữa Chính phủ - Hội Nông dân Việt Nam - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

- Duy trì triển khai các chương trình giám sát ATTP, cảnh báo, xử lý mẫu vi phạm ATTP.

- Xử lý vụ kiện bán phá giá mật ong, trứng cá.

- Đôn đốc các địa phương triển khai tích cực chuỗi các sản phẩm quốc gia, khu vực, sản phẩm OCOP địa phương.

2. Để hoàn thành tốt mục tiêu đề ra trong Kế hoạch đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp 2021, Bộ yêu cầu:

a) Các Tổng cục, Cục và các đơn vị liên quan

- Đảm bảo tiến độ, chất lượng soát xét, sửa đổi 15 văn bản QPPL lĩnh vực chất lượng, ATTP.

- Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn Việt Nam theo đúng tiến độ, không để nợ đọng.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm, đầy đủ các công đoạn của quá trình sản xuất (sản xuất giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật...).

- Chỉ đạo, đôn đốc các địa phương gia tăng quy mô, tỷ trọng chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn.

- Về thị trường: làm tốt vấn đề ATTP cho tiêu dùng trong nước, tạo tiền đề cho xuất khẩu; chủ động xử lý các sự cố về ATTP, giải quyết kịp thời các vướng mắc của thị trường xuất khẩu.

b) Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản

- Với vai trò thường trực công tác bảo đảm ATTP, chủ động tham gia ý kiến với các đơn vị về việc triển khai công tác chất lượng, ATTP.

- Đề xuất văn bản có ý kiến với các địa phương về tổ chức bộ máy làm công tác chất lượng, ATTP tại địa phương.

- Đánh giá đúng thực trạng và đề xuất giải pháp phù hợp, đồng bộ Đề án “Nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản theo chuẩn quốc tế, phục vụ tiêu dùng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu giai đoạn 2021-2025”.

- Phối hợp Vụ Khoa giáo - Văn xã, Văn phòng Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để tổ chức lễ ký kết Chương trình phối hợp Chính phủ - Hội Nông dân Việt Nam - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về "tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025.

c) Cục Thú y: triển khai giám sát tồn dư một số sản phẩm chủ lực phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu theo phương thức xã hội hóa. Chủ trì, phối hợp Cục Chăn nuôi chuẩn bị báo cáo chuyên đề về quản lý chất lượng, ATTP chuỗi giá trị thịt gà để trình bày tại kỳ họp giao ban tháng sau.

d) Cục Chăn nuôi: đẩy nhanh tiến độ giải quyết dứt điểm việc xây dựng các văn bản liên quan Chiến lược chăn nuôi, các TCVN, QCVN.

đ) Tổng cục Thủy sản: Rà soát kỹ, đảm bảo chất lượng văn bản trình Bộ; khẩn trương hoàn thiện các văn bản liên quan đề án nuôi biển, TCVN, QCVN.

e) Trung tâm Thông tin học Phát triển nông nghiệp nông thôn: tổng hợp tài liệu, báo cáo, thông tin về các chuỗi giá trị ngành hàng phục vụ Lãnh đạo Bộ, đồng thời gửi Sở Nông nghiệp và PTNT các địa phương để chỉ đạo, tuyên truyền.

3. Về báo cáo chuỗi giá trị thịt lợn

Sau khi nghe đại diện Cục Chăn nuôi trình bày báo cáo về chuỗi giá trị thịt lợn, các đại biểu phát biểu ý kiến, được sự ủy quyền của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã kết luận như sau:

- Cục Chăn nuôi đã chủ trì, phối hợp với Cục Thú y chuẩn bị báo cáo về chuỗi giá trị thịt lợn một cách công phu, nhiều thông tin hữu ích.

- Để báo cáo toàn diện hơn, đề nghị Cục Chăn nuôi bổ sung, hoàn thiện báo cáo: (1) đánh giá mức độ đầy đủ, phù hợp của các cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện nay tại từng công đoạn của chuỗi để đề xuất sửa đổi, xây mới; (2) đánh giá đúng thực trạng (vai trò của hiệp hội, trang trại, hợp tác xã, người sản xuất) để làm rõ vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp, từng chủ thể trong chuỗi giá trị thịt lợn; làm rõ tính đại diện của các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi như nêu tại Báo cáo chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trong tổng số sản xuất kinh doanh thịt lợn ở Việt Nam; (3) đánh giá hiệu quả, tác động đến xã hội (vai trò môi trường công, môi trường tư); (4) vai trò của truyền thông.

Văn phòng Bộ thông báo để các cơ quan, đơn vị liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để b/c);
- Ban Quản lý an toàn thực phẩm các tỉnh Bắc Ninh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh; Sở NN&PTNT 63 tỉnh/TP (để t/hiện);
- Các Vụ: Pháp chế; Tổ chức cán bộ; Khoa học công nghệ và Môi trường; Kế hoạch; Tài chính;
- Thanh tra Bộ; Văn phòng Bộ; Tổng Cục Thủy sản; Các Cục: Quản lý chất lượng NLTS; Chăn nuôi; Trồng trọt; BVTV; Thú y; Chế biến và PTTTNS; Cục Kinh tế hợp tác và PTNT; Trung tâm Khuyến nông quốc gia; Trung tâm Tin học và Thống kê.
- Lưu: VT, TH, QLCL.

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Lê Văn Thành