Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 244/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 19 tháng 08 năm 2016

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRƯƠNG HÒA BÌNH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH NGÀY 10 THÁNG 8 NĂM 2016

Ngày 10 tháng 8 năm 2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã đến thăm Trung tâm hành chính công thành phố Uông Bí, Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh và làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh về công tác cải cách hành chính. Dự buổi làm việc của Phó Thủ tướng có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ và đại diện các Bộ: Tư pháp, Tài chính.

Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan dự họp, Phó Thủ tướng kết luận như sau:

I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX), Nghị quyết Trung ương 4, 5, 6 (khóa X), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Kết luận số 37-KL/TW Hội nghị Trung ương 9 (khóa X), Kết luận số 64-KL/TW Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã năng động, sáng tạo và có nhiều sáng kiến trong cải cách hành chính, cải cách tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế. Nổi bật là:

1. Đã tập trung chỉ đạo thực hiện công tác cải cách hành chính theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ một cách đồng bộ, quyết liệt, với nhiều cách làm mới, sáng tạo, có hiệu quả. Ban hành Kế hoạch cải cách hành chính hàng năm, trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi để người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

2. Công tác cải cách hành chính của Tỉnh đã đạt được những kết quả toàn diện trên cả 6 nội dung. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của Quảng Ninh liên tục được cải thiện qua các năm. Tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu và có nhiều sáng kiến trong thực hiện cải cách hành chính với mô hình Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và liên kết đến xã, phường, thị trấn.

3. Việc rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy được tỉnh Quảng Ninh quan tâm thực hiện theo tinh thần tinh gọn, giảm đầu mối, bảo đảm thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, của mỗi cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu; tăng cường việc tự chủ tài chính, mở rộng việc hợp tác công tư. Tỉnh đã chủ động đề xuất nhiều giải pháp có tính đột phá về tổ chức bộ máy như sáp nhập một số cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, nhất thể hóa một số chức danh giữa các cơ quan của đảng và chính quyền, tạo sự thống nhất và hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo.

4. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, cung cấp dịch vụ công cũng đã được tỉnh Quảng Ninh quan tâm đẩy mạnh và thu được kết quả rõ rệt. Cổng thông tin điện tử được đảm bảo hoạt động liên tục, kịp thời cập nhật các thủ tục hành chính. Triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã góp phần nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính đối với người dân, doanh nghiệp theo tinh thần công khai, minh bạch, thuận tiện.

II. NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ

1. Còn tình trạng chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, văn hóa công sở trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức tại một số nơi chưa nghiêm.

2. Việc cập nhật, công khai các thủ tục hành chính mới được ban hành tại một số đơn vị chưa kịp thời, chưa đầy đủ.

3. Công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách tới người dân, doanh nghiệp đã được quan tâm nhưng kết quả còn hạn chế.

4. Việc chấp hành pháp luật trên một số lĩnh vực chưa nghiêm, tình trạng vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra.

5. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2015 có tăng so với năm 2014 nhưng vẫn ở mức trung bình, trong đó có một số lĩnh vực thuộc nhóm điểm trung bình thấp như: công khai minh bạch, kiểm soát tham nhũng khu vực công, cung ứng dịch vụ công.

III. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI

Nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng một nền hành chính hiệu quả, Chính phủ liêm chính, kiến tạo và phục vụ, thời gian tới tỉnh Quảng Ninh cần quan tâm chỉ đạo thực hiện một số công việc sau:

1. Tiếp tục triển khai Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04 tháng 2 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020 một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Đề ra những giải pháp phù hợp để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

2. Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp, tập trung vào nhóm các thủ tục hành chính liên quan đến khởi sự doanh nghiệp, các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, du lịch, đất đai, hạ tầng kỹ thuật đô thị, lưu thông hàng hóa, tiêu dùng và hội nhập quốc tế. Gắn cải cách thủ tục hành chính với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ.

3. Tiếp tục rà soát, sắp xếp hệ thống tổ chức các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của địa phương gắn với việc xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.

- Phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ, Tư pháp nghiên cứu đề xuất cơ chế thí điểm mô hình tổ chức Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Phối hợp với Bộ Nội vụ, các cơ quan liên quan tiến hành sơ kết việc triển khai hoạt động của Trung tâm hành chính công Tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2015; từ kinh nghiệm thực tiễn đổi mới, cải cách hành chính của địa phương, tổng kết và có những đề xuất vào việc xây dựng Đề án của Trung ương về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

- Đồng ý về nguyên tắc chủ trương thực hiện thí điểm mô hình Trung tâm hành chính công cấp huyện. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm.

4. Đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, xây dựng cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Bộ Chính trị và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ.

Thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về thi tuyển công chức, viên chức, bảo đảm khách quan, trung thực, bình đẳng, tạo cơ hội để người giỏi vào làm việc tại cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập, tránh tiêu cực, vi phạm.

5. Theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị; khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm mục tiêu phục vụ của các cơ quan. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đặc biệt là ở những ngành, lĩnh vực dễ xảy ra vi phạm gây ra tác động xấu đến môi trường và an toàn, trật tự xã hội.

IV. VỀ MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH

1. Về Đặc khu kinh tế Vân Đồn: Đề án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình sẽ được Ban Cán sự đảng Chính phủ xem xét, báo cáo Bộ Chính trị.

2. Về thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với hợp đồng lao động theo hướng cân bằng “đóng, hưởng”: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất hướng xử lý; trường hợp cần thiết, nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội.

3. Bộ Tư pháp đôn đốc các bộ, ngành tiếp tục rà soát, xây dựng, công bố công khai các thủ tục hành chính liên thông, tạo điều kiện cho việc thực hiện các thủ tục hành chính tại địa phương.

Văn phòng Chính phủ thông báo để tỉnh Ủy ban nhân dân Quảng Ninh và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình;
- Các Bộ: NV, TP, TC, KH&ĐT, TTTT, VHTT&DL, NN&PTNT, LĐTB-XH;
- UBND tỉnh Quảng Ninh;
- VPCP: BTCN, Trợ lý TTg, Tổng GĐ Cổng TTĐT; các Vụ: KGVX, TH, V.III;
- Lưu VT, TCCV (03).24

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Mai Tiến Dũng

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 244/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ngày 10 tháng 8 năm 2016 do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 244/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 19/08/2016
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Mai Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản