Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2115/TB-BNN-VP

Hà Nội, ngày 07 tháng 4 năm 2022

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG PHÙNG ĐỨC TIẾN TẠI HỘI NGHỊ THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU ĐỘNG VẬT VÀ SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT

Ngày 26 tháng 3 năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến và Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị gồm có: Đại diện Lãnh đạo, chuyên viên của các đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành thú y của một số tỉnh trọng điểm về chăn nuôi, an toàn dịch bệnh (ATDB); các Sở, ngành và địa phương có liên quan của tỉnh Bình Dương; các hội, hiệp hội doanh nghiệp có hoạt động chăn nuôi, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.

Sau khi nghe báo cáo của Cục Thú y, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Dương, các tỉnh/thành phố khác, các hội, hiệp hội, các doanh nghiệp và ý kiến của đại biểu dự họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kết luận và chỉ đạo như sau:

1. Năm 2021, mặc dù có nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật tăng trưởng ở mức cao cả về số lượng và kim ngạch. Đây là thành quả từ sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND các tỉnh, thành phố, cũng như việc tổ chức thực hiện có hiệu quả của Cục Thú y, các đơn vị liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp. Hiện nay, một số sản phẩm động vật của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường nhiều nước và vùng lãnh thổ (cụ thể: thịt gà chế biến xuất khẩu sang 7 nước và vùng lãnh thổ; sữa và sản phẩm sữa xuất khẩu sang gần 50 nước, nhất là thị trường Trung Quốc có tiềm năng rất lớn; thịt lợn sữa, lợn choai, lợn mảnh, trứng gia cầm... cũng đã được xuất khẩu sang một số thị trường). Tuy nhiên, việc xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam sang các nước còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của Ngành Chăn nuôi Việt Nam.

2. Trong thời gian tới, để đẩy mạnh xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam, các đơn vị, địa phương và doanh nghiệp cần tập trung xây dựng thành công các chuỗi sản xuất, vùng chăn nuôi đạt yêu cầu an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của quốc tế và của nước nhập khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm động vật xuất khẩu của Việt Nam nhằm đáp ứng được quy định của các thị trường nhập khẩu; đề nghị các địa phương, các đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể như sau:

a) Đối với UBND các tỉnh, thành phố

- Rà soát quy hoạch, phát triển chăn nuôi theo vùng sản xuất gắn với chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại công nghệ cao, theo chuỗi khép kín, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương và các doanh nghiệp có hoạt động trên địa bàn các tỉnh, thành phố tổ chức nghiên cứu kỹ các quy định của Việt Nam, quy định của quốc tế và yêu cầu của các nước nhập khẩu để có kế hoạch cụ thể và tổ chức xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của CODEX hướng đến xuất khẩu.

- Có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chuỗi sản xuất khép kín, bao gồm cả nhà máy chế biến sản phẩm chăn nuôi nhằm đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, phù hợp với từng thị trường, vùng miền, tăng khả năng xuất khẩu được sản phẩm.

- Chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp phòng và kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo không để phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là đối với các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có ảnh hưởng đến thương mại động vật và sản phẩm động vật theo khuyến cáo của OIE và hướng dẫn của Cục Thú y.

- Hằng năm, có kế hoạch cụ thể và bố trí kinh phí tổ chức giám sát các bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; giám sát các chỉ tiêu vi sinh vật gây hại và các chất tồn dư độc hại trong thực phẩm tại các vùng xung quanh chuỗi sản xuất sản phẩm động vật phục vụ xuất khẩu theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh, quản lý thông tin, dữ liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật.

b) Đối với các doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến

- Các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật cần tìm hiểu kỹ các quy định của OIE, CODEX và các yêu cầu của thị trường xuất khẩu để chuẩn bị các điều kiện cần thiết, gửi văn bản đề nghị tới Cục Thú y để được hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể.

- Chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin về nhu cầu thị trường; tìm kiếm đối tác thương mại, có lộ trình thực hiện xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật khi thị trường được mở cửa.

- Chủ động rà soát, đầu tư nâng cấp các điều kiện chăn nuôi, giết mổ, chế biến bảo đảm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh; kế hoạch giám sát các chỉ tiêu vi sinh vật gây hại và các chất tồn dư độc hại trong thực phẩm.

- Phối hợp chuẩn bị hồ sơ đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu và hướng dẫn của Cục Thú y; tổ chức mời và tiếp đón các đoàn kiểm tra, thanh tra của các nước nhập khẩu.

c) Giao Cục Thú y

- Thành lập Tổ công tác kỹ thuật thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật để tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu để đẩy mạnh xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.

- Tổ chức dịch sang tiếng Việt các quy định, yêu cầu của các tổ chức quốc tế, các nước và biên tập thành tài liệu hướng dẫn; tổ chức tập huấn về quy định, chuyên môn, kỹ thuật trong quá trình thực hiện xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh, giám sát các chỉ tiêu vi sinh vật gây hại và các chất tồn dư độc hại trong thực phẩm.

- Hướng dẫn cụ thể việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch giám sát dịch bệnh, giám sát các chỉ tiêu vi sinh vật gây hại và các chất tồn dư độc hại trong thực phẩm, quản lý thông tin, truy xuất nguồn gốc theo đúng tiêu chuẩn của OIE và yêu cầu của các nước; bao gồm cơ sở giết mổ, chế biến đạt chuẩn và đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu.

- Tăng cường hợp tác quốc tế, xúc tiến thương mại, đàm phán các yêu cầu về vệ sinh thú y với các cơ quan có thẩm quyền của các nước nhập khẩu để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật.

- Chuẩn bị các nội dung làm việc với đoàn thanh tra của cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu sang Việt Nam đánh giá, công nhận chuỗi, cơ sở sản xuất sản phẩm động vật đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

- Tổ chức các đoàn công tác sang các nước nhập khẩu để đàm phán, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và rào cản kỹ thuật để xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật của Việt Nam; mời đại diện của OIE, các tổ chức quốc tế có liên quan, đại diện cơ quan có thẩm quyền của các nước sang Việt Nam để hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức xây dựng thành công, công nhận các chuỗi, vùng ATDB theo tiêu chuẩn của OIE, theo yêu cầu của các nước nhập khẩu để xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.

- Khẩn trương xây dựng, trình Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Kế hoạch quốc gia thúc đẩy xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật giai đoạn đến

năm 2030 để có cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các doanh nghiệp triển khai thực hiện.

d) Giao Cục Chăn nuôi

- Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, các doanh nghiệp rà soát quy hoạch và phát triển chăn nuôi theo vùng sản xuất gắn với chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại công nghệ cao, theo chuỗi khép kín nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, các yêu cầu về vệ sinh thú y, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

- Nghiên cứu và tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Tổng cục Thống kê xây dựng dữ liệu về tổng đàn vật nuôi sát thực tế, có độ chính xác cao làm cơ sở tính toán sản lượng thịt sản xuất trong nước.

- Phối hợp với Cục Thú y hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, các doanh nghiệp tổ chức xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

đ) Giao Trung tâm Khuyến nông quốc gia

- Thực hiện các chương trình khuyến nông cộng đồng, tăng cường truyền thông, phổ biến rộng rãi về phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

- Phối hợp với Cục Thú y hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, các doanh nghiệp tổ chức xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo để các cơ quan, đơn vị biết và triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (để b/c);
- PCT UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng (để b/c);
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Sở NN&PTNT, Cơ quan QLCN Thú y các tỉnh, tp (để t/h);
- Các đơn vị thuộc Bộ: Thú y, Chăn nuôi; Chế biến và
PTTTNS; Trung tâm KNQG (để t/h);
- Lưu: VT, TH.

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG





Lê Văn Thành

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 2115/TB-BNN-VP năm 2022 về ý kiến kết luận của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tại Hội nghị thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 2115/TB-BNN-VP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 07/04/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Lê Văn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/04/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản