Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC THÚ Y
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 615/TY-KD

Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 2009

 

HƯỚNG DẪN

VỀ THỦ TỤC KIỂM DỊCH NHẬP KHẨU, TẠM NHẬP TÁI XUẤT, TẠM XUẤT TÁI NHẬP, CHUYỂN CỬA KHẨU, KHO NGOẠI QUAN, QUÁ CẢNH ĐỘNG VẬT, SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT

Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29 tháng 4 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 19/2008/QĐ-BNN ngày 28/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thú y.
Thực hiện chương trình cải cách hành chính của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân (sau đây gọi là Doanh nghiệp) làm thủ tục kiểm dịch được nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm được kinh phí, thời gian,...; đồng thời để tăng cường quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh động vật, sản phẩm động vật theo đúng quy định của Pháp luật Thú y, đảm bảo an toàn dịch bệnh động vật trong nước và bảo vệ sức khoẻ con người, Cục Thú y hướng dẫn các Doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến việc kiểm dịch nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh động vật, sản phẩm động vật làm thủ tục kiểm dịch qua Email như sau:

I. Thủ tục kiểm dịch nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam.

1. Đối với động vật nhập khẩu (động vật trên cạn và một số động vật lưỡng cư):

1.1. Hồ sơ gồm có:

a) Đơn xin kiểm dịch nhập khẩu động vật: theo mẫu 1-KDĐV;

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao có công chứng) phải đúng đối tượng kinh doanh và còn giá trị; Doanh nghiệp chỉ phải nộp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu hoặc sau khi thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh.

c) Giấy phép của các cơ quan khác có liên quan theo quy định.

1.2. Căn cứ vào hồ sơ của Doanh nghiệp, nếu hợp lệ Cục Thú y hướng dẫn:

a) Yêu cầu vệ sinh thú y đối với động vật nhập khẩu vào Việt Nam để Doanh nghiệp ký hợp đồng nhập khẩu với phía đối tác nước ngoài.

b) Các đơn vị có liên quan thuộc Cục Thú y hoặc Chi cục Thú y có liên quan khảo sát vị trí, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y khu nuôi cách ly kiểm dịch động vật nhập khẩu theo quy định.

1.3. Căn cứ vào báo cáo kết quả khảo sát vị trí nuôi cách ly bảo đảm an toàn dịch bệnh cho động vật trong nước và ngược lại, kết quả thẩm định điều kiện vệ sinh thú y khu nuôi cách ly kiểm dịch đạt yêu cầu (theo mẫu số 6 – BCKT) và Đơn xin kiểm dịch nhập khẩu động vật của Doanh nghiệp (ghi chính xác số lượng động vật nhập khẩu, tính biệt, thời gian nhập, ...) trước khi động vật rời khỏi nước xuất khẩu, Cục Thú y sẽ xem xét, hướng dẫn Doanh nghiệp được kiểm dịch nhập khẩu động vật và hướng dẫn cơ quan có liên quan thực hiện việc kiểm dịch nhập khẩu động vật theo quy định.

1.4. Để tạo điều kiện thuận lợi cho Doanh nghiệp nhập khẩu gia súc, gia cầm để sản xuất, kinh doanh, Cục Thú y đồng ý để các Doanh nghiệp dự trù số lượng nhập khẩu trong thời gian 3 tháng và phải đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y theo quy định.

2. Đối với sản phẩm động vật:

2.1. Thực phẩm sử dụng cho người (thịt, trứng, sữa và các sản phẩm từ thịt, trứng, sữa, ....).

Hồ sơ gồm có:

a) Đơn xin kiểm dịch nhập khẩu sản phẩm động vật: theo mẫu 2-KDĐV;

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo điểm b, 1.1, I;

c) Giấy chứng nhận HACCP của cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm (bản sao có chữ ký của lãnh đạo Doanh nghiệp, ghi rõ ngày tháng năm và có đóng dấu của Doanh nghiệp);

d) Giấy phép của các cơ quan khác có liên quan theo quy định.

2.2. Các loại sản phẩm động vật khác (bột thịt xương, bột lông vũ, lông vũ, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc động vật, ...).

Hồ sơ gồm có:

a) Đơn xin kiểm dịch nhập khẩu sản phẩm động vật:

- Đối với bột thịt xương theo mẫu 3-KDĐV.

- Đối với các sản phẩm động vật khác theo mẫu 2-KDĐV;

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo điểm b, 1.1, I;

c) Giấy phép của các cơ quan khác có liên quan theo quy định.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho Doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm động vật để sản xuất, kinh doanh; Cục Thú y đồng ý để các Doanh nghiệp dự trù hàng hoá nhập khẩu trong thời gian 3 tháng và Doanh nghiệp làm việc với phía đối tác của nước xuất khẩu: hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam phải có giấy chứng nhận kiểm dịch xác nhận hàng hoá đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh thú y theo quy định, không làm lây lan dịch bệnh động vật và không gây hại sức khoẻ cho người.

II. Đối với động vật, sản phảm động vật tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, kho ngoại quan, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam.

Hồ sơ gồm có:

1. Đơn xin kiểm dịch tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, kho ngoại quan, quá cảnh động vật, sản phảm động vật: theo Mẫu 4 – KDĐV.

2. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo điểm b, 1.1, I;

3. Hợp đồng mua bán động vật, sản phẩm động vật và các hợp đồng dịch vụ khác (bản sao có công chứng hoặc bản sao có chữ ký của lãnh đạo Doanh nghiệp, ghi rõ ngày tháng năm và có đóng dấu của Doanh nghiệp);

4. Giấy phép của các cơ quan có liên quan theo quy định (bản sao có công chứng hoặc bản sao có chữ ký của lãnh đạo Doanh nghiệp, ghi rõ ngày tháng năm và có đóng dấu của Doanh nghiệp).

III. Tiếp nhận hồ sơ:

1. Doanh nghiệp gửi trước Đơn xin kiểm dịch nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật, Đơn xin kiểm dịch tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh động vật, sản phảm động vật qua Email về Cục Thú y theo địa chỉ E-mail: kiemdich.cty@fpt.vn

2. Doanh nghiệp gửi toàn bộ hồ sơ (Đơn xin kiểm dịch có chữ ký và dấu đỏ của Doanh nghiệp, các giấy tờ có liên quan khác theo quy định nêu trên) về Cục Thú y theo địa chỉ:

Phòng Kiểm dịch động vật - Cục Thú y

Số 15 ngõ 78 đường Giải Phóng

Phường Phương Mai, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội

ĐT: (84-4 ) 38687151 hoặc ( 84- 4) 38696788 (Xin số: 25) Fax: (84-4) 36290147

IV. Trả lời văn bản.

1. Trong phạm vi 5 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, có chữ ký và dấu đỏ (trừ ngày nghỉ theo quy định của Nhà nước), Cục Thú y sẽ kiểm tra và so sánh với các thông tin gửi qua Email, nếu các thông tin đó là trùng khớp và chính xác sẽ gửi Công văn hướng dẫn kiểm dịch cho Doanh nghiệp qua Email để Doanh nghiệp đăng ký kiểm dịch với cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu làm thủ tục kiểm dịch; trong trường hợp những Doanh nghiệp chưa có Email, Cục Thú y sẽ gửi bản chính có chữ ký và dấu đỏ qua đường Bưu điện để làm thủ tục kiểm dịch. Nếu hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ thì hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân hoàn chỉnh hồ sơ theo đúng quy định. Việc hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ có thể sử dụng bằng nhiều hình thức như trao đổi qua E-mail, điện thoại, trao đổi trực tiếp.

2. Công văn hướng kiểm dịch của Cục Thú y gửi qua Email cho các cơ quan kiểm dịch động vật có liên quan để đối chiếu với Công văn gửi cho các Doanh nghiệp có giá trị như bản chính (có chữ ký và dấu đỏ).

V. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân xin kiểm dịch:

1. Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật và các quy định khác có liên quan của Pháp luật Việt nam.

2. Chỉ được nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh động vật, sản phẩm động vật sau khi có ý kiến của Cục Thú y.

3. Để quản lý chặt chẽ động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu vào Việt Nam: Khi làm đơn xin kiểm dịch nhập khẩu lô hàng (cùng chủng loại, nguồn gốc) tiếp theo, Doanh nghiệp gửi kèm báo cáo số lượng động vật hoặc sản phẩm động vật đã thực nhập vào Việt Nam theo Công văn trước đó (theo mẫu 5 - BCNK); căn cứ vào Báo cáo của Doanh nghiệp, Cục Thú y sẽ xem xét hướng dẫn Doanh nghiệp ký hợp đồng nhập khẩu lô hàng (cùng chủng loại, nguồn gốc) tiếp theo hoặc gia hạn Công văn lần trước đã gửi Doanh nghiệp nếu số lượng chưa nhập còn nhiều.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc xin liên hệ theo địa chỉ tại điểm 2, III của bản Hướng dẫn này. Các tổ chức, có nhân có thể tìm văn bản này trên website của Cục Thú y theo địa chỉ: http://www.cucthuy.gov.vn

Công văn này thay cho Công văn số 547/TY-KD ngày 20/5/2004 của Cục Thú y về việc hướng dẫn kiểm dịch nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh động vật, sản phẩm động vật qua Email.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ NN&PTNT (để b/c);
- Tổng cục Hải quan;
- Cục Hải quan các tỉnh, thành phố;
- Các đơn vị có liên quan thuộc Cục Thú y;
- Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố;
- Các Doanh nghiệp có liên quan;
- Lưu VP, KD.

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Hoàng Văn Năm