Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------

Số: 163/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 07 tháng 05 năm 2015

 

THÔNG BÁO

KẾt luẬn cỦa Phó ThỦ tưỚng Vũ ĐỨc Đam tẠi cuỘc hỌp Ban ChỈ đẠo Trung ương thỰc hiỆn QuyẾt đỊnh sỐ 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 cỦa ThỦ tưỚng Chính phỦ phê duyỆT ĐỀ án “Đào tẠo nghỀ cho lao đỘng nông thôn đẾn năm 2020”

Ngày 23 tháng 4 năm 2015, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Đề án 1956). Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương. Sau khi nghe báo cáo tổng hợp chung của Văn phòng Chính phủ và ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận:

1. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, được xã hội đồng thuận cao và quan tâm, hưởng ứng tích cực. Sau 5 năm thực hiện Đề án 1956, đã có hơn 2,1 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách Đề án 1956, đạt 90,4% kế hoạch đề ra. Một số bất cập nảy sinh trong thời gian đầu thực hiện Đề án như: phân công đầu mối quản lý chưa phù hợp, đào tạo chưa sát thực tế, hiệu quả chưa cao đã cơ bản được chấn chỉnh và khắc phục. Trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương, đoàn thể cần phát huy những kết quả, kinh nghiệm đã đạt được tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đồng thời đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ sau đây:

a) Đào tạo nghề phải đa dạng, cụ thể, sát nhu cầu của người dân và thực tiễn sản xuất; từ đào tạo một công đoạn, một kỹ năng nghề nhất định đến đào tạo cấp bằng, chứng chỉ nghề một cách đầy đủ, toàn diện. Chỉ tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn khi xác định được nơi làm việc và có khả năng thu nhập cao hơn sau học nghề;

b) Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chủ động đào tạo, nâng cao tay nghề của người lao động. Kiên quyết không để các cơ sở đào tạo không đủ điều kiện, tổ chức kém hiệu quả tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai các hoạt động của Đề án 1956 và chịu trách nhiệm về kết quả, hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn;

c) Thực hiện việc lồng ghép, huy động các nguồn lực trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn một cách linh hoạt, phù hợp giữa các đề án, chương trình khác nhau (như: lồng ghép với Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015” được phê duyệt tại Quyết định số 295/QĐ-TTg ngày 26 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ; Quỹ hỗ trợ nông dân; Quỹ quốc gia giải quyết việc làm; Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới,...), giữa các đối tượng đào tạo, các địa phương; lồng ghép với các vấn đề về giới, về môi trường, văn hóa, xã hội, kiến thức kinh doanh trong quá trình đào tạo nghề để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực. Cơ quan chủ trì thực hiện chương trình, dự án, đề án khác ở địa phương có sử dụng ngân sách nhà nước để dạy nghề cho lao động nông thôn phải tổ chức thực hiện đúng các quy định về dạy nghề, đồng thời báo cáo Ban chỉ đạo Đề án 1956 cấp tỉnh và chịu trách nhiệm về kết quả, hiệu quả dạy nghề trong chương trình, dự án, đề án đó;

d) Thực hiện phương thức hỗ trợ chi phí đào tạo cho người học nghề thông qua cơ sở đào tạo; chỉ hỗ trợ trực tiếp (tiền ăn, tiền đi lại) cho người học thuộc một số đối tượng ưu tiên (người thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, lao động nữ bị mất việc làm) và tập trung kiểm tra, đánh giá hiệu quả đầu ra;

đ) Phải bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn, không phân biệt cơ sở công lập hay ngoài công lập nếu đáp ứng các điều kiện dạy nghề, nhất là về giáo viên, chương trình, thiết bị dạy nghề;

e) Định mức chi phí đào tạo cơ bản do từng địa phương quy định. Tuy nhiên, có thể tham khảo áp dụng định mức chi phí đào tạo đối với các nghề đã được địa phương khác quy định nếu thấy phù hợp, đáp ứng các quy định;

g) Tăng cường công tác tư vấn đối với lao động nông thôn trong việc lựa chọn nghề để học và có điều kiện làm nghề sau khi học. Chú trọng việc thông tin, tuyên truyền trực tiếp cho lao động nông thôn trong quá trình đào tạo; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức thông tin rộng rãi về những người lao động của mình đã thành công sau học nghề.

h) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Đề án 1956 ở các cấp. Các thành viên Ban chỉ đạo Trung ương chủ động bố trí việc kiểm tra, giám sát Đề án tại địa phương theo kế hoạch của thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương.

2. Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Điều 1 Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành để có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2015;

b) Tiếp thu các ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, hoàn chỉnh dự thảo Quyết định quy định chính sách hỗ trợ đào tạo và tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới ba tháng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong Quý II năm 2015;

c) Tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án 1956, đồng thời quán triệt, triển khai các văn bản mới nêu tại Điểm a và Điểm b Mục 2 Thông báo này sau khi được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành; tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án 1956; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành các thủ tục để khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai Đề án 1956 theo quy định của pháp luật.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ và cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ LĐTBXH;
- Kênh truyền hình VTC16;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, KTN, PL, TH, HC;
- Lưu: VT, KGVX (3). ĐND.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Khắc Định

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 163/TB-VPCP năm 2015 về kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 163/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 07/05/2015
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Khắc Định
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản