Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 159/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 12 tháng 6 năm 2021

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI CUỘC LÀM VIỆC VỚI THANH TRA CHÍNH PHỦ

Ngày 26 tháng 5 năm 2021, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì họp với Thanh tra Chính phủ về tình hình, kết quả công việc; những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong; các đồng chí Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy và đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục, đơn vị có liên quan của Thanh tra Chính phủ. Sau khi nghe Thanh tra Chính phủ báo cáo, ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như sau:

1. Trong thời gian qua, Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra đã bám sát đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình để xây dựng ngành, triển khai thực hiện nhiệm vụ và đạt nhiều kết quả tích cực. Thanh tra Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình tiến hành thanh tra, qua thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm, kiên quyết kiến nghị xử lý nhiều vụ việc liên quan đến tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có những vụ rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng mang tính đột phá trong đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, thu hồi nhiều tiền, tài sản lớn cho Nhà nước, điển hình như vụ Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần AVG. Kết quả công tác này đã đóng góp vào thành tích chung của cả nước, nhất là trong công cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giúp củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần vào thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

2. Bên cạnh những kết quả nêu trên, ngành thanh tra còn một số bất cập, tồn tại, hạn chế như: Việc triển khai kế hoạch Thanh tra ở một số đơn vị còn chậm; còn có sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; việc ban hành kết luận thanh tra còn chậm; việc xử lý sau thanh tra và tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản có chuyển biến tích cực nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra. Tình hình khiếu nại, tố cáo giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp, nhất là lĩnh vực đất đai. Việc tham mưu, tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ công tác còn chậm; tình hình tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp ở một số lĩnh vực như: đất đai, đầu tư công, tài nguyên, khoáng sản, xây dựng, ngân hàng...

3. Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên có phần do các quy định liên quan còn bất cập, chồng chéo, còn có khoảng trống pháp luật; việc xây dựng, hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật còn chậm so với kế hoạch đề ra; chính sách đãi ngộ đối với cán bộ ngành thanh tra cần được nghiên cứu cho phù hợp hơn; tính nêu gương, tinh thần kỷ luật, kỷ cương của một bộ phận cán bộ còn hạn chế; vẫn còn hiện tượng lợi ích nhóm; một bộ phận cán bộ chưa thực sự công tâm, trong sáng, quyết tâm, quyết liệt trong công tác; sự phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ với các cơ quan có liên quan có lúc, có nơi còn chưa hiệu quả.

4. Bài học kinh nghiệm cần rút ra:

a) Trong quá trình xử lý công việc phải bám sát chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nghiêm túc tiếp thu ý kiến xác đáng của các cấp lãnh đạo và thực sự trong sáng, công tâm, khách quan, đồng thời phải đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết.

b) Giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong toàn ngành thanh tra; đối với công tác cán bộ phải công tâm, dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan.

c) Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải kiên trì, bản lĩnh, khách quan, đối thoại từ cấp cơ sở, đồng thời phải công khai, minh bạch, giải quyết cần có lý, có tình, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước.

d) Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra ngay trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của Đảng và Nhà nước.

5. Định hướng chỉ đạo trong thời gian tới:

a) Trong xử lý công việc cần phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; đồng thời, thường xuyên đôn đốc, đánh giá, kiểm tra, giám sát đến kết quả cuối cùng. Coi trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm có hiệu quả các nguyên tắc và phương thức lãnh đạo của Đảng; kiên quyết phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thanh tra. Rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, giảm đầu mối bên trong, cắt giảm cơ quan, đơn vị trung gian, giảm cấp phó, bỏ cấp hàm. Củng cố, xây dựng lực lượng cán bộ thanh tra chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, có bản lĩnh; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thanh tra, nhất là ở cấp cơ sở.

b) Kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được; đề cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục những khó khăn, tồn tại để nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa trong công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý; tăng cường công tác thanh tra, xử lý sau thanh tra, nâng cao hiệu quả chất lượng các cuộc thanh tra; đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định, xử lý sau thanh tra.

c) Nhiệm vụ của ngành Thanh tra là rất nặng nề, phức tạp, nhạy cảm, thanh tra không chỉ để phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, mà còn phát hiện những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị biện pháp khắc phục. Thanh tra để phục vụ cho việc phát triển và để phòng ngừa, răn đe, bảo đảm công bằng trước pháp luật nên phải giữ đúng các nguyên tắc: (i) nắm chắc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tình hình thực tiễn; lấy thực tiễn làm cơ sở, thước đo để hoàn thiện thể chế, chính sách; (ii) giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ song phải lắng nghe ý kiến của tập thể để tạo sự thống nhất, đồng thuận; (iii) cán bộ thanh tra phải có tư tưởng chính trị vững vàng, bản lĩnh, kiên trì trong công tác, biết đặt lợi ích chung lên trên hết, công tâm, khách quan, đúng pháp luật khi thực thi công vụ.

d) Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, tăng cường xây dựng các tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn và công cụ kiểm tra, giám sát; coi trọng công tác giám sát, kiểm tra nội bộ, không để xảy ra tình trạng xuê xoa, dễ dãi, nể nang, né tránh khi xử lý các vấn đề vi phạm của nội bộ.

đ) Xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm và theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương và Kết luận số 74-KL/TW ngày 22 tháng 5 năm 2020 của Bộ Chính trị.

e) Yếu tố con người là yếu tố quyết định, quan trọng nhất trong các nguồn lực. Do đó, phải chăm lo, xây dựng và phát huy đội ngũ cán bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 Khóa XII, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quyết định số 08-Qđi/TW ngày 25 tháng 10 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu các cấp. Công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan trong tuyển dụng, thi tuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm và thực hiện chính sách cán bộ.

6. Một số vấn đề, nhiệm vụ cụ thể của Thanh tra Chính phủ:

a) Qua công tác thanh tra, cần tăng cường phát hiện các sơ hở, bất cập của chính sách pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, nhất là hoàn thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng, chú trọng các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: đất đai, đầu tư công, tài nguyên khoáng sản, xây dựng, ngân hàng, chi tiêu thường xuyên...

b) Triển khai có hiệu quả kế hoạch thanh tra năm 2021, tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo; có các biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra; nâng cao chất lượng thanh tra và hiệu quả thực hiện kết luận thanh tra... Tập trung thanh tra chuyên đề diện rộng, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm; xử lý nghiêm và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

c) Triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong việc xử lý các vụ việc phức tạp, không để phát sinh thành “điểm nóng”; tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp, kéo dài. Trong quá trình giải quyết, cần coi trọng và làm tốt công tác đối thoại, hòa giải. Người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền phải thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với công dân theo quy định của Luật tiếp công dân năm 2013 và Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18 tháng 2 năm 2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.

d) Tăng cường sự phối hợp công tác giữa hoạt động thanh tra và hoạt động giám sát của Quốc hội; giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán, kiểm tra; giữa Thanh tra Chính phủ với Thanh tra các Bộ, ngành, địa phương để tránh xảy ra việc trùng lặp, chồng chéo.

đ) Chủ động trong công tác thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; thông tin trung thực, khách quan, kịp thời về hoạt động của ngành thanh tra.

e) Khẩn trương chỉ đạo kết thúc các cuộc thanh tra đã kéo dài quá thời hạn quy định và sớm ban hành kết luận thanh tra; đồng thời, thực hiện việc kiểm tra, xử lý sau thanh tra theo quy định đối với các cuộc thanh tra đã ban hành kết luận thanh tra, nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có biểu hiện cố tình trì hoãn, không thực hiện kết luận thanh tra thì phải kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

g) Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện kết luận thanh tra, xử lý đối với việc thu hồi tài sản, đất đai có vi phạm, nhất là đối với các kết luận thanh tra phức tạp, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo (nêu tại văn bản số 1083/VPCP-V.I ngày 21 tháng 5 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ về tiến độ, kết quả thanh tra và xử lý sau thanh tra các dự án trọng điểm, vụ việc phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm).

h) Thực hiện đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1270/VPCP-KSTT ngày 26 tháng 02 năm 2021, số 2275/VPCP-KSTT ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ về Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; khẩn trương hoàn thiện Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 8 năm 2021 để tổ chức triển khai, thực hiện, làm cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng Nghị định quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

i) Khẩn trương kiện toàn Tổ soạn thảo Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; đồng thời, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Quy chế phối hợp, báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ trong tháng 7 năm 2021.

k) Phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng vị trí việc làm trước khi trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức gắn với việc sửa đổi Nghị định số 50/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Thanh tra Chính phủ biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- TTg, các PTTg (để b/c);
- Ban Nội chính Trung ương;
- Ban Tổ chức Trung ương;
- Ủy ban Kiểm tra Trung ương;
- Kiểm toán nhà nước;
- Thanh tra Chính phủ;
- Các Bộ: Nội vụ, Tư pháp;
- VPCP: BTCN, PCN Cao Huy, Trợ lý TTg,
các Vụ, Cục: TH, TKBT, KTTH, TCCV,
PL, NC, KSTTHC, TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, Vụ I (3) Toàn.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Cao Huy

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 159/TB-VPCP năm 2021 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc với Thanh tra Chính phủ do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 159/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 12/06/2021
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Cao Huy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản