Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 139/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 03 tháng 4 năm 2020 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN ỦY BAN QUỐC GIA VỀ CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ VỚI CÁC BAN CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ, CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG NGÀY 12 THÁNG 02 NĂM 2020
Ngày 12 tháng 02 năm 2020, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (sau đây gọi tắt là Ủy ban) với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử Bộ, ngành, địa phương. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban, các đồng chí thành viên Ủy ban, các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử Bộ, ngành, địa phương và Tổ công tác giúp việc Ủy ban.
Sau khi nghe Báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 17/NQ-CP) của Bộ Thông tin và Truyền thông, báo cáo của Văn phòng Chính phủ, tham luận của Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, chuyên gia Tổ công tác giúp việc Ủy ban; ý kiến phát biểu của các đại biểu, ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban đã kết luận như sau:
1. Biểu dương, đánh giá cao vai trò của các thành viên Ủy ban và nỗ lực của Tổ công tác giúp việc Ủy ban, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, huy động được các doanh nghiệp công nghệ thông tin, chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia, hỗ trợ triển khai thực hiện.
Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử được thành lập, trước đây Văn phòng Chính phủ là cơ quan thường trực, thời gian gần đây đã chuyển cho Bộ Thông tin và Truyền thông theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Đây là cơ quan đầu mối, điều phối, huy động các sức mạnh để thúc đẩy triển khai Chính phủ điện tử thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Đồng ý để Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chỉ đạo thêm các nội dung về đô thị thông minh, chuyển đổi số, kinh tế số, không thành lập thêm các Ban chỉ đạo mới về việc này.
Tổ công tác giúp việc Ủy ban đã tập hợp được nhiều chuyên gia, nhiều thành phần khác nhau, giúp tư vấn nhiều vấn đề, nội dung. Đây là ví dụ tốt về việc huy động tri thức, trí tuệ của các chuyên gia.
2. Thời gian qua, với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, vai trò hạt nhân của Bộ Thông tin và Truyền thông và Văn phòng Chính phủ cùng sự chung tay của các Bộ, ngành, địa phương, việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử đã đạt được những kết quả ban đầu đáng khích lệ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, hạn chế tham nhũng, rút ngắn thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp; môi trường pháp lý, thể chế cho Chính phủ điện tử được quan tâm thúc đẩy; các hệ thống công nghệ thông tin đóng vai trò trụ cột của Chính phủ điện tử đã được hình thành, trong đó tiêu biểu là cổng Dịch vụ công Quốc gia, Trục liên thông văn bản quốc gia do Văn phòng Chính phủ triển khai trong thời gian ngắn nhưng đã được sự ủng hộ, phản hồi rất tích cực của các tổ chức, cá nhân sử dụng; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng gấp đôi so với năm 2018 từ 4,5% lên 10,7%; tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi qua mạng đạt 86,5% (tăng 14,5% so với năm 2018); ra mắt bản đồ Vmap trên Hệ tri thức Việt số hóa với hơn 24 triệu địa chỉ; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, Cấp tỉnh tăng từ 3% lên 27%; Cơ sở dữ liệu chuyên ngành bảo hiểm xã hội được khai trương và kết nối liên thông với hệ thống chuyên ngành khác để liên thông thủ tục cấp giấy đăng ký khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em; Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã kết nối đến 100% cấp bộ, cấp tỉnh và 95% cấp huyện; thành lập Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử tại Bộ thông tin và Truyền thông và triển khai chương trình đào tạo 100 chuyên gia Chính phủ điện tử tại các bộ, ngành, địa phương; công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng được quan tâm, cải thiện và đã khai trương Hệ thống chia sẻ và giám sát an toàn thông tin; đặc biệt, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã làm chủ các sản phẩm, công nghệ trong triển khai Chính phủ điện tử và an toàn, an ninh mạng... Đây là những tiền đề, bước đi quan trọng cho những năm tiếp theo và khẳng định được khả năng đột phá trong xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Mặc dù vậy, cũng phải thẳng thắn xác định những hạn chế, nút thắt cần tháo gỡ như xếp hạng về Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc còn thấp, dưới mức trung bình của ASEAN; một số Nghị định quan trọng cho phát triển Chính phủ điện tử chưa được ban hành; các cơ sở dữ liệu quốc gia, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, nền tảng thanh toán điện tử triển khai chậm; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 còn thấp, tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến chưa cao; hạ tầng công nghệ thông tin nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu đồng bộ; vấn đề an toàn, an ninh mạng chưa được quan tâm đầy đủ, còn tình trạng mất an toàn, an ninh mạng trong một số cơ quan trọng yếu; chưa tích cực ứng dụng các công nghệ mới (điện toán đám mây,...); Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước mới chỉ là hạ tầng truyền dẫn căn bản chưa phải hạ tầng số của Chính phủ điện tử; công tác đào tạo về ứng dụng công nghệ thông tin ở các cấp chưa được chú trọng; nguồn lực tài chính cho triển khai Chính phủ điện tử còn lúng túng, hạn chế; công tác báo cáo, tổng hợp, phát hiện vấn đề bất cập còn chưa tốt; nhiều nơi còn tình trạng “án binh bất động” hoặc “mạnh ai người ấy làm” chưa kiểm soát tốt dễ gây ra lãng phí và có thể xảy ra tiêu cực.
3. Xây dựng Chính phủ điện tử là một việc lớn, lâu dài, cần thường xuyên sơ kết, tổng kết, kiểm tra, đôn đốc, phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm và phải huy động, chung tay của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp thì mới thành công. Xác định yếu tố con người và thể chế là đầu tiên trong xây dựng Chính phủ điện tử, sau đó mới đến công nghệ là công cụ hỗ trợ đổi mới quản trị công, cải cách hành chính. Việc hoàn thiện thể chế cần đi trước để tạo hành lang pháp lý cho Chính phủ điện tử. Xây dựng Chính phủ điện tử phải gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, đi liền với chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, đổi mới cách thức vận hành, phương thức xử lý công việc của Chính phủ, chính quyền các cấp, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
Các doanh nghiệp công nghệ số trong nước cần tích cực tham gia, đồng hành cùng cơ quan nhà nước xây dựng Chính phủ điện tử và coi đây là mục tiêu kép, vừa giúp phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam, vừa có kinh nghiệm để triển khai trên thị trường quốc tế.
Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm đầu thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, năm cuối của giai đoạn 2019-2020 thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP , Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành, địa phương tập trung vào một số nhiệm vụ sau đây:
a) Các Bộ, ngành, địa phương
- Tập trung triển khai, ưu tiên nguồn lực để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu về Chính phủ điện tử đặt ra tại Nghị quyết 17/NQ-CP và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, đặc biệt là chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Chính phủ điện tử là thay đổi cách thức vận hành của Chính phủ, của chính quyền các cấp, người đứng đầu các cấp có vai trò quyết định, không chỉ dẫn dắt quá trình thay đổi mà còn phải là người sử dụng đầu tiên và thường xuyên, hàng ngày các ứng dụng Chính phủ điện tử. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu này và trực tiếp chỉ đạo, triển khai, sử dụng các ứng dụng Chính phủ điện tử, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.
- Khẩn trương hoàn thiện cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh và thực hiện các giải pháp tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên thông trên cổng Dịch vụ công Quốc gia bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.
- Triển khai thực hiện việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ; đến hết tháng 6 năm 2020, 100% văn bản điện tử được gửi, nhận ở cả 4 cấp chính quyền đáp ứng yêu cầu về nội dung, thẩm quyền, thể thức, ký số và xác thực theo quy định.
- Căn cứ chế độ báo cáo đã được chuẩn hóa, thực hiện việc số hóa báo cáo, xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành, địa phương và kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ hình thành Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia để từng bước quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu. Các bộ, cơ quan, địa phương được lựa chọn triển khai thí điểm khẩn trương kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
- Đến hết năm 2020, 100% các Bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; triển khai hoạt động giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung một cách phù hợp, bảo đảm hiệu quả.
- Tăng cường công tác đào tạo, tuyên truyền về Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử kết hợp với an toàn, an ninh mạng, không chỉ cho cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin mà còn cho cán bộ, công chức, viên chức để thay đổi tư duy, nhận thức, đổi mới lề lối, phương thức làm việc trên môi trường điện tử. Bố trí ngân sách hàng năm, dành một tỷ lệ nhất định cho công tác này.
- Định kỳ báo cáo về Bộ Thông tin và Truyền thông kế hoạch, tiến độ triển khai, về nền tảng và ứng dụng, về kiến trúc và tiêu chuẩn, về các dự án đầu tư, về kinh phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin, kinh phí cho triển khai Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử, đô thị thông minh để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Bộ Thông tin và Truyền thông
- Thực hiện vai trò là cơ quan điều phối thống nhất toàn quốc về Chính phủ điện tử, tổng hợp chiến lược, kế hoạch, các dự án đầu tư, thuê dịch vụ công nghệ thông tin, kinh phí cho Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử của các Bộ, ngành, địa phương. Đôn đốc thực hiện, lan tỏa kinh nghiệm tốt, bảo đảm tránh đầu tư lãng phí. Kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử các vấn đề bất cập, tồn tại và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Các hệ thống nền tảng dùng chung vượt ra ngoài chức năng, nhiệm vụ của từng Bộ, ngành sẽ do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì quản lý. Tuyệt đối không để xảy ra việc có hai cơ quan cùng điều phối về Chính phủ điện tử. Các cơ quan triển khai Chính phủ điện tử cho cơ quan, đơn vị mình và chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Tập trung xây dựng chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trình Chính phủ trong tháng 12 năm 2020 và xây dựng Kế hoạch phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2023 để cụ thể hoá chiến lược này, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 01 năm 2021. Đây là lộ trình, chiến lược và định hướng về Chính phủ số, hoạt động hiệu quả trên môi trường số, dựa trên phân tích dữ liệu lớn để ra quyết định, cung cấp kịp thời các dịch vụ số mới đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
- Khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số và Nghị định về định danh và xác thực điện tử trong Quý I năm 2020. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật giao dịch điện tử.
- Chủ trì xây dựng và tổ chức triển khai trong năm 2020: Hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia, Hệ thống hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trực tuyến toàn quốc, Công dữ liệu quốc gia, Trung tâm giám sát quốc gia về Chính phủ điện tử để thực hiện giám sát về hạ tầng mạng, an toàn, an ninh mạng và dịch vụ Chính phủ điện tử của các cơ quan nhà nước, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tận dụng và kế thừa những hệ thống sẵn có, tránh chồng chéo.
- Nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ, xây dựng Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước thành hạ tầng số của Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kết nối các hệ thống thông tin, nền tảng dùng chung.
- Nghiên cứu, đề xuất xây dựng nền tảng để người dân, doanh nghiệp có thể thông qua duy nhất một ứng dụng trên thiết bị di động truy cập được mọi dịch vụ Chính phủ điện tử, phù hợp với định hướng 100% người dân có điện thoại thông minh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý III năm 2020.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, cơ quan liên quan đề xuất việc chuyển một phần Quỹ viễn thông công ích cho các dự án nền tảng dùng chung của Chính phủ điện tử, báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong Quý I năm 2020; ghi bổ sung nội dung Chính phủ điện tử và an toàn, an ninh mạng vào nội dung chi Quỹ Viễn thông công ích giai đoạn 2021-2025.
- Triển khai chương trình truyền thông lâu dài, liên tục, phương thức phù hợp để người dân thấy lợi ích của Chính phủ điện tử, hướng dẫn biết cách sử dụng, phổ cập kỹ năng số cho người dân.
c) Văn phòng Chính phủ
- Chủ trì, hướng dẫn Bộ, ngành, địa phương: Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông; thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cấp chính quyền bảo đảm hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao, tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2020; chuẩn hóa hệ thống thông tin báo cáo của Bộ, ngành, địa phương và kết nối, tích hợp với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ hình thành Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Đưa Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ vào vận hành thử nghiệm trong tháng 3 năm 2020.
- Tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp cổng Dịch vụ công Quốc gia; hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, hoàn thiện Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dịch vụ công tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia năm 2020 trong tháng 3 năm 2020 và Quy chế quản lý, vận hành và khai thác, sử dụng cổng Dịch vụ công Quốc gia trong tháng 6 năm 2020.
- Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hệ thống thông tin tham vấn chính sách, văn bản quy phạm pháp luật.
- Tổ chức đánh giá sơ kết việc triển khai Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2020.
- Khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử trong Quý I năm 2020.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi mở rộng chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chỉ đạo triển khai thêm các nội dung về đô thị thông minh, chuyển đổi số và kinh tế số. Hoàn thành trong tháng 4 năm 2020.
d) Bộ Công an khẩn trương trình Chính phủ Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong Quý II năm 2020; tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ bản hoàn thành trong năm 2020.
đ) Bộ Nội vụ
- Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật lưu trữ để có quy định về lưu trữ điện tử.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đưa nội dung đào tạo Chính phủ điện tử vào chương trình đào tạo tại Học viện Hành chính Quốc gia.
e) Bộ Tài chính bảo đảm kinh phí cho các dự án nền tảng Chính phủ điện tử; hướng dẫn trong lập, giao dự toán và báo kết quả thực hiện chi ngân sách, trong đó có chi tiêu cho Chính phủ điện tử để phục vụ công tác đánh giá.
g) Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ triển khai Cơ sở dữ liệu Đất đai quốc gia, hoàn thành các thành phần cơ bản của hệ thống thông tin đất đai quốc gia (cơ sở hạ tầng, phần mềm nền tảng) trong năm 2020.
h) Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan tổ chức đánh giá tình hình triển khai, xây dựng đô thị thông minh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2020.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Quyết định 58/QĐ-VPCP về Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính, công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ năm 2020
- 2Công văn 937/VPCP-KSTT năm 2020 về tổ chức Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử Bộ, ngành, địa phương do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Báo cáo 993/BC-VPCP năm 2020 về kết quả triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính gắn kết với xây dựng Chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ chủ trì triển khai thực hiện trong năm 2019
- 4Công văn 1145/BTTTT-CATTT năm 2020 hướng dẫn bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 5Công văn 5137/BTC-NSNN năm 2020 về rà soát, đánh giá hiệu quả sử dụng kinh phí xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2016-2019 do Bộ Tài chính ban hành
- 6Quyết định 701/QĐ-TTg năm 2020 về kiện toàn Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Nghị quyết 468/NQ-UBTVQH15 năm 2022 về kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- 1Luật Giao dịch điện tử 2005
- 2Luật lưu trữ 2011
- 3Nghị quyết 17/NQ-CP năm 2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 do Chính phủ ban hành
- 4Nghị quyết 52-NQ/TW năm 2019 về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư do Bộ Chinh trị ban hành
- 5Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 do Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 58/QĐ-VPCP về Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính, công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ năm 2020
- 7Công văn 937/VPCP-KSTT năm 2020 về tổ chức Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử Bộ, ngành, địa phương do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 8Báo cáo 993/BC-VPCP năm 2020 về kết quả triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính gắn kết với xây dựng Chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ chủ trì triển khai thực hiện trong năm 2019
- 9Công văn 1145/BTTTT-CATTT năm 2020 hướng dẫn bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 10Công văn 5137/BTC-NSNN năm 2020 về rà soát, đánh giá hiệu quả sử dụng kinh phí xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2016-2019 do Bộ Tài chính ban hành
- 11Quyết định 701/QĐ-TTg năm 2020 về kiện toàn Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12Nghị quyết 468/NQ-UBTVQH15 năm 2022 về kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
Thông báo 139/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử Bộ, ngành, địa phương ngày 12 tháng 02 năm 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 139/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 03/04/2020
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Mai Tiến Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 03/04/2020
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra