Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO
******

 

Số: 31/2005/LPQT

Hà Nội, ngày 21 tháng 02 năm 2005 

 

Thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nuộc Cộng hòa Ba Lan về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn và thị trường nông sản có hiệu lực từ ngày 17 tháng 01 năm 2005 ./.

 

TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG
 



Nguyễn Hoàng Anh

 

 

THỎA THUẬN

GIỮA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN NƯỚC CỘNG HÒA BA LAN VỀ HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP, PHÁT TRIỂN NÔNGTHÔN VÀ THỊ TRƯỜNG NÔNG SẢN.


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước Cộng hòa Ba Lan, sau đây gọi tắt là hai Bên; Với mục đích tạo điều kiện tốt hơn cho hợp tác song ph­ương trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn và thị trường nông sản, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực cải cách ngành kinh tế này cũng như các hình thức trao đổi đa dạng về khoa học và kinh tế,

Cân nhắc các quy định trong các thỏa thuận quốc tế, có hiệu lực đối với hai Bên trong lĩnh vực hợp tác về thú y và vệ sinh thực vật;

Đã thỏa thuận như sau:

Điều 1. Hai Bên sẽ phát triển hợp tác trên cơ sở các nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành trên lãnh thổ của hai nước.

Điều 2. Mục đích của Thỏa thuận này là tăng cường các mối quan hệ trong lĩnh vực nông nghiệp và hỗ trợ các hoạt động vì lợi ích phát triển nông thôn và thị trường nông sản.

Điều 3. Việc hợp tác sẽ được thực hiện thông qua:

a) Trao đổi thông tin về:

- Hiện trạng ngành nông nghiệp, kể cả tình trạng vệ sinh thực vật trong trồng trọt và các mối đe dọa của những thực vật có hại, tình trạng dịch bệnh trong động vật và mối đe dọa của các loại dịch bệnh trong động vật;

- Điều kiện nhập khẩu động vật và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật;

- Các định hướng chính sách nông nghiệp, các giải pháp mang tính chất hệ thống đã và đang được áp dụng hoặc thực hiện và những quy định pháp luật có liên quan, các cơ chế quản lý và tổ chức thị trường nông sản và thiết lập các cơ quan thị trường;

b) Nghiên cứu, đánh giá triển vọng hợp tác song ph­ương và đề xuất kiến nghị theo thẩm quyền của hai Bên;

c) Đề xuất và hỗ trợ các hình thức giao lưu: tham vấn, đào tạo, tham gia hội chợ, triển lãm, hội thảo và hội nghị có liên quan đến nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm, kể cả vấn đề bảo vệ thực vật và động vật.

Điều 4.

1. Hai Bên sẽ giữ quan hệ công việc.

Nhằm mục đích này, hai Bên có nghĩa vụ chỉ định những người có thẩm quyền để gặp nhau vào thời gian theo thỏa thuận, luân phiên tại Hà Nội và tại Vác sa-va với mục đích thảo luận về hợp tác hiện có, trao đổi thông tin và thông qua các quyết định về việc triển khai các công việc tiếp theo trong khuôn khổ hợp tác.

2. Hai Bên, khi cần thiết có thể cử các nhóm chuyên gia lâm thời để giải quyết một số nhiệm vụ nhất định.

Điều 5.

1. Mọi tranh chấp phát sinh liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Thỏa thuận này sẽ được giải quyết bằng các đàm phán trực tiếp.

2. Trong trường hợp các mâu thuẫn không thể giải quyết theo cách quy định tại khoản 1, hai Bên sẽ cùng hợp tác để giải quyết các tranh chấp đó thông qua các cơ quan liên quan trong nước hoặc các ủy ban liên Chính phủ và các nhóm làm việc giữa hai nước.

Điều 6.

1. Thỏa thuận này có hiệu lực kể từ ngày ký.

2. Thỏa thuận này có giá trị vô thời hạn và có thể chấm dứt hiệu lực bằng cách một trong hai Bên gửi thông báo bằng văn bản. Trong trường hợp như vậy Thỏa thuận này sẽ chấm dứt hiệu lực sau ba (03) tháng kể từ ngày Bên kia nhận được thông báo đó.

3. Việc chấm dứt hiệu lực của Thỏa thuận này sẽ không ảnh hưởng đến các hoạt động được tiến hành trong khuôn khổ Thỏa thuận trong thời gian Thỏa thuận đang có hiệu lực cho đến khi các hoạt động đó được hoàn thành.

Làm tại Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 2005 thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Ba Lan và tiếng Anh; các văn bản có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự hiểu khác nhau giữa các văn bản, văn bản tiếng Anh sẽ được dùng làm căn cứ để giải thích./.

THAY MẶT BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN NƯỚC CỘNG HÒA BA LAN
ĐẠI SỨ ĐẶC MỆNH TOÀN QUYỀN NƯỚC CỘNG HÒA BA LAN TẠI VIỆT NAM
 



Miraslaw Gajewski

THAY MẶT BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
THỨ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
 



Bùi Bá Bổng

VIỆT NAM - BURKINA-FASO - PHÁP

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thỏa thuận số 31/2005/LPQT về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn và thị trường nông sản giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nuộc Cộng hòa Ba Lan

  • Số hiệu: 31/2005/LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 21/02/2005
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ***
  • Người ký: Bùi Bá Bổng, ***
  • Ngày công báo: 28/03/2005
  • Số công báo: Từ số 23 đến số 24
  • Ngày hiệu lực: 17/11/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản