Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO
-------

 

Số: 61/2010/SL-LPQT

Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2010

 

Thỏa thuận nguyên tắc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Ô-xtrây-li-a về Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, ký tại Hà Nội ngày 31 tháng 10 năm 2010.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Minh Nguyệt

 

THỎA THUẬN NGUYÊN TẮC

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ Ô-XTRÂY-LI-A VỀ DỰ ÁN KẾT NỐI KHU VỰC TRUNG TÂM ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

1. Nhân chuyến thăm của bà Julia Gillard, thủ tướng Chính phủ Ô-xtrây-li-a, tới Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hôm nay Chính phủ hai nước cam kết cùng phối hợp trong một dự án cơ sở hạ tầng giao thông lớn. Mười năm sau khi công trình cầu Mỹ Thuận khánh thành, một dự án mới mang tên Dự án Kết nối Khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục giúp đẩy mạnh sự phát triển, giao lưu thương mại và các cơ hội giảm nghèo cho người dân sinh sống tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

2. Chính phủ Ô-xtrây-li-a sẽ cung cấp 160 triệu đô la Úc cho các dự án quan trọng này, thể hiện sức mạnh của mối quan hệ song phương. Dự án kết nối Khu vực Trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bao gồm hai công trình cầu dây văng tại Cao Lãnh và Vàm Cống có tổng chiều dài 5.000m và gần 25km đường dẫn, đường kết nối giữa hai cây cầu. Khoản viện trợ của Ô-xtrây-li-a sẽ giúp cho việc thiết kế kỹ thuật, giám sat xây dựng và đóng góp đáng kể vào chi phí xây dựng công trình cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền tại tỉnh Đồng Tháp. Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Hàn Quốc và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng đang xem xét việc cùng đóng góp một phần ngân sách đáng kể cho dự án. Nguồn tài trợ từ phía Ô-xtrây-li-a cho Dự án kết nối Khu vực Trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tùy thuộc vào nguồn vốn đồng tài trợ này.

3. Ô-xtrây-li-a có một lịch sử hợp tác lâu dài và đáng tự hào tại Đồng bằng sông Cửu Long, một trong những nguồn cung ứng sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp và xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Đồng bằng sông Cửu Long nổi tiếng là ‘vựa lúa’ và là trung tâm công nghiệp lớn thứ ba của Việt Nam, chỉ đứng sau thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Mặc dù lưu lượng giao thông đang ngày một gia tăng song cơ sở hạ tầng giao thông còn sơ khai, cản trở việc tiếp cận thị trường cũng như các nỗ lực giảm nghèo. Dự kiến sau năm năm tới, khi hoàn thành, dự án này sẽ tạo ra cơ sở hạ tầng giao thông tốt hơn, phục vụ khoảng 170.000 người thường xuyên đi lại trong khu vực. Dự án sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho 5 triệu người sinh sống ở các tỉnh An Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp thông qua việc kết nối họ với các thị trường và thúc đẩy thương mại trong Tiểu Khu vực Mê Kông mở rộng.

4. Chính phủ hai nước Việt Nam và Ô-xtrây-li-a sẽ cùng phối hợp chặt chẽ để triển khai sáng kiến việ trợ phát triển quan trọng này Chính phủ Việt Nam sẽ giám sát toàn bộ quá trình thiết kế và thực hiện dự án, với sự hỗ trợ của các chuyên gia và công ty tư vấn quốc tế. Để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, Chính phủ Việt Nam sẽ điều hành một Ban Điều phối Dự án cấp cao có sự tham gia của tất cả các nhà tài trợ dự kiến.

5. Dự án kết nối Khu vực Trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về tính minh bạch và tinh thần trách nhiệm. Tất cả các hoạt động mua sắm cho các hợp phần thiết kế kỹ thuật, giám sát và xây dựng do AusAID tài trợ sẽ được tiến hành theo Hướng dẫn về Mua sắm của ADB và tuân theo các thủ tục đấu thầu cạnh tranh quốc tế khi cần. Phù hợp với quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng chống tham nhũng cụ thể của dự án, bao gồm cả việc công khai thông tin dự án, sẽ đưa và quá trình giám sát dự án. Các tác động về xã hội và môi trường cũng sẽ được quản lý theo Chính sách An toàn của ADB.

6. Biến đổi khí hậu đang đặt ra mối hiểm họa lớn cho cuộc sống và sinh kế của các cộng đồng dân cư trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Để hỗ trợ Việt Nam trong các nỗ lực ứng phó và giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu, đóng góp của Ô-xtrây-li-a vào Dự án kết nối Khu vực Trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long cũng bao gồm việc theo đuổi các cải tiến trong lĩnh vực thiết kế công trình và chuyển giao công nghệ nhằm bảo vệ công trình hạ tầng quan trọng này trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nguy cơ nước biển dâng.

7. Dự án kết nối Khu vực Trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đóng góp một vai trò quan trọng trong các nỗ lực viện trợ phát triển của Ô-xtrây-li-a tại thời điểm Việt Nam triển khai Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội giai đoạn 2011-15. Phù hợp với tinh thần văn kiện Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Ô-xtrây-li-a 2009, Dự án kết nối Khu vực Trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đặt nền móng cho việc tăng cường đối thoại chính sách giữa hai nước, tập trung vào các trong tâm ưu tiên phát triển của Việt Nam gồm cải cách thể chế, phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy nguồn nhân lực.

Làm thành hai bản tại Hà Nội vào ngày 31 tháng 10 năm 2010 bằng tiếng Việt và tiếng Anh, các văn bản có giá trị như nhau./.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI




Ông Hồ Nghĩa Dũng

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
Ô-XTRÂY-LI-A
ĐẠI SỨ ĐẶC MỆNH TOÀN QUYỀN
Ô-XTRÂY-LI-A TẠI VIỆT NAM




Ông Alát-xtơ Cóc-xơ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thỏa thuận nguyên tắc về Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Cửu Long giữa Việt Nam và Ô-Xtrây-Li-a

  • Số hiệu: 61/2010/SL-LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 31/10/2010
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Ôxtrâylia
  • Người ký: Hồ Nghĩa Dũng, Alát-xtơ Cóc-xơ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 686 đến số 687
  • Ngày hiệu lực: 31/10/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản