Hệ thống pháp luật

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM - NGÂN HÀNG No&PTNT VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5399/LN-BHXH-NHNo

Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 2010

 

THỎA THUẬN LIÊN NGÀNH

VỀ VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TÀI KHOẢN TIỀN GỬI CỦA HỆ THỐNG BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM MỞ TẠI HỆ THỐNG NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VIỆT NAM

Căn cứ Nghị định số 94/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
Căn cứ Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 1269/QĐ-HĐQT ngày 30/9/2010 của Hội đồng quản trị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chuẩn y theo quyết định số 2339/QĐ-NHNN ngày 05/10/2010;
Căn cứ Quyết định số 1284/QĐ-NHNN ngày 21/11/2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc ban hành quy chế mở và sử dụng tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và Tổ chức tín dụng;
Bảo hiểm xã hội Việt Nam - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thống nhất Thỏa thuận Liên ngành việc mở, quản lý và sử dụng tài khoản tiền gửi của các đơn vị thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam như sau:

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Văn bản này quy định sự phối hợp giữa hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam (viết tắt là BHXH Việt Nam) và hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (viết tắt là NHNo&PTNT Việt Nam) trong quản lý, sử dụng tài khoản tiền gửi của hệ thống BHXH Việt Nam mở tại hệ thống NHNo&PTNT Việt Nam.

2. BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là BHXH tỉnh), BHXH các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là BHXH huyện); Văn phòng BHXH Việt Nam, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc (sau đây gọi chung là đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam) đăng ký mở các tài khoản tiền gửi tại chi nhánh NHNo&PTNT các cấp để quản lý và thanh toán tiền thu, chi các quỹ BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế (sau đây gọi chung là quỹ BHXH); kinh phí quản lý bộ máy, các quỹ cơ quan và các nguồn kinh phí hợp pháp khác (sau đây gọi chung là các loại kinh phí).

3. BHXH Việt Nam căn cứ vào yêu cầu quản lý để quy định số lượng, loại tài khoản tiền gửi được mở của BHXH các cấp để làm cơ sở cho hệ thống NHNo&PTNT Việt Nam kiểm soát.

4. Cơ quan BHXH các cấp, các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam thực hiện mở, sử dụng tài khoản và chịu sự quản lý, kiểm tra, kiểm soát của chi nhánh NHNo&PTNT nơi mở tài khoản theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, NHNo&PTNT Việt Nam và những quy định trong văn bản này.

5. Chi nhánh NHNo&PTNT các cấp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan BHXH để thực hiện việc chuyển tiền giữa BHXH các cấp, thực hiện các lệnh thanh toán theo quy định trong văn bản này.

6. Định kỳ hàng tháng, năm, cơ quan BHXH và chi nhánh NHNo&PTNT cùng cấp có trách nhiệm đối chiếu, xác nhận số liệu, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo trong phạm vi mở và sử dụng tài khoản theo quy định.

7. Chi nhánh NHNo&PTNT các cấp cung ứng các dịch vụ của mình cho BHXH các cấp trên cơ sở ký kết hợp đồng theo quy định của pháp luật.

8. Để tạo điều kiện cho hệ thống NHNo&PTNT Việt Nam ổn định và phát triển trong hoạt động kinh doanh, hàng năm BHXH Việt Nam ưu tiên cho hệ thống NHNo&PTNT Việt Nam lượng vốn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn trong khả năng cân đối của BHXH Việt Nam.

9. Những nội dung khác ngoài phạm vi quy định tại văn bản này hệ thống BHXH Việt Nam và hệ thống NHNo&PTNT Việt Nam thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước, của BHXH Việt Nam và của NHNo&PTNT Việt Nam.

Chương 2.

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

I. MỞ VÀ SỬ DỤNG TÀI KHOẢN

1. Đối với BHXH Việt Nam

1.1. Mở tài khoản tiền gửi thanh toán tại 03 chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: chi nhánh Thăng Long, chi nhánh Trung Yên, chi nhánh Bắc Hà Nội. Tài khoản này do Tổng giám đốc BHXH Việt Nam (hoặc người được ủy quyền) làm chủ tài khoản, nội dung phản ánh thu, chi quỹ BHXH, kinh phí quản lý bộ máy, các quỹ cơ quan và các nguồn kinh phí khác (nếu có).

Riêng về tiền thu BHXH do BHXH các tỉnh chuyển về tài khoản tiền gửi thanh toán của BHXH Việt Nam được giao dịch qua các chi nhánh NHNo&PTNT, cụ thể như sau:

- Tài khoản tiền gửi mở tại NHNo&PTNT Việt Nam - Chi nhánh Thăng Long dùng để nhận tiền thu BHXH do BHXH các tỉnh thuộc phía Bắc và miền Trung từ Thừa Thiên Huế trở ra chuyển về (trừ thành phố Hà Nội).

- Tài khoản tiền gửi mở tại NHNo&PTNT Việt Nam - Chi nhánh Trung Yên dùng để nhận tiền thu BHXH do BHXH các tỉnh thuộc phía Nam và miền Trung, từ Thành phố Đà Nẵng trở vào chuyển về.

- Tài khoản tiền gửi mở tại NHNo&PTNT Việt Nam - Chi nhánh Bắc Hà Nội dùng để nhận tiền thu BHXH do BHXH thành phố Hà Nội, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân, BHXH Ban Cơ yếu Chính phủ chuyển về.

Nội dung tài khoản tiền gửi thanh toán:

Bên có phản ánh:

+ Số tiền thu BHXH, lãi các tài khoản tiền gửi do BHXH tỉnh chuyển về;

+ Số tiền lãi đầu tư tăng trưởng và bảo toàn quỹ BHXH; lãi từ số dư trên tài khoản tiền gửi thanh toán, tài khoản tiền gửi đầu tư tự động của BHXH Việt Nam tại Chi nhánh NHNo&PTNT do Chi nhánh NHNo&PTNT trả;

+ Số kinh phí BHXH tỉnh phải nộp về theo yêu cầu của BHXH Việt Nam;

+ Số kinh phí do NSNN cấp để chi cho các đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH;

+ Số tiền gốc đầu tư tăng trưởng và bảo toàn quỹ BHXH ngắn hạn, dài hạn của các đơn vị vay vốn thanh toán khi đến hạn;

+ Số tiền chuyển từ tài khoản tiền gửi đầu tư tự động, từ tài khoản tiền gửi mở tại Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước về;

+ Các khoản kinh phí được tài trợ, viện trợ (nếu có).

Bên nợ phản ánh:

+ Số kinh phí chi BHXH và các loại kinh phí cấp cho BHXH tỉnh, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân, BHXH Ban Cơ yếu chính phủ; các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, Cục quản lý việc làm thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

+ Số tiền chi đầu tư XDCB;

+ Số tiền chuyển cho các đơn vị vay theo hợp đồng đã ký; chuyển NSNN vay, mua trái phiếu Chính phủ;

+ Số tiền chuyển nộp Ngân sách nhà nước theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền;

+ Số tiền chuyển sang tài khoản tiền gửi đầu tư tự động;

+ Số tiền chuyển trả phí chuyển tiền và các loại phí giao dịch với ngân hàng;

+ Số tiền chuyển theo lệnh của Chủ tài khoản.

Số dư: Tài khoản này có số dư bên có, phản ánh số tiền của BHXH Việt Nam còn dư chưa sử dụng.

1.2. Tài khoản tiền gửi đầu tư tự động do NHNo&PTNT Việt Nam - chi nhánh Thăng Long, chi nhánh Trung Yên, chi nhánh Bắc Hà Nội chủ động mở theo Hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ đầu tư tự động giữa các chi nhánh Ngân hàng nêu trên với BHXH Việt Nam. Tài khoản này do Tổng giám đốc BHXH Việt Nam (hoặc người được ủy quyền) làm chủ tài khoản dùng để phản ánh số tiền đầu tư tự động được chuyển từ tài khoản tiền gửi thanh toán của BHXH Việt Nam sang và số tiền chuyển từ tài khoản tiền gửi đầu tư tự động về tài khoản tiền gửi thanh toán của BHXH Việt Nam.

Nội dung tài khoản tiền gửi đầu tư tự động:

Bên có phản ánh:

+ Số tiền chuyển tài khoản tiền gửi thanh toán của BHXH Việt Nam sang.

Bên nợ phản ánh:

+ Số tiền chuyển về tài khoản tiền gửi thanh toán của BHXH Việt Nam.

Số dư: Tài khoản này có số dư bên có, phản ánh số tiền đang thực hiện đầu tư tự động.

2. Đối với BHXH tỉnh:

BHXH tỉnh được mở 03 tài khoản tiền gửi tại chi nhánh NHNo&PTNT cùng cấp.

2.1. Tài khoản “Tiền thu bảo hiểm xã hội”:

Tài khoản này phản ánh số tiền thu BHXH, lãi chậm đóng BHXH do BHXH tỉnh trực tiếp thu, do BHXH huyện chuyển về và số lãi tiền gửi từ tài khoản tiền gửi thu BHXH do chi nhánh NHNo&PTNT trả.

Bên có phản ánh:

+ Số tiền thu BHXH, lãi chậm đóng BHXH của các đơn vị sử dụng lao động; số tiền thu BHXH của các cá nhân do BHXH tỉnh trực tiếp quản lý chuyển nộp theo quy định của Luật BHXH và Luật BHYT;

+ Số tiền thu BHXH do Ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các đối tượng;

+ Số tiền thu BHXH, số tiền lãi chậm đóng BHXH do BHXH huyện chuyển về;

+ Số tiền lãi nhận được từ số dư trên tài khoản tiền gửi thu BHXH do chi nhánh NHNo&PTNT trả.

Bên nợ phản ánh:

+ Số tiền thu BHXH, số tiền lãi chậm đóng BHXH, số tiền lãi tiền gửi của tài khoản tiền gửi thu BHXH chuyển về BHXH Việt Nam;

+ Thoái trả lại số tiền đã nộp vào tài khoản tiền gửi thu BHXH theo văn bản của Giám đốc BHXH tỉnh cho các đơn vị sử dụng lao động, cá nhân trong các trường hợp: nộp thừa, chuyển nhầm vào tài khoản tiền gửi thu BHXH cấp tỉnh, đơn vị sử dụng lao động chuyển địa bàn, thay đổi nơi đăng ký tham gia BHXH, giải thể, phá sản (hồ sơ kèm theo ủy nhiệm chi chuyển tiền là văn bản của Giám đốc BHXH tỉnh);

+ Chuyển về một tài khoản khác khi có lệnh bằng văn bản của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.

Số dư: Tài khoản này có số dư bên có, phản ánh số tiền thu BHXH, số tiền lãi chưa chuyển về BHXH Việt Nam.

BHXH tỉnh không được sử dụng số tiền trên tài khoản này vào bất cứ mục đích nào khác ngoài các nội dung nêu trên.

2.2. Tài khoản “Tiền gửi chi bảo hiểm xã hội”:

Tài khoản này dùng để thanh toán chi BHXH giữa BHXH cấp tỉnh và BHXH cấp huyện, giữa BHXH tỉnh với các đơn vị sử dụng lao động, các cơ sở khám chữa bệnh do BHXH tỉnh trực tiếp quản lý; chi trả trực tiếp cho những người được hưởng các chế độ BHXH.

Bên có phản ánh:

+ Nhận kinh phí chi BHXH do BHXH Việt Nam chuyển về;

+ Nhận tiền do các đơn vị sử dụng lao động, các cơ sở khám chữa bệnh, các đối tượng hưởng BHXH trả lại;

+ Nhận lãi từ số dư trên tài khoản tiền gửi chi BHXH do chi nhánh NHNo&PTNT trả;

+ Nhận các khoản chi hộ để chi cho các đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH (nếu có)

Bên nợ phản ánh:

+ Chuyển kinh phí chi BHXH cho BHXH huyện;

+ Chuyển kinh phí chi BHXH cho các đơn vị sử dụng lao động, các cơ sở khám chữa bệnh do BHXH tỉnh trực tiếp quản lý;

+ Chi trả trực tiếp cho những đối tượng hưởng BHXH qua tài khoản thẻ ATM;

+ Rút tiền mặt về quỹ để chi trả trực tiếp cho đối tượng hưởng BHXH;

+ Chuyển lãi tiền gửi về BHXH Việt Nam;

+ Thanh toán cho các đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH các khoản nhận chi hộ (nếu có)

+ Thanh toán các khoản chi hộ cho các đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH (nếu có)

Số dư: Tài khoản này có số dư có, phản ánh số kinh phí chi BHXH của BHXH tỉnh còn gửi tại Chi nhánh NHNo&PTNT.

2.3. Tài khoản “Tiền gửi chi quản lý bộ máy”:

Tài khoản này dùng để thanh toán kinh phí quản lý bộ máy, các quỹ cơ quan, các loại kinh phí khác (nếu có) giữa BHXH tỉnh và BHXH huyện và các khoản chi dùng trực tiếp cho hoạt động bộ máy của BHXH tỉnh.

Bên có phản ánh:

+ Nhận kinh phí chi quản lý bộ máy, các quỹ cơ quan, các loại kinh phí khác do BHXH Việt Nam chuyển về;

+ Nhận lãi từ số dư trên tài khoản tiền gửi chi quản lý bộ máy do chi nhánh NHNo&PTNT trả;

+ Nhận lãi từ các tài khoản tiền gửi của BHXH huyện chuyển về;

+ Nhận kinh phí chi quản lý bộ máy do BHXH huyện hoàn trả khi có lệnh;

+ Các khoản thu nộp, các khoản kinh phí khác (nếu có).

Bên nợ phản ánh:

+ Các khoản chi quản lý bộ máy, các quỹ cơ quan trực tiếp của BHXH tỉnh;

+ Chuyển kinh phí chi quản lý bộ máy cho BHXH các huyện;

+ Hoàn trả kinh phí chi quản lý bộ máy về BHXH Việt Nam khi có lệnh;

+ Chi hoa hồng đại lý thu BHXH, BHYT tự nguyện (nếu có)

+ Chi trả phí chuyển tiền, phí dịch vụ khác cho Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kho bạc Nhà nước tỉnh;

+ Rút tiền mặt về quỹ để chi dùng cho hoạt động bộ máy của BHXH tỉnh;

+ Chuyển lãi tiền gửi về BHXH Việt Nam (gồm lãi từ các tài khoản tiền gửi của BHXH huyện chuyển về và lãi tiền gửi chi quản lý bộ máy);

+ Thanh toán các khoản chi hợp pháp khác.

Số dư: Tài khoản này có số dư bên có, phản ánh số kinh phí chi quản lý bộ máy BHXH tỉnh chưa chi và lãi tiền gửi chưa chuyển về BHXH Việt Nam (nếu có) còn gửi tại Chi nhánh NHNo&PTNT.

3. Đối với BHXH huyện:

BHXH huyện được mở 03 Tài khoản tiền gửi tại chi nhánh NHNo&PTNT cùng cấp.

3.1. Tài khoản “Tiền thu bảo hiểm xã hội”:

Tài khoản này phản ánh số tiền thu BHXH, số tiền lãi chậm đóng BHXH do BHXH huyện trực tiếp thu; số lãi tiền gửi từ tài khoản tiền gửi thu BHXH do chi nhánh NHNo&PTNT trả; chuyển nộp các khoản trên về BHXH tỉnh.

Bên có phản ánh:

+ Số tiền thu BHXH, lãi chậm đóng BHXH của các đơn vị sử dụng lao động; số tiền thu BHXH của các cá nhân do BHXH huyện trực tiếp quản lý chuyển nộp theo quy định của Luật BHXH, Luật BHYT;

+ Số tiền thu BHXH do Ngân sách nhà nước hỗ trợ các đối tượng;

+ Số tiền lãi nhận được từ số dư trên tài khoản tiền gửi thu BHXH do chi nhánh NHNo&PTNT trả.

Bên nợ phản ánh:

+ Số tiền thu BHXH, số tiền lãi tiền gửi, số tiền lãi chậm đóng BHXH chuyển về BHXH tỉnh;

+ Chuyển về một tài khoản khác (trong trường hợp thoái trả các khoản thu đã nộp vào tài khoản tiền gửi thu của BHXH huyện) khi có lệnh bằng văn bản của Giám đốc BHXH tỉnh.

Số dư: Tài khoản này có số dư bên có, phản ánh số tiền thu BHXH, số tiền lãi chưa chuyển về BHXH tỉnh.

BHXH huyện không được sử dụng số tiền trên tài khoản này vào bất cứ mục đích nào khác ngoài các nội dung nêu trên.

3.2. Tài khoản “Tiền gửi chi bảo hiểm xã hội”:

Tài khoản này dùng để thanh toán về chi BHXH giữa BHXH cấp tỉnh và BHXH cấp huyện, giữa BHXH huyện với các đơn vị sử dụng lao động, các cơ sở khám chữa bệnh do BHXH huyện trực tiếp quản lý; chi trả trực tiếp cho những người được hưởng các chế độ BHXH.

Bên có phản ánh:

+ Nhận kinh phí chi BHXH do BHXH tỉnh chuyển về;

+ Nhận tiền do các đơn vị sử dụng lao động, các cơ sở khám chữa bệnh, các đối tượng hưởng BHXH trả lại;

+ Nhận lãi từ số dư trên tài khoản tiền gửi chi BHXH do chi nhánh NHNo&PTNT trả;

+ Nhận các khoản chi hộ để chi cho các đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH (nếu có).

Bên nợ phản ánh:

+ Chuyển kinh phí cho các đơn vị sử dụng lao động, các cơ sở khám chữa bệnh do BHXH huyện trực tiếp quản lý;

+ Chi trả trực tiếp cho những đối tượng hưởng BHXH qua tài khoản thẻ ATM;

+ Rút tiền mặt về quỹ để chi trả trực tiếp cho đối tượng hưởng BHXH;

+ Chuyển lãi tiền gửi lên BHXH tỉnh;

+ Thanh toán cho các đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH, các khoản nhận chi hộ (nếu có);

+ Thanh toán các khoản chi hộ cho các đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH (nếu có).

Số dư: Tài khoản này có số dư bên có, phản ánh số kinh phí chi BHXH của BHXH huyện còn gửi tại chi nhánh NHNo&PTNT.

3.3. Tài khoản “Tiền gửi chi quản lý bộ máy”:

Tài khoản này dùng để thanh toán kinh phí quản lý bộ máy, các quỹ cơ quan, các loại kinh phí khác (nếu có) giữa BHXH tỉnh và BHXH huyện và các khoản chi dùng trực tiếp cho hoạt động bộ máy của BHXH huyện.

Bên có phản ánh:

+ Các khoản kinh phí chi quản lý bộ máy, các quỹ cơ quan, các loại kinh phí khác do BHXH tỉnh chuyển về;

+ Số lãi nhận được từ số dư trên tài khoản tiền gửi chi quản lý bộ máy do chi nhánh NHNo&PTNT trả;

+ Các khoản thu nộp, các khoản kinh phí khác (nếu có).

Bên nợ phản ánh:

+ Các khoản chi quản lý bộ máy, các quỹ cơ quan của BHXH huyện;

+ Chi hoa hồng cho đại lý thu BHXH, BHYT tự nguyện (nếu có);

+ Hoàn trả kinh phí chi quản lý bộ máy về BHXH tỉnh khi có lệnh;

+ Chi trả phí chuyển tiền cho chi nhánh NHNo&PTNT, Kho bạc Nhà nước huyện;

+ Chuyển lãi tiền gửi chi quản lý bộ máy lên BHXH tỉnh;

+ Thanh toán các khoản chi hợp pháp khác;

+ Rút tiền mặt về quỹ để chi dùng cho hoạt động bộ máy của BHXH huyện.

Số dư: Tài khoản này có số dư bên có, phản ánh số kinh phí chi quản lý bộ máy BHXH huyện chưa chi và lãi chưa chuyển về BHXH tỉnh còn gửi tại Chi nhánh NHNo&PTNT.

4. Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam:

Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam được mở tài khoản “Tiền gửi chi quản lý bộ máy”:

Tài khoản này dùng để thanh toán kinh phí quản lý bộ máy, các quỹ cơ quan, các loại kinh phí khác (nếu có) cho hoạt động bộ máy của đơn vị.

Bên có phản ánh:

+ Các khoản kinh phí chi quản lý bộ máy, các quỹ cơ quan, các loại kinh phí khác do BHXH Việt Nam chuyển về;

+ Số lãi nhận được từ số dư trên tài khoản tiền gửi chi quản lý bộ máy do chi nhánh NHNo&PTNT trả.

+ Các khoản thu nộp, các khoản kinh phí khác (nếu có).

Bên nợ phản ánh:

+ Các khoản chi quản lý bộ máy, các quỹ cơ quan trực tiếp của đơn vị;

+ Hoàn trả kinh phí chi quản lý bộ máy về BHXH Việt Nam khi có lệnh;

+ Chi trả phí chuyển tiền cho chi nhánh NHNo&PTNT, Kho bạc Nhà nước;

+ Chuyển lãi tiền gửi chi quản lý bộ máy về BHXH Việt Nam;

+ Thanh toán các khoản chi hợp pháp khác;

+ Rút tiền mặt về quỹ để chi dùng cho hoạt động bộ máy của đơn vị.

Số dư: Tài khoản này có số dư bên có, phản ánh số kinh phí chi quản lý bộ máy các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam còn gửi lại chi nhánh NHNo&PTNT.

II. CHỨNG TỪ GIAO DỊCH VỚI NGÂN HÀNG:

1. Chứng từ giao dịch phải được lập đúng mẫu theo quy định của Ngân hàng, rõ ràng, đầy đủ, chính xác theo nội dung quy định trên mẫu, có đầy đủ dấu, chữ ký của chủ tài khoản, kế toán trưởng và thủ quỹ (nếu là séc rút tiền mặt); chữ ký phải đúng với chữ ký đã đăng ký với ngân hàng. Séc lĩnh tiền mặt, ủy nhiệm chi bằng giấy phải được viết, ký bằng mực có màu xanh; ủy nhiệm chi in bằng máy phải được ký bằng mực có màu xanh. Các nội dung ghi trên chứng từ theo đúng quy định của Luật Kế toán.

Trường hợp thủ quỹ vì bất kỳ lý do gì không đi lĩnh tiền mặt tại ngân hàng được, người khác đi lĩnh thay thì người đi lĩnh thay phải xuất trình với ngân hàng chứng minh thư nhân dân và công văn của chủ tài khoản về việc cử người đi lĩnh tiền mặt tại ngân hàng thay thủ quỹ.

2. Chứng từ phải được lập đủ số liên theo quy định, nội dung các liên phải giống nhau.

3. Ủy nhiệm chi chuyển tiền phải ghi đầy đủ, rõ ràng các thông tin và phải được chủ tài khoản (hoặc người ủy quyền của chủ tài khoản), kế toán trưởng (hoặc người phụ trách kế toán) kiểm tra, ký duyệt mới chuyển sang ngân hàng để thanh toán. 

Trường hợp cơ quan BHXH sử dụng dịch vụ kết nối thanh toán qua hệ thống CMS của ngân hàng thì phải đăng ký chữ ký điện tử với ngân hàng. Ủy nhiệm chi chuyển sang ngân hàng qua hệ thống CMS phải có đầy đủ chữ ký điện tử của kế toán, kế toán trưởng, chủ tài khoản. Chủ tài khoản (hoặc người được ủy quyền của chủ tài khoản) phải duyệt lệnh trước khi chuyển lệnh thanh toán sang ngân hàng để thực hiện giao dịch.

4. Khi lập ủy nhiệm chi chuyển tiền, chủ tài khoản, kế toán trưởng phải lập “bảng kê chuyển tiền” (theo mẫu số 01) gửi Ngân hàng cùng với ủy nhiệm chi để xác nhận số lượng chứng từ, số chứng từ, người nhận tiền; số tiền và nội dung thanh toán.

5. Mọi khoản phát sinh thu, chi trên các tài khoản tiền gửi của BHXH các cấp, chi nhánh NHNo&PTNT các cấp đều phải báo Có, báo Nợ ngay trong ngày và trả cho cơ quan BHXH cùng cấp 01 liên chứng từ gốc kèm theo sổ phụ của các giao dịch phát sinh trong ngày (trường hợp sử dụng dịch vụ kết nối thanh toán qua hệ thống CMS thì trả cho cơ quan BHXH một liên chứng từ hạch toán của ngân hàng).

6. Chi nhánh NHNo&PTNT các cấp phải phản ánh đúng, đầy đủ, trung thực trên báo Có, báo Nợ toàn bộ nội dung ghi trên chứng từ gốc.

III. CÁC KIỆN RÚT TIỀN TỪ TÀI KHOẢN TIỀN GỬI CỦA CƠ QUAN BHXH CÁC CẤP MỞ TẠI HỆ THỐNG NHNo&PTNT VIỆT NAM:

1. Chỉ được rút tiền trong phạm vi số dư có trên tài khoản của đơn vị.

2. Đúng nội dung sử dụng tài khoản từng cấp theo quy định tại mục I Chương II văn bản này.   

3. Chứng từ giao dịch phải đảm bảo các kiện quy định tại mục II Chương II văn bản này.

4. Đối với ủy nhiệm chi chuyển tiền của BHXH Việt Nam, ngoài các điều kiện trên, chi nhánh NHNo&PTNT chỉ được thực hiện khi các đơn vị nhận tiền đã được BHXH Việt Nam đăng ký số tài khoản, nơi mở tài khoản với Ngân hàng nơi giao dịch.

IV. TRẢ LÃI CÁC TÀI KHOẢN TIỀN GỬI:

1. Số dư có trên các tài khoản tiền gửi thanh toán của hệ thống BHXH Việt Nam mở tại các chi nhánh NHNo&PTNT được trả lãi theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn theo quy định hiện hành của NHNo&PTNT Việt Nam trong từng thời kỳ.

2. Số dư có trên các tài khoản tiền gửi đầu tư tự động của BHXH Việt Nam được trả lãi theo hợp đồng giữa BHXH Việt Nam và các chi nhánh NHNo&PTNT nơi mở tài khoản.

3. Tiền lãi được trả hàng tháng, được tính theo phương pháp tích số. Chi nhánh NHNo&PTNT lập bảng kê tính lãi cho từng tài khoản tiền gửi để trả cho cơ quan BHXH cùng với sổ phụ.

4. Khi có thay đổi về mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn, các chi nhánh NHNo&PTNT có trách nhiệm thông báo kịp thời cho BHXH Việt Nam và BHXH cùng cấp về sự thay đổi này.

V. PHÍ CHUYỂN TIỀN:

1. NHNo&PTNT Việt Nam có văn bản hướng dẫn biểu phí áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống và áp dụng mức phí ưu đãi trong từng thời kỳ đối với các giao dịch chuyển tiền từ tài khoản tiền gửi của BHXH các cấp. (Hiện nay NHNo&PTNT đang áp dụng mức phí ưu đãi bằng 35% mức phí quy định hiện hành của NHNo&PTNT Việt Nam).

Riêng giao dịch chuyển tiền qua lại giữa tài khoản tiền gửi thanh toán và tài khoản đầu tư tự động không thực hiện thu phí chuyển tiền.

2. Khi có thay đổi về biểu phí, các chi nhánh NHNo&PTNT có trách nhiệm thông báo cho BHXH Việt Nam và BHXH cùng cấp về sự thay đổi này.

3. Phí được tính cho từng món và thu trực tiếp từ tài khoản “Tiền gửi chi quản lý bộ máy” của BHXH các cấp;

4. Chi nhánh NHNo&PTNT các cấp không thu phí rút tiền mặt để chi trả cho các đối tượng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

VI. QUY ĐỊNH VỀ CHUYỂN TIỀN TỪ TÀI KHOẢN TIỀN GỬI THU BHXH CẤP DƯỚI VỀ TÀI KHOẢN TIỀN GỬI THU BHXH CẤP TRÊN:

1. Mức tiền chuyển và thời gian:

- Đối với cấp huyện: khi số dư tài khoản tiền gửi thu BHXH của BHXH cấp huyện đến cuối các ngày làm việc đạt mức từ 150 triệu đồng trở lên thì chi nhánh NHNo&PTNT cùng cấp tự động chuyển ngay toàn bộ số dư trên tài khoản tiền gửi thu BHXH của BHXH cấp huyện về tài khoản tiền gửi thu BHXH của BHXH cấp tỉnh.

- Đối với cấp tỉnh: khi số dư tài khoản tiền gửi thu BHXH của BHXH cấp tỉnh đến cuối các ngày làm việc đạt mức từ 1.000 triệu đồng trở lên thì chi nhánh NHNo&PTNT cùng cấp tự động chuyển toàn bộ số dư trên tài khoản tiền gửi thu BHXH của BHXH cấp tỉnh về tài khoản tiền gửi thanh toán của BHXH Việt Nam.

2. Tiền chuyển về BHXH cấp trên do chi nhánh NHNo&PTNT cùng cấp tự động chuyển vào cuối các ngày làm việc được quy định tại điểm 1, mục VI Chương II, mà không cần có lệnh chuyển tiền của chủ tài khoản. Tiền thu chỉ chuyển tối đa 01 (một) ngày 01 (một) lần.

VII. CÁC DỊCH VỤ KHÁC:

1. Các dịch vụ như chi trả chế độ BHXH qua tài khoản ATM, dịch vụ kết nối thanh toán qua hệ thống CMS, BHXH các cấp và chi nhánh NHNo&PTNT cùng cấp được thực hiện trên cơ sở ký kết hợp đồng theo quy định của pháp luật.

Đối với dịch vụ kết nối thanh toán qua hệ thống CMS, BHXH các cấp sử dụng dịch vụ vấn tin để tiếp nhận thông tin về các giao dịch chuyển tiền trên tài khoản tiền gửi của đơn vị mình (không sử dụng dịch vụ SMSBanking). Tùy điều kiện của từng địa phương mà có những thỏa thuận riêng trong hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ kết nối thanh toán với ngân hàng nơi mở tài khoản.

2. Để đáp ứng tốt việc quản lý quỹ BHXH, NHNo&PTNT Việt Nam phối hợp với BHXH Việt Nam thực hiện truy cập, xem số dư và sao kê sổ phụ của hệ thống BHXH cấp tỉnh, cấp huyện trên toàn quốc thông qua việc cung cấp và sử dụng dịch vụ kết nối thanh toán qua hệ thống CMS. Hai bên có trách nhiệm cử người và thực hiện việc kết nối mạng để theo dõi.

3. Đối với dịch vụ vận chuyển tiền bằng xe chuyên dùng đến các đại lý chi trả BHXH: Các chi nhánh NHNo&PTNT căn cứ vào điều kiện, khả năng thực tế của đơn vị thỏa thuận với BHXH cùng cấp.

4. Các dịch vụ ngân hàng khác: Thực hiện theo sự thỏa thuận của hai bên.

VIII. TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ KIỂM SOÁT TÀI KHOẢN TIỀN GỬI CỦA HỆ THỐNG BHXH VIỆT NAM MỞ TẠI HỆ THỐNG NHNo&PTNT VIỆT NAM

1. Đối với cơ quan BHXH:

1.1. Phải thực hiện đầy đủ mọi thủ tục tài khoản, giao dịch, rút tiền mặt, chuyển khoản đối với các tài khoản tiền gửi của mình theo chế độ hiện hành của NHNo&PTNT Việt Nam.

1.2. Không được sử dụng tiền trên các tài khoản tiền gửi mở tại hệ thống NHNo&PTNT Việt Nam trái với các nội dung quy định về việc quản lý, sử dụng các tài khoản tiền gửi tại mục I Chương II văn bản này.

1.3. BHXH các cấp xây dựng kế hoạch tiền mặt và đăng ký với chi nhánh NHNo&PTNT nơi mở tài khoản về số tiền rút, thời gian rút của từng đợt, số tiền giao cho từng đại diện chi trả. Trường hợp BHXH các cấp cần rút tiền mặt với số lượng lớn phải lập kế hoạch gửi ngân hàng trước 01 ngày.

1.4. Chủ tài khoản cấp huyện phải đăng ký sử dụng dịch vụ SMSBanking để tiếp nhận thông tin về các giao dịch chuyển tiền trên tài khoản tiền gửi của đơn vị mình.

1.5. Chịu trách nhiệm về các nội dung thanh toán theo định lượng và sự chính xác của nội dung thanh toán, ghi trên các lệnh thu, lệnh chi tiền, chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng trên tài khoản tiền gửi của BHXH các cấp do lỗi của BHXH;

1.6. Chịu trách nhiệm đối chiếu các lệnh giao dịch trong ngày giữa chứng từ gốc và sổ phụ do ngân hàng trả; giữa chứng từ gốc do BHXH các cấp lập với báo Nợ, báo Có của ngân hàng. Thực hiện chế độ thông tin báo cáo, đối chiếu số liệu theo đúng quy định tại mục IX Chương II văn bản này.

2. Đối với hệ thống NHNo&PTNT Việt Nam:

2.1. Hướng dẫn BHXH cùng cấp thủ tục mở tài khoản, quản lý, sử dụng tài khoản tiền gửi theo quy định tại mục I Chương II văn bản này.

2.2. Chi nhánh NHNo&PTNT các cấp có trách nhiệm cân đối tiền mặt đáp ứng đầy đủ, thường xuyên và kịp thời nhu cầu chi trả của cơ quan BHXH theo đúng kế hoạch.

2.3. Tự động thực hiện chuyển tiền thu từ tài khoản “Tiền gửi thu BHXH” của BHXH huyện về BHXH tỉnh và từ BHXH tỉnh chuyển về BHXH Việt Nam theo đúng quy định tại mục VI Chương II văn bản này. Chi nhánh NHNo&PTNT các cấp không được chuyển tiền thu BHXH sang tài khoản khác không phải là tài khoản tiền gửi thu BHXH của BHXH cấp trên đã được quy định tại văn bản này.

2.4. Cung cấp và hướng dẫn BHXH các cấp sử dụng các dịch vụ của Ngân hàng theo quy định tại mục VII Chương II văn bản này để phục vụ công tác quản lý tiền gửi và nhiệm vụ của ngành.

2.5. Hạch toán đầy đủ, chính xác, kịp thời các nghiệp vụ kinh tế phát sinh vào các tài khoản tiền gửi của BHXH theo đúng nội dung quy định. Thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo đúng mẫu biểu, thời gian quy định tại mục IX Chương II văn bản này.

2.6. Tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan BHXH các cấp kiểm tra, đối chiếu số liệu thường xuyên và đột xuất.

2.7. Trong quá trình thực hiện giao dịch, chi nhánh NHNo&PTNT các cấp có trách nhiệm kiểm soát các lệnh thanh toán của BHXH các cấp theo các quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước và NHNo&PTNT Việt Nam và các quy định của văn bản này. Ngân hàng có quyền từ chối thanh toán khi chứng từ thanh toán của BHXH Việt Nam, BHXH các cấp không đảm bảo các điều kiện tại mục II và mục III Chương II văn bản này và kịp thời thông báo bằng văn bản và nêu rõ nguyên nhân về BHXH Việt Nam, BHXH các cấp.

2.8. Trường hợp không thực hiện được lệnh thanh toán do cơ quan BHXH chuyển sang, Ngân hàng phải thông báo ngay bằng văn bản, nêu rõ nguyên nhân cho cơ quan BHXH.

2.9. Chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng trên tài khoản tiền gửi của BHXH các cấp nếu do lỗi của Ngân hàng.

IX. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO VÀ CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM

Định kỳ hoặc đột xuất, hệ thống NHNo&PTNT Việt Nam và hệ thống BHXH Việt Nam phải lập, xác nhận các loại báo cáo theo mẫu sau:

1. Bảng kê chuyển tiền:

BHXH tỉnh, BHXH huyện, các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam lập 02 bản “bảng kê chuyển tiền” theo mẫu số 01, cùng ủy nhiệm chi chuyển tiền gửi chi nhánh NHNo&PTNT nơi mở tài khoản. Sau khi đã nhận và xử lý các chứng từ ghi trên bảng kê, chi nhánh NHNo&PTNT ký xác nhận, đóng dấu: 01 bản giữ lại ngân hàng; 01 bản trả cơ quan BHXH tỉnh, huyện và các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam nơi có quan hệ giao dịch.

2. Bảng đối chiếu số dư của các tài khoản tiền gửi:

Chậm nhất là hai (02) ngày làm việc của tháng sau, các chi nhánh NHNo&PTNT nơi hệ thống BHXH Việt Nam mở tài khoản lập bảng đối chiếu số dư của các tài khoản tiền gửi tháng trước theo mẫu số 02 gửi cho cơ quan BHXH; sau khi kiểm soát đúng, cơ quan BHXH đóng dấu xác nhận, gửi lại chi nhánh Ngân hàng 01 bản và giữ tại đơn vị 01 bản để lập các báo cáo quyết toán, báo cáo nghiệp vụ thu, chi BHXH theo quy định.

3. Bảng kê chuyển tiền thu BHXH:

Chậm nhất là hai (02) ngày làm việc của tháng sau, Chi nhánh NHNo&PTNT cùng cấp lập bảng kê chuyển tiền thu theo mẫu số 03 gửi cơ quan BHXH tỉnh; sau khi kiểm soát đúng, BHXH tỉnh đóng dấu xác nhận, gửi lại Ngân hàng và giữ tại đơn vị để lập đối chiếu, lập báo cáo nghiệp vụ thu BHXH theo quy định.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Văn bản này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2010, thay thế văn bản số 3068/LN ngày 15/8/2006 của Liên ngành BHXH Việt Nam và NHNo&PTNT Việt Nam quy định về việc mở, quản lý và sử dụng tài khoản thanh toán giữa hệ thống BHXH Việt Nam và hệ thống NHNo&PTNT Việt Nam.

2. BHXH Việt Nam, NHNo&PTNT Việt Nam có trách nhiệm thông báo, hướng dẫn, phổ biến và triển khai thực hiện các quy định tại văn bản này tới các đơn vị trong toàn hệ thống.

3. Trong trường hợp có sự thay đổi về cơ chế thu, chi BHXH và những thay đổi khác từ phía BHXH Việt Nam hay những thay đổi về Quy chế mở, quản lý và sử dụng tài khoản tiền gửi từ phía NHNo&PTNT Việt Nam làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các nội dung trong văn bản này, BHXH Việt Nam và NHNo&PTNT Việt Nam có trách nhiệm thông báo cho nhau để cùng phối hợp, thống nhất hướng giải quyết. Trường hợp không thống nhất được hoặc một trong hai bên có yêu cầu chấm dứt các thỏa thuận quy định tại văn bản này thì phải thông báo trước cho bên kia tối thiểu là 03 (ba) tháng.

4. Các đơn vị trong hệ thống BHXH Việt Nam, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an nhân dân, BHXH Ban cơ yếu Chính phủ và các đơn vị trong hệ thống NHNo&PTNT Việt Nam có trách nhiệm tổ chức thực hiện đầy đủ, đúng các nội dung quy định tại văn bản này, không được ban hành các quy định riêng trái với quy định tại văn bản này. Trong quá trình hoạt động nếu có khó khăn, vướng mắc, báo cáo kịp thời về BHXH Việt Nam và NHNo&PTNT Việt Nam để xem xét, phối hợp giải quyết.

5. Mọi sửa đổi, bổ sung thỏa thuận này do hai bên BHXH Việt Nam và NHNo&PTNT Việt Nam thống nhất bằng văn bản./.

 

NGÂN HÀNG No&PTNT VIỆT NAM
TỔNG GIÁM ĐỐC 





Phạm Thanh Tân

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC




Nguyễn Đình Khương

 

Nơi nhận:
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Hội đồng quản lý BHXHVN;
- TGĐ, các PTGĐ BHXH Việt Nam;
- Hội đồng quản trị NHNo&PTNTVN;
- TGĐ, các PTGĐ NHNo&PTNTVN;
- BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam;
- BHXH Bộ Quốc phòng, Bộ CAND, Ban CYCP;
- Các VPĐD, chi nhánh loại 1, loại 2;
- Công ty hạch toán độc lập thuộc NHNo&PTNTVN;
- Lưu: VT, Ban Chi - BHXH (5 bản).
- Lưu: VP, PC, KHTH-NHNo&PTNTVN (5 bản).

 

 

MẪU SỐ 01

ĐƠN VỊ:…………….

BẢNG KÊ CHUYỂN TIỀN NGÂN HÀNG

Ngày …. tháng …. năm 2010

Tài khoản chuyển tiền: ………………….. Số hiệu:……………………

STT

Tên đơn vị nhận tiền

Số ủy nhiệm chi

Số liên

Số tiền

Ghi chú

A

B

1

2

3

4

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cộng

 

 

 

 

 

Ngày …. tháng …. năm …..
BẢO HIỂM XÃ HỘI TỈNH (HUYỆN)……….

Ngày …. tháng …. năm …..
CHI NHÁNH NHNo&PTNT ………

Kế toán

Chủ tài khoản

Kế toán

Giám đốc

 

 

 

 

 

MẪU SỐ 02

BẢNG ĐỐI CHIẾU SỐ DƯ TÀI KHOẢN TIỀN GỬI MỞ TẠI NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Tháng …. năm …….

Đơn vị: đồng

STT

Tên tài khoản

Số liệu của ngân hàng

Số liệu của cơ quan BHXH

Số dư ĐK

Số PS tăng

Số PS giảm

Số dư CK

Số dư ĐK

Số PS tăng

Số PS giảm

Số dư CK

1

Thu BHXH

 

 

 

 

 

 

 

 

2

Chi BHXH

 

 

 

 

 

 

 

 

3

Chi quản lý bộ máy

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngày …. tháng …. năm …..
BẢO HIỂM XÃ HỘI TỈNH (HUYỆN)……….

Ngày …. tháng …. năm …..
CHI NHÁNH NHNo&PTNT ………

Kế toán

Chủ tài khoản

Kế toán

Giám đốc

 

 

 

 

 

MẪU SỐ 03

Tỉnh, Thành phố ……………………

BẢNG KÊ CHUYỂN TIỀN THU BẢO HIỂM XÃ HỘI THEO CÂN ĐỐI THÁNG …. NĂM ………..

Đơn vị: đồng

TT

Tên đơn vị

Số tiền thu BHXH chuyển về tài khoản của BHXH tỉnh trong tháng

Ghi chú

A

B

1

2

1

BHXH huyện A

 

 

2

BHXH huyện B

 

 

3

BHXH huyện C

 

 

4

…………

 

 

5

………….

 

 

 

Cộng

 

 

 

Ngày …. tháng …. năm …..
BẢO HIỂM XÃ HỘI TỈNH (TP)……….

Ngày …. tháng …. năm …..
CHI NHÁNH NHNo&PTNT ………

Kế toán

Chủ tài khoản

Kế toán

Giám đốc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thỏa thuận liên ngành 5399/LN-BHXH-NHNo về quản lý và sử dụng tài khoản tiền gửi của hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam mở tại hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam do Bảo hiểm xã hội Việt Nam - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 5399/LN-BHXH-NHNo
  • Loại văn bản: Thoả thuận
  • Ngày ban hành: 14/10/2010
  • Nơi ban hành: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp Việt nam
  • Người ký: Nguyễn Đình Khương, Phạm Thanh Tân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản