Hệ thống pháp luật

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM -NGÂN HÀNG NO & PTNT VIỆT NAM
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3068/LN

Hà Nội, ngày 15 tháng 08 năm 2006

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC MỞ, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TÀI KHOẢN THANH TOÁN GIỮA HỆ THỐNG BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM VÀ HỆ THỐNG NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VIỆT NAM

Căn cứ Nghị định số 100/2002/NĐ-CP ngày 06/01/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam;

Căn cứ Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 117/QĐ/HĐQT-NHNo ngày 03/06/2002 của Hội đồng quản trị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chuẩn y;

Căn cứ Quyết định số 1284/QĐ-NHNN ngày 21/11/2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc ban hành quy chế mở và sử dụng tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và Tổ chức tín dụng;

Liên ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam – Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thống nhất quy định việc mở, quản lý và sử dụng tài khoản về các chế độ thanh toán, thu, chi Quỹ bảo hiểm xã hội giữa các đơn vị thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam với hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam các cấp như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Bảo hiểm xã hội tỉnh) và Bảo hiểm xã hội các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Bảo hiểm xã hội huyện) đăng ký mở các tài khoản tiền gửi tại hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đồng cấp để quản lý, theo dõi, thanh toán số tiền thu, chi Quỹ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế (gọi chung là BHXH), kinh phí chi quản lý bộ máy, các khoản kinh phí khác (nếu có).

2. Cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp có trách nhiệm thực hiện mở tài khoản, sử dụng tài khoản và chịu sự quản lý, kiểm tra, kiểm soát của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, nơi mở tài khoản theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và những điều liên ngành quy định, bổ sung trong văn bản này.

3. Định kỳ hàng tháng, năm, cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đồng cấp có trách nhiệm đối chiếu, xác nhận số liệu, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo phạm vi mở và sử dụng tài khoản theo quy định.

4. Để chi trả cho những người hưởng các chế độ BHXH, chi quản lý bộ máy được đầy đủ, thường xuyên và kịp thời, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam các cấp có trách nhiệm điều hòa, cân đối tiền mặt đáp ứng nhu cầu chi trả của cơ quan Bảo hiểm xã hội.

5. Để tạo điều kiện cho hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ổn định và phát triển trong hoạt động kinh doanh, hàng năm Bảo hiểm xã hội Việt Nam ưu tiên cho hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam lượng vốn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn trong khả năng cân đối của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

6. Số dư có trên các tài khoản tiền gửi của Bảo hiểm xã hội các cấp mở tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đồng cấp sẽ được tính trả lãi theo quy định của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

7. Phí dịch vụ chuyển tiền ở tài khoản tiền gửi thu BHXH, chi BHXH và chi quản lý bộ máy, cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp trả cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cùng cấp được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tính theo mức phí ưu tiên. Trên cơ sở ý kiến của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam có văn bản hướng dẫn biểu phí trong hệ thống từng thời điểm, phù hợp với quy định của NHNN và NHNo&PTNT Việt Nam.

8. Các dịch vụ khác nếu có (kể cả chi trả BHXH qua thẻ ATM) cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đồng cấp được thực hiện trên cơ sở ký kết hợp đồng theo quy định của pháp luật.

9. Để đáp ứng tốt việc quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện truy cập, xem số dư và sao kê sổ phụ của hệ thống Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh trên toàn quốc thông qua hệ thống mạng kết nối. Giữa hai bên có trách nhiệm cử người và thực hiện việc kết nối mạng để theo dõi. Vấn đề này sẽ có thỏa thuận riêng. Trung tâm thanh toán thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam là đơn vị thực hiện cập nhật thông tin với Bảo hiểm xã hội Việt Nam khi hoàn tất mạng kết nối.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

A. Mở, quản lý và sử dụng tài khoản.

1. Đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam:

Mở một tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Thăng Long. Tài khoản này do Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam (hoặc người được ủy quyền) làm chủ tài khoản. Các khoản thu, chi trên tài khoản thuộc quyền của chủ tài khoản.

2. Đối với Bảo hiểm xã hội tỉnh: mở các tài khoản

2.1. Tài khoản “Tiền gửi thu bảo hiểm xã hội”:

Tài khoản này phản ánh số tiền thu BHXH từ các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, đoàn thể… nộp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh theo Luật định.

+ Bên có:

- Số thu BHXH do Bảo hiểm xã hội tỉnh trực tiếp thu và số thu do Bảo hiểm xã hội huyện chuyển về.

+ Bên nợ:

- Phản ánh số tiền Bảo hiểm xã hội tỉnh chuyển về Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Tiền chuyển về Bảo hiểm xã hội Việt Nam do Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đồng cấp tự động chuyển vào cuối các ngày: 5, 10, 15, 20, 25 và ngày cuối của tháng mà không cần có lệnh chuyển tiền của chủ tài khoản. Ngân hàng chuyển tiền tính tròn đến đơn vị triệu đồng (số dư để lại ở tài khoản sau khi chuyển còn dưới một triệu đồng). Nếu các ngày chuyển tiền nói trên rơi vào ngày lễ, ngày nghỉ thì Ngân hàng chuyển về Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào ngày làm việc trước các ngày nghỉ.

Bảo hiểm xã hội tỉnh không được sử dụng số tiền trên tài khoản này vào bất cứ mục đích nào khác, trừ hai trường hợp:

- Chuyển tiền về Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

- Chuyển về một tài khoản khác khi có lệnh bằng văn bản của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

+ Tài khoản này dư có:

- Số dư có phản ánh số tiền thu BHXH chưa chuyển về Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

2.2. Tài khoản “Tiền gửi chi bảo hiểm xã hội”:

Tài khoản này dùng để chi BHXH cho những người được hưởng các chế độ BHXH, các cơ sở khám chữa bệnh… do Bảo hiểm xã hội tỉnh trực tiếp chi và chuyển tiền chi theo nội dung trên cho Bảo hiểm xã hội huyện.

+ Bên có:

- Nhận tiền chi BHXH do Bảo hiểm xã hội Việt Nam chuyển về

+ Bên nợ:

- Số chi BHXH cho những người được hưởng chế độ BHXH do Bảo hiểm xã hội tỉnh trực tiếp chi trả.

- Chuyển kinh phí chi BHXH cho Bảo hiểm xã hội huyện.

+ Tài khoản này dư có:

- Số dư có phản ánh số tiền Bảo hiểm xã hội tỉnh còn gửi tại Chi nhánh NHNo&PTNT.

2.3. Tài khoản “Tiền gửi chi quản lý bộ máy”:

Tài khoản này dành riêng cho nội dung chi quản lý bộ máy của Bảo hiểm xã hội tỉnh và chuyển kinh phí chi quản lý bộ máy cho Bảo hiểm xã hội huyện.

+ Bên có:

- Các khoản kinh phí chi quản lý bộ máy do Bảo hiểm xã hội Việt Nam chuyển về.

- Số lãi nhận được từ số dư trên các tài khoản tiền gửi do Chi nhánh NHNo&PTNT trả.

- Số thu hồi kinh phí từ Bảo hiểm xã hội huyện.

- Các khoản thu hợp pháp khác (nếu có).

+ Bên nợ:

- Các khoản chi quản lý bộ máy của Bảo hiểm xã hội tỉnh.

- Chuyển kinh phí chi quản lý bộ máy cho Bảo hiểm xã hội huyện.

- Hoàn trả số kinh phí này về Bảo hiểm xã hội Việt Nam khi có lệnh thu.

- Chi trả phí dịch vụ cho Chi nhánh NHNo&PTNT, Kho bạc.

- Thanh toán các khoản chi hợp pháp khác.

+ Tài khoản này dư có:

- Phản ánh số tiền Bảo hiểm xã hội tỉnh còn gửi tại Chi nhánh NHNo&PTNT.

2.4. Cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh không được sử dụng sai nội dung đã quy định của các tài khoản trên. Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nơi Bảo hiểm xã hội tỉnh mở tài khoản có trách nhiệm kiểm soát, từ chối thực hiện các lệnh thu, chi có nội dung khác với nội dung hạch toán của từng tài khoản.

3. Bảo hiểm xã hội huyện: Cũng mở các tài khoản tiền gửi như Bảo hiểm xã hội tỉnh.

3.1. Tài khoản “Tiền gửi thu bảo hiểm xã hội”:

Tài khoản này phản ánh số tiền thu BHXH từ các cơ quan, đơn vị và các tổ chức đoàn thể… nộp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện theo luật định.

+ Bên có:

- Số thu BHXH do Bảo hiểm xã hội huyện trực tiếp thu.

+ Bên nợ:

- Phản ánh số tiền thu BHXH do Bảo hiểm xã hội huyện chuyển về Bảo hiểm xã hội tỉnh. Tiền chuyển về Bảo hiểm xã hội tỉnh do Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cùng cấp tự động chuyển vào cuối các ngày: 4, 9, 14, 19, 24 và trước 1 ngày của ngày cuối của tháng mà không cần có lệnh chuyển tiền của chủ tài khoản. Ngân hàng chuyển tiền tính tròn đến đơn vị triệu đồng (số dư để lại ở tài khoản sau khi chuyển còn dưới một triệu đồng). Nếu các ngày chuyển tiền nói trên rơi vào ngày lễ, ngày nghỉ thì Ngân hàng chuyển về Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào ngày làm việc trước các ngày nghỉ.

+ Tài khoản này dư có:

- Số dư có phản ánh số tiền thu BHXH của Bảo hiểm xã hội huyện còn gửi tại Chi nhánh NHNo&PTNT.

3.2. Tài khoản “Tiền gửi chi bảo hiểm xã hội”:

Tài khoản này dùng để chi BHXH cho những người được hưởng các chế độ BHXH các cơ sở khám chữa bệnh … do Bảo hiểm xã hội huyện trực tiếp chi

+ Bên có:

- Phản ánh số tiền chi BHXH do Bảo hiểm xã hội tỉnh chuyển về.

+ Bên Nợ:

- Phản ánh số tiền chi BHXH cho những người được hưởng chế độ BHXH do Bảo hiểm xã hội huyện trực tiếp chi trả hoặc chuyển trả về Bảo hiểm xã hội tỉnh.

+ Tài khoản này dư có: Số dư có phản ánh số tiền Bảo hiểm xã hội huyện còn gửi tại Chi nhánh NHNo&PTNT.

3.3. Tài khoản “Tiền gửi chi quản lý bộ máy”:

Tài khoản này dành riêng cho nội dung chi quản lý bộ máy của Bảo hiểm xã hội huyện

+ Bên có:

- Các khoản kinh phí chi quản lý bộ máy do Bảo hiểm xã hội tỉnh chuyển về.

- Số lãi nhận được từ số dư trên các tài khoản tiền gửi do Chi nhánh NHNo&PTNT trả.

- Các khoản thu hợp pháp khác (nếu có)

+ Bên nợ:

- Các khoản chi quản lý bộ máy của Bảo hiểm xã hội huyện.

- Hoàn trả số kinh phí này về Bảo hiểm xã hội tỉnh khi có lệnh thu.

- Chi trả phí dịch vụ cho Chi nhánh NHNo&PTNT, Kho bạc.

- Thanh toán các khoản chi hợp pháp khác.

+ Tài khoản này dư có:

- Phản ánh số tiền Bảo hiểm xã hội huyện còn gửi tại Chi nhánh NHNo&PTNT.

3.4. Cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện không được sử dụng sai nội dung đã quy định của các tài khoản trên. Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nơi Bảo hiểm xã hội huyện mở tài khoản có trách nhiệm kiểm soát từ chối thực hiện các lệnh thu, chi có nội dung khác với nội dung hạch toán của từng tài khoản.

4. Để phản ánh được chính xác, đầy đủ và tổng hợp các chỉ tiêu, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam sẽ bố trí các tài khoản cấp III riêng cho hệ thống Bảo hiểm xã hội. Trên cân đối tài khoản của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam có 3 tài khoản tổng hợp toàn ngành của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

- Mọi khoản phát sinh thu, chi trên các tài khoản Bảo hiểm xã hội các cấp, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đều phải báo Có, báo Nợ kịp thời cho Bảo hiểm xã hội cùng cấp.

5. Mọi thủ tục giao dịch, rút tiền mặt, chuyển khoản trên các tài khoản chi BHXH, tài khoản chi quản lý bộ máy thực hiện theo chế độ hiện hành của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

B. Chế độ thông tin báo cáo và chế độ trách nhiệm:

1. Tại Bảo hiểm xã hội huyện:

Chậm nhất ngày 2 tháng sau, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam lập bảng kê số tiền phát sinh trên các tài khoản tiền gửi tháng trước theo mẫu số 1 gửi cho Bảo hiểm xã hội huyện; sau khi kiểm soát đúng, Bảo hiểm xã hội huyện đóng dấu xác nhận, gửi lại Ngân hàng và giữ lại đơn vị để lập các báo cáo quyết toán, báo cáo nghiệp vụ thu, chi BHXH theo quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

2. Tại Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố:

Chậm nhất ngày 2 tháng sau, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam lập bảng kê số tiền phát sinh trên các tài khoản tiền gửi tháng trước theo mẫu số 1 và Bảng kê chuyển tiền thu BHXH theo mẫu số 2A gửi cho Bảo hiểm xã hội tỉnh; sau khi kiểm soát đúng, Bảo hiểm xã hội tỉnh đóng dấu xác nhận, gửi lại Ngân hàng và giữ tại đơn vị để lập các báo cáo quyết toán, báo cáo nghiệp vụ thu, chi BHXH theo quy định.

3. Tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam:

Chậm nhất ngày 5 tháng sau, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Thăng Long lập Bảng kê chuyển tiền thu BHXH theo mẫu số 2B gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam để theo dõi, đối chiếu số phát sinh với các đơn vị.

4. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam các cấp có trách nhiệm:

- Hướng dẫn Bảo hiểm xã hội đồng cấp thủ tục mở tài khoản, sử dụng tài khoản, thanh toán.

- Đảm bảo đầy đủ, kịp thời tiền mặt cho Bảo hiểm xã hội khi có nhu cầu rút tiền trên tài khoản.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp kiểm tra, đối chiếu số liệu khi cần thiết.

- Tài khoản “Tiền gửi thu bảo hiểm xã hội” chuyển tiền từ Bảo hiểm xã hội huyện về Bảo hiểm xã hội tỉnh và Bảo hiểm xã hội tỉnh chuyển về Bảo hiểm xã hội Việt Nam đảm bảo đúng ngày theo quy định.

- Hạch toán đầy đủ, chính xác, kịp thời các nghiệp vụ kinh tế phát sinh các tài khoản tiền gửi của cơ quan Bảo hiểm xã hội.

- Trong quá trình thực hiện giao dịch, các chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện việc kiểm soát các lệnh thanh toán của Bảo hiểm xã hội các cấp theo các quy định hiện hành của NHNN và NHNo&PTNT Việt Nam. Ngân hàng có quyền từ chối thanh toán và kịp thời thông báo về Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội tỉnh các trường hợp Bảo hiểm xã hội tỉnh, huyện chi sai nội dung của từng tài khoản như quy định trong văn bản này.

- Chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng trên tài khoản tiền gửi của Bảo hiểm xã hội các cấp nếu do lỗi của Ngân hàng.

5. Bảo hiểm xã hội các cấp chịu trách nhiệm về các nội dung thanh toán theo định lượng và sự chính xác của nội dung thanh toán, ghi trên các lệnh thu, lệnh chi tiền, chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng trên tài khoản tiền gửi của Bảo hiểm xã hội các cấp không do lỗi của Ngân hàng.

6. Những nội dung khác ngoài phạm vi quy định tại văn bản này cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam các cấp thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước, của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Văn bản này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2006 và thay thế văn bản số 557/LN ngày 18/6/1997 Quy định về việc mở tài khoản và chế độ thanh toán giữa các đơn vị thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam với hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Cơ quan Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam các cấp có trách nhiệm thông báo, hướng dẫn, phổ biến và triển khai thực hiện.

2. Trong trường hợp có sự thay đổi về cơ chế thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và những thay đổi khác từ phía Bảo hiểm xã hội Việt Nam hay những thay đổi về Quy chế mở, quản lý và sử dụng tài khoản tiền gửi từ phía Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các nội dung trong quy định này; Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam có trách nhiệm thông báo cho nhau để cùng phối hợp, thống nhất hướng giải quyết.

3. Trong quá trình hoạt động nếu có khó khăn, vướng mắc, cơ quan Bảo hiểm xã hội và Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam các cấp báo cáo kịp thời về Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam để xem xét giải quyết.

 

NGÂN HÀNG NO & PTNT VIỆT NAM
TỔNG GIÁM ĐỐC




Lê Văn Sở

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
TỔNG GIÁM ĐỐC




Nguyễn Huy Ban

 

Nơi nhận:
- Bộ Tài chính;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Hội đồng quản lý BHXHVN;
- Hội đồng quản trị NHNo&PTNTVN;
- BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các VPĐD, chi nhánh cấp I, Công ty hạch toán độc lập thuộc NHNo&PTNTVN;
- Lưu: VT, KHTC-BHXH (5b);
- Lưu: VP, TKPC, NV – NHNo&PTNT VN (5b)  

 

 

MẪU SỐ 1

BÁO CÁO SỐ DƯ TÀI KHOẢN QUY ĐỊNH TẠI
NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Tháng             năm     

Đơn vị: Đồng

TT

Tên Tài Khoản – Số hiệu

Số dư đầu tháng

Số phát sinh trong tháng

Số dư cuối tháng

Nợ

Nợ

Nợ

A

B

1

2

3

4

5

6

1

Thu bảo hiểm xã hội

 

 

 

 

 

 

2

Chi bảo hiểm xã hội

 

 

 

 

 

 

3

Chi quản lý bộ máy

 

 

 

 

 

 

 

CỘNG

 

 

 

 

 

 

 

Ngày       tháng        năm
BẢO HIỂM XÃ HỘI TỈNH, HUYỆN
Kế toán                           Giám đốc

Ngày       tháng        năm
CHI NHÁNH NHNo&PTNT………..
Kế toán                      Giám đốc

 

MẪU SỐ 2A

Tỉnh, TP………

BẢNG KÊ CHUYỂN TIỀN THU BẢO HIỂM XÃ HỘI
THEO CÂN ĐỐI THÁNG……… NĂM……..

Đơn vị: Đồng

TT

Tên Đơn vị

Số tiền thu BHXH chuyển về tài khoản của BHXH tỉnh trong tháng

Ghi chú

A

B

1

2

1

BHXH huyện A

 

 

2

BHXH huyện B

 

 

3

BHXH huyện C

 

 

4

……………

 

 

5

……………

 

 

 

……………

 

 

 

CỘNG

 

 

 

Ngày       tháng        năm
KIỂM SOÁT CỦA BHXH TỈNH, TP
Kế toán                     Chủ tài khoản

Ngày       tháng        năm
CHI NHÁNH NHNo&PTNT………..
Kế toán                      Giám đốc

 

MẪU SỐ 2B

BẢNG KÊ CHUYỂN TIỀN THU BẢO HIỂM XÃ HỘI
THEO CÂN ĐỐI THÁNG……… NĂM……..

Đơn vị: Đồng

TT

Tên Đơn vị

Số tiền thu BHXH chuyển về tài khoản của BHXH Việt Nam trong tháng

Ghi chú

A

B

1

2

1

BHXH tỉnh A

 

 

2

BHXH tỉnh B

 

 

3

BHXH tỉnh C

 

 

4

……………

 

 

5

……………

 

 

 

……………

 

 

 

CỘNG

 

 

 

Ngày       tháng        năm
KIỂM SOÁT CỦA BHXH VIỆT NAM
Kế toán                     Chủ tài khoản

Ngày       tháng        năm
CHI NHÁNH NHNo&PTNT………..
Kế toán                      Giám đốc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quy định 3068/LN về mở, quản lý và sử dụng tài khoản thanh toán giữa hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam do Bảo hiểm xã hội Việt Nam - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 3068/LN
  • Loại văn bản: Quy định
  • Ngày ban hành: 15/08/2006
  • Nơi ban hành: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Huy Ban, Lê Văn Sở
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/10/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 01/11/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản