Hệ thống pháp luật

SẮC LUẬT

QUY ĐỊNH VIỆC BẮT, GIAM, KHÁM NGƯỜI, KHÁM NHÀ Ở, KHÁM ĐỒ VẬT

HỘI ĐỒNG CHÁNH PHỦ
CÁCH MẠNG LÂM THỜI CỘNG HÒA MIỀN NAM VIỆT NAM

Căn cứ vào Nghị quyết cơ bản của Đại hội Đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam ngày 8 tháng 6 năm 1969;

Để bảo đảm việc trấn áp bọn phản cách mạng và việc trừng trị những kẻ phạm tội khác, đồng thời bảo đảm quyền tự do thân thể nhân phẩm và quyền bất khả xâm phạm về nhà ở và về đồ vật của công dân;

Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ và ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp về quy định việc bắt giam, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật;

Sau khi được sự thỏa thuận của Hội đồng cố vấn Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam,

RA SẮC LUẬT

Điều 1. Nguyên tắc chung

Việc bắt, giam, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật phải có lệnh viết của cơ quan có thẩm quyền, trừ trường hợp phạm tội quả tang và trường hợp khẩn cấp quy định ở các điều 2 và 3 dưới đây.

Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan có quyền ra lệnh bắt, giam, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật trong những vụ án hình sự. Ủy ban nhân dân cách mạng từ cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên là cơ quan có quyền ra lệnh bắt, giam, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật đối với những phần tử cần tập trung cải tạo.

Tòa án nhân dân có quyền ra lệnh bắt, giam kẻ phạm tội trong những vụ án hình sự đang thụ lý.

Trưởng hoặc phó cơ quan an ninh từ cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên có quyền ra lệnh bắt, giam, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật của kẻ phạm tội; lệnh đó phải được sự phê chuẩn trước của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, nếu là vụ án hình sự, hoặc của Ủy ban nhân dân cách mạng cùng cấp, nếu là trường hợp tập trung cải tạo.

Ủy ban nhân dân cách mạng xã, phường có nhiệm vụ báo cáo với Viện kiểm sát nhân dân, Ủy ban nhân dân cách mạng hoặc cơ quan an ninh huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh về những trường hợp cần bắt, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật. Sau khi được lệnh viết của một trong các cơ quan nói trên, Ủy ban nhân dân cách mạng xã, phường có quyền tiến hành việc bắt, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật và phải dẫn ngay người bị bắt đến cơ quan đã ra lệnh.

Điều 2. Bắt người, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật trong trường hợp phạm tội quả tang.

Trong trường hợp phạm tội quả tang, bất cứ công dân nào cũng có quyền bắt và giải ngay kẻ phạm tội đến Ủy ban nhân dân cách mạng, cơ quan an ninh, hoặc Viện kiểm sát nhân dân gần nhất.

Những trường hợp sau đây là phạm tội quả tang:

a) Đang làm việc phạm tội hoặc ngay sau khi phạm tội thì bị phát giác.

b) Đang bị đuổi bắt sau khi phạm tội.

c) Đang bị giam giữ mà lẫn trốn.

d) Đang có lệnh truy nã.

Điều 3. Bắt người, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật trong trường hợp khẩn cấp.

Đội trưởng đội tuần tra của cơ quan an ninh hoặc của quân đội, trưởng hoặc phó đồn an ninh, trưởng hoặc phó cơ quan an ninh huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, trưởng hoặc phó ban của cơ quan an ninh từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên, trong khi làm nhiệm vụ, có quyền ra lệnh hoặc tự mình bắt, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật trong những trường hợp khẩn cấp.

Ủy ban nhân dân cách mạng xã, phường có nhiệm vụ báo cáo với Viện kiểm sát nhân dân, Ủy ban nhân dân cách mạng hoặc cơ quan an ninh huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh về những trường hợp khẩn cấp cần bắt, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật. Sau khi được lệnh viết của một trong các cơ quan nói trên, Ủy ban nhân dân cách mạng xã, phường có quyền tiến hành việc bắt, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật và phải dẫn ngay người bị bắt đến cơ quan đã ra lệnh.

Những trường hợp khẩn cấp là những trường hợp sau đây:

a) Có hành động chuẩn bị phạm tội.

b) Người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trong thấy và xác nhận đúng là kẻ phạm tội.

c) Tìm thấy chứng cứ phạm tội trong người hoặc tại nhà ở của người tình nghi phạm tội.

d) Có hành động chuẩn bị trốn hoặc đang trốn.

đ) Có hành động chuẩn bị tiêu hủy chứng cứ hoặc đang tiêu hủy chứng cứ, làm giả chứng cứ, có sự thông đồng giữa những kẻ phạm tội với nhau để trốn tránh pháp luật.

e) Căn cước, lai lịch không rõ ràng.

Sau khi đã bắt, khám trong trường hợp khẩn cấp, đội trưởng tuần tra, trưởng hoặc phó đồn an ninh và Ủy ban nhân dân cách mạng xã, phường phải dẫn giải ngay người bị bắt đến cơ quan an ninh hoặc Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Điều 4. Lập biên bản khám người, khám nhà ở, khám đồ vật của kẻ phạm tội

Cán bộ tiến hành việc khám người, khám nhà ở, khám đồ vật của kẻ phạm tội phải lập biên bản về việc khám xét, đọc lại cho người bị khám xét nghe, yêu cầu họ cùng ký và trao cho họ một bản.

Nếu bắt được tang vật thì phải ghi rõ trong biên bản và phải chuyển ngay đến cơ quan an ninh hoặc Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền; nếu cần thì phải niêm phong hoặc cử người coi giữ.

Nghiêm cấm việc tự sử dụng, lấy cắp, thay đổi, làm mất, làm hư hỏng tang vật.

Điều 5. Tạm giam

Sau khi bắt hoặc nhận người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc trường hợp khẩn cấp, cơ quan an ninh hoặc Viện kiểm sát nhân dân phải xét hỏi ngay. Trong hạn 3 ngày kể từ khi bắt hoặc nhận người bị bắt, các cơ quan này phải xét, quyết định trả lại tự do, tha hẳn, tạm tha hoặc giải người bị bắt lên cấp trên, nếu là vụ án thuộc thẩm quyền của cấp trên.

Nếu xét cần phải tạm giam thì việc tạm giam phải có lệnh viết của Viện kiểm sát nhân dân từ cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên, hoặc lệnh viết của cơ quan an ninh cấp tương đương, đã được sự phê chuẩn trước của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, nếu là vụ án hình sự, hoặc của Ủy ban nhân dân cách mạng cùng cấp, nếu là trường hợp tập trung cải tạo.

Thời gian tạm giam không được quá:

- 2 tháng đối với các vụ thường phạm mà pháp luật quy định hình phạt từ 5 năm tù trở xuống;

- 4 tháng đối với các vụ phạm đến an ninh chánh trị và các vụ thường phạm mà pháp luật quy định hình phạt trên 5 năm tù.

Nếu xét thật cần thiết cho cuộc điều tra thì cơ quan ra lệnh tạm giam có thể ra hạn một hoặc hai lần nữa. Đối với những vụ án phức tạp, cần phải điều tra lâu hơn, thì phải được sự chuẩn y của cơ quan Tư pháp Trung ương.

Điều 6. Sử dụng biện pháp cưỡng chế

Trong khi tiến hành việc bắt, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật mà kẻ phạm tội kháng cự lại hoặc có hành động để trốn tránh pháp luật thì có thể dùng biện pháp cưỡng chế thích đáng để bắt kẻ phạm tội tuân theo pháp luật.

Điều 7. Cấm dùng nhục hình

Nghiêm cấm việc tra tấn hoặc dùng bất cứ nhục hình nào trong khi bắt, giam, xét hỏi.

Điều 8. Xử lý những trường hợp bắt, giam, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật trái phép hoặc làm nhục hình

Những người bắt, giam, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật trái phép hoặc dùng nhục hình sẽ tùy từng trường hợp mà bị thi hành kỷ luật hành chánh hoặc bị truy tố trước pháp luật; nếu có gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường.

Điều 9. Tổ chức thi hành

Ông Bộ trưởng Phủ Chủ tịch, ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ và ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành Sắc luật này./.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG CÓ VẤN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Thọ

Ngày 15 tháng 5 năm 1976

TM. HỘI ĐỒNG CHÁNH PHỦ
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Phát

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Sắc luật 02/SL năm 1976 quy định việc bắt, giam, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật do Hội đồng Chánh phủ ban hành

  • Số hiệu: 02/SL
  • Loại văn bản: Sắc luật
  • Ngày ban hành: 15/03/1976
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/03/1976
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản