BỘ CÔNG AN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1502/2008/QĐ-BCA | Hà Nội, ngày 10 tháng 09 năm 2008 |
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
Căn cứ Bộ luật Hình sự ngày 21 tháng 12 năm 1999;
Căn cứ Bộ luật tố tụng hình sự ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật công an nhân dân ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 136/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy trình bắt, áp giải bị can, bị cáo, người có quyết định thi hành án phạt tù, dẫn giải người làm chứng của lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an nhân dân theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Những quy định trước đây của Bộ Công an trái với Quy trình ban hành kèm theo Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Các đồng chí Tổng cục trưởng các Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ trưởng, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| BỘ TRƯỞNG |
BẮT, ÁP GIẢI BỊ CAN, BỊ CÁO, NGƯỜI CÓ QUYẾT ĐỊNH THI HÀNH ÁN PHẠT TÙ, DẪN GIẢI NGƯỜI LÀM CHỨNG CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT BẢO VỆ VÀ HỖ TRỢ TƯ PHÁP THUỘC CÔNG AN NHÂN DÂN THEO YÊU CẦU CỦA CÁC CƠ QUAN TIẾN HÀNH TỐT TỤNG HÌNH SỰ
(ban hành kèm theo Quyết định số 1502/2008/QĐ-BCA(C11) ngày 10/9/2008 của Bộ trưởng Bộ Công An)
Điều 1. Quy trình này quy định trình tự, thủ tục thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp trong việc chủ trì và tham gia phối hợp bắt, áp giải bị can, bị cáo, người có quyết định thi hành án phạt tù, dẫn giải người làm chứng theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phục vụ cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.
Điều 2. Việc bắt, áp giải bị can, bị cáo, người có quyết định thi hành án phạt tù, dẫn giải người làm chứng phải có lệnh, quyết định bắt, áp giải, dẫn giải của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền; theo kế hoạch và phương án cụ thể do thủ trưởng đơn vị Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp duyệt; bố trí đủ lực lượng và trang bị phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ cần thiết để phục vụ công tác.
Điều 3. Việc bắt, áp giải bị can, bị cáo, người có quyết định thi hành án phạt tù, dẫn giải người làm chứng phải đảm bảo các yêu cầu về chính trị, nghiệp vụ, pháp luật; bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ và quần chúng nhân dân trong quá trình thi hành nhiệm vụ; không được xâm phạm trái pháp luật tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị bắt, áp giải, dẫn giải.
Điều 4. Kiểm tra lệnh, quyết định trước khi thực hiện nhiệm vụ
1. Trước khi thực hiện bắt, áp giải, dẫn giải theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, người chỉ huy Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp được giao nhiệm vụ phải kiểm tra lệnh, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể.
2. Khi có căn cứ để cho rằng lệnh, quyết định bắt, áp giải, dẫn giải được ban hành không đúng quy định của pháp luật hoặc các thông tin về đối tượng cần bắt, áp giải, dẫn giải trong lệnh, quyết định bắt, áp giải, dẫn giải không chính xác hay còn thiếu hoặc việc không có mặt của người bị bắt, áp giải, dẫn giải là có lý do chính đáng, việc tống đạt giấy tờ cho họ không đúng quy định của pháp luật thì người chỉ huy đơn vị Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp phải kịp thời thông báo cho cơ quan đã ra lệnh, quyết định bắt, áp giải, dẫn giải biết để xử lý.
Điều 5. Xây dựng kế hoạch và lập phương án.
1. Căn cứ xây dựng kế hoạch và lập phương án:
a) Đối với yêu cầu bắt, áp giải bị can, bị cáo đang tại ngoại, người bị kết án được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù phải xác định được tính chất của vụ án; họ tên, tuổi, chỗ ở, đặc điểm nhân dạng, nhân thân, diễn biến tâm lý, thái độ và đặc điểm gia đình, các mối quan hệ của người bị bắt, áp giải, đặc điểm địa bàn, tình hình an ninh, trật tự tại địa phương nơi cư trú và khả năng chống đối của đối tượng;
b) Đối với yêu cầu áp giải bị can, bị cáo, người bị kết án đang bị giam giữ, phải thông qua ban Giám thị Trại tạm giam nơi giam giữ để nắm diễn biến tâm lý, tư tưởng, thái độ và khả năng chống đối của đối tượng.
c) Đối với yêu cầu dẫn giải người làm chứng phải xác định rõ họ tên, tuổi, nghề nghiệp, đặc điểm nhân dạng, nhân thân; lý do người làm chứng không có mặt theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tốt tụng, khả năng chống đối của người làm chứng.
2. Nội dung kế hoạch:
a) Mục đích, yêu cầu của kế hoạch;
b) Các nhiệm vụ cụ thể, trình tự và biện pháp tiến hành;
c) Tổ chức thực hiện:
- Phân công nhiệm vụ cho các lực lượng tham gia;
- Trang bị phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ, kinh phí và các điều kiện đảm bảo khác cho các bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ;
- Thời gian, địa điểm khai thực hiện kế hoạch.
d) Dự kiến tình huống xấu có thể xảy ra trong quá trình triển khai kế hoạch và xây dựng phương án xử lý an toàn, hiệu quả (có sơ đồ bố trí lực lượng kèm theo).
3. Trường hợp bắt, áp giải, dẫn giải nhiều đối tượng cùng lúc, có nhiều đơn vị tham gia thì phải thành lập ban chỉ đạo và lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan trước khi trình duyệt kế hoạch, phương án và có biện pháp bảo đảm tuyệt đối bí mật. Phải tổ chức diễn tập phương án.
Điều 6. Phổ biến, giao nhiệm vụ bắt, áp giải, dẫn giải
1. Người chỉ huy bắt, áp giải, dẫn giải phải phổ biến, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ nắm vững mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể, trình tự và biện pháp tiến hành kế hoạch, phương án; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ, từng người và kiểm tra công tác chuẩn bị trước khi thực hiện nhiệm vụ bắt, áp giải, dẫn giải;
2. Phân công cán bộ thông báo với chính quyền, xã, phường, thị trấn cử đại diện và mời người láng giềng chứng kiến. Nếu bắt, áp giải người tại nơi làm việc thì thông báo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc cử đại diện và người chứng kiến;
3. Phân công từ hai cán bộ, chiến sỹ trở lên áp giải một đối tượng. Đối tượng là nữ phải có cán bộ nữ áp giải.
Điều 7. Bắt, áp giải bị can, bị cáo, người có quyết định thi hành án phạt tù
1. Bắt bị can, bị cáo, người có quyết định thi hành án phạt tù:
a) Đến địa điểm bắt bí mật, nhanh chóng, mời đại diện chính quyền địa phương nơi đối tượng cư trú hoặc đại diện cơ quan, tổ chức nơi đối tượng làm việc và người chứng kiến, triển khai các hoạt động cần thiết bảo đảm an toàn và hiệu quả của việc bắt;
b) Yêu cầu chủ nhà hoặc người có mặt tại địa điểm bắt cho gặp người cần bắt; tiếp cận đối tượng và kiểm tra, đối chiếu ảnh, giấy tờ tùy thân, xác định đúng là người có tên trong lệnh bắt thì tiến hành bắt;
c) Đọc lệnh hoặc quyết định bắt, giải thích lệnh hoặc quyết định, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt;
d) Lập biên bản về việc bắt;
e) Trường hợp đến địa điểm bắt, đối tượng không có mặt ở nơi cư trú nhưng có căn cứ xác định đối tượng đang trên đường đi hoặc ở một địa điểm khác thì người chỉ huy phải tổ chức ngay lực lượng đến bắt; nếu xét thấy chưa bảo đảm an toàn và hiệu quả, phải tổ chức bám sát theo dõi, đến địa điểm thuận lợi mời đối tượng vào cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất để tiến hành các thủ tục bắt như quy định tại điểm a, b, c, d của Khoản này.
2. Áp giải người bị bắt
a) Khám người, xác định đồ vật, tài sản người bị bắt mang theo, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các đồ vật, tài sản đó; khóa tay người bị bắt và thực hiện việc áp giải;
b) Trường hợp áp giải đối tượng nguy hiểm hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, người bị kết án tử hình nếu xét thấy cần thiết thì xích chân để đảm bảo an toàn (việc xích chân phải được nêu trong kế hoạch);
c) Trước khi áp giải, người chỉ huy cuộc áp giải giải thích cho người bị áp giải về quyền và nghĩa vụ của họ trong quá trình bị áp giải theo quy định của pháp luật, giải đáp thắc mắc của người bị áp giải (nếu có);
d) Trong khi áp giải phải đảm bảo an toàn, vô hiệu hóa sự chống đối hoặc gây khó khăn cho việc áp giải, không để người bị áp giải ngồi sau lưng hoặc cạnh người điều khiển phương tiện, gần cửa lên xuống hoặc gần cửa sổ; không để vũ khí bên cạnh người bị áp giải; người bị áp giải ngồi ở giữa, hai cán bộ áp giải ngồi hai bên; cán bộ áp giải phải giám sát, quản lý chặt chẽ người bị áp giải, cảnh giác, chủ động kịp thời xử lý những tình huống phức tạp có thể xảy ra; không tùy tiện giải quyết các yêu cầu của người bị áp giải;
đ) Lập biên bản giao, nhận người bị áp giải với cơ quan tiếp nhận người bị áp giải theo mẫu quy định.
Điều 8. Áp giải bị can, bị cáo, người bị kết án phạt tù đang tại ngoại; người bị kết án phạt tù được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án; bị can, bị cáo, người bị kết án phạt tù đang bị giam giữ
1. Thủ tục trước khi áp giải
a) Áp giải bị can, bị cáo, người bị kết án phạt tù đang tại ngoại; người bị kết án phạt tù được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án:
Đến địa điểm thực hiện áp giải, mời đại diện chính quyền địa phương nơi người cần áp giải cư trú hoặc đại diện cơ quan, tổ chức nơi người cần áp giải làm việc và người chứng kiến; yêu cầu chủ nhà hoặc người có mặt tại nơi người cần áp giải đang cư trú, làm việc cho gặp người cần áp giải; kiểm tra đối chiếu ảnh, giấy tờ tùy thân, xác định đúng người mà cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định áp giải thì công bố quyết định áp giải và lập biên bản về việc áp giải;
b) Áp giải bị can, bị cáo, người bị kết án phạt tù đang bị giam giữ:
Sau khi nhận được yêu cầu áp giải bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền và quyết định áp giải với đối tượng cụ thể, Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp phải thông báo ngay cho Trại tạm giam hoặc Nhà tạm giữ nơi đang giam giữ bị can, bị cáo, người bị kết án phạt tù biết để có kế hoạch phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Khi tiến hành áp giải phải kiểm tra, xác định đúng là người có tên trong quyết định áp giải thì mới làm thủ tục giao nhận người bị áp giải.
2. Áp giải: việc áp giải bị can, bị cáo, người bị kết án phạt tù đang tại ngoại; người bị kết án phạt tù được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án; bị can, bị cáo, người bị kết án phạt tù đang bị giam giữ thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Quy trình này.
Điều 9. Dẫn giải người làm chứng
1. Thủ tục trước khi dẫn giải:
a) Yêu cầu chủ nhà hoặc người có mặt tại nơi người cần dẫn giải đang cư trú, làm việc cho gặp người cần dẫn giải; kiểm tra, đối chiếu ảnh, các giấy tờ tùy thân, xác định đúng là người có tên trong quyết định dẫn giải thì mới tiến hành các thủ tục tiếp theo;
b) Đọc quyết định dẫn giải, giải thích cho người bị dẫn giải về quyền và nghĩa vụ của họ trong quá trình bị dẫn giải theo quy định của pháp luật, giải đáp thắc mắc của người bị dẫn giải (nếu có);
c) Lập biên bản về việc dẫn giải người làm chứng.
2. Dẫn giải:
a) Cử ít nhất hai cán bộ, chiến sĩ dẫn giải một người làm chứng;
b) Không khóa tay, xích chân người làm chứng (người làm chứng là bị can, bị cáo, người bị kết án hoặc phạm nhân đang bị giam, giữ hoặc cải tạo thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Quy trình này).
Điều 10. Xử lý một số tình huống trong khi bắt, áp giải, dẫn giải
1. Người bị bắt, áp giải, dẫn giải có hành vi chống đối
a) Giải thích quy định của pháp luật về bắt, áp giải, dẫn giải và yêu cầu người có hành vi chống đối chấp hành quyết định;
b) Nếu người bị bắt, áp giải, dẫn giải cố tình chống đối thì khống chế, vô hiệu hóa hành vi chống đối, nếu phạm tội quả tang thì ngăn chặn ngay hành vi phạm tội, lập biên bản, giao hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Thân nhân, đồng bọn của người bị bắt, áp giải có hành vi cản trở, hành hung, chống người thi hành công vụ nhằm giải thoát cho đối tượng.
a) Giải thích, tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng để cô lập người cầm đầu, quá khích; giải tán đám đông (nếu có);
b) Trường hợp đã được giải thích mà vẫn còn hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng hơn thì yêu cầu Công an địa phương tăng cường lực lượng hỗ trợ;
c) Vụ việc diễn biến phức tạp phải kịp thời báo cáo thủ trưởng đơn vị để tăng cường lực lượng giải quyết. Chủ động bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia bắt, áp giải; ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi vi phạm, lập biên bản và giao cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
3. Người bị bắt, áp giải, dẫn giải không có mặt ở nơi cư trú, làm việc thì người chỉ huy việc thi hành quyết định bắt, áp giải, dẫn giải phải lập biên bản, lấy lời khai của thân nhân họ để xác định có phải đối tượng đã bỏ trốn hay không.
Nếu người bị bắt, áp giải đã bỏ trốn thì lập biên bản về việc đã bỏ trốn, có xác nhận của đại diện chính quyền địa phương hoặc đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, xác nhận của người chứng kiến và thông báo bằng văn bản cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự yêu cầu biết.
4. Bắt, áp giải người bị kết án phạt tù đang tại ngoại, người được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù đi thi hành án.
a) Đối với người bị bệnh hiểm nghèo (bị ung thư, bị lao nặng, bị bại liệt, AIDS…) tới mức không thể áp giải đi được thì người chỉ huy việc áp giải phải lập biên bản (kèm theo bản sao bệnh án của người bệnh) có xác nhận của cơ sở y tế (nếu người bệnh đang điều trị tại bệnh viện) hoặc có xác nhận của chính quyền địa phương (nếu người bệnh đang điều trị tại nơi cư trú) và thông báo bằng văn bản cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự yêu cầu bắt, áp giải biết;
b) Đối với phụ nữ đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì không thực hiện áp giải, người chỉ huy việc áp giải lập biên bản (kèm theo bản sao giấy khám thai đối với trường hợp đang có thai hoặc bản sao giấy chứng sinh hay bản sao giấy khai sinh của con đối với trường hợp đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi) có xác nhận của chính quyền địa phương, của cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc và thông báo bằng văn bản cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự yêu cầu bắt, áp giải biết.
5. Áp giải người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, hành vi phạm tội, người đang chấp hành hình phạt tù có nghi ngờ bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của bản thân đi giám định pháp y:
Nếu Hội đồng giám định kết luận người được đưa đi giám định mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của bản thân thì yêu cầu cơ quan trưng cầu giám định ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh (bàn giao cho bệnh viện).
Nếu Hội đồng giám định kết luận người được đưa đi giám định không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của bản thân thì tổ chức áp giải đối tượng về nơi giam giữ.
6. Trường hợp đối tượng bắt, áp giải đã chết thì người chỉ huy việc áp giải lập biên bản về việc người đó đã chết có xác nhận của chính quyền địa phương, kèm theo bản sao giấy chứng tử và thông báo bằng văn bản cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự yêu cầu bắt, áp giải biết.
7. Trường hợp người làm chứng cố tình không chấp hành quyết định dẫn giải thì người chỉ huy việc dẫn giải lập biên bản có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc của cơ quan, tổ chức nơi người bị dẫn giải làm việc và thông báo bằng văn bản cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự yêu cầu dẫn giải biết.
8. Trên đường áp giải, dẫn giải.
a) Trường hợp người bị áp giải chạy trốn thì cán bộ, chiến sĩ áp giải yêu cầu những người có mặt phối hợp bắt giữ. Chỉ được nổ súng khi người chạy trốn là đối tượng phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng mà lực lượng áp giải đã cảnh cáo và đã sử dụng các công cụ hỗ trợ nhưng vẫn không thể bắt giữ được, đối tượng vẫn cố tình chạy trốn hoặc chống đối. Nếu không bắt ngay được đối tượng thì phải kịp thời báo cáo thủ trưởng đơn vị và liên hệ với Công an địa phương nơi xảy ra vụ việc để tăng cường lực lượng truy bắt;
b) Trường hợp người bị áp giải, dẫn giải phát bệnh đột xuất cần cấp cứu kịp thời, thì nhanh chóng đưa vào cơ sở y tế nơi gần nhất. Việc áp giải hoặc chuyển lên y tế tuyến trên để tiếp tục chữa trị phải có xác nhận bằng văn bản của cơ sở y tế về tình trạng sức khỏe của người bị áp giải, dẫn giải và báo cáo ngay cho chỉ huy trực tiếp biết. Trong thời gian cấp cứu tại cơ sở y tế, cán bộ, chiến sĩ áp giải phải có kế hoạch tổ chức canh giữ, giám sát chặt chẽ đối tượng, không để trốn, tự sát hoặc tự do tiếp xúc với người khác;
c) Trường hợp người bị áp giải, dẫn giải bị chết bất thường thì phải đưa vào cơ sở y tế gần nhất và báo cáo ngay thủ trưởng đơn vị, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nơi xảy ra vụ việc biết để tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật.
9. Trường hợp xảy ra tai nạn
a) Quản lý chặt chẽ người bị áp giải, giữ khoảng cách an toàn, không cho những người không có nhiệm vụ đến gần người bị áp giải;
c) Cấp cứu người bị nạn (nếu có); trường hợp người bị áp giải bị thương phải đưa đi cấp cứu thì trong quá trình cấp cứu tại bệnh viện phải có kế hoạch canh giữ chặt chẽ; kịp thời báo cáo thủ trưởng đơn vị và đề nghị Công an địa phương phối hợp đến giải quyết;
c) Trường hợp vụ tai nạn xảy ra có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì bảo vệ hiện trường vụ tai nạn và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết;
d) Nếu phương tiện giao thông bị hư hỏng nặng không thể khắc phục được thì báo cáo thủ trưởng đơn vị và liên hệ với Công an địa phương hỗ trợ, phối hợp, giải quyết.
10. Mọi trường hợp áp giải, dẫn giải đường dài phải chuẩn bị điều kiện cần thiết về hậu cần, liên hệ trước với chính quyền địa phương nơi nghỉ qua đêm, có kế hoạch phối hợp với Công an sở tại trong việc quản lý, canh giữ người bị áp giải, dẫn giải.
Điều 11. Quan hệ phối hợp thực hiện nhiệm vụ bắt, áp giải bị can, bị cáo, người có quyết định thi hành án phạt tù và dẫn giải người làm chứng
1. Quan hệ phối hợp giữa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp với các đơn vị trong lực lượng Công an nhân dân
a) Đơn vị Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp có yêu cầu phối hợp bắt, áp giải, dẫn giải phải chủ động trao đổi (trực tiếp hoặc bằng văn bản) với đơn vị phối hợp về nội dung, biện pháp và thời gian thực hiện;
b) Đơn vị được đề nghị phối hợp phải chủ động triển khai ngay lực lượng, phương tiện, biện pháp thực hiện theo yêu cầu của đơn vị đề nghị phối hợp;
c) Quan hệ phối hợp giữa các đơn vị trong lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp là quan hệ phối hợp toàn diện, chặt chẽ, thống nhất theo hệ lực lượng; đơn vị Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc địa bàn liên quan đến đối tượng bắt, áp giải, dẫn giải nhận được yêu cầu phối hợp có trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy phụ trách trực tiếp xây dựng kế hoạch phối hợp bảo đảm bắt, áp giải, dẫn giải đạt kết quả;
d) Quan hệ phối hợp giữa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp với các đơn vị khác trong lực lượng Công an nhân dân là mối quan hệ hiệp đồng chiến đấu; cán bộ, chiến sĩ Công an khi được phân công tham gia phối hợp bắt, áp giải, dẫn giải có trách nhiệm thực hiện và chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy bắt, áp giải, dẫn giải;
đ) Công an địa phương nơi người bị bắt, áp giải, dẫn giải đang cư trú nhận được yêu cầu xác minh đối tượng hoặc yêu cầu phối hợp thực hiện nhiệm vụ bắt, áp giải, dẫn giải có trách nhiệm khẩn trương cung cấp các thông tin cần thiết theo nội dung yêu cầu về đối tượng và triển khai lực lượng, phương tiện phối hợp thực hiện nhiệm vụ bắt, áp giải, dẫn giải; bản đảm bí mật, an toàn và hiệu quả;
e) Trại giam, Trại tạm giam khi nhận được thông báo của Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp về việc bắt, áp giải có trách nhiệm tổ chức lực lượng phối hợp thực hiện nhiệm vụ và đảm bảo các điều kiện cần thiết cho việc giao, nhận người bị bắt, áp giải.
2. Quan hệ phối hợp giữa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp với Chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị nơi người bị bắt, áp giải, dẫn giải cư trú hoặc làm việc
a) Trước khi thực hiện bắt, áp giải, dẫn giải theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, đơn vị Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp phải thông báo cho chính quyền địa phương nơi đối tượng đang cư trú hoặc cơ quan, đơn vị nơi đối tượng làm việc biết để phối hợp;
b) Chính quyền địa phương nơi cư trú hoặc cơ quan, đơn vị nơi làm việc của người bị bắt, áp giải, dẫn giải, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp thực hiện, bảo đảm cho hoạt động bắt, áp giải, dẫn giải an toàn và hiệu quả.
3. Quan hệ phối hợp giữa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp với các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự
a) Khi nhận được công văn yêu cầu, lệnh hoặc quyết định bắt, áp giải, dẫn giải của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thì người chỉ huy lực lượng bắt, áp giải, dẫn giải phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng hình sự đã yêu cầu để có những thông tin cần thiết về người bị bắt, áp giải, dẫn giải, phục vụ cho việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ;
b) Cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có yêu cầu bắt, áp giải, dẫn giải có trách nhiệm cung cấp thông tin cần thiết về đối tượng cần bắt, áp giải, dẫn giải cho đơn vị Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp khi đơn vị này có yêu cầu;
c) Thông báo ngay bằng văn bản cho cơ quan yêu cầu bắt, áp giải, dẫn giải biết về kết quả bắt, áp giải bị can, bị cáo, người có quyết định thi hành án phạt tù và dẫn giải người làm chứng hoặc lý do chưa bắt, áp giải, dẫn giải được;
d) Trong các trường hợp Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp được yêu cầu phối hợp, hỗ trợ cùng điều tra viên thì việc trực tiếp thực hiện các thủ tục pháp lý, do điều tra viên thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Hồ sơ về công tác bắt, áp giải, dẫn giải phải được lưu giữ và bảo quản theo đúng chế độ hồ sơ do Bộ Công an quy định.
Điều 13. Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bắt, áp giải bị can, bị cáo, người có quyết định thi hành án phạt tù; dẫn giải người làm chứng thực hiện đúng Quy trình này và các quy định khác của pháp luật có liên quan, bảo đảm yêu cầu nghiệp vụ của ngành Công an. Người có thành tích được khen thưởng theo quy định; nếu vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 14. Tổng cục Cảnh sát có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra Công an các đơn vị, địa phương thực hiện Quy trình này.
Điều 15. Cục trưởng cục Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm bố trí lực lượng, trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu của công tác bắt, áp giải bị can, bị cáo, người có quyết định thi hành án phạt tù, dẫn giải người làm chứng theo yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Công an các đơn vị, địa phương thi hành Quy trình này và các quy định khác có liên quan. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát) để có hướng dẫn kịp thời.
| BỘ TRƯỞNG |
- 1Sắc luật 02/SL năm 1976 quy định việc bắt, giam, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật do Hội đồng Chánh phủ ban hành
- 2Quyết định 1172/QĐ-TTg năm 2019 phê duyệt Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Luật Công an nhân dân 2005
- 2Bộ Luật Hình sự 1999
- 3Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003
- 4Sắc luật 02/SL năm 1976 quy định việc bắt, giam, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật do Hội đồng Chánh phủ ban hành
- 5Quyết định 1172/QĐ-TTg năm 2019 phê duyệt Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 1502/2008/QĐ-BCA về Quy trình bắt, áp giải bị can, bị cáo, người có quyết định thi hành án phạt tù, dẫn giải người làm chứng của lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an nhân dân theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành
- Số hiệu: 1502/2008/QĐ-BCA
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 10/09/2008
- Nơi ban hành: Bộ Công An
- Người ký: Lê Hồng Anh
- Ngày công báo: 24/09/2008
- Số công báo: Từ số 529 đến số 530
- Ngày hiệu lực: 09/10/2008
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết