Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

SẮC LỆNH

CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ SỐ 126/SL NGÀY 4 THÁNG 11 NĂM 1949 ĐẶT NGHĨA VỤ QUÂN SỰ CHO TẤT CẢ CÔNG DÂN VIỆT NAM TỪ 18 ĐẾN 45 TUỔI (ĐÀN ÔNG)

CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Chiểu Sắc lệnh số 50-SL ngày 18-6-1949 tổ chức Bộ Quốc phòng;

Chiểu Sắc lệnh số 33 ngày 22-3-1946 và Sắc lệnh số 71 ngày 22-5-1946 tổ chức và ấn định quy tắc Quân đội Quốc gia Việt Nam;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

Theo quyết nghị của Hội đồng Chính phủ và sau khi Ban thường trực Quốc hội thoả thuận;

RA SẮC LỆNH:

Điều 1- Tất cả các công dân đàn ông Việt Nam đều có nghĩa vụ quân sự từ 18 tuổi đến 45 tuổi,

Điều 2- Trong thời gian ấy phải có hai năm tòng quân nghĩa là tại ngũ trong Quân đội Quốc gia, nhưng khi có chiến tranh có thể động viên để tòng quân cho đến hết chiến tranh.

Điều 3- Được hoãn tòng quân:

1- Những người có giấy của một y sĩ Chính phủ chứng nhận không đủ điều kiện về thể chất và sức khoẻ khi đến lượt gọi ra,

2- Những người con một mà có cha hoặc mẹ tàn tật hoặc từ 65 tuổi trở lên,

Nếu gia đình có cha hoặc mẹ tàn tật hoặc từ 65 tuổi trở lên có nhiều con đến lượt gọi ra tòng quân, thì người trưởng nam được hoãn.

3- Những người có sáu con dưới 16 tuổi.

Điều 4- Thứ tự gọi ra tòng quân sẽ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ấn định, sau khi Hội đồng Chính phủ xét duyệt.

Điều 5- Những hình thức thi hành nghĩa vụ quân sự ngoài thời hạn tòng quân sẽ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ấn định.

Điều 6- Những người tình nguyện đầu quân sẽ theo thể lệ trong Sắc lệnh 71-SL ngày 22-5-1946 ấn định.

Điều 7- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ ra nghị định ấn định những trường hợp được hoãn tòng quân vì thiếu điều kiện thể chất và sức khoẻ.

Điều 8- Một Sắc lệnh sau sẽ quy định việc trừng phạt những người trốn nhiệm vụ quân sự.

Điều 9- Các vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Nội vụ, Tư pháp, Y tế chiểu Sắc lệnh thi hành.

 

Hồ Chí Minh

(Đã ký)