Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1532/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 3 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG CÁC MẶT HÀNG LƯƠNG THỰC, THỰC PHẨM THIẾT YẾU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM 2013 VÀ TẾT GIÁP NGỌ NĂM 2014

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013;

Căn cứ Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND ngày 05 tháng 01 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố về Kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Thành phố; Chương trình công tác của Ủy ban nhân dân Thành phố năm 2013;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 2983/TTr-SCT ngày 26 tháng 3 năm 2013 về Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn Thành phố năm 2013 và Tết Giáp Ngọ năm 2014;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2013 và Tết Giáp Ngọ năm 2014 (kèm theo Quyết định).

Điều 2. Giao Sở Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm triển khai thực hiện kế hoạch, định kỳ hàng tháng báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố kết quả thực hiện.

Điều 3. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Công an Thành phố, Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Trưởng Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Thành phố, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Hồng

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNGCÁC MẶT HÀNG LƯƠNG THỰC, THỰC PHẨM THIẾT YẾU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM 2013 VÀ TẾT GIÁP NGỌ NĂM 2014
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1532/QĐ-UBND ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ; Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND ngày 05 tháng 01 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Thành phố năm 2013; nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, cân đối cung cầu, ổn định giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn thành phố, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người dân thành phố; Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành “Kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố năm 2013 và Tết Giáp Ngọ năm 2014” như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

- Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn Thành phố năm 2013 và Tết Giáp Ngọ năm 2014 gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

- Hàng hóa trong Chương trình phải đảm bảo chất lượng, an tòan thực phẩm, có khả năng cân đối cung cầu, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân thành phố kể cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường.

- Giá bán của các sản phẩm trong Chương trình phải đảm bảo thấp hơn giá bán của các sản phẩm cùng chủng loại, chất lượng trên thị trường ít nhất từ 5% đến 10% trong suốt thời gian thực hiện Chương trình.

- Tăng cường ứng dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, tăng thêm sản phẩm mới, phục vụ tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố.

- Phát triển, đa dạng hóa hệ thống phân phối nhằm đảm bảo hàng hóa trong Chương trình đến tay người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng, trực tiếp; tập trung phát triển tại các quận ven, huyện ngoại thành, khu chế xuất - khu công nghiệp, các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố.

II. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

1. Các nhóm hàng hóa và lượng hàng tham gia Chương trình:

1.1- Mặt hàng tham gia bình ổn thị trường:

Các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố gồm 09 nhóm hàng: lương thực (gạo), đường (RE và RS), dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả và thủy hải sản (chế biến và tươi sống). Trong chủng loại hàng hóa bổ sung nhóm lương thực (gạo thường, gạo Jasmine, gạo thơm) có mì gói, bún khô, hủ tíu Nam Vang ăn liền, bột canh - đây là những mặt hàng phục vụ bữa ăn cho công nhân và người lao động.

1.2- Số lượng hàng hóa:

- Số lượng hàng hóa tham gia bình ổn thị trường năm 2013 (tháng thường) chiếm 25% - 30% nhu cầu thị trường, tăng 10% đến 80% so kế hoạch năm 2012, cụ thể:

+ Gạo: 6.111 tấn/tháng.

+ Trứng gia cầm: 27.6 triệu quả/tháng.

+ Đường re, rs: 2.741 tấn/tháng.

+ Thực phẩm chế biến: 1.396 tấn/tháng.

+ Dầu ăn: 1.278 tấn/tháng.

+ Rau củ quả: 2.261 tấn/tháng.

+ Thịt heo: 4.280 tấn/tháng.

+ Thủy hải sản: 460 tấn/tháng.

+ Thịt gia cầm: 5.660 tấn/tháng.

 (Chi tiết tại Phụ lục đính kèm)

- Số lượng hàng hóa tham gia bình ổn thị trường Tết Giáp Ngọ - năm 2014 chiếm 30% đến 40% nhu cầu thị trường, tăng 3% đến 67% so với kế hoạch giao Tết Quý Tỵ năm 2013, cụ thể:

 + Gạo: 5.564 tấn/tháng. + Trứng gia cầm: 34.9 triệu quả/tháng.

 + Đường re, rs: 3.505 tấn/tháng. + Thực phẩm chế biến: 2.266 tấn/tháng.

 + Dầu ăn: 1.793 tấn/tháng. + Rau củ quả: 4.472 tấn/tháng.

 + Thịt heo: 4.830 tấn/tháng. + Thủy hải sản: 557 tấn/tháng.

 + Thịt gia cầm: 5.940 tấn/tháng. (Chi tiết tại phụ lục đính kèm)

2. Đối tượng và điều kiện tham gia Chương trình:

2.1- Đối tượng tham gia Chương trình:

- Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, có trụ sở hoặc chi nhánh văn phòng tại thành phố, có chức năng sản xuất, kinh doanh mặt hàng lương thực, thực phẩm .

- Các tổ chức tín dụng hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng, tham gia vào Chương trình thực hiện đăng ký hạn mức tín dụng và mức lãi suất phù hợp cho Doanh nghiệp trong Chương trình vay vốn sản xuất kinh doanh, dự trữ hàng hóa cung ứng thị trường.

2.2- Điều kiện tham gia Chương trình:

a. Đối với Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh:

- Có chức năng sản xuất, kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm phù hợp với các mặt hàng tham gia Chương trình; có uy tín, năng lực, kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh các mặt hàng thuộc Chương trình; có lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường với số lượng lớn, ổn định và xuyên suốt trong thời gian thực hiện Chương trình.

- Có kế hoạch sản xuất, kinh doanh tạo nguồn hàng và năng lực tài chính lành mạnh.

- Có hệ thống nhà xưởng, kho bãi, trang thiết bị, công nghệ sản xuất hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng; có phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ phân phối và bán hàng lưu động theo yêu cầu của Chương trình.

- Cam kết cung ứng hàng hóa tham gia Chương trình đúng chủng loại, đủ số lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, niêm yết và bán đúng giá đăng ký đã được Sở Tài chính thẩm định và phê duyệt.

- Có ít nhất 12 điểm bán hàng (siêu thị, cửa hàng tiện lợi …) và hoạt động ổn định trên địa bàn Thành phố. Doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký danh sách - địa chỉ các điểm bán hàng bình ổn thị trường và kế hoạch phát triển hệ thống phân phối trong thời gian thực hiện Chương trình, kèm theo hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình.

- Ưu tiên xét chọn những doanh nghiệp đã tham gia và thực hiện tốt các quy định của Chương trình Bình ổn thị trường mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn Thành phố trong những năm qua.

b. Đối với các tổ chức tín dụng tham gia Chương trình:

- Có đăng ký hạn mức tín dụng, mức lãi suất cho vay và các sản phẩm dịch vụ khác (nếu có) ưu tiên dành cho các Doanh nghiệp tham gia Chương trình.

- Có phương án cho vay, quy trình thẩm định cụ thể… tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết nhanh chóng thủ tục vay vốn và đảm bảo giải ngân kịp thời cho Doanh nghiệp tham gia Chương trình.

- Thực hiện các chương trình hỗ trợ cho Doanh nghiệp theo đúng nội dung ký kết với Sở Công thương và các quy định tham gia Chương trình Bình ổn thị trường năm 2013.

3. Nguồn vốn thực hiện:

Doanh nghiệp tham gia Chương trình có nhu cầu vay vốn trung và dài hạn sẽ thực hiện vay vốn tại các tổ chức tín dụng có đăng ký tham gia Chương trình với hạn mức tín dụng và lãi suất hợp lý do các tổ chức tín dụng đăng ký với Chương trình.

4. Quyền lợi và nghĩa vụ của các Doanh nghiệp tham gia Chương trình:

4.1- Quyền lợi:

- Được hỗ trợ vay vốn trung và dài hạn thông qua các tổ chức tín dụng tham gia Chương trình với mức lãi suất ưu đãi và hạn mức vay phù hợp với dự án đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ… nhằm phục vụ sản xuất hàng hóa tham gia bình ổn thị trường.

- Được hỗ trợ lãi vay khi Doanh nghiệp tham gia Chương trình có dự án đầu tư đúng đối tượng theo quy định tại Quyết định 33/2011/QĐ-UBND ngày 28 tháng 5 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố.

- Được hỗ trợ truyền thông, quảng bá đối với các sản phẩm và các điểm bán của đơn vị tham gia Chương trình.

- Được các cơ quan chức năng giới thiệu đưa các mặt hàng lương thực, thực phẩm tham gia bình ổn thị trường vào các hệ thống phân phối hiện hữu của Chương trình, chợ truyền thống, căn - tin trong trường học, các bếp ăn tập thể tại các khu chế xuất - khu công nghiệp …

4.2- Nghĩa vụ:

- Thực hiện đăng ký mã số, chủng loại, số lượng, chất lượng sản phẩm tham gia Chương trình.

- Tổ chức sản xuất - kinh doanh theo đúng kế hoạch sản xuất, kinh doanh tạo nguồn hàng đã đăng ký, đảm bảo hàng hóa tham gia Chương trình đạt số lượng, chất lượng và an toàn thực phẩm.

- Xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn nguyên liệu, sản xuất, dự trữ hàng hóa đầy đủ, ổn định để cung ứng và giữ ổn định giá bán trong thời gian 02 tháng trước và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.

- Chấp hành điều động cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tham gia Chương trình để điều tiết, bình ổn thị trường theo yêu cầu của Sở Công Thương, khi có xảy ra biến động thị trường.

- Có kế hoạch phát triển, gia tăng điểm bán bình ổn thị trường trong quá trình thực hiện Chương trình; chú trọng phát triển tại các khu chế xuất - khu công nghiệp, các quận ven - huyện ngoại thành, chợ truyền thống, các bếp ăn tập thể, khu lưu trú công nhân, trường học, bệnh viện.

- Thực hiện đúng các cam kết và các quy định của Chương trình Bình ổn thị trường theo kế hoạch này, thông tin công khai các điểm phân phối, bán hàng bình ổn thị trường, treo băng - rôn, bảng hiệu, niêm yết bảng giá theo đúng quy cách hướng dẫn của Sở Công Thương và bán đúng giá quy định đã đăng ký; bố trí hàng hóa ở các vị trí thuận tiện, riêng biệt để người tiêu dùng dễ nhìn, dễ nhận biết và mua sắm.

- Sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả vốn vay và lãi vay đúng quy định theo hợp đồng đã ký kết với các tổ chức tín dụng tham gia Chương trình; trường hợp Doanh nghiệp sử dụng vốn vay không đúng mục đích, không thực hiện đúng cam kết về cung ứng lượng hàng theo kế hoạch, đơn vị phải hoàn trả toàn bộ phần vốn vay và chịu phạt lãi suất theo quy định hiện hành.

- Trong thời gian tham gia Chương trình, trường hợp có sự thay đổi về vốn điều lệ, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Sở Tài chính, Sở Công thương và tổ chức tín dụng thực hiện cho vay trước 30 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ xin thay đổi.

5. Cơ chế thực hiện Chương trình:

- Thời gian thực hiện Chương trình: 12 tháng, từ ngày 01 tháng 4 năm 2013 đến ngày 31 tháng 3 năm 2014.

- Nguồn vốn thực hiện Chương trình: trong trường hợp có nhu cầu vay vốn trung và dài hạn, doanh nghiệp có thể vay tại các tổ chức tín dụng đăng ký tham gia Chương trình Bình ổn thị trường. Doanh nghiệp vay vốn phải thực hiện các biện pháp đảm bảo nợ vay theo quy định. Hạn mức, lãi suất và lịch trả nợ vay cụ thể sẽ do các tổ chức tín dụng và Doanh nghiệp thỏa thuận trong hợp đồng vay vốn.

- Doanh nghiệp vay vốn và giải ngân theo hướng dẫn cụ thể về qui trình thủ tục của các tổ chức tín dụng tham gia Chương trình.

- Giá bán hàng hóa: là giá do đơn vị tham gia Chương trình xây dựng và thực hiện đăng ký với Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố hình thành giá và phải thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm đăng ký giá ít nhất từ 5% đến 10%. Trường hợp thị trường biến động tăng hoặc giảm đối với giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào làm ảnh hưởng đến cơ cấu giá thành sản xuất, doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh giá bán bình ổn thị trường như sau:

- Trường hợp giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động tăng từ 5% đến 10% so thời điểm doanh nghiệp đăng ký giá bán bình ổn thị trường, các đơn vị thực hiện đăng ký lại giá bán và phải được Sở Tài chính thẩm định, chấp thuận bằng văn bản.

- Trường hợp thị trường biến động giảm giá từ 5% trở lên, doanh nghiệp phải đăng ký điều chỉnh giảm giá bán tương ứng. Doanh nghiệp chủ động điều chỉnh giảm giá bán khi thị trường giảm và gửi thông báo về Sở Tài chính.

- Giá thị trường là giá do Cục Thống kê công bố tại thời điểm doanh nghiệp đăng ký giá và tham khảo từ mạng lưới thông báo giá của Sở Tài chính.

- Trường hợp thị trường có biến động ảo do có hiện tượng làm giá, tạo khan hiếm giả tạo làm biến động thị trường, Doanh nghiệp phải chấp hành việc cung ứng hàng hóa theo sự điều phối của Sở Công Thương.

- Các hệ thống phân phối khi tham gia bán hàng bình ổn thị trường phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Doanh nghiệp tham gia Chương trình đưa hàng vào hệ thống với mức chiết khấu ưu đãi và thực hiện chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác với Doanh nghiệp khi có biến động thị trường.

- Khuyến khích các Doanh nghiệp tham gia Chương trình tập trung đầu tư, phát triển siêu thị, cửa hàng tiện lợi; đẩy mạnh việc phát triển, đồng thời nâng chất lượng hoạt động, tăng thêm lượng hàng hóa cho cửa hàng liên kết Thanh niên, Hội liên hiệp Phụ nữ, ưu tiên phát triển tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các quận ven - huyện ngoại thành.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương:

- Là cơ quan thường trực của Chương trình, có trách nhiệm tham mưu xây dựng kế hoạch trình Ủy ban nhân dân Thành phố, cùng Tổ Công tác tham mưu và tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình.

- Chủ trì, phối hợp các sở - ngành trong Tổ Công tác thực hiện Chương trình, theo dõi nắm chắc diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, xác định các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, khuyến khích Doanh nghiệp đăng ký bổ sung đưa vào Chương trình; xây dựng tiêu chí lựa chọn Doanh nghiệp, công khai thông tin đăng ký tham gia Chương trình đến doanh nghiệp; vận động tham gia; tiếp nhận, hướng dẫn thủ tục và xét chọn các đơn vị đủ điều kiện để tham gia Chương trình.

- Phối hợp các sở - ngành chức năng, xác định lượng hàng giao bình ổn thị trường, kiểm tra lượng hàng bán ra của các Doanh nghiệp theo chỉ tiêu kế hoạch đã giao; triển khai Chương trình theo đúng tiến độ và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết của Doanh nghiệp.

- Chủ trì, phối hợp sở - ngành chức năng, Ủy ban nhân dân quận - huyện, thực hiện kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị nguồn hàng, cung ứng hàng hóa phục vụ bình ổn thị trường, xử lý vi phạm (nếu có).

- Tham mưu Thành phố thực hiện có hiệu quả Chương trình Hợp tác thương mại với các tỉnh, Thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho Doanh nghiệp liên kết đầu tư sản xuất - kinh doanh, phát triển hệ thống phân phối, tạo nguồn hàng hóa cung ứng dồi dào, ổn định và bảo đảm khả năng chi phối dẫn dắt thị trường.

- Phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông, cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về Chương trình Bình ổn thị trường và tình hình cung cầu hàng hóa đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

- Kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc của đơn vị, tổng hợp báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố các biện pháp giải quyết.

- Theo dõi, đánh giá và đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố khen thưởng các cá nhân, tập thể tham gia tốt Chương trình Bình ổn thị trường.

- Phối hợp Báo Sài Gòn Giải phóng thực hiện chuyên trang quảng bá về Chương trình Bình ổn thị trường, chịu trách nhiệm đưa tin, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu Doanh nghiệp tham gia Chương trình.

2. Sở Tài chính:

- Hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ đăng ký giá của doanh nghiệp tham gia Chương trình. Chịu trách nhiệm kiểm tra, thẩm định giá đăng ký, phê duyệt và công bố giá bán bình ổn thị trường của Doanh nghiệp, đảm bảo giá phê duyệt phải thấp hơn so với giá thị trường ít nhất từ 5% đến 10%.

- Chủ trì, kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, điều chỉnh kịp thời giá của Doanh nghiệp tham gia Chương trình.

- Thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến giá cả thị trường của các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu;tổ chức kiểm tra trong các trường hợp biến động giá (nếu có); tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra và đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố biện pháp xử lý.

3. Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh:

Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các tổ chức tín dụng tham gia Chương trình thực hiện việc cho vay vốn theo đúng cam kết với Sở Công Thương.

4. Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban quản lý Khu công nghệ cao:

- Tạo điều kiện bố trí các địa điểm phù hợp để tổ chức bán hàng lưu động tại các Khu chế xuất - Khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao, trường học, bệnh viện trên địa bàn; đăng ký danh sách địa điểm, thời gian, quy mô tổ chức và các yêu cầu khác (nếu có) gửi về Sở Công Thương trong tháng 4 năm 2013 để tổng hợp lập kế hoạch bán hàng lưu động năm 2013 và Tết giáp Ngọ 2014.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các doanh nghiệp tham gia Chương trình đưa sản phẩm vào các Khu chế xuất - Khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao, bệnh viện, trường học trên địa bàn thành phố phục vụ học sinh, công nhân, người lao động.

- Sắp xếp, bố trí các địa điểm và tạo điều kiện thuận lợi để Doanh nghiệp bình ổn thị trường thực hiện đầu tư phát triển hệ thống phân phối bán hàng bình ổn thị trường tại các Khu chế xuất - Khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao trên địa bàn thành phố.

5. Sở Thông tin và Truyền thông:

- Chủ trì, phối hợp các cơ quan truyền thông, báo, đài và cơ quan chức năng để đưa tin, phát sóng về các nội dung liên quan đến Chương trình Bình ổn thị trường; Đồng thời, chấn chỉnh, xử lý việc đưa thông tin không chính xác, sai lệch, làm ảnh hưởng đến Chương trình.

- Cập nhật, tổng hợp và đưa tin về Chương trình Bình ổn thị trường, quảng bá sản phẩm, thương hiệu của Doanh nghiệp trong Chương trình trên cổng thông tin điện tử.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng kế hoạch phát triển đàn giống gia súc, gia cầm đạt chuẩn và phát triển chăn nuôi tạo nguồn thực phẩm an toàn tham gia bình ổn thị trường.

- Giới thiệu các doanh nghiệp, đơn vị, Hợp tác xã chăn nuôi, sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, có nguồn hàng ổn định, tham gia hoặc cung ứng các sản phẩm nông nghiệp sạch vào thực hiện bình ổn thị trường.

- Định hướng tạo điều kiện liên kết giữa các Doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường trong việc đầu tư phát triển chăn nuôi tạo nguồn thực phẩm (con giống, thức ăn, chăn nuôi, giết mổ, chế biến…).

- Hướng dẫn các Doanh nghiệp tham gia Chương trình xây dựng các phương án, dự án đầu tư theo Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2013 - 2015; phối hợp sở - ngành liên quan thẩm định dự án phát triển chăn nuôi, đầu tư chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi tạo nguồn thực phẩm.

7. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì phối hợp các sở - ngành chức năng theo dõi tiến độ thực hiện và hỗ trợ Doanh nghiệp thực hiện các dự án trong các Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đã ký kết giữa Thành phố và các tỉnh, thành khác.

- Phối hợp Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố hướng dẫn, hỗ trợ Doanh nghiệp trong Chương trình tham gia thực hiện Chương trình kích cầu theo Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND ngày 28 tháng 5 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc Ban hành Quy định về thực hiện các dự án đầu tư thuộc Chương trình kích cầu của Thành phố Hồ Chí Minh.

- Hướng dẫn Doanh nghiệp tham gia Chương trình thực hiện thủ tục đầu tư, thủ tục đăng ký phát triển mạng lưới kinh doanh theo các quy định hiện hành.

8. Sở Giao thông vận tải:

Chủ trì, hướng dẫn thực hiện thủ tục và cấp giấy phép lưu thông vào giờ cao điểm cho Doanh nghiệp tham gia Chương trình đối với phương tiện vận tải của các đơn vị để được lưu thông vận chuyển, phân phối hàng hoá đến các siêu thị, mạng lưới bán lẻ theo đề xuất của Sở Công thương.

9. Chi cục Quản lý thị trường Thành phố:

- Xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như: đầu cơ, găm hàng, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng gian, hàng giả, hàng không hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn mác, không đảm bảo an toàn thực phẩm…

- Phối hợp với các sở - ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá liên quan đến Chương trình.

10. Ủy ban nhân dân quận - huyện:

- Tổ chức thông tin, tuyên truyền về danh sách điểm bán bình ổn thị trường của doanh nghiệp tham gia Chương trình để người dân trên địa bàn biết và tham gia mua sắm.

- Rà soát các mặt bằng quận - huyện đang quản lý, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích; giới thiệu các Doanh nghiệp tham gia Chương trình phát triển cửa hàng, siêu thị bán hàng bình ổn.

- Chịu trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định tại các điểm bán hàng bình ổn thị trường trên địa bàn, thực hiện công tác quản lý giá, kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết trên địa bàn quận - huyện. Chủ động thông tin, phối hợp xử lý kịp thời diễn biến về tình hình cung cầu hàng hóa, các trường hợp biến động giá sữa trên địa bàn (nếu có).

- Tổng hợp, báo cáo diễn biến tình hình cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường các mặt hàng sữa trên địa bàn gửi về Ủy ban nhân dân Thành phố, Sở Công Thương, Sở Tài chính theo quy định./.

 

PHỤ LỤC 1

QUY ĐỊNH THÔNG TIN, BÁO CÁO
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1532/QĐ-UBND ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

1. Báo cáo tình hình triển khai thực hiện.

- Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Chi cục Quản lý thị trường báo cáo, đánh giá tình hình giá cả thị trường liên quan đến các mặt hàng trong Chương trình theo địa bàn quản lý.

- Thời gian báo cáo: trước 15 giờ, ngày 05 hàng tháng.

- Báo cáo gửi về: Sở Công Thương - 163 Hai Bà Trưng, quận 3.

 Sở Tài chính - 142 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3.

2. Báo cáo tổng hợp.

- Sở Công Thương tổng hợp kết quả thực hiện Chương trình, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố vào các ngày 10 hàng tháng.

Đường dây nóng của Chương trình

Điện thoại: 38 291 670

Fax: 38 296 389

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định số 1532/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2013 và Tết Giáp Ngọ năm 2014.

  • Số hiệu: 1532/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/03/2013
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Thị Hồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 18
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản