Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 986/QĐ-UBND

Trà Vinh, ngày 23 tháng 05 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH NĂM 2018

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH

Căn cứ Luật tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013;

Căn cứ Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai;

Xét đề nghị của Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại Tờ trình số 07/TTr-BCH ngày 14 tháng 5 năm 2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2018 (kèm theo Kế hoạch số 02/KH-PCTT ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cưu nạn tỉnh).

Điều 2. Các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thành phố có trách nhiệm:

1. Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này.

2. Các Sở, Ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện thị xã, thành phố theo chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm thực hiện các nội dung của kế hoạch liên quan đến Sở, Ban, ngành và địa phương mình.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quyết định thi hành.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- LĐVP;
- Lưu: VT, PNN.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ
CHỦ TỊCH




Kim Ngọc Thái

 

UBND TỈNH TRÀ VINH
BCH PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/KH-PCTT

Trà Vinh, ngày 14 tháng 05 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH NĂM 2018

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13;

Căn cứ Nghị định 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”;

Căn cứ Quyết định số 791/QĐ-UBND ngày 07/4/2016 của UBND tỉnh về việc Ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai trên trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2016-2020;

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn 782/UBND-NN ngày 12/3/2018 về việc tăng cường công tác tham mưu, điều hành phòng, chống thiên tai,

Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, cũng như nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về phòng, chống thiên tai, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế, xã hội của tỉnh năm 2018, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2018 như sau:

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

- Nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả của các cấp, các ngành.

- Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, tránh thiên tai của toàn dân trên địa bàn tỉnh.

- Công tác phòng, chống thiên tai phải được tiến hành chủ động và thường xuyên, đồng thời ứng phó kịp thời để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

- Luôn quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm "bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả.

- Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư.

B. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

I. Đặc điểm điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội,

1. Đặc điểm tự nhiên

Trà Vinh là tỉnh thuộc vùng đồng bằng ven biển, nằm giữa hạ lưu hai con sông lớn là sông Hậu và sông Cổ Chiên, có đường bờ biển dài 65km. Phía Đông giáp Biển Đông, phía Tây giáp tỉnh Vĩnh Long, phía Nam giáp tỉnh Sóc Trăng, phía Bắc giáp tỉnh Bến Tre. Diện tích tự nhiên của tỉnh 2.341 km2. Tỉnh có 09 đơn vị hành chính, bao gồm 01 thành phố, 01 thị xã và 07 huyện với 106 xã, phường, thị trấn.

Địa hình mang tính chất vùng đồng bằng ven biển, chịu ảnh hưởng bởi sự giao thoa giữa sông và biển đã hình thành các vùng trũng, phẳng xen lẫn các giồng cát, các huyện phía bắc địa hình bằng phẳng hơn các huyện ven biển, địa hình dọc theo 2 bờ sông thường cao, vào sâu nội đồng bị các giồng cát hình cánh cung chia cắt tạo nên các vùng trũng cục bộ, xu thế độ dốc chỉ thể hiện ở trên từng cánh đồng. Cao trình biến thiên của tỉnh từ 0,1 - 1m chiếm 66% diện tích tự nhiên. Địa hình thấp nhất dưới 0,4 m.

Trà Vinh nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa ven biển, khí hậu chia thành 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô; mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm 26 - 27,6°C, số giờ nắng trung bình là 2.556 giờ/năm, lượng mưa hàng năm vào khoảng 1.520 mm, độ ẩm trung bình năm là 84%.

Chịu ảnh hưởng trực tiếp của chế độ bán nhật triều biển Đông qua 2 sông chính là sông Cổ Chiên và sông Hậu. Trong một ngày đêm có 2 lần triều lên và 2 lần triều xuống hình thành đỉnh và chân triều không đều nhau. Sự chênh lệch giữa đỉnh cao và chân thấp trong một ngày (biên độ triều) thường từ 2-4m tùy theo khu vực. Ảnh hưởng của thủy triều giảm dần từ biển vào sâu trong nội đồng.

Hệ thống sông ngòi của tỉnh, ngoài 02 sông lớn thuộc hệ thống sông Mê Kông là sông Cổ Chiên và sông Hậu, còn có 09 con sông và 12 rạch nội tỉnh với tổng chiều dài 335km (Theo Quyết định số 341/QĐ-BTNMT ngày 23/3/2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành Danh mục lưu vực sông nội tỉnh).

2. Đặc điểm dân sinh, kinh tế - xã hội

- Về dân số: Tỉnh Trà Vinh có khoảng 1.046,1 triệu người tăng 0,54% hay tăng 5,6 nghìn người so với năm 2016, trong đó dân số nữ 534 nghìn người, chiếm 51,05%; dân số thành thị 187,2 nghìn người, chiếm 17,9%, với 03 dân tộc chính: Kinh, Khmer, Hoa, trong đó dân tộc Khmer chiếm khoảng 30% dân số.

- Về tăng trưởng kinh tế: Năm 2017, tổng sản phẩm trong tỉnh (theo giá so sánh 2010) tăng 12,09% so với năm 2016. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 6,4%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 33,51%, khu vực dịch vụ tăng 8,9%.

- Về lao động, việc làm: Lực lượng lao động khoảng 618,8 nghìn người, tăng 3,3 nghìn người so với năm 2016, bao gồm: lao động nam 328,8 nghìn người, chiếm 53,14%; lao động nữ 290 nghìn người, chiếm 46,86%. Xét theo khu vực, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khu vực thành thị là 113,7 nghìn người, chiếm 18,37%; khu vực nông thôn là 505,1 nghìn người, chiếm 81,63%. Toàn tỉnh có 17 cơ sở dạy nghề công lập, 6 trung tâm giáo dục dạy nghề - giáo dục thường xuyên và 7 cơ sở giáo dục có dạy nghề. Trong năm 2017, toàn tỉnh đã tuyển sinh, tổ chức dạy nghề cho 3.521 học viên, trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn 1.273 lao động.

- Về y tế: Toàn tỉnh hiện có 131 cơ sở khám chữa bệnh với 2.111 giường bệnh, đạt tỷ lệ 20,18 giường bệnh/vạn dân, tổng số nhân lực ngành Y tế: 3.129 người trong đó: Bác sĩ (735 người); Y sĩ (554 người); Điều dưỡng (796 người); Dược sĩ (414 người); còn lại là kỹ thuật viên và cán bộ khác.

- Về giáo dục, đào tạo: Toàn tỉnh có 481 trường học các cấp, trong đó có 100 trường đạt chuẩn Quốc gia. Số lượng học sinh các cấp bao gồm: Mẫu giáo - mầm non 39.857 cháu, Tiểu học 83.237 em, Trung học cơ sở 55.251 em, Trung học phổ thông 24.832 em, trong đó giáo dục thường xuyên 144 em. Đây là những đối tượng dễ bị tổn thương do thiên tai, đặc biệt tại các vùng trọng điểm dễ bị tổn thương do thiên tai của tỉnh.

3. Đặc điểm cơ sở hạ tầng

- Giao thông bộ: Đảm bảo nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Toàn tỉnh có 03 tuyến Quốc lộ đi qua bao gồm Quốc lộ 53, 54 và 60, có 06 tuyến Đường tỉnh và 42 tuyến đường huyện.

- Giao thông thủy: Trà Vinh hiện tại có 02 cửa biển chính: Cửa Cung Hầu (sông Cổ Chiên) và cửa Định An (sông Hậu) nối liền các tỉnh trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

- Thủy lợi:

+ Hệ thống đê điều: Tổng chiều dài các tuyến đê hiện có là 269,85 km, bao gồm: 85,47km đê biển, 138.27km đê sông (đê Nam Mang Thít), 46,11km đê cửa sông và 15,5 km kè bảo vệ bờ biển, bờ sông.

+ Hệ thống công trình thủy lợi: Toàn tỉnh hiện có 48 cống đầu mối thuộc hệ thống đê Nam Mang Thít (khẩu độ từ 2m đến 100m cửa) và 113 cống tại các kênh cấp 2 (khẩu độ từ 1,5m đến 7,5m cửa), 138 kênh cấp 1 có tổng dài 809,5km, 1059 kênh cấp 2 với tổng dài 1.962 km, 1670 kênh cấp 3 với tổng dài 1.635km và gần 1.000 bọng nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản.

- Bưu chính - Viễn thông: Mạng lưới bưu chính - viễn thông đảm bảo tốt nhu cầu thông tin liên lạc. 100% xã, phường, thị trấn đã phủ sóng thông tin di động.

- Điện lưới: Sử dụng điện lưới Quốc gia phục vụ người dân với 100% các xã, phường, thị trấn có điện lưới sử dụng.

- Cấp nước: Nhà máy nước tại thành phố Trà Vinh có công suất cấp nước 28.000m3/ngày đêm, dự kiến nâng cấp mở rộng công suất 50.000m3/ngày đêm. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 162 trạm cấp nước lớn nhỏ tại các xã, thị trấn, khu dân cư để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.

II. Phân tích tình hình

1. Các loại hình thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh

Tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh thời gian qua diễn biến khá phức tạp, mức độ ảnh hưởng chưa lớn nhưng cũng gây không ít thiệt hại đến đời sống và sản xuất của người dân. Các loại hình thiên tai thường xuyên ảnh hưởng trên địa bàn tỉnh bao gồm:

1.1. Bão, áp thấp nhiệt đới

Trà Vinh thuộc khu vực Tây Nam bộ, mặc dù ít có bão xảy ra nhưng từ năm 1997 đến nay đã có 2 cơn bão (cơn bão số 5 năm 1997 và cơn bão số 9 năm 2016) trực tiếp ảnh hưởng đến tỉnh, gây thiệt hại khá lớn về tài sản của Nhà nước và nhân dân.

1.2. Triều cường: do nước thủy triều dâng cao, nếu chu kỳ triều cường xuất hiện gặp lúc mưa lớn kéo dài và lũ thượng nguồn đổ về sẽ gây ngập úng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và môi trường sinh thái.

Trong năm 2017, các đợt triều cường dâng cao gây sạt lở 1.079 m bờ bao, đê bao, gây thiệt hại 02 ha hoa màu. Ước thiệt hại khoảng 515,887 triệu đồng.

1.3. Xâm nhập mặn:

Bờ biển Trà Vinh dài 65 km với 3 cửa sông lớn (Cổ Chiên, Cung Hầu, Định An) do vậy xâm nhập mặn xảy ra suốt dọc bờ biển với mức độ khác nhau. Mùa khô mặn xâm nhập sâu vào trong sông 40 - 50 km. Độ mặn dao động từ 1,5 - 4‰, có năm cao nhất lên đến 14‰ tại Cầu Quan. Trong vài năm trở lại đây, các công trình ngăn mặn, giữ ngọt thuộc tiểu Dự án Nam Măng Thít đã phát huy tác dụng, tuy nhiên hiện tượng xâm nhập mặn vẫn còn xảy ra.

1.4. Lốc, sét: Lốc, sét thường kéo theo mưa rào, mưa dông và có thể có cả mưa đá kèm theo cát, bụi...

Năm 2017, lốc xoáy làm tốc mái tol 04 phòng học, sập 01 căn nhà gỗ cây. Ước thiệt hại 65 triệu đồng, làm ngã trụ điện, đứt dây lưới điện, hư máy biến áp tại các huyện Châu Thành, Càng Long, thị xã Duyên Hải, Tp. Trà Vinh, ước thiệt hại 132,4 triệu đồng.

1.5 Gió mạnh trên biển:

Gió mạnh trên biển thường xuất hiện vào các tháng gió mùa Đông Bắc (từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm) ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt thủy sản của ngư dân trong tỉnh. Hiện trên địa bàn tỉnh có 1.216 tàu cá đang hoạt động đánh bắt trên biển, đa số các tàu cá có công suất nhỏ và hoạt động gần bờ.

1.6. Sạt lở:

Sạt lở là loại hình thiên tai thường xảy ra ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Trà Vinh nói riêng, bao gồm: sạt lở bờ sông và bờ biển. Sạt lở thường do các nguyên nhân: ngoại sinh (do nước), nội sinh (do biến động địa chất) và dân sinh (do khai thác khoáng sản bừa bãi hoặc thi công các công trình)... Sạt lở tại các bờ sông trong tỉnh đã làm mất đi một số diện tích đất ở, đất canh tác, thậm chí phá hủy cả khu, cụm dân cư.

Sạt lở bờ biển do sóng, thủy triều, nước biển dâng và dòng hải lưu gây ra. Sạt lở bờ biển dẫn đến hậu quả biển xâm thực vào đất liền, mất nhà ở, phá hủy môi trường. Hậu quả do sạt lở bờ biển ở tỉnh Trà Vinh biểu hiện rõ nét nhất là tại vùng biển xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải.

Cụ thể trong năm 2017 trên địa bàn tỉnh xảy ra sạt lở nhiều vị trí bờ sông, biển với tổng chiều dài khoảng 1.037m ước thiệt hại khoảng 100 triệu đồng, thuộc các huyện Cầu kè, Càng Long, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải.

1.7. Hạn hán

Hạn hán thường xuất hiện từ tháng 01 đến tháng 5, Trong những năm gần đây tình hình luôn diễn biến phức tạp, nắng nóng thường kéo dài gây thiệt hại đáng kể cho sản xuất và đời sống của người dân, đặc biệt là tình trạng thiếu nước ngọt sản xuất.

2. Nhận định tình hình thiên tai năm 2018.

Xâm nhập mặn của tỉnh chủ yếu chịu ảnh hưởng của 3 cửa sông chính: Cung Hầu, Định An và Láng Nước vào sông Cổ Chiên, sông Hậu và sông Long Toàn.

Mùa mặn năm 2018 đến sớm hơn TBNN, trễ và không gay gắt như cùng kỳ năm 2017.

Ngay từ đầu năm 2018 mặn đã xuất hiện trên các sông chính trong tỉnh. Độ mặn tăng dần từ tháng 01 cho đến tháng 3 và giảm dần khi càng tiến sâu vào trong đất liền.

Đến tháng 3 năm 2018, độ mặn cao nhất dao động từ 4.0‰ đến hơn 20.0‰. Độ mặn cao nhất tại các điểm đo là:

Độ mặn cao nhất xuất hiện trên sông Long Toàn: 22.1‰, ngày 20/3/2018; Sông Cổ Chiên tại Hưng Mỹ: 13.8‰, ngày 17/3; Trà Vinh: 8.1‰, ngày 15,16/3; Sông Hậu tại Trà Kha: 13.5‰, ngày 16/3; Cầu Quan: 9.0‰, ngày 17/3.

Ranh mặn 4.0‰ lúc mặn cao nhất cách cửa sông: Trên sông Long Toàn toàn tuyến sông, trên sông Cổ Chiên cách 40km đến xã Đại Phước, huyện Càng Long. Trên sông Hậu cách 45km đến xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè.

Rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở mức cấp độ 2.

ENSO được xác định đang ở trạng thái La Nina yếu, chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO 3.4 thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN), đến thời điểm cuối tháng 3/2018 chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển đang là -0.7oC, tăng so với thời kỳ cuối tháng 02/2018 là 0.2°C. Theo các kết quả dự báo mới nhất về hiện tượng ENSO của các cơ quan dự báo khí hậu trên thế giới cho thấy xu hướng tăng dần của nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO3.4. Theo đó hiện tượng ENSO được dự báo nhiều khả năng sẽ chuyển sang trạng thái trung tính vào tháng 6, tháng 7 với xác suất trong khoảng 55-65%.

Bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông có khả năng ở mức xấp xỉ TBNN (khoảng 12-13 cơn), trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Cần đề phòng những cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động vào các tháng cuối mùa (tháng 10, 11, 12) ảnh hưởng đến khu vực Nam Bộ nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng.

Mực nước cao nhất trên các sông chính trong tỉnh Trà Vinh sẽ xuất hiện vào đầu tháng 4 ở mức xấp xỉ BĐI sau đó xuống dần trong các tháng tiếp theo.

Sau đó mực nước sẽ lên dần trong tháng 8, tháng 9 năm 2018. Xuất hiện mực nước cao nhất năm trong kỳ triều tháng 10, 11 và tháng 12 năm 2018: Trên sông Cổ Chiên tại Trạm Thủy văn Trà Vinh: 202cm, cao hơn báo động III: 22cm. Trên sông Hậu tại thị trấn Cầu Quan: 210cm, cao hơn báo động III: 20cm

Từ những nhận định nêu trên, cho thấy tình hình thiên tai trong năm 2018 sẽ diễn biến phức tạp, bão, áp thấp nhiệt đới có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Trà Vinh. Ngoài ra vào các tháng cuối năm, triều cường dâng cao gây nguy cơ sạt lở, ngập úng, gây thiệt hại đến sản xuất của người dân trong tỉnh. Các hiện tượng thời tiết như lốc, sét xảy ra hàng năm và gây thiệt hại không nhỏ đến tính mạng, tài sản của người dân.

3. Các yếu tố dễ bị tổn thương

3.1. Khu vực dễ bị tổn thương

Toàn tỉnh có 62 xã được xác định thuộc khu vực dễ bị tổn thương tập trung chủ yếu ven biển, ven sông, cửa sông và các cù lao (chi tiết đính kèm phụ lục) cụ thể:

- Khu vực dễ bị ảnh hưởng cao bởi triều cường, bão, áp thấp nhiệt đới là các xã ven biển, cửa sông thuộc các huyện: Cầu Ngang, Châu Thành, Duyên Hải, Trà Cú và thị xã Duyên Hải. Ngoài ra, các xã nằm dọc các sông Cổ Chiên và sông Hậu cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ.

- Khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước, lốc, sét gần như rải rác ở mọi nơi trên địa bàn tỉnh.

3.2. Con người

- Năm 2017 toàn tỉnh có 23.078 hộ nghèo, chiếm 8,41%, và 23.808 hộ cận nghèo, chiếm 8,68% so với hộ dân cư trên địa bàn tỉnh là các đối tượng gặp khó khăn về vấn đề nhà ở kiên cố, nên dễ bị tổn thương do thiên tai.

- Năm học 2017-2018, toàn tỉnh 203.177 học sinh các khối. Trong đó có 178.345 học sinh từ khối mẫu giáo đến Trung học cơ sở là các đối tượng dễ bị tổn thương do thiên tai, đặc biệt là bão, áp thấp nhiệt đới.

- Người dân sống tại các khu vực ven sông, ven biển, vùng sâu, vùng xa, tại các cồn, cù lao thường gặp nhiều rủi ro do thiên tai, tùy vào mức độ và phạm vi ảnh hưởng của từng loại thiên tai, số người bị ảnh hưởng sẽ khác nhau.

3.3. Cơ Sở hạ tầng

- Các công trình đê, kè như: Đê biển Hiệp Thạnh, kè Hiệp Thạnh, đê Hải Thành Hòa, đê Tả - Hữu sông Cổ Chiên thường xuyên bị sạt lở, hư hỏng khi triều trường dâng cao;

- Các tuyến đường giao thông nông thôn thuộc các xã cù lao Long Hòa, Hòa Minh; các tuyến đường ven sông lớn, các bờ bao tại các cồn, các cù lao, bờ sông bờ biển thường xuyên bị ảnh hưởng bởi triều cường.

- Các tàu đánh bắt của ngư dân đang hoạt động trên biển (1.226 tàu) cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng khi có gió mạnh trên biển.

3.4. Sản xuất

- Diện tích sản xuất hoa màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản tại các khu vực ven sông, ven biển là các đối tượng dễ bị thiệt hại bởi thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, triều cường, sạt lở đất. Ngoài ra, hàng nghìn hecta diện tích đất trồng lúa có nguy cơ bị thiệt hại do hạn, mặn xâm nhập.

4. Đánh giá năng lực phòng, chống và ứng phó thiên tai trên địa bàn tỉnh

4.1. Nguồn nhân lực phục vụ công tác phòng, chống thiên tai

- Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (sau đây gọi tắt là PCTT&TKCN) các cấp được thành lập đúng theo Luật Phòng, chống thiên tai.

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh là lực lượng chủ yếu trong công tác PCTT&TKCN trên địa bàn tỉnh; hàng năm, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh có kế hoạch tổ chức lực lượng, phương tiện, phân công nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ TKCN; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh có kế hoạch tập huấn, diễn tập PCTT&TKCN nhằm rèn luyện kỹ năng cán bộ, chiến sĩ trong vận hành trang thiết bị TKCN, tăng cường khả năng ứng cứu trong thiên tai.

- Lực lượng cứu nạn, cứu hộ của tỉnh bao gồm: Quân sự (lực lượng cứu hộ, cứu nạn trên bộ), Bộ đội Biên phòng (lực lượng TKCN trên biển), Công an, Y tế, Đoàn thanh niên, lực lượng Dân quân tự vệ,... Công tác cứu nạn, cứu hộ luôn được phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng TKCN các cấp.

- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch sẵn sàng tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai thuộc đơn vị mình và chi viện cho các địa phương khi có yêu cầu.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố huy động lực lượng trên địa bàn, với nòng cốt vẫn là lực lượng Công an, Bộ đội, cán bộ các cơ quan và đoàn viên thanh niên; có kế hoạch yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn chuẩn bị sẵn lương thực, thực phẩm thiết yếu để cung cấp khi cần thiết.

- Nguồn nhân lực phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở mặc dù kiêm nhiệm nhưng thường xuyên được đào tạo, cụ thể trong 8 năm (2010-2017), tỉnh đào tạo 261 báo cáo viên các cấp để triển khai thực hiện công tác này.

4.2. Năng lực cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai

a) Công trình đê điều:

Hệ thống công trình đê điều trên địa bàn tỉnh Trà Vinh cơ bản đã được khép kín. Tuy nhiên, chưa phát huy được hiệu quả trong công tác PCTT trong điều kiện biến đổi khí hậu nước biển dâng.

b) Công trình giao thông kết hợp phục vụ công tác PCTT:

- Các tuyến đường giao thông của tỉnh nhìn chung còn hạn chế về mặt chất lượng như: Bề rộng mặt đường nhỏ, hư hỏng, xuống cấp,... ảnh hưởng đến việc lưu thông, an toàn của phương tiện. Mạng lưới giao thông kết nối thủy - bộ còn nhiều hạn chế, gây cản trở rất lớn cho công tác di dời dân trong trường hợp cần phải di dời khi có thiên tai.

c) Công trình tránh, trú bão:

- Hiện tại, tỉnh có 02 khu tránh trú bão, bao gồm: Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa Cung Hầu, huyện Cầu Ngang, khu tránh trú bão Cảng Cá Định An huyện Trà Cú. Tuy nhiên, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa Cung Hầu huyện Cầu Ngang bị bồi lắng nhanh gây khó khăn cho việc neo đậu khi có bão áp thấp nhiệt đới.

- Hệ thống các cơ quan nhà nước, trường học, các điểm văn hóa, tôn giáo,... có thể kết hợp làm nhà tránh trú bão, có thể đáp ứng nhu cầu sơ tán dân với tổng sức chứa khoảng 136.000 người.

d) Công trình phục vụ công tác cảnh báo, dự báo:

Tỉnh có 01 trạm khí tượng, 01 trạm thủy văn do Đài khí tượng Thủy văn Trà Vinh quản lý, chất lượng dự báo của các trạm đo đạt trên 87%; 03 trạm Thủy văn do Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi quản lý. Nhìn chung các trạm khí tượng, thủy văn trên địa bàn tỉnh đang hoạt động tốt, tuy nhiên mật độ trạm đo chưa đáp ứng hết nhu cầu dự báo, cảnh báo, đặc biệt là dự báo mặn.

đ) Công trình phục vụ công tác thông tin, chỉ huy:

Hệ thống thông tin liên lạc phòng, chống thiên tai của tỉnh bao gồm: 05 trạm lặp tại thành phố Trà Vinh, thị trấn Cầu Quan (huyện Tiểu Cần), thị trấn Cầu Ngang, Phường 1 (thị xã Duyên Hải), xã Đại An (huyện Trà Cú). 28 máy cầm tay các loại. Các loại máy cầm tay được trang bị cho các lãnh đạo cấp tỉnh khả năng liên lạc tốt. Hệ thống loa, đài phát thanh tại các xã, phường, thị trấn hầu hết đã hư hỏng nặng, bán kính phủ sóng cũng bị hạn chế nhất là những vùng sâu, vùng xa.

e) Công trình giáo dục:

Công trình giáo dục trên địa bàn tỉnh Trà Vinh cơ bản đã được kiên cố và có thể đảm bảo làm nơi trú ẩn an toàn khi có thiên tai xảy ra. Trong đó, các trường Trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, Phòng giáo dục,... là những địa điểm đáp ứng tốt yêu cầu tránh trú bão.

4.3. Phương tiện, vật tư phục vụ công tác phòng, chống thiên tai

Phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng, tránh, ứng phó thiên tai cơ bản đảm bảo yêu cầu phục vụ công tác PCTT, gồm có phương tiện, trang thiết bị cơ động, chi viện của các Sở, Ban, ngành tỉnh và phương tiện, trang thiết bị tại chỗ của các huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của các loại hình thiên tai có thể xảy ra trong thời gian tới nên cần trang bị thêm một số tàu có công suất lớn phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển.

5. Đánh giá mức độ nhận thức về rủi ro thiên tai của cộng đồng

Mức độ nhận thức của cộng đồng về lĩnh vực PCTT trên địa bàn tỉnh nhìn chung chưa cao, mặc dù hàng năm công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, diễn tập về phòng, chống thiên tai luôn được triển khai, nhưng do số lớp và số lượng người dân tham gia tập huấn, nâng cao năng lực PCTT chưa nhiều, số cuộc diễn tập về công tác phòng, chống thiên tai còn hạn chế; đồng thời, do đặc thù của tỉnh ít bị ảnh hưởng bởi loại thiên tai có cường độ mạnh và phạm vi lớn, nên người dân còn chủ quan trong việc phòng ngừa, ứng phó thiên tai.

III. Nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp thực hiện:

1. Kiện toàn bộ máy tổ chức

Củng cố, kiện toàn và phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp để thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở mỗi cấp, mỗi ngành. Tổ chức diễn tập ứng cứu tai nạn, sự cố và tìm kiếm cứu nạn tại địa bàn trọng điểm để nâng cao năng lực cho các lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách.

2. Tiếp tục triển khai thực hiện Luật PCTT và các văn bản dưới Luật.

Tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2017 và triển khai kế hoạch công tác năm 2018, đặc biệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý tình huống thiên tai.

Triển khai kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Luật Phòng chống thiên tai. Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai năm 2018 của tỉnh; xác định các kịch bản, lộ trình, chú trọng việc lồng ghép các biện pháp phòng, chống thiên tai vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các sở, ngành và địa phương.

Cập nhật, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án chủ động phòng, chống, ứng phó thiên tai trình cấp có thẩm quyền ban hành, phê duyệt.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các Sở, Ban, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tốt kế hoạch, phương án chi tiết, cụ thể trong công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; tăng cường công tác phối hợp hoạt động tìm kiếm cứu nạn - cứu hộ.

3. Đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức cộng đồng.

Tổ chức đào tạo hoặc đưa cán bộ đi đào tạo, nâng cao năng lực, kiến thức về lĩnh vực phòng, chống thiên tai.

Triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng năm 2018 trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó với thiên tai đến tận cơ sở nhất là các hộ dân đang sinh sống, sản xuất tại các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai.

Tổ chức tập huấn cho cán bộ cấp huyện, xã về phòng, chống thiên tai, tập huấn kiến thức về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

Triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh theo chương trình mục tiêu quốc gia, hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường, sản xuất, cuộc sống của người dân.

4. Lập kế hoạch, phương án về phòng, chống thiên tai.

Rà soát, cập nhật, hoàn thiện kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai tại địa phương.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các Sở, Ban, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tốt kế hoạch, phương án chi tiết, cụ thể trong công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; tăng cường công tác phối hợp hoạt động tìm kiếm cứu nạn - cứu hộ.

Lập kế hoạch đầu tư mua sắm các phương tiện, trang thiết bị thông dụng và chuyên dụng phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các đơn vị chuyên trách, các địa phương để thực hiện nhiệm vụ khi xảy ra thiên tai.

Tổ chức huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị ứng cứu khi xảy ra sự cố, tai nạn trên địa bàn thành phố; huấn luyện sử dụng thành thạo các phương tiện, trang thiết bị hiện có.

Kiểm tra hoạt động của các bến đò ngang, đò dọc, nhất là việc trang bị các phương tiện cứu sinh, thiết bị an toàn và đảm bảo tải trọng cho phép của các tàu, thuyền khi hoạt động trên sông, trên biển.

5. Nâng cao năng lực, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo thiên tai.

Tăng cường công tác truyền tin, phổ biến kịp thời các thông tin dự báo thời tiết, các Công điện, Chỉ thị về phòng, chống thiên tai.

Phát hành các bản tin dự báo, cảnh báo về khí tượng, thủy văn hàng ngày, tuần, tháng, quý. Đầu tư hệ thống trang thiết bị phục vụ công tác đo đạc, dự báo, cảnh báo thiên tai để các ngành, các cấp và người dân chủ động trong việc phòng, tránh giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

6. Công tác cứu hộ, cứu nạn

Lập kế hoạch đầu tư mua sắm các phương tiện, trang thiết bị thông dụng và chuyên dụng phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các đơn vị chuyên trách, các địa phương để thực hiện nhiệm vụ khi xảy ra thiên tai.

Tổ chức huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị ứng cứu khi xảy ra sự cố, tai nạn trên địa bàn thành phố; huấn luyện sử dụng thành thạo các phương tiện, trang thiết bị hiện có.

Kiểm tra hoạt động của các bến đò ngang, đò dọc, nhất là việc trang bị các phương tiện cứu sinh, thiết bị an toàn và đảm bảo tải trọng cho phép của các tàu, thuyền khi hoạt động trên sông, trên biển.

7. Công tác cứu trợ

Điều tra, đánh giá thiệt hại, xác định nhu cầu hỗ trợ sau thiên tai. Lập kế hoạch hỗ trợ tiền, cây trồng, vật nuôi của các hộ dân bị thiệt hại để ổn định đời sống, sản xuất.

Tổ chức thăm hỏi, cứu trợ kịp thời, huy động lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Tích cực vận động các tổ chức, cá nhân giúp đỡ người dân và địa phương bị thiệt hại. Tổ chức tiếp nhận và cấp phát hàng cứu trợ kịp thời đến tay người dân khi bị thiệt hại do thiên tai. Đảm bảo bình ổn thị trường, tránh đầu cơ đối với các mặt hàng nhu yếu phẩm.

8. Chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ”

Tăng cường công tác kiểm tra tại các đơn vị, địa bàn xung yếu của tỉnh để có giải pháp xử lý kịp thời.

Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết nhằm đảm bảo công tác di dời dân, cứu hộ cứu nạn trước, trong và sau thiên tai, đảm bảo tính mạng, ổn định đời sống, sản xuất của người dân.

9. Thực hiện tốt công tác thu - nộp, sử dụng quỹ phòng, chống thiên tai

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh triển khai tốt công tác thu, nộp Quỹ Phòng - chống thiên tai.

Ngay từ đầu năm, UBND các huyện, thị xã thành phố nghiên cứu, đề xuất nhu cầu sử dụng Quỹ PCTT để thực hiện các công tác PCTT trên địa bàn, đầu tư, mua sắm trang thiết bị, xử lý thiệt hại, hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai.

10. Công tác trực ban phòng, chống thiên tai.

Các địa phương, đơn vị tổ chức trực ban phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định để nắm chắc diễn biến tình hình, đề phòng tình huống xấu và chuẩn bị phương án ứng phó thích hợp, hiệu quả. Đồng thời, theo dõi và thông tin kịp thời diễn biến tình hình thời tiết, thiên tai cho nhân dân trong khu vực biết để kịp thời ứng phó.

Các Sở, Ban, ngành tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố thực hiện chế độ báo cáo về Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, bao gồm:

a) Báo cáo định kỳ:

- Báo cáo sơ kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 6 tháng đầu năm 2018 (thực hiện trước ngày 25 tháng 6) và 9 tháng đầu năm 2018 (thực hiện trước ngày 25 tháng 9);

- Báo cáo tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018 (thực hiện trước ngày 15 tháng 12 năm 2018).

b) Báo cáo đột xuất: đối với tình hình khẩn cấp có thiên tai xảy ra, phải báo cáo ngay bằng điện thoại, fax cho cơ quan Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố (Chi cục Thủy lợi - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), số điện thoại: 3.840.113, fax: 3.852.249 và sau đó báo cáo chính thức bằng văn bản về tình hình thiệt hại, biện pháp khắc phục hậu quả và kiến nghị giải quyết.

11. Đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai

Tăng cường cộng tác quản lý, đầu tư, duy tu, sửa chữa các công trình phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.

Đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng xây dựng các công trình trọng điểm về PCTT như:

- Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng các công trình giao thông đang xây dựng và triển khai tiếp tục các dự án mới như: Đường tỉnh 915B; phối hợp với Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 triển khai công trình cống Bông Bót và cống Tân Dinh kết nối đường 915 và nâng cấp hệ thống đường huyện, đường giao thông nông thôn. Phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải triển khai dự án cầu Đại Ngãi, Dự án luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu (giai đoạn 2), sửa chữa nâng cấp Quốc lộ 53.

- Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ dự án Chống xói lở, gây bồi trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải.

- Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ dự án gây bồi tạo bãi, trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển xã Dân Thành, huyện Duyên Hải.

- Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ dự án nâng cấp hệ thống đê biển giai đoạn 2.

- Hoàn thiện đưa vào sử dụng đê biển Nam Rạch Trà Cú, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú (Giai đoạn 1).

- Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công kè bảo vệ xung yếu bờ biển xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải (gđ III).

- Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công kè bảo vệ xung yếu bờ biển ấp Cồn Trứng xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải.

- Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp nâng cấp mở rộng cảng cá Định An huyện Trà Cú khối lượng thi công đạt 97%.

- Các công trình phòng, chống hạn mặn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

- Đẩy nhanh tiến độ dự án Đê ven cửa sông Cổ Chiên bảo vệ khu dân cư thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang tỉnh Trà Vinh.

Đối với các công trình đang thi công, chủ đầu tư phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, trang thiết bị và công trình, tránh để xảy ra các trường hợp đáng tiếc do thiên tai gây ra.

Trang bị, nâng cấp, sửa chữa thiết bị mạng PCTT&TKCN trong toàn tỉnh đảm bảo cho việc liên lạc được thông suốt, nhất là trong mùa mưa bão hoặc khi có thiên tai xảy ra. Thông qua chương trình nông thôn mới, xây dựng công trình hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, từng bước lồng ghép yếu tố phòng chống thiên tai đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn, nước sinh hoạt, chợ, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng và kiên cố hóa nhà ở của người dân.

Tổ chức phát hoang bụi rậm các tuyến đường giao thông nông thôn, các tuyến đê biển, đê sông để cửa sông tạo lối đi thông thoáng đảm bảo yêu cầu cho công tác di dời dân nếu có tình huống xảy ra.

IV. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM:

1. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh:

- Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố và các Sở, Ban, ngành tỉnh;

- Tăng cường trang thiết bị, nâng cao cơ sở vật chất Văn phòng thường trực Ban chỉ huy các cấp;

- Tăng cường công tác tập huấn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm, tuyên truyền, giáo dục ý thức cộng đồng, vận động nhân dân tích cực tham gia để nâng cao năng lực và chủ động ứng phó với thiên tai;

- Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện kế hoạch PCTT của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các Sở, Ban, ngành và các địa phương trong tỉnh;

- Phối hợp với các ngành chức năng xây dựng các dự án bảo vệ các vùng xung yếu, vùng dễ bị sạt lở ven biển, ven sông lớn;

- Chỉ đạo các địa phương vùng ven biển như Duyên Hải, Trà Cú, Cầu Ngang, Châu Thành, thị xã Duyên Hải tăng cường kiểm tra, bố trí vị trí cho ghe tàu đánh cá trú ẩn an toàn khi có bão xảy ra;

- Phân công trực 24/24 giờ trong mùa mưa bão. Khi có tin báo áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), bão, lũ, cảnh báo động đất, sóng thần... xảy ra, phải kịp thời thông báo cho các địa phương, thông tin nhanh trên các phương tiện thông tin đại chúng;

- Tăng cường công tác tham mưu, điều hành phòng, chống thiên tai;

- Phối hợp với các sở, ngành và địa phương triển khai Nghị định 104/2017/NĐ-CP;

- Tham mưu kịp thời cho lãnh đạo UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ PCTT.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh):

- Thường xuyên kiểm tra các tuyến đê xung yếu, các cống đầu mối đảm bảo vận hành an toàn trong mùa mưa bão. Chỉ đạo Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi phối hợp với các địa phương có kế hoạch tập trung lực lượng, vật tư, trang thiết bị sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống; Bảo đảm việc vận hành kịp thời và bảo vệ an toàn tuyệt đối các công trình thủy lợi, chống hạn, chống xâm nhập mặn, bảo vệ nguồn nước, tiêu thoát lũ trong mùa mưa bão. Đôn đốc các địa phương làm tốt công tác thủy lợi nội đồng;

- Rà soát, kiểm tra và có kế hoạch đầu tư bảo vệ, làm kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển theo hướng ổn định lâu dài, bền vững; đẩy nhanh tiến độ các dự án chống sạt lở bờ biển, bờ sông đang thực hiện;

- Chỉ đạo phối hợp với các địa phương chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, bố trí lịch thời vụ thích hợp với từng loại cây con của từng vùng sinh thái nhằm tránh thiên tai và hạn chế dịch bệnh.

Chuẩn bị dự trữ đủ lượng vắc xin phòng bệnh, tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trước cũng như sau mùa mưa bão. Tổ chức kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, kịp thời dập tắt các ổ định bệnh phát sinh;

- Chỉ đạo Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối kết hợp với lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng thường xuyên tuần tra, kiểm soát các phương tiện nghề cá trước khi đi biển, tăng cường quản lý con người. Kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi khi không đảm bảo an toàn;

- Tổ chức tập huấn cho thuyền viên và ngư dân cách sử dụng, bảo quản phương tiện cứu sinh, chống thủng, hút khô, sử dụng thông tin, tín hiệu báo bão, năm rõ các điểm trú đậu tránh bão, nhận biết các thông tin, tín hiệu liên lạc khi có bão, cách phòng tránh gió bão, cấp cứu trên biển... Tổ chức diễn tập tìm kiếm cứu nạn cho cán bộ và ngư dân, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, neo đậu tàu thuyền;

- Đảm bảo chỉ đạo và thông tin liên lạc xuyên suốt khi xảy ra mưa bão; Phối hợp với Bộ đội Biên phòng xây dựng danh bạ tàu thuyền đánh bắt hải sản đang hoạt động để tiện thông tin liên lạc, kêu gọi tàu thuyền vào bờ, tìm nơi tránh trú khi có bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra; Tổ chức các lực lượng và trang bị phương tiện sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển;

- Phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương tổ chức kiểm tra và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, bờ và lòng sông, kênh, rạch; tình trạng xây dựng, san lấp kênh, rạch, mặt bằng trái phép gây tắc nghẽn dòng chảy.

3. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:

- Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp theo dõi, nắm chắc tình hình diễn biến bão, lốc xoáy, triều cường trên địa bàn tỉnh; kịp thời tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh về nhiệm vụ PCTT&TKCN;

- Duy trì tốt công tác sẵn sàng chiến đấu, PCTT ở các cơ quan, đơn vị trực thuộc; phối hợp với lực lượng Công an, Biên phòng bảo vệ tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đề phòng kẻ xấu và bọn tội phạm lợi dụng phá hoại;

- Khi có tình huống xảy ra, phối hợp với các lực lượng cơ động ứng cứu kịp thời những khu vực trọng điểm, giúp di dời, sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân;

- Sau bão, lốc xoáy, triều cường, tổ chức cho lực lượng vũ trang tham gia khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống cho nhân dân;

- Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện thủy và trên bộ cụ thể:

+ Phương tiện thủy gồm 46 tàu tuần tra, 226 xuồng các loại,

+ Phương tiện bộ gồm 222 ôtô các loại và 06 xe đặc chủng.

- Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, phương án về phòng, chống thiên tai theo phạm vi quản lý.

4. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:

- Xây dựng phương án tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn quản lý, đặc biệt là khu vực trên biển và các sông lớn. Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ Bộ phận Thường trực tìm kiếm, cứu nạn của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh;

- Tổ chức quản lý đầy đủ các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển, đặc biệt là tàu thuyền đánh bắt xa bờ và ngư dân hành nghề trên biển. Phát huy hệ thống thông tin liên lạc hiện có trong công tác truyền tin cảnh báo, dự báo thiên tai tới tàu thuyền và công trình, chòi canh trên biển, ven biển. Xây dựng lực lượng tìm kiếm cứu nạn trên biển chuyên nghiệp, nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn cho các lực lượng bán chuyên trách của ngư dân trên các tàu thuyền. Thực hiện tốt công tác thông báo bão bằng biện pháp bắn pháo hiệu theo quy định;

- Chủ trì, phối hợp với các địa phương ven biển, ven sông lớn:

+ Tăng cường kiểm tra chặt chẽ hoạt động sản xuất của ngư dân trong mùa mưa bão, phải kiểm tra nghiêm ngặt việc chấp hành các quy định về đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm, các trang thiết bị đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động nghề cá như thiết bị thông tin liên lạc, radio, phao cứu hộ, cứu sinh...

+ Đảm bảo thông tin liên lạc, thông báo kịp thời và hướng dẫn cho các đơn vị trực thuộc, các tàu thuyền trên biển ngay từ khi bắt đầu có tin cảnh báo ATNĐ, bão xuất hiện trên biển Đông; Kiên quyết, nghiêm cấm không cho tàu thuyền và ngư dân ra khơi trong thời gian có bão, ATNĐ khi đã có lệnh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.

+ Báo cáo đầy đủ, chính xác số lượng tàu thuyền, ngư dân ra khơi, vào bờ và trú bão an toàn, số tàu thuyền chưa liên lạc được, đặc biệt là tàu thuyền đánh bắt xa bờ.

- Sử dụng các tàu tuần tra của các đồn, trạm Biên phòng phối hợp với các địa phương trên địa bàn đứng chân hướng dẫn, tham gia sơ tán nhân dân ở các vùng nguy hiểm đến nơi trú ẩn an toàn;

- Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch PCTT&TKCN của cơ quan và các đơn vị trực thuộc; duy trì tốt công tác sẵn sàng chiến đấu, phối hợp với lực lượng Quân sự, Công an bảo vệ tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đứng chân, đề phòng kẻ xấu và tội phạm lợi dụng phá hoại;

- sẵn sàng cùng các lực lượng Hải đội, các Tổ hợp tác đánh bắt thủy sản trên sông, trên biển kịp thời làm tốt công tác cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng lực lượng giúp nhân dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống;

- Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện thủy và trên bộ cụ thể:

+ Phương tiện thủy gồm 03 tàu tuần tra, 03 tàu trinh sát, 01 xuồng cao tốc và 07 ca nô.

+ Phương tiện bộ gồm 15 ôtô các loại và 05 ôtô bán tải.

5. Công an tỉnh:

- Chủ động xây dựng kế hoạch PCTT&TKCN và kế hoạch bảo vệ các mục tiêu quan trọng theo từng tình huống, không để kẻ xấu và tội phạm lợi dụng trong thời gian xảy ra thiên tai phá hoại ANCT-TTATXH hoặc cướp phá tài sản của Nhà nước và nhân dân, nhất là những nơi xảy ra bão, lụt, lốc xoáy, triều cường;

- Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng cơ động ứng cứu khi có lệnh.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:

- Hàng năm, trên cơ sở đề nghị của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí từ ngân sách tỉnh bảo đảm cho nhiệm vụ PCTT&GNTT trên địa bàn tỉnh;

- Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương hàng năm dành một phần kinh phí ở ngành mình, cấp mình bảo đảm cho công tác PCTT&GNTT để chủ động phòng, chống và đáp ứng yêu cầu “04 tại chỗ";

- Triển khai hướng dẫn lồng ghép kế hoạch PCTT vào kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh;

- Tham mưu UBND tỉnh trong việc bố trí kinh phí cho công tác xây dựng lực lượng, chuẩn bị phương tiện bảo đảm cho Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh sẵn sàng xử lý có hiệu quả các tình huống xảy ra và chủ động khắc phục thiệt hại do thiên tai, ổn định đời sống và ổn định sản xuất của nhân dân;

7. Sở Giao thông vận tải:

- Theo chức năng, nhiệm vụ của ngành và sự phân cấp quản lý, chủ động kiểm tra, khảo sát các công trình thuộc ngành quản lý (cầu, đường, bến phà, bến đò...) vào đầu năm và sau mỗi đợt có thiên tai xảy ra; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh nâng cấp, sửa chữa, gia cố bảo đảm an toàn trước, trong khi bão, lốc xoáy, triều cường xảy ra;

- Xây dựng kế hoạch PCTT&TKCN của ngành mình và phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có tình huống thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh;

- Khi có bão, duy trì tốt quy định chế độ trực sẵn sàng xử lý tình huống; tận dụng phương tiện sẵn có và huy động ngoài nhân dân bằng mọi biện pháp tổ chức di dời, sơ tán nhân dân ở các vùng nguy hiểm, trọng điểm về nơi trú ẩn an toàn;

- Chủ động khắc phục sự cố hư hỏng các công trình giao thông sau bão, triều cường và giúp nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống;

- Chuẩn bị sẵn sàng 06 xe tải trọng tải từ 5 đến 10 tấn, 01 xe cẩu, 10 xe khách 50 chỗ ngồi, 04 tàu khách có sức chở từ 30 người trở lên.

8. Sở Thông tin và Truyền thông:

- Theo dõi, kiểm tra, giám sát việc trang bị, nâng cấp, sửa chữa thiết bị mạng PCTT&TKCN,

- Kiểm tra, khảo sát gia cố, sửa chữa bảo vệ bảo đảm an toàn các công trình thông tin, truyền thông của ngành quản lý; duy trì thông tin thông suốt bảo đảm cho chỉ huy, chỉ đạo trong quá trình điều hành thực hiện nhiệm vụ PCTT&TKCN;

- Tổ chức tuyên truyền cho nhân dân về sự ảnh hưởng, tác hại của bão lốc xoáy, triều cường và các biện pháp PCTT&GNTT để mọi tầng lớp nhân dân có ý thức tự bảo vệ mình;

- Rà soát hệ thống đài truyền thanh xã, phường, thị trấn; hệ thống loa không dây tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, đề xuất Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đầu tư lắp đặt.

- Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để phối hợp với các Sở, Ban, ngành ứng cứu kịp thời khi có tình huống bão, lốc xoáy, triều cường xảy ra trên địa bàn tỉnh.

9. Sở Công Thương:

- Xác định nguồn hàng, khả năng bảo đảm lương thực - thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu tại chỗ của từng địa phương, sẵn sàng huy động các nguồn hàng từ nơi khác đến bảo đảm cho nhân dân các vùng bị thiên tai trên địa bàn tỉnh;

- Khi thiên tai xảy ra, kiểm tra, giám sát bảo đảm ổn định giá cả thị trường không để xảy ra tình trạng đầu cơ tăng giá;

- Chủ động phối hợp với các Sở, Ban, ngành và địa phương ứng cứu kịp thời có tình huống bão, lốc xoáy, triều cường xảy ra; đưa hàng hóa đến tay người bị nạn bảo đảm đúng, đủ theo quy định của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, không để nhân dân bị đói, rét;

- Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, giúp nhân dân ổn định cuộc sống.

10. Sở Xây dựng:

- Chủ động tổ chức kiểm tra, khảo sát các công trình, cơ sở vật chất do ngành quản lý, nhất là các công trình trọng điểm ven biển, ven sông bảo đảm tính vững chắc trong PCTT; xử lý nghiêm các công trình kém chất lượng, bảo đảm tính kiên cố chịu được bão hoặc các thiên tai khác;

- Chủ trì, phối hợp với các địa phương hướng dẫn nhân dân phương pháp chằng chống, xây dựng nhà ở nhằm hạn chế thiệt hại do gió bão.

- Nghiên cứu, đề xuất và hướng dẫn thực hiện thiết kế xây dựng các công trình, nhà ở có khả năng chịu được bão và lốc xoáy ở cường độ cao, nhất là những công trình công cộng, các công trình thoát nước ở thị xã, thị trấn; các vùng trũng ven sông, biển. Hướng dẫn hộ cá nhân, tập thể cách phòng chống, khắc phục;

- Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng tham gia PCTT&TKCN khi có bão, ATNĐ, lốc xoáy, triều cường xảy ra và giúp dân ổn định cuộc sống.

11. Sở Y tế:

- Tổ chức các tuyến Bệnh viện, Trung tâm y tế; các Phòng khám đa khoa khu vực Đội vệ sinh phòng dịch; các Trạm y tế xã, phường, thị trấn... chủ động đội ngũ y bác sĩ, cán bộ chuyên môn và thuốc men, dụng cụ y tế sẵn sàng tham gia làm nhiệm vụ;

- Khi thiên tai xảy ra, tùy theo tình hình cụ thể, cơ động lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn, tổ chức điều trị cho nạn nhân, bệnh nhân; xử lý môi trường, nguồn nước trong, sau lụt bão tránh để dịch bệnh lây lan;

- Chuẩn bị sẵn sàng 13 xe cứu thương.

12. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Thường xuyên và chủ động kiểm tra, khảo sát các công trình thuộc lĩnh vực mà ngành quản lý, chỉ đạo để có giải pháp, biện pháp khắc phục, gia cố, bảo đảm phòng chống hiệu quả;

- Khi có tình huống bão, lốc xoáy, triều cường phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo xử lý, khắc phục làm sạch môi trường;

- Đánh giá tác hại các công trình, tác hại môi trường sau thiên tai, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh biện pháp xử lý. Sẵn sàng lực lượng tham gia PCTT, khắc phục hậu quả.

13. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Thường xuyên kiểm tra, khảo sát các lĩnh vực thuộc ngành quản lý, sẵn sàng sơ tán lực lượng, phương tiện, vật chất về nơi an toàn;

- Chủ động xây dựng kế hoạch PCTT và sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, giúp nhân dân ổn định cuộc sống;

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban MTTQ Việt Nam tham gia huy động các nguồn vật chất và tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh các biện pháp cứu trợ, hỗ trợ về vật chất, tài chính cho các địa phương, các ngành và nhân dân khắc phục sau thiên tai, ổn định việc làm, đảm bảo đời sống nhân dân.

14. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Có kế hoạch nâng cấp các điểm trường, bảo vệ an toàn tính mạng học sinh và tài sản nhà trường, tạo điều kiện tốt cho các em học tập trong mùa mưa bão, nhất là các vùng sâu, vùng ven sông lớn, ven biển;

- Theo dõi sát diễn biến tình hình mưa bão, cho học sinh nghỉ học khi có tình hình thời tiết xấu xảy ra có khả năng ảnh hưởng đến sự an toàn của học sinh.

15. Điện lực Trà Vinh:

- Thường xuyên tổ chức kiểm tra, khảo sát các công trình do ngành quản lý, tiến hành gia cố, sửa chữa các trường hợp hỏng hóc, mất an toàn:

- Xây dựng kế hoạch PCTT của ngành và có phương án đảm bảo an toàn lưới điện khi có sự cố bão, lốc xoáy, triều cường trên địa bàn tỉnh:

- Sẵn sàng lực lượng, phương tiện khắc phục kịp thời các sự cố sau thiên tai không để gây thiệt hại về người và kịp thời giúp nhân dân ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất.

16. Đài khí tượng thủy văn tỉnh Trà Vinh:

Phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ trong công tác dự báo bão, cảnh báo khí tượng thủy văn, nhất là dự báo sớm khả năng xuất hiện và diễn biến các tình huống phức tạp thiên tai; thông báo kịp thời, chính xác và cung cấp đầy đủ các số liệu, các phân tích về về thiên tai cho Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh. Khi có thiên tai hình thành và hoạt động ở giữa và Nam biển Đông, có khả năng ảnh hưởng đến tỉnh Trà Vinh phải đưa tin ngay lên Đài Phát thanh và Truyền hình theo Quy chế báo ATNĐ, bão, lũ để các ngành, các địa phương và nhân dân trong tỉnh biết chủ động ứng phó.

17. Đài Phát thanh và Truyền hình:

- Thường xuyên đưa tin về dự báo tình hình thời tiết, mưa, bão. Khi có thông tin về áp thấp nhiệt đới, bão phải thường xuyên cập nhật thông tin, nhanh chóng thông báo thông tin chính xác về tình hình diễn biến của ATNĐ, bão trên sóng phát thanh truyền hình, đặc biệt là ATNĐ, bão hình thành và hoạt động ở khu vực biển Đông và Nam biển Đông;

- Phổ biến cho nhân dân những kiến thức cơ bản về phòng, chống lụt, bão và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, các chủ trương, chỉ thị, mệnh lệnh về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả lũ, bão, thiên tai và các kinh nghiệm, các điển hình trong công tác phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn để công tác phòng, chống thiên tai đạt hiệu quả cao. Đồng thời vận động nhân dân nhanh chóng triển khai công tác khắc phục hậu quả khi có thiên tai, tích cực hưởng ứng các đợt vận động cứu trợ khi có chủ trương của tỉnh.

18. Các Sở, Ban, ngành khác:

- Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, xây dựng kế hoạch PCTT của ngành, phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành liên quan và huyện, thị xã chủ động làm tốt công tác PCTT&TKCN;

- Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư hiện có tham gia ứng cứu khi có tình huống bão, lụt, lốc xoáy, triều cường xảy ra trên địa bàn tỉnh;

- Sẵn sàng giúp nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

19. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể:

- Phối hợp chặt chẽ cùng các Sở, Ban, ngành khối nhà nước tổ chức lực lượng tham gia làm tốt nhiệm vụ: Tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức về nhiệm vụ PCTT&TKCN và giảm nhẹ thiên tai;

- Sẵn sàng lực lượng hội viên của các đoàn thể và lực lượng đoàn viên thanh niên tham gia xử lý, khắc phục hậu quả do bão, lốc xoáy, triều cường gây ra; kịp thời thăm hỏi động viên, vận động ủng hộ tiền bạc, vật chất cứu trợ nhân dân bị thiệt hại do thiên tai, giúp nhân dân ổn định cuộc sống.

20. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy PCTT & TKCN từ huyện, thị xã, thành phố đến xã, phường, thị trấn;

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai, từ đó tạo cho người dân ý thức chủ động trong phòng tránh và ứng phó với thiên tai;

- Tổ chức thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, xây dựng các phương án:

+ Tổ chức, huy động và bố trí lực lượng.

+ Chuẩn bị kinh phí, phương tiện và vật tư cần thiết.

- Chỉ đạo kiểm tra, gia cố sửa chữa các công trình thủy lợi ngăn lũ, đảm bảo cấp thoát nước tốt bảo vệ sản xuất và tài sản của nhân dân;

- Xây dựng các phương án hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn để tổ chức thực hiện tốt các phương án PCTT, đặc biệt là công tác di dời dân. Dự kiến những khu vực trú ẩn an toàn để di dời dân đến tạm cư. Sẵn sàng triển khai lực lượng tham gia ứng cứu khi thiên tai xảy ra;

- Tổ chức chặt tỉa cành, nhánh của các cây cao, dễ gãy đổ..., gần nhà ở, lưới điện, dọc đường phố. Có kế hoạch trồng cây xanh thích hợp để vừa tạo cảnh quan, môi trường sinh thái, vừa đảm bảo chống đỡ được gió bão, ATNĐ;

- Đối với các địa phương ven biển, ven sông lớn có phương án di dời, bảo vệ dân đến nơi an toàn, có biện pháp bảo vệ tốt bến bãi, trạm xá, trường học, nhà cửa, cơ sở sản xuất... đặc biệt là các vùng thường chịu ảnh hưởng trực tiếp của sóng to, gió lớn khi có bão cũng như triều cường biển Đông;

- Những vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở, các địa phương phải báo cáo đầy đủ tình trạng sạt lở và hướng xử lý về Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để có kế hoạch khắc phục;

- Tổ chức điều tra nắm rõ số tàu thuyền, phương tiện khai thác thủy sản ở địa phương mình; phối kết hợp với bộ phận Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có kế hoạch phòng, chống bão cho ngư dân và các đội tàu đánh bắt xa bờ, kế hoạch trang bị phương tiện thông tin liên lạc, vị trí trú ẩn cho tàu thuyền, thành lập và triển khai lực lượng ứng cứu nhanh khi có sự cố;

- Những khu vực thường xuyên xảy ra hạn giữa vụ và cuối vụ khi dứt mưa sớm như cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú, Châu Thành, thị xã Duyên Hải cần chỉ đạo tích cực thực hiện công tác thủy lợi nội đồng để tạo nguồn bơm tát khi xảy ra nắng hạn, có kế hoạch bố trí lịch thời vụ hợp lý để tránh thiệt hại do hạn cuối vụ gây ra;

- Củng cố và tăng cường lực lượng xung kích tại chỗ; tổ chức hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, xây dựng nhà kiên cố, đúng kỹ thuật để đảm bảo an toàn khi có bão, ATNĐ, lốc xoáy; thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Xây dựng kế hoạch, phương án di dời bảo vệ dân, bảo vệ tài sản đơn vị... Rà soát lại các vùng nuôi trồng thủy sản, kiểm tra hệ thống cống bọng thoát nước, khuyến cáo nhân dân tôn cao bờ bao, bờ vùng trước mùa mưa, bão nhằm bảo vệ và hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất khi có thiên tai xảy ra;

- Triển khai công tác thu, nộp quỹ PCTT năm 2018.

V. NGUỒN LỰC THỰC HIỆN:

1. Nguồn kinh phí thực hiện bao gồm: Tranh thủ sự hỗ trợ kinh phí từ Trung ương, các tổ chức quốc tế cho các dự án phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; Ngân sách địa phương: Quỹ Phòng chống thiên tai tỉnh.

2. Ngân sách Sở, Ban, ngành tỉnh: đầu tư, mua sắm các phương tiện, trang thiết bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “bốn tại chỗ”, trang bị những điều kiện cần thiết phục vụ công tác tập huấn, thông tin, tuyên truyền, phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn.

3. Thực hiện theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn kinh phí tài trợ, hợp tác của các tổ chức phi Chính phủ.

VI. Tổ chức thực hiện

Căn cứ vào kế hoạch PCTT năm 2018 của tỉnh, các Sở, Ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức xây dựng kế hoạch PCTT và TKCN của ngành, cấp quản lý cho phù hợp với lĩnh vực, điều kiện thực tế của ngành, của địa phương, phân công nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện kế hoạch được đồng bộ và có hiệu quả.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị các Sở Ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo từng lĩnh vực, địa bàn phụ trách triển khai thực hiện tốt các nội dung của Kế hoạch này; định kỳ 6 tháng và năm báo cáo kết quả thực hiện cho Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổng hợp báo cáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 


Nơi nhận:
- BCĐ TWPCTT(B/c):
- UBQGTKCN (B/c);
- UBND tỉnh (B/c):
- Thành viên BCH.
- UBND các huyện, thị xã.tp;
- Lưu: VP.BCH.

KT. TRƯỞNG BAN
P. TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC




Trần Trung Hiền

 

PHỤ LỤC:

DANH SÁCH CÁC XÃ DỄ BỊ TỔN THƯƠNG KHI XẢY RA THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
(Đính kèm Kế hoạch số 02/KH-PCTT ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Ban Chỉ huy PCTT -TKCN tỉnh Trà Vinh)

TT

Huyện, thị xã và thành phố

1

Hiệp Thạnh

TX. Duyên Hải

2

Long Hữu

3

Long Toàn

4

Thị trấn Long Thành

5

Trường Long Hòa

6

Dân Thành

7

Long Khánh

Huyện Duyên Hải

8

Ngũ Lạc

9

Đông Hải

10

Long Vĩnh

1 1

Mỹ Long Nam

Huyện Cầu Ngang

12

TT Mỹ Long

13

Mỹ Long Bắc

14

Vinh Kim

15

Hiệp Mỹ Đông

16

Hiệp Mỹ Tây

17

Hòa Minh

Huyện Châu Thành

18

Long Hòa

19

Hưng Mỹ

20

Phước Hảo

21

Hòa Thuận

22

Định An

Huyện Trà Cú

23

TT Định An

24

Kim Sơn

25

Lưu Nghiệp Anh

26

Long Đức

TP. Trà Vinh

27

Đức Mỹ

Huyện Càng Long

28

Đại Phước

29

Tân Hòa

Huyện Tiểu Cần

30

TT Cầu Quan

31

An Phú Tân

Huyện Cầu Kè

32

Ninh Thới

33

Hòa Tân

34

Kim Hòa

Huyện Cầu Ngang

35

Nhị Trường

36

Trường Thọ

37

Hiệp Hòa

38

Lương Hòa A

Huyện Châu Thành

39

Nguyệt Hóa

40

Song Lộc

41

Hàm Tân

Huyện Trà Cú

42

Hàm Giang

43

Đôn Xuân

44

Long Hiệp

45

Ngọc Biên

46

Tập Sơn

47

Phước Hưng

48

Đại Phúc

Huyện Càng Long

49

Nhị Long Phú

50

Nhị Long

51

Bình Phú

52

Phương Thạnh

53

Huyền Hội

54

Long Thới

Huyện Tiểu Cần

55

Tân Hùng

56

Ngãi Hùng

57

Hiếu Trung

58

Hưng Hòa

59

Tam Ngãi

Huyện Cầu Kè

60

Hòa Ân

61

Thông Hòa

62

Phong Phú

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 986/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2018

  • Số hiệu: 986/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/05/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Trà Vinh
  • Người ký: Kim Ngọc Thái
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/05/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản