Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 980/QĐ-UBND

Quảng Ninh, ngày 20 tháng 3 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ CƯƠNG, NHIỆM VỤ ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CHUỖI CÁC SẢN PHẨM NÔNG SẢN CHỦ LỰC CẤP TỈNH GIAI ĐOẠN 2020 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Kế hoạch số 04/KH-BCĐ ngày 08/01/2020 của Ban chỉ đạo Chương trình OCOP Tỉnh về việc triển khai Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm năm 2020;

Căn cứ văn bản số 9254/UBND-NLN3 ngày 20/12/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đề án Phát triển chuỗi sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 707/NNPTNT-QLCL ngày 27/02/2020,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt đề cương, nhiệm vụ ”Đề án phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030” với nội dung cơ bản như sau:

1. Tên nhiệm vụ: Đề án phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030.

2. Chủ đầu tư, đơn vị thực hiện

- Chủ đầu tư: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Đơn vị thực hiện: Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản.

3. Mục tiêu nhiệm vụ

3.1. Mục tiêu chung

- Xây dựng, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm gắn kết chặt chẽ giữa 6 nhà (nhà nông - Nhà nước - nhà đầu tư - nhà băng - nhà khoa học - nhà phân phối) để thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản, nâng cao đời sống nông dân; Khai thác có hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, xã hội và truyền thống canh tác, thị trường tiêu thụ gắn với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông sản.

- Nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh gắn với yêu cầu của thị trường tiêu thụ sản phẩm và phát triển thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu.

- Nhằm triển khai có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Làm cơ sở để tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết 194/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh.

3.2. Mục tiêu cụ thể

- Đánh giá được thực trạng, tiềm năng lợi thế và những mặt hạn chế, bất cập đối với xu thế phát triển chuỗi các sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh theo hướng bền vững, gồm các nội dung:

+ Thực trạng quảng bá, kết nối giao thương mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực trên địa bàn tỉnh.

+ Thực trạng quy hoạch và triển khai quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt các vùng sản xuất tập trung.

+ Thực trạng sản xuất ban đầu, sơ chế chế biến: Tổ chức sản xuất, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ, nguồn nhân lực.

+ Đánh giá xu thế nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu đối với sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn được quản lý theo chuỗi.

- Xác định các chuỗi sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh (sản xuất-chế biến-tiêu thụ); Xây dựng được các nhiệm vụ trọng tâm, các chương trình, dự án đầu tư phục vụ cho mục tiêu phát triển; lộ trình thực hiện và các giải pháp thực hiện cho các lĩnh vực liên quan đến phát triển chuỗi sản phẩm chủ lực tại Quyết định số 35/QĐ-UBND ngày 11/11/2019 của Ủy ban nhân dân Tỉnh phù hợp với xu thế phát triển.

4. Phạm vi, đối tượng và phương pháp thực hiện

- Triển khai thực hiện khảo sát, đánh giá và nghiên cứu tại 13 huyện, thị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nơi có sản phẩm chủ lực ban hành tại Quyết định số 35/QĐ-UBND ngày 11/11/2019 của Ủy ban nhân dân Tỉnh;

- Đối tượng nghiên cứu: Cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở thu mua, chế biến và hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nông sản tham gia vào chuỗi sản phẩm chủ lực cấp Tỉnh.

- Phương pháp thực hiện: Điều tra thứ cấp, khảo sát thực địa, đánh giá nhanh có sự tham gia của nông dân (PRA); Phương pháp chuyên gia; Phương pháp lấy mẫu.

5. Nội dung, nhiệm vụ chủ yếu

5.1. Điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất, chế biến, tổn thất sau thu hoạch và liên kết tiêu thụ phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh:

- Điều tra khảo sát, thu thập số liệu thực địa và kế thừa dữ liệu đã có: Lấy mẫu đất, nước, vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp; Thu thập dữ liệu về điều kiện tự nhiên - kinh tế xã hội liên quan đến sự hình thành và các quá trình biến đổi của đất.

- Đánh giá hiện trạng sản xuất, chế biến, tổn thất sau thu hoạch và liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh:

+ Nguồn lực chi phối đến sản xuất nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh: Đánh giá các nguồn lực về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tác động đến phát triển sản xuất, chế biến của các nông sản chủ lực cấp tỉnh.

+ Thực trạng chuỗi sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh: Công đoạn sản xuất ban đầu (quy mô diện tích: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản; năng suất, sản lượng; thực trạng sản xuất an toàn; ứng dụng tiến bộ trong canh tác, giống); công đoạn sơ chế, chế biến (số lượng các cơ sở chế biến, quy mô về số lượng, công suất; Hiện trạng về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, công nghệ chế biến, nguồn nhân lực...); Tổn thất khâu thu hoạch, vận chuyển, phơi sấy bảo quản của các công đoạn: sản xuất ban đầu (chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trồng trọt) đến khâu sơ chế, chế biến; Công tác quảng bá, giao thương, mở rộng thị trường kết nối tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản; hiện trạng liên kết.

- Thực trạng công tác lập quy hoạch và triển khai các nội dung theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với các vùng sản xuất, chế biến tập trung trên địa bàn tỉnh: Thu thập các bản đồ chuyên đề đã xây dựng, căn cứ thực trạng thực tế để Biên tập, xây dựng bản đồ đối với chuỗi các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh gồm: Hiện trạng chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh; Định hướng phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Chất lượng đất và nước vùng sản xuất nông sản chủ lực cấp tỉnh tập trung toàn tỉnh; số hóa các bản đồ.

5.2. Xây dựng định hướng phát triển các nông sản chủ lực cấp tỉnh theo chuỗi giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030

5.2.1. Dự báo có liên quan đến phát triển sản xuất, chế biến, liên kết tiêu thụ nông sản tỉnh Quảng Ninh:

- Bối cảnh chung trong nước, tỉnh Quảng Ninh.

- Xu hướng phát triển nông nghiệp và nông thôn của cả nước và tỉnh Quảng Ninh; Dự báo về nhu cầu sử dụng đất và chuyển đất nông nghiệp sang mục đích phi nông nghiệp năm 2020, 2025, 2030; Dự báo về tiến bộ khoa học kỹ thuật về sản xuất, chế biến ... có thể áp dụng; Dự báo về thị trường tiêu thụ; Dự báo về cơ chế chính sách.

5.2.2. Quan điểm, chỉ tiêu: Căn cứ vào kết quả thu thập thông tin và khảo sát thực địa để làm căn cứ xây dựng các chỉ tiêu cụ thể cần đạt gồm: Số lượng chuỗi liên kết, số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân tham gia chuỗi; tỷ lệ sản phẩm của chuỗi được kiểm soát nguồn gốc, chất lượng và được sơ chế, chế biến, tỷ lệ nông sản qua hợp đồng ...

5.2.3. Xác định các nhiệm vụ trọng tâm phát triển các nông sản chủ lực cấp tỉnh theo chuỗi giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030

- Lĩnh vực trồng trọt:

+ Vùng nguyên liệu: Ứng dụng các ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác cây trồng: VietGAP, Globalgap; Giảm tổn thất sau thu hoạch đối với từng loại sản phẩm.

+ Nâng cao năng lực chế biến đối với từng loại sản phẩm: Định hướng các loại sản phẩm; số lượng cơ sở, công suất, ứng dụng công nghệ trong chế biến phù hợp với quy mô vùng nguyên liệu

+ Nâng cao hiệu quả sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp đối với các loại cây trồng.

+ Định hướng thị trường và liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ.

- Lĩnh vực lâm nghiệp:

+Vùng nguyên liệu: Các nhóm sản phẩm chia theo loại nguyên liệu gồm: Cây gỗ lớn, cây gỗ nguyên liệu (Keo lai, Keo Tai tượng), cây lâm sản ngoài gỗ (Thông nhựa, hồi, quế, sở), cây dược liệu (ba kích, hồi, quế, dược liệu khác ...)

+ Nâng cao năng lực chế biến đối với từng loại sản phẩm: Định hướng các loại sản phẩm; số lượng cơ sở, công suất, ứng dụng công nghệ trong chế biến phù hợp với quy mô vùng nguyên liệu.

+ Định hướng thị trường và liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ.

- Lĩnh vực chăn nuôi:

+ Vùng nguyên liệu: Quy mô, sản lượng; Các ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi, các quy trình chăn nuôi an toàn; Điều chỉnh, bổ sung mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn 2020 - 2025, định hướng 2030

+ Nâng cao năng lực chế biến thịt gia súc, gia cầm.

+ Tính toán cơ sở và công suất chế biến phù hợp với vùng nguyên liệu.

+ Định hướng thị trường và liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ.

- Lĩnh vực thủy sản:

+ Vùng nguyên liệu: Định hướng vùng sản xuất tập trung trên cơ sở đánh giá chất lượng nước và điều kiện phát triển gắn với chuỗi liên kết; Các ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản, quy trình nuôi trồng thủy sản an toàn

+ Giảm tổn thất nuôi trồng thủy sản

+ Nâng cao năng lực chế biến thủy sản

+ Định hướng các loại sản phẩm thủy sản chế biến.

+ Nâng cao hiệu quả sử dụng phế phụ phẩm thủy sản

+ Định hướng thị trường và liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ.

5.2.4. Hệ thống các giải pháp thúc đẩy phát triển các nông sản chủ lực cấp tỉnh theo chuỗi: Tuyên truyền, tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ chế chính sách, phát triển thị trường, giám sát an toàn thực phẩm, nguồn lực....

5.3. Nhu cầu nguồn lực và các chương trình dự án ưu tiên

5.4. Đánh giá hiệu quả đề án.

5.5. Tổ chức thực hiện đề án.

6. Sản phẩm giao nộp

- Báo cáo tổng hợp và tóm tắt “Đề án phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”: 10 quyển.

- Bản đồ hiện trạng chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tỷ lệ 1/50.000: 05 bộ.

- Bản đồ định hướng phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tỷ lệ 1/50.000: 05 bộ.

- Bản đồ chất lượng đất và nước vùng sản xuất nông sản chủ lực cấp tỉnh tập trung toàn tỉnh, tỷ lệ 1/50.000.

- Dữ liệu số hóa các bản đồ.

7. Khái toán kinh phí, nguồn kinh phí và thời gian thực hiện:

- Khái toán kinh phí: 2.200 triệu đồng (Hai tỷ hai trăm triệu đồng).

- Nguồn kinh phí thực hiện: Ngân sách Tỉnh, nguồn vốn Chương trình nông thôn mới.

- Thời gian lập đề án: Hoàn thành trong năm 2020.

Điều 2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ đề cương, nhiệm vụ được duyệt, lập dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính thẩm định và tổ chức các bước tiếp theo đúng quy định; Giao Sở Tài Chính thẩm định kinh phí xây dựng Đề án, trình Ủy ban Nhân dân tỉnh theo quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Trưởng Ban Xây dựng nông thôn mới; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- V0-3, NLN1,3, TM3,4’
- Lưu: VT, NLN3 (10, QĐ 18).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Huy Hậu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 980/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt đề cương, nhiệm vụ Đề án phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 do tỉnh Quảng Ninh ban hành

  • Số hiệu: 980/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/03/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Đặng Huy Hậu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/03/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản