Hệ thống pháp luật

BAN CHỈ ĐẠO TỔNG KẾT 10 NĂM THỰC HIỆN LUẬT PCTN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 98/QĐ-BCĐTKLPCTN

Hà Nội, ngày 13 tháng 08 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TỔNG KẾT 10 NĂM THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO TỔNG KẾT 10 NĂM THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

Căn cứ Quyết định số 1221/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng;

Xét đề nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan và các thành viên Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Thành viên Ban Chỉ đạo tổng kết
10 năm thực hiện Luật PCTN;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Công báo;
- Lưu: VT, BCĐTKLPCTN (3b).

TRƯỞNG BAN




PHÓ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc

 

KẾ HOẠCH

TỔNG KẾT 10 NĂM THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 98/QĐ-BCĐTKLPCTN ngày 13 tháng 8 năm 2015 của Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng)

I. MỤC ĐÍCH

Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) nhằm đánh giá tình hình thực hiện Luật PCTN, thực trạng tham nhũng và hiệu quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trên phạm vi cả nước kể từ khi có Luật PCTN năm 2005 đến nay; làm rõ những kết quả đạt được, ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, khó khăn và nguyên nhân; rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó kiến nghị các biện pháp, giải pháp làm cơ sở cho việc hoàn thiện căn bản hệ thống chính sách, pháp luật về PCTN, trọng tâm là việc sửa đổi toàn diện Luật PCTN; tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng, đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong công tác PCTN giai đoạn tiếp theo.

II. YÊU CẦU

- Việc tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN phải bảo đảm toàn diện và sâu sắc; trên cơ sở đánh giá cụ thể kết quả thực hiện các quy định của Luật PCTN; bám sát các nhiệm vụ, giải pháp PCTN tại Nghị quyết Trung ương 3, Khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; gắn với đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược Quốc gia về PCTN đến năm 2020, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5, Khóa XI, đồng thời rà soát, đánh giá mức độ tuân thủ của pháp luật Việt Nam đối với Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

- Tổ chức tổng kết phải được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, tiết kiệm; phát huy dân chủ, tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan; dựa trên kết quả tự đánh giá, tổng kết của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và kết quả khảo sát, đánh giá của cấp trên đối với cấp dưới, đồng thời tham khảo ý kiến đánh giá của cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp và các kết quả nghiên cứu, đánh giá có liên quan của các chuyên gia, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế.

III. NỘI DUNG TỔNG KẾT

1. Việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật PCTN, Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020, Chương trình hành động của Chính phủ về PCTN, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

2. Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về PCTN.

3. Mô hình tổ chức các cơ quan phòng, chống tham nhũng và sự phối hợp công tác giữa các cơ quan PCTN.

4. Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.

5. Việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.

6. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng.

7. Hoạt động giám sát công tác PCTN.

8. Vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN.

9. Việc nội luật hóa, thực thi Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng và công tác hợp tác quốc tế về PCTN.

10. Đánh giá tình hình tham nhũng và nguyên nhân; những khó khăn, vướng mắc chủ yếu trong việc thực hiện Luật PCTN; nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, kiến nghị, đề xuất giải pháp.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Chỉ đạo thành lập Tổ công tác liên ngành giúp việc Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN do Thanh tra Chính phủ làm Thường trực.

2. Thanh tra Chính phủ hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và gửi báo cáo tổng kết; đồng thời tổng hợp kết quả, dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN trên phạm vi toàn quốc.

3. Các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để tiến hành tổng kết và báo cáo tổng kết theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Ngoài ra, một số bộ, ngành, cơ quan liên quan có trách nhiệm xây dựng báo cáo chuyên đề đánh giá toàn diện một số nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành mình, cụ thể gồm:

a) Thanh tra Chính phủ chủ trì xây dựng 01 báo cáo chuyên đề với các nội dung sau:

- Tình hình tham nhũng và nguyên nhân (kèm theo báo cáo kết quả khảo sát, điều tra xã hội học về tham nhũng, nếu có).

- Đánh giá việc triển khai thực hiện Luật PCTN và việc đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng theo Đề án 137, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

- Mô hình tổ chức cơ quan chức năng PCTN của Việt Nam, sự phối hợp công tác giữa các cơ quan (trong đó có nội dung tổng hợp kinh nghiệm quốc tế về mô hình cơ quan PCTN của một số quốc gia trên thế giới).

- Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng; rà soát việc thực thi Công ước liên hợp quốc về chống tham nhũng và các quy định của pháp luật PCTN, đề xuất một số vấn đề ưu tiên sửa đổi khi sửa đổi toàn diện Luật PCTN.

- Thực trạng phát hiện, xử lý tham nhũng qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện Luật PCTN; tình hình thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng.

- Trách nhiệm giải trình, minh bạch về tài sản, thu nhập, thực hiện quy định về nhận quà, tặng quà, nộp lại quà tặng.

b) Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng 01 báo cáo chuyên đề với các nội dung sau:

- Đánh giá công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật PCTN (trong đó đánh giá cụ thể việc thực hiện Đề án của Bộ Tư pháp về tuyên truyền phổ biến pháp luật PCTN và Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng).

- Hoàn thiện chính sách hình sự trong xử lý tham nhũng.

- Thu hồi tài sản tham nhũng qua công tác thi hành án dân sự trong các vụ án tham nhũng.

c) Bộ Công an chủ trì xây dựng 01 báo cáo chuyên đề với các nội dung sau:

- Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với tội phạm tham nhũng;

- Phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác điều tra.

d) Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng 01 báo cáo chuyên đề với các nội dung:

- Công tác cải cách hành chính góp phần phòng ngừa tham nhũng;

- Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng gồm: Xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng; tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển đổi vị trí công tác khi có dấu hiệu tham nhũng.

đ) Bộ Tài chính chủ trì xây dựng 01 báo cáo chuyên đề về xây dựng và thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn về tài chính và quản lý, sử dụng tài sản công (gắn với kết quả thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí).

e) Ngân hàng Nhà nước chủ trì xây dựng 01 báo cáo chuyên đề về trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước và thực hiện đề án hạn chế sử dụng tiền mặt.

g) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng 01 báo cáo chuyên đề về công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước về các lĩnh vực đất đai; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường.

h) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng 01 báo cáo chuyên đề về công khai, minh bạch trong thực hiện các dự án đầu tư, hoạt động đấu thầu sử dụng ngân sách nhà nước.

4. Ban Chỉ đạo đề nghị các cơ quan liên quan chủ trì tổng kết, đánh giá, cung cấp thông tin về một số nội dung sau:

- Ban Nội chính Trung ương chủ trì xây dựng 01 báo cáo chuyên đề với các nội dung:

+ Mô hình cơ quan chỉ đạo công tác PCTN theo Luật PCTN và kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN.

+ Thực trạng, cơ chế hoạt động, tính hợp lý và hiệu quả của cơ quan, tổ chức, đầu mối tham mưu, giúp việc về công tác PCTN của Ban cán sự đảng, đảng ủy, đảng đoàn cơ quan, tổ chức ở Trung ương.

- Kiểm toán Nhà nước xây dựng 01 báo cáo chuyên đề về phát hiện, xử lý tham nhũng qua hoạt động kiểm toán.

- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng 01 báo cáo chuyên đề về công tác điều tra, kiểm sát điều tra, truy tố tội phạm tham nhũng.

- Tòa án nhân dân tối cao xây dựng 01 báo cáo chuyên đề về công tác xét xử tội phạm tham nhũng.

- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội xây dựng 01 báo cáo chuyên đề về giám sát công tác PCTN và việc phát hiện, xử lý tham nhũng.

- Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung ương Hội nhà báo đánh giá, cung cấp thông tin về hoạt động của mình trong công tác PCTN 10 năm qua (chú trọng kết quả hoạt động, vai trò, trách nhiệm trong PCTN của các cơ quan, tổ chức; của Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn; doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề; vai trò của báo chí,...).

5. Ban Chỉ đạo tổ chức một số đoàn kiểm tra công tác tổng kết tại một số bộ, ngành, địa phương (Kế hoạch kiểm tra sẽ được Ban Chỉ đạo thông báo cụ thể tới các Bộ, ngành, địa phương liên quan).

6. Ban Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN (trong đó có nội dung biểu dương, khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong PCTN).

V. THỜI GIAN VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Thời gian thực hiện

- Các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức triển khai, quán triệt kế hoạch, đề cương hướng dẫn tổng kết. Thời gian hoàn thành trong tháng 8 năm 2015.

- Các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức gửi dự thảo báo cáo và số liệu tổng Hợp kết quả 10 năm thực hiện Luật PCTN về cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo là thanh tra Chính phủ, hoàn thành chậm nhất vào ngày 30 tháng 11 năm 2015.

- Các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức hội nghị tổng kết và hoàn thành, gửi Báo cáo tổng kết về Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, hoàn thành chậm nhất vào tháng 01 năm 2016.

- Các Bộ, ngành, cơ quan liên quan hoàn thành các báo cáo chuyên đề. Thời gian hoàn thành chậm nhất trong tháng 02 năm 2016.

- Ban Chỉ đạo trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN trong tháng 3 năm 2016.

- Tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN dự kiến trong tháng 4 năm 2016.

2. Kinh phí

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể bố trí kinh phí để triển khai hoạt động tổng kết trong dự toán ngân sách năm được cấp có thẩm quyền giao.

- Ủy ban nhân dân các cấp bố trí kinh phí để triển khai hoạt động tổng kết trong dự toán ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước

- Các cơ quan nhà nước thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính; các đơn vị sự nghiệp thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính có trách nhiệm bố trí từ nguồn kinh phí tự chủ để thực hiện hoạt động tổng kết.

- Các tập đoàn, tổng công ty, công ty Nhà nước bố trí kinh phí cho hoạt động tổng kết và được hạch toán vào chi phí quản lý của doanh nghiệp.

Trên đây là Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Ban Chỉ đạo yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan khẩn trương triển khai thực hiện./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 98/QĐ-BCĐTKLPCTN năm 2015 ban hành Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng do Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng ban hành

  • Số hiệu: 98/QĐ-BCĐTKLPCTN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/08/2015
  • Nơi ban hành: Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 949 đến số 950
  • Ngày hiệu lực: 13/08/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản