Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 98/2006/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 07 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU, PHÁT TRIỂN RAU AN TOÀN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2006-2010

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 104/2002/QĐ-UB ngày 19 tháng 4 năm 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố “Về chương trình, mục tiêu phát triển rau an toàn đến năm 2010”;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Tờ trình số 867/TTr-SNN-KHTC ngày 05 tháng 7
năm 2006,

 QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Nay phê duyệt Chương trình mục tiêu, phát triển rau an toàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2006-2010.

Điều 2. Giao cho sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố chủ trì phối hợp với các sở ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các quận - huyện có sản xuất rau, các tổ chức kinh tế và nông dân của các quận - huyện triển khai chương trình được phê duyệt; đảm bảo các mục tiêu : Xây dựng các đề án, dự án chi tiết, lập kế hoạch ngân sách hàng năm cho chương trình, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổng kết hàng năm, phổ biến điển hình sản xuất có hiệu quả.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo Nông nghiệp-Nông thôn thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Tổng giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài gòn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện có trồng rau chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận :
Như điều 4;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực Hội đồng nhân dân TP;
- TTUB : CT, PCT/TT, ĐT;
- Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp;
- Vụ Pháp chế Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- VPHĐ-UB : PVP/KT, ĐT;
- Tổ CNN, ĐT, DA;
- Lưu:VT, (CNN/Đ)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC
 



Nguyễn Thiện Nhân

 

 

CHƯƠNG TRÌNH

MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN RAU AN TOÀN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2006 – 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 98/2006/QĐ-UB ngày 10 tháng 7 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố)

I.- MỤC TIÊU

1. Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống kiểm soát, tự kiểm soát dư lượng thuốc Bảo vệ thực vật trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ rau an toàn. Hạn chế đến mức thấp nhất dư lượng thuốc Bảo vệ thực vật, không để xảy ra hiện tượng ngộ độc cấp tính đối với rau lưu thông trên địa bàn thành phố.

2. Sản xuất rau an toàn với giá thành hạ, chất lượng và năng suất cao theo hướng 3 giảm (giống, phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật) và ứng dụng công nghệ sinh học, hạn chế thấp nhất các chỉ tiêu độc chất, đảm bảo an toàn để nâng cao sức cạnh tranh trong nội địa và trong điều kiện hội nhập với các nước trong khu vực.

3. Mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn. Xây dựng vùng rau tập trung để đầu tư công nghệ quản lý GIS, tiêu chuẩn GAP và công nghệ truy nguyên nguồn gốc xuất xứ hàng hóa bằng mã vạch, phục vụ xuất khẩu từ năm 2008.

4. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất cũng như người tiêu dùng đối với rau an toàn, góp phần tác động đến sản xuất rau tại thành phố đủ đáp ứng cho 60 - 70% nhu cầu sản lượng rau tiêu thụ của năm 2010.

II.- YÊU CẦU

1. Tiếp tục tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ và giống mới cho nông dân trồng rau trên 90% nắm vững quy trình sản xuất rau an toàn. Tổ chức khảo sát, đánh giá và công nhận vùng rau an toàn chuyển đổi khoảng 3.500 ha đất trồng lúa để nâng tổng diện tích canh tác là 5.700 ha, tương ứng diện tích gieo trồng khoảng 20.000 ha, năng suất trung bình đạt trên 24 tấn/ha gieo trồng, sản lượng đạt 580.000 tấn/năm 2010.

2. Xây dựng và triển khai thực hiện tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) một số loại rau của thành phố.

3. Hoàn thiện hệ thống kiểm soát, kiểm tra để chứng nhận và cấp nhãn sản phẩm rau an toàn hoặc rau sản xuất theo quy trình GAP; tổ chức quản lý chặt chẽ về dư lượng độc chất, vi sinh vật trong rau tại các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố.

4. Các sản phẩm rau sản xuất và kinh doanh trên địa bàn thành phố đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng rau an toàn có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, nitrate, vi sinh vật đều dưới mức quy định của Nhà nước.

III.- NHIỆM VỤ

1. Kế hoạch phát triển diện tích rau qua các năm :

Bảng 1 : Kế hoạch phát triển diện tích rau trên địa bàn thành phố

Đơn vị tính : ha canh tác

Năm

Bình Chánh

Củ Chi

Hóc Môn

Khác

Tổng

Tăng

2005

813

882

300

240

2.235

 

2006

900

1.600

400

240

3.140

905

2007

100

2.870

500

200

3.670

530

2008

1.100

2.470

650

150

4.370

700

2009

1.200

2.950

750

100

5.000

630

2010

1.300

3.400

900

100

5.700

700

 

2. Kế hoạch phát triển diện tích canh tác các chủng loại rau :

Bảng 2 : Chỉ tiêu phát triển diện tích canh tác rau từng chủng loại rau ở các quận huyện đến năm 2010

 

Đơn vị tính: ha canh tác

Chủng loại rau

Tổng cộng

Bình chánh

Củ Chi

Hóc Môn

Q-H khác

1-Rau thủy sinh

1.020

180

530

180

130

Rau muống nước

530

50

340

80

60

Sen

330

100

120

70

40

Rau nhút

160

30

70

30

30

2-Rau trồng cạn

4.410

1.000

2.820

540

50

Rau muống hạt

150

50

30

20

50

Rau ăn lá

1.000

700

300

0

 

Rau ăn củ, quả

3.260

250

2.490

520

 

Rau gia vị

270

20

50

180

20

TỔNG

5.700

1.200

3.400

900

200

 

3. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10/2002/CT-UB ngày 15 tháng 5 năm 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố :

- Chấm dứt canh tác rau muống trên các vùng đất có nguồn nước ô nhiễm nặng. Chuyển mục đích sử dụng sang đô thị hóa hoặc chuyển đổi những vùng đất đang trồng rau muống bị ô nhiễm cả kim loại nặng lẫn vi sinh trên rau và nước sang trồng cây khác hoặc mục đích sử dụng khác.

 - Quy hoạch mở rộng diện tích rau muống nước thành vùng sản xuất chuyên canh rau muống của thành phố.

IV.- CÁC GIẢI PHÁP

1. Giải pháp đồng bộ các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất và chuyển đổi :

1.1- Đất đai :

- Quy hoạch việc sử dụng đất nông nghiệp, diện tích đô thị đến năm 2010. Phân định vùng sản xuất chuyên canh rau và vùng luân canh rau với cây trồng khác.

- Tiếp tục thống nhất với các quận huyện lộ trình chuyển đổi và quy mô chuyển đổi các loại cây trồng phù hợp điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng của từng vùng.

1.2- Giống phục vụ chuyển đổi :

- Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cung ứng các chủng loại giống F1 phục vụ chuyển đổi bằng các chính sách hỗ trợ như : miễn thuế kinh doanh giống phục vụ chuyển đổi, miễn thuế thuê đất …

- Có chính sách hỗ trợ ban đầu giá giống bằng vốn khuyến nông để vận động nông dân tham gia chương trình chuyển đổi.

1.3- Nguồn vốn :

- Tập trung đầu tư và khai thác các nguồn vốn gồm :

+ Từ quỹ hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của thành phố.

+ Từ nguồn vốn đầu tư của các dự án nước ngoài.

+ Từ nguồn vốn của các doanh nghiệp hợp đồng đầu tư bao tiêu sản phẩm.

+ Từ các nông hộ.

- Vận động và giúp nông dân chuyển đổi lúa sang rau tham gia vào hợp tác sản xuất để có điều kiện vay vốn thuận lợi và kịp thời.

1.4- Lao động :

- Xây dựng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung để họ có điều kiện đầu tư, góp phần thực hiện chuyển đổi lúa sang rau ở những vùng tập trung.

- Đẩy mạnh hợp tác hóa, hỗ trợ các hợp tác xã thành lập các đội chuyên dịch vụ những khâu canh tác chuyên môn cao.

1.5- Cơ sở hạ tầng phát triển sản xuất rau :

- Xây dựng các dự án giao thông, cải tạo thủy lợi nội đồng, hệ thống điện phục vụ sản xuất khi chuyển lúa sang rau vì suốt thời gian dài chú tâm cây lúa, đầu tư phục vụ sản xuất lúa do đó cơ sở hạ tầng nông thôn hiện nay là chưa phù hợp với sản xuất rau.

1.6- Kỹ thuật canh tác :

- Xây dựng chương trình đào tạo giảng viên IPM/rau cho Cán bộ kỹ thuật nông nghiệp thông qua đề án TOT 2006-2010 (Training of Trainer).

- Tranh thủ liên kết với các Công ty thuốc Bảo vệ thực vật cùng với Nhà nước đầu tư chương trình huấn luyện nông dân kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo hướng GAP với năng suất cao, phẩm chất tốt và giá thành hạ, hướng dẫn nông dân phòng trị sâu hại bằng thuốc vi sinh, thuốc thảo mộc để an toàn cho môi trường sinh thái.

- Xây dựng mô hình thí điểm quản lý sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn GAP cho cây ớt ở Nhuận Đức - Củ Chi (thời gian 3 năm) và một số cây trồng chủ lực khác. Nghiên cứu bổ sung xây dựng quy trình canh tác rau an toàn, trong đó chú trọng quy trình canh tác trong nhà lưới và dinh dưỡng trong sản xuất rau an toàn.

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong kỹ thuật sản xuất rau an toàn như trồng rau theo hướng hữu cơ; ứng dụng các chế phẩm sinh học vào canh tác và phòng trừ sinh vật hại rau,... Đầu tư và phát triển công nghệ nuôi thả ong ký sinh, thiên địch, giống kháng sâu bệnh…

1.7- Cơ khí hóa nông nghiệp và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất rau an toàn :

- Xây dựng chương trình nghiên cứu ứng dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, tưới tiêu, gieo trồng, bón phân, phun thuốc Bảo vệ thực vật, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bao quản sản phẩm.

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ plastic các dụng cụ sử dụng trong ngành trồng rau như chà cắm, dây cột, màng phủ, lưới, khay đựng, nhà trồng rau phù hợp từng loại cây trồng.

- Nghiên cứu vật liệu bao bì đóng gói sinh học có khả năng tự phân hủy thay thế loại bao nylon bằng một loại bao bì có thể tái chế không làm ảnh hưởng đến môi sinh.

- Nghiên cứu ứng dụng thủy canh trong sản xuất rau.

- Nghiên cứu ứng dụng nhà lưới tự động, nhà trồng rau bằng nhựa dẻo.

2. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về phát triển rau an toàn :

2.1- Xây dựng mô hình thí điểm quản lý chứng nhận và cấp nhãn sản phẩm rau an toàn hoặc rau sản xuất theo quy trình GAP, bao gồm :

- Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn sản xuất rau theo quy trình GAP.

- Xây dựng hệ thống văn bản quy định về hệ thống kiểm tra chứng nhận sản phẩm sản xuất theo quy trình rau an toàn.

- Xây dựng hệ thống công cụ kiểm tra chứng nhận sản phẩm sản xuất theo quy trình rau an toàn.

- Xây dựng hệ thống nhân lực giám sát chứng nhận quy trình sản xuất hợp chuẩn rau an toàn.

2.2- Tổ chức thực hiện quy trình khép kín về quản lý nhà nước trong Bảo vệ thực vật trên rau

2.2.1- Công tác thanh tra Bảo vệ - Kiểm dịch thực vật :

- Hoàn thiện quy trình tổ chức thực hiện công tác kiểm tra sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật trên đồng ruộng.

- Kiểm tra, thanh tra chuyên ngành mua bán thuốc Bảo vệ thực vật tại các vùng rau.

2.2.2- Công tác quản lý dư lượng độc chất trong rau quả :

- Cụ thể hóa chương trình hợp tác với các tỉnh về quản lý dư lượng thuốc Bảo vệ thực vật tại chỗ và kiểm soát đầu vào tại thành phố theo yêu cầu kiểm tra nguồn gốc xuất xứ rau tại các chợ đầu mối.

- Đầu tư trang thiết bị bổ sung, đào tạo cán bộ để nâng cao năng lực phòng phân tích dư lượng. Tổ chức hệ thống kiểm tra và chứng nhận sản phẩm được sản xuất theo quy trình an toàn (IPM, GAP) tại nơi sản xuất.

- Phối hợp với các Sở ngành thực hiện kiểm tra dư lượng độc chất trong rau tại các chợ đầu mối dưới sự chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm theo nội dung Pháp lệnh an toàn vệ sinh thực phẩm.

2.2.3- Từng bước xây dựng hệ thống quản lý sản xuất theo công nghệ hiện đại :

Thí điểm mô hình ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý sản xuất và chứng nhận sản phẩm đảm bảo quản lý chính xác và thông tin nhanh những thông tin về hàng hóa, chủng loại, sản lượng cho các nhà thu mua hoặc các doanh nghiệp xuất khẩu.

3. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác hóa trong sản xuất tiêu thụ;

- Tập huấn, vận động nông dân tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã để tăng cường năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh.

- Trong tiêu thụ cũng cần nghiên cứu mô hình các Công ty cổ phần nông nghiệp, tổ chức mở rộng loại hình Công ty kinh doanh thuốc Bảo vệ thực vật, phân bón, giống … tham gia cung ứng vật tư thiết bị trồng rau và bao tiêu sản phẩm phục vụ khu công nghiệp và xuất khẩu.

- Tổ chức mối liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà : Nhà nông, Nhà nước, Nhà doanh nghiệp, Nhà nghiên cứu với những chương trình cụ thể dưới sự điều hành chỉ đạo của Ban chỉ đạo chuyển đổi cấp thành phố.

- Có chính sách hỗ trợ các Hợp tác xã địa điểm giao dịch mua bán rau an toàn; hỗ trợ các Công ty cổ phần nông nghiệp xây dựng các kho sơ chế, đóng gói, bảo quản chuyên biệt phục vụ sau thu hoạch trong những vùng rau tập trung.

- Thực hiện chương trình “Liên kết vùng rau của thành phố với các tỉnh” nhằm điều chỉnh cơ cấu rau phong phú và hợp lý cho mục đích tiêu thụ sản phẩm nội địa hay xuất khẩu. Với xuất khẩu cần phải tập trung và đồng nhất chủng loại để tạo hàng hóa, còn với nội địa thì ngược lại.

4. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu “rau an toàn” :

- Xây dựng Trung tâm thông tin, triển lãm và giao dịch hoa kiểng và rau an toàn tại huyện Củ Chi. Đẩy mạnh thực hiện các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

- Tập huấn và hỗ trợ các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp công bố chất lượng hàng hóa rau an toàn và xây dựng thương hiệu rau an toàn. Ứng dụng công nghệ mã vạch trên bao bì sản phẩm đảm bảo trách nhiệm của người sản xuất với người tiêu dùng.

- Hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng trang web thông tin về rau an toàn, xây dựng đề án xúc tiến thương mại hướng xuất khẩu.

- Phối hợp với các ban ngành liên quan xây dựng chương trình vận động tuyên truyền tạo ý thức sử dụng rau an toàn rộng rãi trong người dân vì sức khỏe cộng đồng thông qua các phương tiện truyền thông, hội thảo, hội chợ.

- Tổ chức sản xuất đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, giá thành hạ sẽ mở rộng thị trường sang các tỉnh có khu công nghiệp tập trung như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu…

- Xây dựng và tổ chức vùng rau chuyên canh. Xây dựng các điểm trung chuyển tại các vùng sản xuất tập trung.

- Hội chợ xúc tiến thương mại là một hình thức góp phần rất lớn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm rau. Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức thành công và có tác dụng rất thiết thực cho việc giới thiệu, hợp đồng mua bán rau an toàn qua các hội chợ rau an toàn cấp thành phố.

- Cần phải bổ sung hoàn thiện hoạt động tư vấn hỗ trợ xúc tiến thương mại về sản xuất rau ngày càng sâu rộng.

V.- CÁC CHƯƠNG TRÌNH VÀ DỰ ÁN ĐẦU TƯ 2006-2010

1. Chương trình thông tin tuyên truyền vận động nông dân về chủ trương và chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp

- Mục tiêu : Cung cấp cho người dân, doanh nghiệp các thông tin về chủ trương và chính sách hỗ trợ chuyển đổi.

- Nội dung thực hiện : Tổ chức tập huấn tuyên truyền, in tài liệu để đảm bảo 100% hộ nông dân, doanh nghiệp đủ thông tin về chủ trương, chính sách chuyển đổi.

- Thời gian thực hiện : 2006-2010.

- Dự trù kinh phí : 200 triệu đồng, trong đó :

 + Nguồn kinh phí ngân sách thành phố cấp : 200 triệu đồng.                      

 + Nguồn kinh phí khác : không.

- Cơ quan quản lý : Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Đơn vị chủ trì thực hiện : Chi cục Phát triển nông thôn.

- Đơn vị phối hợp : Sở Thương mại, Ủy ban nhân dân và Hội Nông dân các xã.

2. Đề án chọn tạo, phục tráng và ứng dụng công nghệ sản xuất giống rau chất lượng cao phù hợp với thị trường trong nước và xuất khẩu :

- Mục tiêu :

Nghiên cứu chọn tạo và phục tráng giống chất lượng cao, ứng dụng công nghệ gieo ươm trong sản xuất giống để cung cấp giống có giá thành thấp.

- Nội dung :

+ Nhập nội, khảo nghiệm, chọn tạo các giống rau mới có năng suất, chất lượng và giá trị cao phù hợp nhu cầu thị trường, phấn đấu đến năm 2010 : 95% giống rau củ quả và 80% giống rau ăn lá sử dụng giống chất lượng cao.

+ Tổ chức phục tráng các giống rau địa phương, rau gia vị.

+ Nghiên cứu ứng dụng công nghệ gieo ươm giống rau để chuyển giao cho các cơ sở giống tại chỗ nhằm cung cấp giống đồng đều, chất lượng và giá thành thấp.

+ Xây dựng hệ thống sản xuất giống tại chỗ.

- Thời gian thực hiện : 2006 - 2010.

- Tổng kinh phí :

- Dự trù kinh phí : 4.500 triệu đồng, trong đó :

 + Nguồn kinh phí ngân sách thành phố cấp : 1.000 triệu đồng.                   

 + Nguồn kinh phí Công ty kinh doanh sản xuất giống : 3.500 triệu đồng.

- Cơ quan quản lý : Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Trung tâm Kiểm định giống cây trồng vật nuôi.

- Đơn vị phối hợp : Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, Trường Đại học Nông Lâm Thủ Đức, các Công ty sản xuất giống cây trồng, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Nông nghiệp.

3. Đề án ứng dụng cơ khí hóa nông nghiệp trong sản xuất rau an toàn

- Mục tiêu :

Nghiên cứu và ứng dụng các biện pháp cơ giới trong sản xuất rau an toàn nhằm giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm nhân công lao động trong tình hình khan hiếm lao động nông nghiệp hiện nay ở thành phố.

- Nội dung :

+ Nghiên cứu và xây dựng các mô hình ứng dụng cơ giới hóa các biện pháp canh tác như gieo hạt, làm đất, bón phân, thu hoạch, vận chuyển, phấn đấu đến năm 2010 cơ giới hóa thay thế được 40% nhân công lao động.

+ Nghiên cứu và xây dựng các mô hình ứng dụng nhà lưới tự động, nhà trồng rau bằng nhựa dẻo.

+ Nghiên cứu ứng dụng công nghệ plastic các dụng cụ sử dụng trong ngành trồng rau.

- Thời gian thực hiện : 2006 - 2010.

- Tổng kinh phí : 5.000 triệu đồng, trong đó :

+ Nguồn kinh phí ngân sách thành phố cấp : 1.000 triệu đồng.                    

+ Nguồn kinh phí Công ty sản xuất máy nông nghiệp : 1.500 triệu đồng.

+ Nguồn kinh phí từ nông dân : 2.500 triệu đồng.

- Cơ quan quản lý : Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Đơn vị chủ trì thực hiện : Trung tâm Khuyến nông.

- Đơn vị phối hợp : Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công nghiệp, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, Trường Đại học Nông Lâm Thủ Đức, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Nông nghiệp.

4. Đề án thí điểm các mô hình sản xuất chuyển đổi từ lúa sang rau theo tiêu chuẩn qui mô toàn xã :

- Mục tiêu :

Xây dựng mô hình thí điểm phát triển rau an toàn qui mô toàn xã nhằm tạo ra các vùng trồng rau chuyên canh tập trung, có khả năng cung cấp nguồn sản phẩm lớn.

- Nội dung thực hiện :

+ Đầu tư chuyển 700 ha canh tác trồng lúa tại 12 xã điểm sang trồng rau an toàn, nâng tổng diện tích canh tác rau tại 12 xã nên khoảng 850 ha, với sản lượng rau an toàn đạt khoảng 56.100 tấn vào năm 2010.

+ Xây dựng liên kết sản xuất và tiêu thụ ở các xã điểm nhằm sẵn sàng cung cấp các đơn đặt hàng với số lượng lớn.

+ Nghiên cứu xây dựng quy trình phòng trừ tổng hợp sinh vật hại trên rau cho các vùng chuyên canh rau.

- Thời gian : 2006 - 2010.

- Tổng kinh phí : 32.500 triệu đồng, trong đó :

 + Nguồn kinh phí ngân sách thành phố cấp : 22.500 triệu đồng (bù lãi suất 12.500 triệu, hoạt động đầu tư chuyển giao khoa học công nghệ 10.000 triệu đồng).                

 + Nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp, nông dân : 10.000 triệu đồng.

- Cơ quan quản lý : Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Đơn vị chủ trì thực hiện : Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Phát triển nông thôn, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Nông nghiệp.

- Đơn vị phối hợp : Hội Nông dân thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thương mại, Ủy ban nhân dân các huyện, xã.

5. Dự án thí điểm ứng dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP)

- Mục tiêu :

+ Xây dựng mô hình điểm ứng dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) trên một số rau về để phổ biến, nhân rộng.

+ Đáp ứng nhu cầu thị trường nước ngoài về sản phẩm rau ăn quả đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

- Nội dung thực hiện :

+ Xây dựng thí điểm mô hình GAP trên 4 loại cây rau chủ lực với tổng diện tích canh tác 200 ha, và nhân rộng mô hình trên diện tích canh tác ha 1.140 ha, với sản lượng khoảng 120.000 tấn đạt tiêu chuẩn theo GAP.

+ Hình thành vùng sản xuất chuyên canh cây rau được ứng dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm có giá trị cao phục vụ thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu …

+ Xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở sản xuất rau GAP.

+ Xây dựng hệ thống kiểm tra giám sát quy trình sản xuất và chứng nhận sản phẩm rau sản xuất theo quy trình GAP

+ Nâng cao trình độ sản xuất, kỹ năng xúc tiến thương mại và kinh doanh cho hộ nông dân, xây dựng các tổ kinh tế hợp tác và hợp tác xã sản xuất rau an toàn theo quy trình GAP.

- Thời gian thực hiện : 2006 - 2010.

- Dự trù kinh phí : 4.200 triệu đồng, trong đó :

 + Nguồn kinh phí ngân sách thành phố cấp : 2.000 triệu đồng.                   

 + Nguồn kinh phí địa phương, các doanh nghiệp : 2.200 triệu đồng.

- Cơ quan quản lý : Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Đơn vị chủ trì thực hiện : Chi cục Bảo vệ thực vật.

- Đơn vị phối hợp : Chi cục Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp, Ủy ban nhân dân, Hội Nông dân các xã, Metro Cash & Carry, Saigon CoopMart.

6. Đề án Nghiên cứu sản xuất và ứng dụng các chế phẩm sinh học, các tác nhân phòng trừ sinh học tự nhiên để xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ :

- Mục tiêu :

 Tạo ra sản phẩm rau hữu cơ phục vụ thị trường chất lượng cao trong nước và xuất khẩu.

- Nội dung :

+ Nghiên cứu ứng dụng các chế phẩm sinh học vào canh tác và phòng trừ sinh vật hại rau.

+ Đầu tư và phát triển công nghệ nuôi thả ong ký sinh, thiên địch, giống kháng sâu bệnh.

+ Xây dựng mô hình ứng dụng phương pháp canh tác rau hữu cơ, phấn đấu đến 2010 thành phố có diện tích sản xuất rau hữu cơ là 150 ha, với sản lượng đạt khoảng 9.900 tấn.

- Thời gian thực hiện : 2006 - 2010.

- Tổng kinh phí : 1.500 triệu đồng, trong đó :

+ Nguồn kinh phí ngân sách thành phố cấp : 1.000 triệu đồng.                    

+ Nguồn kinh phí địa phương và các doanh nghiệp tham gia : 500 triệu đồng.

- Cơ quan quản lý : Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Đơn vị chủ trì thực hiện : Trung tâm Công nghệ Sinh học.

- Đơn vị phối hợp : Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp, Metro Cash & Carry, Saigon CoopMart.

7. Đề án quản lý dư lượng độc chất, vi sinh vật trong rau quả :

- Mục tiêu :

Thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm, các chủ trương của Trung ương và thành phố về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng khi sử dụng các loại nông sản

- Nội dung thực hiện :

+ Tổ chức kiểm tra, chứng nhận sản phẩm rau quả sản xuất trên địa bàn thành phố và kinh doanh tại 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm của thành phố đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, phấn đấu đến năm 2010 : 90% rau sản xuất tại thành phố và kinh doanh tại chợ đầu mối được kiểm tra chứng nhận sản phẩm.

+ Nghiên cứu đề xuất và tăng cường công tác quản lý nhà nước trong thanh kiểm tra, giám sát và thực hiện xử lý sản phẩm rau, quả không bảo đảm quy định về chất lượng rau an toàn, sử dụng hóa chất không đúng quy định trong bảo quản rau, quả.

+ Phối hợp với các tỉnh có sản phẩm lưu thông kinh doanh tại các chợ đầu mối của thành phố trong việc kiểm tra, xác nhận nguồn gốc, chất lượng rau.

+ Đầu tư trang thiết bị phân tích giám định thuốc bảo vệ thực vật rau quả.

- Thời gian thực hiện : 2006 - 2010.

- Dự trù kinh phí : 9.800 triệu đồng, trong đó :

 + Nguồn kinh phí ngân sách thành phố cấp : 6.200 triệu đồng.                   

 + Nguồn kinh phí của 03 chợ đầu mối : 600 triệu đồng.

 + Nguồn thu từ các cơ sở kinh doanh rau trong chợ : 3.000 triệu đồng.

- Cơ quan quản lý : Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Đơn vị chủ trì thực hiện : Chi cục Bảo vệ thực vật.

- Đơn vị phối hợp : Sở Y tế, Sở Thương mại, 03 Công ty chợ đầu mối.

8. Đề án nghiên cứu công nghệ bảo quản, chế biến rau :

- Mục tiêu :

 Nghiên cứu và ứng dụng các biện pháp chế biến rau đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng có tiêu thụ trong nước và có khả năng xuất khẩu.

- Nội dung :

+ Nghiên cứu và ứng dụng các vật liệu bao bì đóng gói sạch.

+ Nghiên cứu các biện pháp cơ giới, vật lý, hóa học trong bảo quản rau đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

+ Nghiên cứu các sản phẩm chế biến từ rau phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu (sản phẩm đồ hộp tươi, nước ép, trà…).

+ Phấn đấu đến năm 2010 có 20% sản lượng rau sản xuất trên địa bàn được áp dụng công nghệ bảo quản chế biến mới.

- Thời gian thực hiện : 2006 - 2010.

- Tổng kinh phí : 3.500 triệu đồng, trong đó :

 + Nguồn kinh phí ngân sách thành phố cấp : 1.000 triệu đồng.                   

 + Nguồn kinh phí các doanh nghiệp tham gia : 2.500 triệu đồng.

- Cơ quan quản lý : Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Đơn vị chủ trì thực hiện : Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp.

- Đơn vị phối hợp : Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Nông lâm Thủ Đức, Metro Cash & Carry, Saigon CoopMart. Các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến rau.

9. Đề án xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm rau an toàn :

- Mục tiêu :

+ Tổ chức lại hệ thống phân phối, lưu thông, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn thành phố, phấn đấu đến năm 2010 : 100% các chợ, siêu thị đều kinh doanh rau an toàn.

+ Bảo đảm đầu ra cho sản phẩm rau an toàn theo hình thức hợp đồng liên kết, liên doanh giữa doanh nghiệp và hộ nông dân để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phấn đấu đến năm 2010 : 60% rau sản xuất trên địa bàn thành phố có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

+ Thực hiện các chính sách khuyến khích nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm rau.

- Nội dung :

+ Xây dựng chính sách tổ chức tập hợp và hỗ trợ hoạt động của hệ thống thương nhân thu mua rau.

+ Xây dựng 04 Hợp tác xã sản xuất tiêu thụ rau an toàn.

+ Tổ chức lại mạng lưới kinh doanh, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn thành phố và xây dựng các mô hình thí điểm kinh doanh rau quả an toàn tại các chợ đầu mối nông sản.

+Xây dựng website (tiếng Việt và tiếng Anh), tele sale về sản xuất - kinh doanh và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại về rau an toàn.

- Thời gian thực hiện : 2006 - 2010.

- Tổng kinh phí : 2.000 triệu đồng, trong đó :

 + Nguồn kinh phí ngân sách thành phố cấp : 1.400 triệu đồng.                   

 + Nguồn kinh phí địa phương và các doanh nghiệp tham gia : 600 triệu đồng.

- Cơ quan quản lý : Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Đơn vị chủ trì thực hiện : Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp.

- Đơn vị phối hợp : Chi cục Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp, Sở Thương mại, các Công ty, các chợ, siêu thị trên địa bàn.

10. Chương trình đào tạo nguồn lực :

- Mục tiêu :

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo các chuyên gia đầu đàn về rau an toàn trên các lĩnh vực giống, phân bón, bảo vệ thực vật; tổ chức sản xuất và tiêu thụ rau an toàn.

Học tập và ứng dụng nhanh các thành tựu, tiến bộ mới để nhanh chóng ứng dụng công nghệ mới vào trồng rau an toàn tại thành phố, giúp phát triển bền vững.

- Nội dung :

+ Đào tạo, huấn luyện cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất kinh doanh rau an toàn.

+ Đào tạo đội ngũ giảng viên để huấn luyện để nâng cao trình độ kỹ thuật trồng rau an toàn cho 100% nông dân trồng rau.

+ Tham quan học tập.

- Dự trù kinh phí : 1.350 triệu đồng, trong đó :

 + Nguồn kinh phí ngân sách thành phố cấp : 1.350 triệu đồng.                   

 + Nguồn kinh phí khác : không.

- Cơ quan quản lý : Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Đơn vị chủ trì thực hiện : Trường Trung học Nông nghiệp thành phố.

- Đơn vị phối hợp : Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp, Chi cục Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Bảo vệ thực vật.

11. Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất :

- Mục tiêu : Xây dựng các dự án hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, điện phục vụ trồng rau, màu và nuôi trồng thủy sản.

- Nội dung : đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, đường, thủy nông…

- Thời gian : 2006 - 2010.

- Đơn vị chủ trì thực hiện : Ủy ban nhân dân huyện, quận.

- Kinh phí do Ủy ban nhân dân các quận - huyện xây dựng trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét duyệt trong năm 2006 - 2007./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 98/2006/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình mục tiêu, phát triển rau an toàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2006-2010 do Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 98/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/07/2006
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Thiện Nhân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản