Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 104/2002/QĐ-UB | TP.Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 09 năm 2002 |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
Căn cứ Chỉ thị số 02/2001/CT-UB ngày 16 tháng 3 năm 2001 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc tổ chức thực hiện 12 chương trình và công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2001-2005 và kế hoạch thực hiện “Năm trật tự đô thị” trong năm 2001 ;
Căn cứ Quyết định số 11/2001/QĐ-UB ngày 12 tháng 02 năm 2001 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi thành phố từ năm 2001 đến năm 2005 ;
Căn cứ Quyết định số 1902/QĐ-UB ngày 06 tháng 5 năm 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố về chương trình phát triển nông nghiệp và nông thôn giai đoạn 2002-2005 ;
Căn cứ Chỉ thị số 10/2002/CT-UB ngày 15 tháng 5 năm 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường các biện pháp để khắc phục ngộ độc do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên rau muống nước ;
Xét Tờ trình của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số 781/CV-NN-KHTC ngày 05 tháng 9 năm 2002 và công văn số 3424/KHĐT-NNg ngày 28 tháng 8 năm 2002 của Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chương trình rau an toàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2002 – 2005 ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Nay phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn từ năm 2002-2005 (kèm theo quyết định này).
Điều 2.- Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp các sở-ngành, quận-huyện liên quan và các doanh nghiệp để triển khai chương trình, các dự án cụ thể phát triển rau an toàn của thành phố ; xúc tiến thương mại, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, mở rộng diện tích gieo trồng. Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về chất lượng rau. Nghiên cứu chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất rau an toàn.
Điều 3.- Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4.- Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chánh-Vật giá, Sở Y tế, Sở Thương mại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Địa chính-Nhà đất, Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường, các sở-ngành liên quan, Tổng Công ty Nông nghiệp Sàigòn, Tổng Công ty Thương mại Sàigòn, Thủ trưởng các tổ chức, cơ quan đoàn thể, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện, phường-xã có sản xuất nông nghiệp chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN RAU AN TOÀN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2002 – 2005.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 104 /2002/QĐ-UB ngày 19 tháng 9 năm 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố)
I.- THỰC TRẠNG VỀ SẢN XUẤT, KINH DOANH, TIÊU THỤ RAU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ :
1. Diện tích gieo trồng rau hàng năm vùng ngoại thành những năm trước đây khoảng từ 10.000 - 12.000 ha/năm, sản lượng từ 200.000 - 250.000 tấn rau. Do quá trình đô thị hóa nên diện tích trồng rau giảm dần. Năm 2001, diện tích gieo trồng cả năm đạt 9.905 ha, sản lượng 175.285 tấn tập trung nhiều vào mùa khô, nhất là rau ăn lá.
2. Lượng rau tiêu thụ hàng năm của thành phố khoảng trên 400.000 tấn, bình quân trên 1.200 tấn/ngày và khoảng 50-60% được sản xuất từ các tỉnh Lâm Đồng, Tây Ninh, Tiền Giang, Long An, … trong đó nguồn Lâm Đồng chiếm đa số (chủ yếu là rau xứ lạnh). Lượng rau lưu thông hằng ngày ở các chợ đầu mối thay đổi từ 100 -150 tấn/chợ đầu mối, cao điểm có thể lên đến 200 tấn/ngày. Một số ít rau được các nhà vườn bán trực tiếp cho người tiêu dùng tại chợ ở các huyện ngoại thành.
3. Rau và một số quả rất dễ bị nhiễm một số độc chất nhất là dư lượng thuốc Bảo vệ thực vật, kim loại nặng, nitrate và các vi trùng ; ký sinh trùng. Dư lượng thuốc Bảo vệ thực vật tác động làm ảnh hưởng đến sức khoẻ về bệnh cấp tính lẫn mãn tính. Công tác kiểm tra đánh giá chất lượng rau quả lưu thông kinh doanh trên thị trường và các chợ chưa được quan tâm đúng mức đã xảy ra một số trường hợp ngộ độc do ăn rau quả bị ô nhiễm các yếu tố độc hại, dư luận xã hội rất quan tâm và lo lắng. Vì vậy phải có các giải pháp mạnh, kịp thời để hạn chế hậu quả đáng tiếc.
4. Thành phố đã có chủ trương sản xuất rau sạch an toàn từ năm 1996 đã đạt một số kết quả trong công tác khuyến nông, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật cho người sản xuất và người tiêu dùng về rau an toàn, nhưng nhìn chung tiến độ chậm, cần phải nhanh chóng khắc phục thiếu sót, tồn tại để tập trung cao, đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
II.- NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU SẢN XUẤT, KINH DOANH RAU AN TOÀN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ :
1. Nhiệm vụ mục tiêu từ nay đến năm 2010 :
1.1- Nhiệm vụ :
- Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong việc gieo trồng, bảo quản, chế biến rau đậu thực phẩm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.
- Tổ chức thực hiện công tác quản lý Nhà nước qua các hoạt động tuyên truyền giáo dục, vận động kiểm tra, xử lý nhằm đảm bảo các loại rau sản xuất, kinh doanh an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng và chất lượng chế biến hàng xuất khẩu.
- Từng bước tổ chức lại hệ thống kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đầu ra và hiệu quả sản xuất rau an toàn cho nông dân và người tiêu dùng.
1.2- Mục tiêu :
1.2.1- Phấn đấu đến năm 2005 :
- Trên 90% nông dân ở ngoại thành nắm vững quy trình sản xuất rau an toàn.
- Trên 50% sản lượng rau sản xuất ở ngoại thành có dư lượng thuốc trừ sâu dưới mức quy định.
- Từng bước tổ chức, xây dựng hệ thống kiểm soát, kiểm tra, chế tài các cơ sở kinh doanh tiêu thụ rau ở các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố.
- Chấm dứt việc lưu hành thuốc Bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng trên địa bàn thành phố.
1.2.2- Đến năm 2010 :
Các sản phẩm rau sản xuất và kinh doanh trên địa bàn thành phố đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng rau an toàn có dư lượng thuốc trừ sâu, kim loại nặng, nitrate đều dưới mức quy định của Nhà nước.
2. Về các chương trình dự án cụ thể :
2.1- Đề án điều chỉnh định hướng quy hoạch và kế hoạch sản xuất rau an toàn ở ngoại thành :
2.1.1- Mục tiêu :
- Xác định và công bố cho các hộ sản xuất, đơn vị kinh doanh biết các vùng sản xuất rau ở ngoại thành đảm bảo và không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
- Đề xuất các giải pháp và tiến độ chuyển đổi phương thức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các vùng rau có nguy cơ ô nhiễm.
2.1.2- Một số công tác chủ yếu :
- Tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng toàn bộ về điều kiện tự nhiên và kinh tế-xã hội các vùng sản xuất rau muống nước và một số loại rau có nguy cơ ô nhiễm cao, mức độ phát sinh ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm rau sản xuất ở ngoại thành. Dự báo nhu cầu tiêu dùng, chế biến xuất khẩu các chủng loại rau an toàn và định hướng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu chủng loại rau ở ngoại thành từ nay đến năm 2005 và đến 2010.
- Xây dựng bản đồ hiện trạng về mức độ ô nhiễm các vùng gieo trồng rau an toàn từ năm 2005 đến năm 2010.
2.1.3- Kế hoạch tổ chức thực hiện :
- Cơ quan chủ trì : Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Cơ quan phối hợp thực hiện : Ủy ban nhân dân các quận-huyện, các sở-ngành liên quan (Kiến trúc sư Trưởng thành phố, Viện Quy hoạch, Sở Địa chính-Nhà đất, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thương mại, Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường), các đoàn thể quần chúng để trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố trong quý IV/2002.
2.2- Chương trình xúc tiến thương mại ; tiêu thụ sản phẩm rau an toàn trên địa bàn thành phố :
2.2.1- Mục tiêu :
- Từng bước tổ chức lại hệ thống phân phối, lưu thông, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn thành phố đến năm 2005 tại các chợ, siêu thị đều có khu kinh doanh rau an toàn phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
- Tăng số lượng người tiêu dùng rau an toàn, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm rau an toàn theo hình thức hợp đồng liên kết, liên doanh giữa doanh nghiệp và hộ nông dân tiêu thụ sản phẩm.
- Thực hiện các chính sách khuyến khích nhằm bảo đảm lợi ích cho người sản xuất, cơ sở kinh doanh rau an toàn.
- Tổ chức và phân công phối hợp để quản lý, kiểm tra xử lý rau không đạt chất lượng từ vùng ngoại thành, ở các tỉnh về chợ đầu mối và các chợ trung tâm của thành phố.
2.2.2- Về các đề án, dự án chủ yếu :
- Điều tra, khảo sát, nghiên cứu xây dựng đề án tổ chức lại mạng lưới kinh doanh, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn thành phố một cách hợp lý, khoa học và hiện đại. Giao Sở Thương mại chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã thành phố, trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố trong quý IV/2002.
- Thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư xây dựng các chợ đầu mối nông sản, xây dựng và triển khai một số dự án đầu tư nâng cấp các chợ, quày hàng kinh doanh rau quả chất lượng cao với sự phối hợp chặt chẽ giữa các quận-huyện, doanh nghiệp, chủ đầu tư với thời gian tổ chức thực hiện từ năm 2002 đến năm 2005.
- Đề án về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất-kinh doanh rau quả an toàn ; miễn giảm thuế ; hợp đồng bao tiêu sản phẩm, liên kết - liên doanh giữa doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh - chế biến với hộ nông dân (hoặc Tổ sản xuất, Hợp tác xã) sản xuất rau an toàn và giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Tài chánh-Vật giá, Sở Thương mại trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố trong quý IV/2002.
- Xây dựng website về sản xuất-kinh doanh, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại về rau an toàn. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan (trang website để xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản phẩm) trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố trong quý IV/2002.
2.2.3- Về tổ chức thực hiện :
- Thời gian từ năm 2002 đến năm 2005.
- Chủ trì : Giao Sở Thương mại thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Kinh tế thành phố, các quận-huyện, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố và các tổ chức, doanh nghiệp để xây dựng đề án, dự án cụ thể trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố trong quý IV/2002.
2.3- Chương trình phát triển sản xuất, mở rộng diện tích gieo trồng rau an toàn :
2.3.1- Mục tiêu : (Xem biểu 1, biểu 2)
- Định hướng cơ cấu sản xuất và phát triển sản xuất rau an toàn ở ngoại thành, cần tránh tình trạng loại rau cần mà không có để cung cấp và ngược lại.
- Nhanh chóng và kiên quyết giảm sản xuất rau ở những khu vực ô nhiễm do nguồn nước, chất thải và sử dụng thuốc trừ sâu không đúng quy định, chấm dứt việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu bị cấm.
2.3.2- Các đề án, dự án chủ yếu : ( Biểu 3).
- Dự án đầu tư cho công tác khuyến nông, chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để hướng dẫn, tập huấn nông dân trồng rau về quy trình kỹ thuật canh tác, sử dụng thuốc trừ sâu và các hóa chất trong quá trình sản xuất rau an toàn phục vụ cho người tiêu dùng. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Trung tâm Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật - Khuyến nông, Chi cục Bảo vệ thực vật để tổ chức thực hiện.
- Dự án tổ chức theo dõi giám sát, phân tích để xác nhận chất lượng rau cho các hộ sản xuất, vùng sản xuất rau khi thu hoạch và cung cấp thông tin cho các hộ kinh doanh và người tiêu dùng. Giao Chi cục Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện.
- Dự án đầu tư xây dựng và sản xuất, cung ứng hạt giống rau sạch bệnh, chất lượng cao. Giao Công ty Giống cây trồng thành phố thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sàigòn thực hiện.
- Dự án đầu tư thiết bị kiểm định giống rau và các biện pháp quản lý giống rau trên địa bàn thành phố, giao Trung tâm Kiểm định giống Cây trồng-Vật nuôi và Chi cục Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện.
- Xây dựng và triển khai dự án phát triển sản xuất rau an toàn ở các xã trọng điểm : Tân Phú Trung thuộc huyện Củ Chi ; các xã Tân Thới Nhì, Xuân Thới Sơn, Xuân Thới Thượng, Tân Hiệp thuộc huyện Hốc Môn ; các xã Tân Quý Tây, xã Bình Chánh thuộc huyện Bình Chánh để trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt trong quý III/2002. Triển khai từ vụ Đông Xuân năm 2002-2003 và giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật - Khuyến nông để hướng dẫn tổ chức thực hiện.
- Triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt đối với rau an toàn tại các vùng quận-huyện, trên cơ sở các quyết định, công văn thành phố đã ban hành :
Quyết định số 81/2000/QĐ-UB ngày 19 tháng 9 năm 2000 đối với các dự án hỗ trợ đầu tư thông qua chương trình kích cầu của thành phố (sản xuất, nhân giống).
Công văn số 419/UB-CNN ngày 05 tháng 02 năm 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố về hỗ trợ lãi suất (từ 4% đến 7%) cho sản xuất nông nghiệp, diêm nghiệp, nuôi thủy sản.
Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích khác như :
· Trợ giá miễn giảm thuế sản phẩm rau an toàn (cho người sản xuất, hộ kinh doanh).
· Chính sách đầu tư, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, thiết bị tồn trữ, đông lạnh, chế biến, vận chuyển rau.
· Cơ chế thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm rau an toàn giữa người sản xuất với cơ sở kinh doanh, chế biến.
2.3.3- Kế hoạch tổ chức thực hiện :
- Thời gian : từ nay đến năm 2005.
- Cơ quan chủ trì : Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Đơn vị thực hiện : Trung tâm Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật-Khuyến nông và Chi cục Bảo vệ thực vật cùng phối hợp các đoàn thể : Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, các phương tiện thông tin đại chúng của các Báo, Đài phát thanh, Đài truyền hình thành phố.
2.4- Chương trình nâng cao hiệu lực và hiệu quả các hoạt động quản lý Nhà nước về chất lượng rau trên địa bàn thành phố :
2.4.1- Mục tiêu :
- Giảm nhanh sản lượng các loại rau kém chất lượng, không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và chế biến xuất khẩu lưu thông trên địa bàn thành phố.
2.4.2- Công tác chủ yếu :
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các ngành, đơn vị, cơ quan, quận-huyện trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quy định về quản lý chất lượng rau trên địa bàn thành phố.
- Tổ chức lực lượng và tăng cường công tác kiểm tra, xử lý sản phẩm rau không bảo đảm quy định về chất lượng rau an toàn và các vi phạm về sản xuất, kinh doanh rau, thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất khác. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn và kiểm tra các cơ sở rau sản xuất ở ngoại thành, phân tích dư lượng thuốc trừ sâu trong rau ; Sở Thương mại phối hợp Sở Y tế, Trung tâm Y tế Dự phòng thường xuyên kiểm tra rau tại các chợ, siêu thị và sản phẩm rau chế biến.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập dự án đầu tư thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết cho việc kiểm tra, giám định chất lượng rau quả, trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố trong năm 2002.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Văn hoá và Thông tin tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền vận động về sản xuất và tiêu dùng sản phẩm rau an toàn trên địa bàn thành phố.
2.5- Chương trình nghiên cứu chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ :
2.5.1- Tập trung các công tác chủ yếu :
- Nhập nội, khảo nghiệm, chọn tạo các giống rau mới có năng suất, chất lượng và giá trị cao ; sản xuất các giống rau F1.
- Nghiên cứu hợp lý hóa quy trình sản xuất, vận chuyển, bảo quản, chế biến rau đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
- Nghiên cứu các quy trình, thiết bị kiểm tra nhanh, kịp thời và chính xác các hóa chất độc hại nhất là dư lượng thuốc trừ sâu nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm rau đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và cơ sở kinh doanh ; xử lý các độc chất trong rau vượt tiêu chuẩn quy định Nhà nước.
2.5.2- Tổ chức thực hiện :
- Thời gian tổ chức thực hiện từ năm 2002 đến năm 2005.
- Cơ quan chủ trì : Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (và đơn vị trực thuộc), Trường Đại học, Viện Nghiên cứu, quận-huyện và các doanh nghiệp có liên quan tổ chức thực hiện.
1. Thành lập Ban Chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ rau an toàn thành phố gồm các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thương mại và các quận-huyện trọng điểm sản xuất rau (huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn…) trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố trong quí III/2002 và giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm cơ quan thường trực Ban chỉ đạo.
2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các sở-ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện liên quan lập đề án xây dựng chương trình dự án, kế hoạch cụ thể thực hiện các chương trình về sản xuất-tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn thành phố có hiệu quả.
3. Định kỳ 3 tháng Ban chỉ đạo Chương trình sản xuất, tiêu thụ rau an toàn thành phố tổ chức giao ban, sơ kết, báo cáo tình hình, kết quả tổ chức thực hiện và vướng mắc về Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố để kịp thời điều chỉnh, bổ sung phù hợp thực tế./.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
- 1Chỉ thị 10/2002/CT-UB về tăng cường biện pháp khắc phục ngộ độc do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện trên rau muống nước do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Quyết định 11/2001/QĐ-UB phê duyệt Chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi của thành phố từ năm 2001 đến năm 2005 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3Chỉ thị 02/2001/CT-UB thực hiện 12 Chương trình và Công trình trọng điểm của thành phố trong giai đoạn 2001 - 2005 và kế hoạch thực hiện Năm trật tự đô thị trong năm 2001 do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 4Quyết định 231/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020
Quyết định 104/2002/QĐ-UB phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2002 – 2005 do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 104/2002/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 19/09/2002
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Mai Quốc Bình
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra