Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 975/QĐ-UBND | Bắc Giang, ngày 29 tháng 6 năm 2018 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày ngày 19/6/2015;
Căn cứ Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 2277/QĐ-BNN-VPĐP ngày 5/6/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc phê duyệt Đề cương Đề án “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến 2030 và bộ công cụ điều tra, khảo sát;
Căn cứ Công văn số 4914/BNN-VPĐP ngày 15/6/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc xây dựng “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm”;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 57/TTr-SNN ngày 13/6/2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu như sau:
1. Tên Đề án: “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018- 2020, định hướng đến năm 2030. (“mỗi xã một sản phẩm” - tên tiếng anh là “one commune one product”, viết tắt là OCOP).
2. Đơn vị thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang.
3.1. Mục tiêu tổng quát:
Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Thông qua việc phát triển sản xuất tại địa bàn khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; bảo vệ môi trường và gìn giữ, phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn bền vững.
3.2. Mục tiêu cụ thể:
* Giai đoạn 2018-2020
- Xây dựng tổ chức bộ máy quản lý, điều hành chương trình OCOP từ cấp tỉnh đến cấp xã; áp dụng đồng bộ các chính sách để thực hiện hiệu quả chương trình OCOP;
- Phát triển sản phẩm: Triển khai, phát triển tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh Bắc Giang:
+ Nhóm sản phẩm được cấp bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp: Thực hiện nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm; đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm;
+ Nhóm sản phẩm chưa được cấp bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp: Thực hiện nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu tập thể và xúc tiến thương mại;
+ Phát triển ít nhất 3 sản phẩm OCOP (dự kiến Vải Thiều Lục Ngạn, Mỳ chũ, Gà đồi Yên Thế...) đạt hạng 5 sao cấp quốc gia (sản phẩm đạt 90 - 100 điểm, có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế).
- Phát triển các tổ chức kinh tế: Củng cố, kiện toàn các doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm tham gia chương trình OCOP; phát triển mới ít nhất 10 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP;
- Đào tạo tập huấn cho 100% cán bộ quản lý chương trình, lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP;
- Thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP;
* Giai đoạn 2021- 2030
- Củng cố các thành quả đã đạt được trong giai đoạn 2018-2020; đưa chương trình OCOP đi vào chiều sâu, gắn phát triển nông nghiệp với các ngành kinh tế khác, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP;
- Phát triển thêm 2-3 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao cấp quốc gia (sản phẩm đạt 90 - 100 điểm, có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế).
- Triển khai thực hiện từ 1-3 mô hình làng văn hóa du lịch (tại khu du lịch sinh thái Khe Rỗ huyện Sơn Động; khu du lịch sinh thái suối Mỡ huyện Lục Nam; khu du lịch sinh thái Xuân Lung Thác Ngà huyện Yên Thế).
- Triển khai phát triển 06 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh gắn với hoạt động du lịch tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Yên Dũng, Việt Yên.
- Tiếp tục củng cố kiện toàn doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia thực hiện Chương trình OCOP; phát triển, tiêu chuẩn hóa các sản phẩm OCOP của tỉnh; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất khẩu các sản phẩm OCOP.
4. Phạm vi, đối tượng, nguyên tắc thực hiện
4.1. Phạm vi thực hiện: Các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (sau đây gọi chung là xã).
4.2. Đối tượng thực hiện:
- Sản phẩm: Gồm sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương: nông sản, thực phẩm tươi sống và sơ chế, đồ uống không có cồn và có cồn; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm, nội thất, trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng.
- Chủ thể thực hiện: Lấy chủ thể kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân làm nòng cốt, cụ thể là các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng với tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh, chủ trang trại.
4.3. Nguyên tắc thực hiện: Tuân thủ 3 nguyên tắc: Hành động địa phương hướng đến toàn cầu; tự lực, tự tin và sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực.
5.1. Chu trình OCOP được thực hiện theo 6 bước:
Trên cơ sở nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm” (đề xuất nhu cầu từ dưới lên, theo nhu cầu và khả năng của hộ sản xuất, HTX và SMEs). Trong đó, quan trọng là bước thi đánh giá và phân hạng sản phẩm.
- Tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP;
- Nhận ý tưởng sản phẩm;
- Nhận kế hoạch kinh doanh;
- Triển khai kế hoạch kinh doanh;
- Đánh giá và phân hạng sản phẩm cấp huyện, tỉnh, quốc gia;
- Xúc tiến thương mại.
5.2. Phát triển sản phẩm, dịch vụ theo 06 nhóm, bao gồm:
- Thực phẩm, gồm: Nông sản tươi sống và nông sản chế biến.
- Đồ uống, gồm: Đồ uống có cồn; đồ uống không cồn.
- Thảo dược, gồm: Các sản phẩm có thành phần từ cây dược liệu.
- Vải và may mặc, gồm: Các sản phẩm làm từ bông, sợi.
- Lưu niệm, nội thất, trang trí, gồm: Các sản phẩm từ gỗ, sợi, mây tre, kim loại, gốm sứ, dệt may,... làm đồ lưu niệm, đồ gia dụng.
- Dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng, gồm: Các sản phẩm dịch vụ phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, học tập, nghiên cứu,...
5.3. Các chương trình thực hiện OCOP tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018-2020:
* Chương trình 1: Tuyên truyền, hướng dẫn về Chương trình OCOP
- Hàng năm xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn để nâng cao nhận thức của hệ thống quản lý Chương trình OCOP các cấp và cộng đồng, chủ thể tham gia chương trình OCOP;
- Nội dung tuyên truyền: Ngoài các vấn đề về sự cần thiết, các nguyên tắc, nội dung Chương trình OCOP, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về triển khai OCOP, cần chú trọng các nội dung như:
+ Các mô hình điển hình, tiên tiến.
+ Các cách làm sáng tạo trong sản xuất kinh doanh.
+ Cung cấp thông tin thị trường.
+ Cách tiếp cận các hỗ trợ về lãi suất ngân hàng, cơ sở hạ tầng, đào tạo tập huấn...
- Hình thức tuyên truyền: Qua phương tiện thông tin đại chúng; hội nghị, hội thảo; các buổi sinh hoạt Đảng, các đoàn thể...
- Thời gian thực hiện: Liên tục qua các năm.
- Trách nhiệm: Ban chỉ đạo OCOP cấp tỉnh, huyện, xã; Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Bắc Giang.
* Chương trình 2: Nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm
- Chủ thể tham gia Chương trình OCOP bằng việc đăng ký ý tưởng về sản phẩm cho hệ thống quản lý Chương trình OCOP cấp xã;
- Ban chỉ đạo OCOP cấp huyện tổng hợp, đánh giá, lựa chọn các ý tưởng có tính khả thi cao, tiến hành tập huấn cho chủ thể của ý tưởng được lựa chọn tham gia Chương trình OCOP xây dựng phương án, dự án sản xuất kinh doanh.
- Các ý tưởng được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên như sau:
+ Nhóm 1: Các sản phẩm mang tính đặc trưng, có lợi thế so sánh cao của huyện, của tỉnh, các sản phẩm cho hiệu quả cao hoặc sản phẩm dịch vụ phục vụ cho các điểm du lịch, văn hóa như: Mỳ Chũ, vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, gạo bao thai...
+ Nhóm 2: Các sản phẩm mới chưa được nhân rộng nhưng cho hiệu quả cao như: Quả vú sữa, nấm, mộc nhĩ...
+ Nhóm 3: Các sản phẩm an toàn như: rau an toàn, cá, lợn thịt theo hướng VIETGAP...
- Chủ nhân của các ý tưởng sản phẩm được chọn sẽ được tập huấn về phương pháp xây dựng “Phương án kinh doanh”. Nội dung tập huấn bao gồm: Khái niệm về kinh doanh, các loại hình tổ chức sản xuất - kinh doanh, marketing cơ bản, sản phẩm, xây dựng kế hoạch tài chính và nội dung kế hoạch kinh doanh. Kết quả cần có là người dân có thể xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa trên ý tưởng sản phẩm đã được duyệt.
- Nội dung tập huấn theo quy định tại khung đào tạo Chương trình OCOP quy định tại phụ lục III, Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020.
- Thời gian thực hiện: tháng 3 hàng năm.
- Trách nhiệm: Ban chỉ đạo OCOP cấp huyện, xã.
* Chương trình 3: Nhận phương án, dự án sản xuất kinh doanh
- Chủ thể nộp phương án, dự án sản xuất kinh doanh đối với ý tưởng sản phẩm được lựa chọn cho hệ thống quản lý Chương trình OCOP cấp huyện. Ban chỉ đạo OCOP cấp huyện đánh giá, lựa chọn kế hoạch kinh doanh có tính khả thi cao, tiến hành tập huấn quản trị sản xuất và kinh doanh cho chủ thể các phương án, dự án sản xuất kinh doanh được chọn.
- Thời gian thực hiện: Tháng 4 hàng năm.
- Trách nhiệm: Ban chỉ đạo OCOP cấp huyện.
* Chương trình 4: Triển khai phương án, dự án sản xuất kinh doanh
- Phương án, dự án sản xuất kinh doanh của các chủ thể sẽ được triển khai với các nội dung chính như: kiện toàn tổ chức kinh tế (thành lập mới hoặc tái cơ cấu); huy động nguồn lực (kiến thức, kỹ năng, đối tác, thị trường, vốn...); xây dựng cơ bản, mua sắm và lắp đặt trang thiết bị; nghiên cứu và phát triển sản phẩm, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng; sản xuất sản phẩm; hoàn thiện quy trình công nghệ; xúc tiến thương mại, phân phối sản phẩm;...
- Trong quá trình triển khai theo Phương án kinh doanh, chủ thể thực hiện sẽ nhận được sự tư vấn tại chỗ, kết nối của cán bộ OCOP cấp huyện hoặc tư vấn của Chương trình OCOP. Kết quả của quá trình triển khai kế hoạch kinh doanh: các chủ thể sản xuất có sản phẩm hoàn chỉnh, tham gia đánh giá, phân loại, dự thi sản phẩm OCOP và lưu thông trên thị trường.
- Thời gian thực hiện: Liên tục từ khi kế hoạch kinh doanh được duyệt.
- Trách nhiệm: Ban chỉ đạo OCOP cấp huyện, tỉnh, các đơn vị liên quan.
* Chương trình 5: Đánh giá và xếp hạng sản phẩm
- Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP bắt buộc phải thực hiện đánh giá, xếp hạng tại cấp tương ứng (sản phẩm đạt từ 3-5 sao ở cấp huyện sẽ được đánh giá ở cấp tỉnh, sản phẩm đạt 4-5 sao cấp tỉnh sẽ được đánh giá ở cấp quốc gia). Các sản phẩm được đánh giá và phân hạng tại các cấp sẽ do Hội đồng đánh giá sản phẩm cấp tương ứng thực hiện. Các sản phẩm không được đánh giá cao (1-2 sao) và các sản phẩm đạt 3-4 sao kỳ trước có thể hoàn thiện và dự thi đánh giá và phân hạng vào kỳ năm tiếp theo.
- Các sản phẩm được đánh giá và xếp hạng theo bộ tiêu chí (quy định tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020).
- Thời gian thực hiện: cấp huyện vào tháng 8 hàng năm, cấp tỉnh vào tháng 9 hàng năm.
- Trách nhiệm: Ban chỉ đạo OCOP cấp huyện, tỉnh, các đơn vị liên quan
* Chương trình 6: Xúc tiến thương mại
- Các sản phẩm dự thi đạt 3 sao trở lên sẽ được hỗ trợ xúc tiến thương mại tại các cấp tương ứng nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tại thị trường địa phương, tỉnh, quốc gia và quốc tế, qua đó thúc đẩy phát triển sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội cộng đồng.
- Các hoạt động chính gồm: Xây dựng hệ thống trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, gian hàng OCOP (dự kiến xây dựng 5 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP liên kết với hoạt động du lịch trong tỉnh tại các huyện Yên Thế, Sơn Động, Lục Nam, Yên Dũng, Việt Yên); quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tổ chức hội chợ sản phẩm OCOP; kết nối thị trường...
- Thông tin thương mại và tuyên truyền về sản phẩm
- Tiến hành xây dựng website OCOP Bắc Giang.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh mở các văn phòng đại diện, trưng bày giới thiệu các sản phẩm của tỉnh tại Trung tâm thương mại của các tỉnh, thành phố trong nước. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao nghiệp vụ.
- Đào tạo, tập huấn, hội thảo, hội nghị về xúc tiến thương mại, xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án về hoạt động khuyến công, khuyến nông.
- Tổ chức các Hội chợ triển lãm trong tỉnh, tham gia Hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế.
- Khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
+ Đối với nhóm sản phẩm hiện đang được xuất khẩu như mỳ Chũ, vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên thế, ớt cay, dưa chuột ở Hiệp Hòa, sản phẩm mộc ở Việt Yên... cần tiếp tục được tiêu chuẩn hóa, mở rộng thị trường và đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ ở các nước.
+ Đối với các sản phẩm cung cấp ngoại tỉnh: Hàng năm tổ chức các đoàn đi khảo sát thị trường xúc tiến thương mại tại các tỉnh thành trong nước và nước ngoài để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh giao thương, liên kết, tìm kiếm đối tác; nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và tiến tới xuất khẩu.
+ Đối với các sản phẩm cung cấp trong tỉnh: Hợp tác, liên kết giữa xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và xúc tiến du lịch, lồng ghép chương trình xúc tiến thương mại với hoạt động khuyến công khi tổ chức cho các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia các đoàn khảo sát thị trường, gặp gỡ, giao thương.
- Tổ chức các hoạt động bán hàng: Hỗ trợ các đơn vị sản xuất kết nối với các trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng để bán sản phẩm OCOP.
- Các hoạt động xúc tiến thương mại khác: Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cấp chứng chỉ chất lượng sản phẩm, chứng chỉ quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
- Trách nhiệm: Ban chỉ đạo OCOP tỉnh, huyện, các đơn vị liên quan.
5.4. Các dự án thành phần:
- Dự án thành phần cấp tỉnh:
+ Làng văn hóa du lịch sinh thái suối Mỡ huyện Lục Nam.
+ Làng văn hóa du lịch sinh thái Khe Rỗ huyện Sơn Động.
+ Làng văn hóa du lịch sinh thái Xuân Lung Thác Ngà huyện Yên Thế.
+ Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Dự án cấp huyện:
+ Mỗi huyện (thành phố) xây dựng từ 1 - 2 dự án liên quan đến phát triển sản phẩm trọng điểm theo chuỗi giá trị, quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ...
+ Chủ trì: Ủy ban nhân dân cấp huyện.
5.5. Định hướng Chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh đến năm 2030:
- Củng cố các thành quả đã đạt được trong giai đoạn 2018-2020; đưa chương trình OCOP đi vào chiều sâu, gắn phát triển nông nghiệp với các ngành kinh tế khác, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.
- Phát triển thêm 2-3 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao cấp quốc gia (sản phẩm đạt 90 - 100 điểm, có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế).
- Triển khai thực hiện từ 1-3 mô hình làng văn hóa du lịch (tại khu du lịch sinh thái Khe Rỗ huyện Sơn Động; khu du lịch sinh thái suối Mỡ huyện Lục Nam; khu du lịch sinh thái Xuân Lung Thác Ngà huyện Yên Thế).
- Triển khai phát triển 06 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh gắn với hoạt động du lịch tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Yên Dũng, Việt Yên.
- Tiếp tục củng cố kiện toàn Doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia thực hiện Chương trình OCOP; phát triển, tiêu chuẩn hóa các sản phẩm OCOP của tỉnh.
- Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất khẩu các sản phẩm OCOP.
- Định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh Bắc Giang có 170 loại sản phẩm OCOP, trong đó chủ yếu là nhóm thực phẩm với 144 loại, còn lại các nhóm khác.
6. Nguồn vốn và cơ cấu vốn huy động thực hiện Đề án
6.1. Tổng kinh phí thực hiện đề án là: 150,237 tỷ đồng (Một trăm năm mươi tỷ, hai trăm ba mươi bẩy triệu đồng). Trong đó:
- Kinh phí giai đoạn 2018-2020: 32,943 tỷ đồng.
+ Kinh phí từ Ngân sách nhà nước 17,343 tỷ đồng (chiếm 53,62%).
+ Kinh phí từ các tổ chức, cá nhân: 15,6 tỷ đồng (chiếm 46,38%).
- Kinh phí giai đoạn 2021-2030: 117,294 tỷ đồng.
+ Kinh phí từ Ngân sách nhà nước 64,844 tỷ đồng (chiếm 54,97%).
+ Kinh phí từ các tổ chức, cá nhân: 52,450 tỷ đồng (chiếm 45,03%).
6.2. Nguồn vốn thực hiện:
- Vốn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; công tác xúc tiến thương mại và khuyến công; vốn lồng ghép các chương trình.
- Các nguồn vốn huy động hợp pháp khác: Vốn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tự huy động; vốn vay từ các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư, quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã.
7. Nhiệm vụ và một số giải pháp chủ yếu
7.1. Tập trung thực hiện tốt việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng bằng nhiều hình thức trong nhân dân để người dân biết và tham gia chương trình. Đưa Chương trình OCOP vào Nghị quyết hành động của cấp ủy các cấp để chỉ đạo thực hiện, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền địa phương để triển khai thực hiện thường xuyên, lâu dài.
7.2. Xây dựng bộ máy quản lý, điều hành Chương trình OCOP từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã; áp dụng chính sách đồng bộ để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh.
7.3. Các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh, áp dụng thực hiện các chính sách hiện hành của Nhà nước và tỉnh về phát triển ngành nghề nông thôn, phát triển nông nghiệp, nông thôn...; hỗ trợ đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực cho cán bộ quản lý OCOP, đội ngũ cán bộ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất kinh doanh có phương án kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
7.4. Xây dựng và triển khai chính sách khoa học, công nghệ đối với các sản phẩm OCOP theo hướng nghiên cứu ứng dụng, triển khai; xây dựng tiêu chuẩn hóa sản phẩm; xây dựng và triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP trên nhu cầu của các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP; Ưu tiên công tác phát triển, đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các sản phẩm OCOP.
7.5. Xây dựng hệ thống tư vấn hỗ trợ, gồm: Các cơ quan quản lý chương trình các cấp, trọng tâm là cấp huyện; các cá nhân, pháp nhân có kinh nghiệm và năng lực tư vấn toàn diện các hoạt động của chương trình OCOP; Hệ thống đối tác của Chương trình gồm: các doanh nghiệp tham gia trong chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm; viện, trường đại học, nhà khoa học; hiệp hội chuyên ngành; các tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm; ngân hàng, quỹ đầu tư; đài phát thanh, truyền hình; nhà báo để hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang.
7.6. Xây dựng hệ thống tư vấn hỗ trợ, gồm: Các cơ quan quản lý chương trình các cấp, trọng tâm là cấp huyện; các cá nhân, pháp nhân có kinh nghiệm và năng lực tư vấn toàn diện các hoạt động của chương trình OCOP; Hệ thống đối tác của Chương trình gồm: các doanh nghiệp tham gia trong chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm; viện, trường đại học, nhà khoa học; hiệp hội chuyên ngành; các tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm; ngân hàng, quỹ đầu tư; đài phát thanh, truyền hình; nhà báo để hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang.
7.7. Huy động nguồn lực: Nguồn lực lớn nhất là từ cộng đồng, do vậy cần triển khai các phương pháp huy động nguồn lực từ cộng đồng (tiền vốn, đất đai, sức lao động, công nghệ...) phù hợp với các quy định của pháp luật; huy động nguồn lực từ các tổ chức tín dụng; các tổ chức khác...;
7.8. Tăng cường Hợp tác trong nước và quốc tế: Hợp tác với các tỉnh, thành trong nước và các nước triển khai chương trình OCOP/OTOP/OVOP để trao đổi kinh nghiệm và quảng bá, bán, xuất khẩu các sản phẩm OCOP đến các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài; Tổ chức, tham gia các hội nghị, diễn đàn, hội chợ xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế nhằm quảng bá sản phẩm và huy động các nguồn lực thực hiện chương trình OCOP.
8.1. Ban chỉ đạo Chương trình OCOP tỉnh
- Triển khai thực hiện Đề án, tìm kiếm chuyên gia tư vấn, triển khai các hoạt động và cân đối, huy động các nguồn kinh phí để thực hiện Đề án.
- Điều phối các hoạt động của các Sở, ngành, đơn vị liên quan tham gia thực hiện Đề án.
- Tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh, lựa chọn sản phẩm dự thi cấp quốc gia.
8.2. Các cơ quan, đơn vị
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Là cơ quan thường trực, tham mưu giúp Ban chỉ đạo Chương trình OCOP tỉnh tổ chức, triển khai thực hiện Đề án.
+ Chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai Chương trình OCOP hàng năm và theo giai đoạn; thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực hiện Chương trình OCOP tại các huyện, thành phố.
+ Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP; thành lập hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm để tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm.
+ Lồng ghép các hoạt động của Đề án vào thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các hoạt động khuyến nông- lâm- ngư; hướng dẫn phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, HTX nông nghiệp.
+ Phối hợp với Sở Công Thương tổ chức Hội chợ Chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang; tổ chức tham gia các hội chợ OCOP ngoài tỉnh để quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP.
+ Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố đánh giá, tổng kết thực hiện Đề án Chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018-2020; tổng hợp báo cáo cấp trên theo quy định.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì Lồng ghép các nội dung của Đề án vào Quy hoạch tổng thể, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hằng năm; xây dựng chiến lược, kế hoạch thu hút các nguồn tài trợ kinh phí từ Trung ương, nước ngoài và các doanh nghiệp, tổ chức để thực hiện Đề án; phối hợp với Sở Tài chính lập dự toán ngân sách và phân bổ thực hiện Đề án theo quy định.
- Sở Tài chính:
+ Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố cân đối, đảm bảo bố trí kinh phí sự nghiệp để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình OCOP theo quy định.
+ Hỗ trợ các tổ chức kinh tế hình thành trong Đề án OCOP về nghiệp vụ, chế độ quản lý tài chính; hướng dẫn một số cơ chế chính sách liên quan đến huy động các nguồn lực trong triển khai thực hiện Đề án.
- Sở Công Thương:
+ Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, UBND cấp huyện, định kỳ tổ chức Hội chợ Chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang; thực hiện hiệu quả các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại các sản phẩm Chương trình OCOP của tỉnh; hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ gia đình đăng ký ý tưởng sản phẩm để sản xuất, kinh doanh.
+ Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thành phố lựa chọn, hỗ trợ các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP gắn với hoạt động du lịch.
- Sở Khoa học và Công nghệ:
+ Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức kinh tế phát triển, đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ; đăng ký mã số, mã vạch; hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa; hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ gia đình thiết kế sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển sản xuất sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.
+ Tổng hợp, đề xuất nhiệm vụ khoa học, công nghệ hàng năm liên quan đến phát triển sản phẩm OCOP.
- Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trong việc bố trí quỹ đất phục vụ xây dựng các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm gắn với các điểm du lịch; bổ sung các danh mục công trình, dự án sử dụng đất phục vụ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm vào Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 tỉnh Bắc Giang; giám sát các hoạt động liên quan đến môi trường tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các khu du lịch, dịch vụ nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và cảnh quan chung.
- Sở Y tế: Hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất thực hiện các quy định liên quan đến an toàn thực phẩm, đăng ký công bố chất lượng sản phẩm; thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, đánh giá các sản phẩm thiên nhiên, thực phẩm chức năng, sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu.
- Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch:
+ Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các dự án thành phần cấp tỉnh gắn với hoạt động du lịch;
+ Hỗ trợ các tổ chức kinh tế, nhóm cộng đồng nghiên cứu phát triển, quảng bá các sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn trên cơ sở phát huy thế mạnh về danh lam, thắng cảnh, truyền thống văn hóa của các dân tộc, vùng miền; hỗ trợ các địa phương phát triển làng văn hóa du lịch.
- Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố, các trường, cơ sở đào tạo nghề xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với việc sản xuất các sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh.
- Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Bắc Giang: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng chuyên mục, chuyên đề về Chương trình OCOP của tỉnh và tăng thời lượng tuyên truyền về Chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang; thường xuyên đăng tải các tin, bài, nêu gương tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện Chương trình OCOP.
- Các Sở, ngành liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, cụ thể hóa các nhiệm vụ của Đề án OCOP gắn với lĩnh vực phụ trách của ngành.
8.3. Các cơ quan, tổ chức chính trị, xã hội:
- Liên minh các HTX tỉnh: Chủ trì nghiên cứu hỗ trợ thành lập mới một số hợp tác xã gắn với việc phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh trong việc thực hiện Đề án.
- Hội Nông dân: Chủ trì xây dựng kế hoạch tuyên truyền vận động hội viên tích cực tham gia xây dựng phát triển sản phẩm Đề án.
- Hiệp hội các doanh nghiệp tỉnh: Chủ trì vận động các doanh nghiệp tích cực tham gia vào các chuỗi giá trị hình thành trong Đề án.
8.4. UBND các huyện, thành phố:
- Căn cứ vào Đề án OCOP tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2030 được UBND tỉnh phê duyệt và căn cứ các điều kiện, thế mạnh sản phẩm của mỗi địa phương, UBND các huyện chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện kế hoạch Chương trình OCOP cấp huyện theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiến phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực, có lợi thế và phát triển du lịch dịch vụ ở nông thôn; thành lập Hội đồng đánh giá, xếp loại sản phẩm OCOP cấp huyện, định kỳ hàng năm tổ chức đánh giá, xếp loại sản phẩm cấp huyện để chọn sản phẩm dự thi đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp tỉnh.
- Huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn; tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích các thành phần kinh tế, hộ gia đình tham gia Chương trình OCOP; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát địa bàn để xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện và hỗ trợ các tổ chức kinh tế, cơ sở, hộ gia đình sản xuất sản phẩm OCOP; tích cực thực hiện công tác xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP.
8.5. UBND xã:
- Tuyên truyền, vận động các tổ chức kinh tế, hộ gia đình trên địa bàn tham gia Chương trình OCOP.
- Tổng hợp ý tưởng sản xuất, kinh doanh sản phẩm của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình trình hệ thống quản lý OCOP cấp huyện đánh giá, lựa chọn; hỗ trợ tổ chức kinh tế, hộ gia đình triển khai thực hiện sản xuất kinh doanh trên ý tưởng được lựa chọn.
(Chi tiết theo Đề án được duyệt)
Điều 2. Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện chương trình theo đúng quy định.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, thủ trưởng các Sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 2834/QĐ-UBND năm 2018 quy định về nội dung, mức chi hỗ trợ hoạt động phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; phát triển ngành nghề nông thôn và Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018-2020
- 2Kế hoạch 226/KH-UBND thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Đồng Tháp giai đoạn từ quý IV năm 2018 đến năm 2020
- 3Quyết định 2863/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030, trên địa bàn thành phố Cần Thơ
- 1Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 2Công văn 4914/BNN-VPĐP năm 2017 xây dựng Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Quyết định 2277/QĐ-BNN-VPĐP năm 2017 về phê duyệt Đề cương Đề án “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 và bộ công cụ điều tra, khảo sát do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành
- 4Quyết định 490/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 2834/QĐ-UBND năm 2018 quy định về nội dung, mức chi hỗ trợ hoạt động phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; phát triển ngành nghề nông thôn và Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018-2020
- 6Kế hoạch 226/KH-UBND thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Đồng Tháp giai đoạn từ quý IV năm 2018 đến năm 2020
- 7Quyết định 2863/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030, trên địa bàn thành phố Cần Thơ
Quyết định 975/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030
- Số hiệu: 975/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 29/06/2018
- Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang
- Người ký: Dương Văn Thái
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra