Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 97/QĐ-UBND | Bắc Ninh, ngày 11 tháng 8 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN RỪNG BỀN VỮNG GẮN VỚI DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ TỈNH BẮC NINH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
UBND TỈNH BẮC NINH
- Căn cứ Luật di sản Văn hóa năm 2001;
- Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004;
- Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh tại Tờ trình số 544/TTr-NN-LN ngày 28/7/2011 về việc đề nghị phê duyệt “Đề án Phát triển rừng bền vững gắn với di tích lịch sử văn hoá tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2011 - 2015”,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển rừng bền vững gắn với di tích lịch sử văn hoá tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2011 - 2015 với các nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm:
1.1. Phát triển rừng gắn với di tích lịch sử văn hoá là phát triển bền vững, gìn giữ môi trường cảnh quan; phát triển rừng theo hướng đa mục đích góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống của nhân dân tham gia nghề rừng.
1.2. Phát triển rừng gắn với di tích lịch sử văn hoá phải trên cơ sở xã hội hoá nghề rừng, gắn trách nhiệm, quyền lợi của chủ rừng với phát triển rừng, mang lại lợi ích cho cộng đồng thông qua việc cung cấp các dịch vụ du lịch, môi trường...
2. Mục tiêu:
2.1. Mục tiêu chung:
Hình thành những khu rừng ổn định, bền vững về cấu trúc, có loài cây trồng phù hợp với các di tích lịch sử văn hoá, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương nói riêng và của cả tỉnh nói chung, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2020.
2.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015:
- Trồng rừng mới: Trồng rừng phòng hộ cảnh quan trên đất trống đồi trọc bằng các loài cây lâm nghiệp (keo, thông, lát...), cây ăn quả (mít, xoài...), cây cảnh quan (muồng hoa vàng, sấu, long não...) góp phần làm đẹp cảnh quan kết hợp chức năng phòng hộ môi trường: 5,0 ha tại núi Hoà Long.
- Cải tạo, nâng cấp 41,26 ha rừng hỗn giao keo - thông tại các khu di tích lịch sử văn hoá thành rừng trồng hỗn giao keo - thông - cây bản địa theo cơ cấu: Cây keo chiếm 19%; Cây thông chiếm 43%; Cây bản địa (lim xanh, giẻ, lát hoa, sưa, trám, muồng hoa vàng, kháo, sồi, si, thị...) chiếm 38% diện tích.
- Trồng cây cảnh quan ven đường giao thông gắn với khu di tích lịch sử văn hoá: 10,8 km.
3. Giải pháp thực hiện:
3.1. Về quy hoạch sử dụng đất: Tổng diện tích: 46,26 ha, bao gồm:
- Cụm Núi Dạm, Núi Kho, Núi Hoà Long (thành phố Bắc Ninh): 21,4 ha
- Cụm Núi Phật Tích, đồi Lim (huyện Tiên Du): 11,0 ha
- Cụm Núi Thiên Thai (huyện Gia Bình): 13,86 ha
3.2. Giải pháp kỹ thuật.
- Trồng rừng mới: 5,0 ha tại núi Hoà Long, thành phố Bắc Ninh.
- Cải tạo rừng: 41,26 ha rừng trồng hỗn giao thông - keo.
- Trồng cây cảnh, cây bóng mát ven đường nội vùng: 10,8 km.
- Chăm sóc, bảo vệ 46,26 ha rừng. Sau khi kết thúc chăm sóc rừng năm 4 thì bàn giao cho chủ rừng quản lý và bảo vệ theo quy định.
3.3. Xây dựng công trình hạ tầng phục vụ lâm sinh, gồm:
- Bảng nội quy bảo vệ rừng: 06 bảng.
- Đường băng xanh cản lửa: 4,2 km.
- Làm đường kiểm tra, phòng chống cháy rừng và kết hợp phục vụ du lịch sinh thái: 4,7 km.
- Cắm mốc ranh giới đất rừng: 19,5 ha với 200 cột mốc.
- Làm tường bao quanh tại khu Đền Bà Chúa Kho, Núi Kho, thành phố Bắc Ninh: 3,2 km tường rào bao quanh.
3.4. Giải pháp tuyên truyền: Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của chủ rừng, của mỗi người dân và toàn xã hội trong việc bảo vệ và phát triển rừng.
4. Tổng vốn đầu tư: 31.840 triệu đồng (ba mươi mốt tỷ, tám trăm bốn mươi triệu đồng)
Trong đó:
4.1. Phân theo hạng mục:
- Lâm sinh: 19.803 triệu đồng
- Xây dựng cơ bản: 9.143 triệu đồng
- Chi quản lý: 2.894 triệu đồng
4.2. Phân theo năm:
- Năm 2011: Xây dựng đề án, lập dự án đầu tư XDCB
- Năm 2012: 7.667 triệu đồng
- Năm 2013: 10.011 triệu đồng
- Năm 2014: 13.314 triệu đồng
- Năm 2015: 848 triệu đồng
5. Nguồn vốn đầu tư: Ngân sách Nhà nước, vốn khác (nếu có).
6. Tổ chức thực hiện:
6.1. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Sở: Kế hoạch & đầu tư, Tài chính, Văn hoá - Thể thao & Du lịch, Tài nguyên & Môi trường, Xây dựng, các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thị, thành phố triển khai thực hiện, đảm bảo đúng quy định của nhà nước.
6.2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn bố trí kinh phí theo quy định.
6.3. UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai thực hiện.
6.4. Chi cục Kiểm lâm chịu trách nhiệm:
Triển khai thực hiện, quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao theo quyết định của nhà nước.
Ký hợp đồng lao động hàng năm với lực lượng cộng tác viên kiểm lâm cơ sở với mức tiền công bằng 0,3 mức lương tối thiểu/người/tháng.
6.5. Các tổ chức, cá nhân quản lý di tích lịch sử văn hoá có trách nhiệm phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, chính quyền cơ sở triển khai thực hiện các dự án phát triển rừng, quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.
Điều 2. Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.
| TM. UBND TỈNH |
Quyết định 97/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Đề án Phát triển rừng bền vững gắn với di tích lịch sử văn hoá tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2011 - 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban hành
- Số hiệu: 97/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 11/08/2011
- Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh
- Người ký: Nguyễn Tử Quỳnh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra