Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 97/2007/QĐ-UBND

Vinh, ngày 28 tháng 8 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG TRUNG TÂM Y TẾ KỸ THUẬT CAO KHU VỰC BẮC TRUNG BỘ TẠI THÀNH PHỐ VINH, TỈNH NGHỆ AN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 239/2005/QĐ-TTg ngày 30/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Phát triển thành phố Vinh thành Trung tâm kinh tế - văn hóa của vùng Bắc Trung bộ”;

Căn cứ Quyết định số 436/QĐ-UBND ngày 03/02/2006 của UBND tỉnh, Quyết định số 742/QĐ-UBND ngày 02/03/2006 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai các chương trình, đề án trọng điểm thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế Nghệ An tại Tờ trình số 1359/TTr-SYT ngày 27 tháng 8 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đề án Xây dựng Trung tâm Y tế kỹ thuật cao khu vực Bắc Trung bộ tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An (Có văn bản kèm theo).

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Y tế Nghệ An chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Vinh và các Sở, ban, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện nội dung của Đề án đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch UBND thành phố Vinh và Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Ky

 

ĐỀ ÁN

XÂY DỰNG TRUNG TÂM Y TẾ KỸ THUẬT CAO KHU VỰC BẮC TRUNG BỘ TẠI THÀNH PHỐ VINH, TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 97/2007/QĐ-UBND ngày 28 tháng 8 năm 2007 của UBND tỉnh Nghệ An)

Phần I

ĐẶT VẤN ĐỀ

Khu vực Bắc Trung bộ được xác định trong đề án này gồm 5 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị, là khu vực có địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt nắng nóng và gió Lào, có 73 đơn vị hành chính cấp huyện và tương đương, 1.666 đơn vị xã, phường, thị trấn, dân số khu vực là 9.104.415 người, chiếm gần 1/8 dân số cả nước. Mạng lưới y tế khu vực tương đối hoàn chỉnh, nhất là hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh, đến nay có 18 cơ sở tuyến tỉnh với 4.205 giường bệnh nội trú, 72 cơ sở tuyến huyện với 6.530 giường bệnh, 103 phòng khám đa khoa khu vực với 1.251 giường bệnh và 1.666 trạm y tế xã với 8.145 giường bệnh dân lập. Mô hình bệnh tật điển hình của một vùng kinh tế khó khăn.

Cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ của nhân dân ngày càng cao, đòi hỏi sự phát triển toàn diện của hệ thống y tế, trong đó hệ thống y tế công lập chiếm một vị trí cực kỳ quan trọng. Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An có lợi thế về điều kiện địa lý, thuận tiện về giao thông đi lại cho các tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ, có tiềm năng kinh tế, có đội ngũ cán bộ trình độ học vấn cao, nhiều kinh nghiệm công tác và có một mạng lưới khám chữa bệnh tương đối hoàn chỉnh, Bệnh viện đa khoa Nghệ An có quy mô hiện đại đang được đầu tư xây dựng, các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh đều đóng trên địa bàn thành phố..., đó là những yếu tố thuận lợi ban đầu để có thể xây dựng thành phố Vinh thành Trung tâm Y tế kỹ thuật cao khu vực Bắc Trung bộ.

Để trở thành Trung tâm y tế kỹ thuật cao vùng Bắc Trung bộ, UBND tỉnh, lãnh đạo ngành y tế Nghệ An đã tiến hành nghiên cứu, lựa chọn mục tiêu, quy mô và xác định phạm vi để xây dựng Đề án, đó là:

* Trường Đại học Y - Dược, Vinh. (có Đề án riêng của Sở GD -ĐT).

* Hệ y tế dự phòng - Lấy Trung tâm YTDP làm trọng tâm phát triển thành Labo an toàn sinh học Cấp độ 2 (BSL- 2).

* Hệ khám chữa bệnh:

Phát triển 2 bệnh viện trọng tâm:

- Phát triển Bệnh viện đa khoa Nghệ An quy mô 700 giường (đa khoa hoàn chỉnh).

- Phát triển Bệnh viện Nhi quy mô 250 giường (2010) và 300 giường (sau 2010).

* Phát triển các bệnh viện vệ tinh:

- Phát triển các bệnh viện vệ tinh: Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện chống lao và bệnh phổi...

Trên cơ sở đó, lựa chọn ưu tiên, phát triển kỹ thuật mũi nhọn cho từng bệnh viện, Trung tâm để tập trung đầu tư, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

* Phát triển Trung tâm kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm, đạt tiêu chuẩn

Thực hành Kiểm nghiệm tốt của tổ chức Y tế Thế giới (Viết tắt là GLP -WHO).

Những căn cứ pháp lý để xây dựng đề án:

- Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.

- Nghị quyết số 39/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2010.

- Thông báo số 20/KL-TW ngày 02/6/2003 của Bộ Chính trị về kết quả sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XV và một số chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An đến năm 2005 và 2010.

- Quyết định số 239/2005/QĐ-TTg ngày 30/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá vùng Bắc Trung bộ.

- Thông báo số 111/TB-VPCP ngày 05/8/2003 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An.

- Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về xã hội hóa các hoạt động y tế.

- Căn cứ Quyết định số 742/QĐ-UBND ngày 02/3/2006 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch triển khai các Chương trình, đề án trọng điểm thực hiện Nghị quyết 01/NQ-TU ngày 26/12/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVI.

Dựa vào cơ sở pháp lý và nhu cầu trên đây, Sở Y tế Nghệ An tham mưu xây dựng đề án: "Xây dựng Trung tâm Y tế kỹ thuật cao khu vực Bắc Trung bộ, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An".

Phần II

KHÁI QUÁT CHUNG VỀ HỆ THỐNG Y TẾ BẮC TRUNG BỘ VÀ THỰC TRẠNG HỆ THỐNG Y TẾ TỈNH NGHỆ AN

I. HỆ ĐÀO TẠO NHÂN LỰC:

Hiện nay các tỉnh trong khu vực đều có Trường Cao đẳng hoặc Trung cấp y tế, Hàng năm, các trường này đào tạo khoảng hơn 1000 cán bộ điều dưỡng viên trung học, 4 năm gần đây Trường Cao đẳng Y tế Nghệ An đã được mở mã ngạch đào tạo cao đẳng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu đội ngũ cán bộ y tế cho các cơ sở y tế của vùng, Trường Cao đẳng Y tế Nghệ An đã nhiều năm tuyển sinh và đào tạo cán bộ y tế có trình độ cao đẳng, trung cấp và dạy nghề, liên kết với các trường Đại học Y - Dược đào tạo cán bộ y tế có trình độ đại học và trên đại học. Trong đó đã ưu tiên tuyển sinh và đào tạo đối với các vùng sâu, vùng xa, miền núi.

Phần đánh giá cụ thể tại Đề án do Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng.

II. HỆ THỐNG Y TẾ DỰ PHÒNG:

Các tỉnh trong khu vực đều có hệ thống y tế dự phòng tương đối hoàn chỉnh về tổ chức, bộ máy. Hoạt động chuyên môn có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh, 5 năm qua chưa có vụ dịch lớn nào xảy ra. Các bệnh truyền nhiễm gây dịch cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, nguy cơ phát dịch vẫn còn cao do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Trong đó phải kể đến yếu tố thiếu thốn các phương tiện trang thiết bị, labo xét nghiệm, giám sát dịch tễ và vật tư hoá chất để khống chế khi có dịch xẩy ra.

Riêng ở Nghệ An, thực trạng y tế dự phòng đang được xây dựng theo hướng dự phòng tích cực và chủ động theo quan điểm của Bộ Y tế. Hoạt động của YTDP có sự phối, kết hợp giữa các cấp, các ngành và từng bước xã hội hoá nhằm huy động nguồn lực từ phía cộng đồng.

Thực trạng về hoạt động chuyên môn và trang thiết bị tại Trung tâm y tế dự phòng tỉnh:

* Những kỹ thuật, xét nghiệm hiện đang triển khai:

- HIV/AIDS: Test nhanh, Serodia, ELISA

- SXH, Viêm gan B: ELISA.

- Phân tích hoá, lý, vi sinh thực phẩm và nước.

- Các thiết bị như máy đo ồn, rung, bụi, hơi khí độc, tốc độ gió, ánh sáng... để kiểm tra môi trường lao động.

* Các trang thiết bị hiện có tại Trung tâm: Hiện đã có một số máy cơ bản như: dàn ELISA, máy sắc ký khí, máy siêu âm, tủ hốt.

Hiện nay Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Nghệ An chỉ mới có một số trang thiết bị cơ bản trên nhằm phục vụ cho công tác xét nghiệm nước, thực phẩm, vi khuẩn, kiểm tra môi trường lao động tuy nhiên cũng đã cũ và lạc hậu, nhiều thiết bị đã bị hư hỏng, không còn sử dụng được, một số đã quá cũ, không còn thích hợp với tốc độ phát triển của khoa học kỹ thuật. Hơn nữa, sự đầu tư chưa đồng bộ nên hiệu quả sử dụng của trang thiết bị chưa cao cho nên ảnh hưởng chung đến công tác chăm sóc bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Vì vậy, nhiều xét nghiệm cần thiết chưa thể thực hiện được như: Xét nghiệm độc chất, kiểm nghiệm kim loại nặng trong nước và thực phẩm, xác định nhanh hoá chất bảo vệ thực vật trong thực phẩm, phân lập vi rút, phát hiện nhanh tác nhân gây bệnh... Nhiều xét nghiệm còn mang tính thủ công, chưa đáp ứng kịp thời cho công tác chuyên môn.

III. HỆ THỐNG KHÁM CHỮA BỆNH:

Hệ thống cơ sở khám chữa bệnh (KCB) các tỉnh trong khu vực được tổ chức theo quy hoạch Mạng lưới KCB của Bộ Y tế. Nhìn chung tương đối ổn định về tổ chức, bộ máy. Từ đó chất lượng hoạt động chuyên môn đạt được mốt số thành tích đáng kể. Tỷ lệ giường bệnh trên vạn dân: 14,2 (bình quân khu vực). Tổng số lần khám bệnh hàng năm là 11.219.760, đạt tỷ lệ 1,23 lượt người/năm. Tổng số ngày điều trị bệnh nhân ngoại trú là 1.404.766, đạt tỷ lệ 1, 55 lượt người/năm. Tổng số ngày điều trị nội trú 6.198.225 ngày đạt tỷ lệ ngày điều trị trung bình 7,1 ngày/đợt điều trị. Công suất sử dụng giường bệnh chung các bệnh viện tuyến tỉnh trong khu vực đạt từ 95% - 108% (các bệnh viện đa khoa luôn trong tình trạng quá tải).

Ở Nghệ An, cơ sở vật chất Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang được đầu tư xây dựng có quy mô hiện đại mang tầm khu vực để thay thế cho co sở vật chất bệnh viện cũ đang bị xuống cấp trầm trọng. Dự án xây dựng Bệnh viện mới có quy mô 700 giường với thiết kế hiện đại cao 11 tầng, bao gồm 4 khối: khối khám bệnh và điều trị ngoại trú; khối chữa bệnh nội trú: 21 khoa; khối kỹ thuật nghiệp vụ: 14 khoa; khối hành chính quản trị và phục vụ sinh hoạt: 8 phòng và bộ phận.

- Công tác khám - chữa bệnh có nhiều chuyển biến, chất lượng khám chữa bệnh được nâng hơn. Đã triển khai một số kỹ thuật cao như: mổ nội soi ổ bụng, mổ sọ não, xử lý đột quỵ, mổ ung thư thực quản đường ngực bụng, phẩu thuật tạo hình trong dị dạng đường sinh dục...

Thực trạng bộ máy tổ chức Bệnh viện Hữu nghị đa khoa:

- Tổng định biên: 612; Trong đó, đại học và trên đại học: 155 (chiếm 25,3%); trung học: 312 (51,1%).

- Có 6 phòng chức năng tham mưu.

- Có 17 khoa lâm sàng; 4 khoa cận lâm sàng.

- Giường bệnh: 640 giường (năm 2006).

- Công suất sử dụng giường bệnh (năm 2005): 128%.

Thực trạng trang thiết bị Bệnh viện: Hiện đã được trang bị máy CT. Scanner, máy Siêu âm màu, máy nội soi phẫu thật, nội soi chẩn đoán, máy Huyết học đa thông số tự động, dao mổ điện cao tần. (Phần chi tiết xem phụ lục 2).

Bên cạnh Bệnh viện đa khoa, Bệnh viện Nhi là một bệnh viện đa khoa trẻ em hoàn chỉnh, Có thực trạng:

- Quy mô giường bệnh: 210.

- Cán bộ: 6 BSCK cấp 2 thuộc các chuyên ngành khác nhau về nhi khoa; 2 Thạc sỹ; 35 BS và DS. CK cấp 1. Hầu hết các chuyên khoa sâu về nhi đều có BSCK cấp 2, CK cấp 1 thạc sỹ có uy tín chuyên môn.

- Cơ sở vật chất hạ tầng và trang thiết bị y tế mới đáp ứng được nhu cầu trước mắt về KCB tuyến 2. Là bệnh viện chuyên khoa nhi sau hơn 20 năm xây dựng và trưởng thành, đặc biệt có hỗ trợ Chính phủ Cộng hoà Phần Lan thông qua 2 giai đoạn của Dự án ODA không hoàn lại, Bệnh viện đã có uy tín bước đầu trong khu vực, nhiều bệnh nhân ở Hà Tĩnh có nguyện vọng ra điều trị tại Bệnh Viện Nhi Nghệ An. Bệnh viện đã có ưu thế về phẫu thuật nhi, sơ sinh, HSCC; có đội ngũ cán bộ có trình độ giảng viên quốc gia về các lĩnh vực: Xử trí lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh; chăm sóc thiết yếu sơ sinh; cấp cứu nhi khoa.

Nhìn chung hai bệnh viện đang từng bước thực hiện hoàn thiện quy chế Bệnh viện đến từng đơn vị khoa phòng, triển khai thực hiện tốt các đề án của ngành. Đã triển khai được nhiều kỹ thuật mới.

Tuy nhiên so với nhu cầu phát triển chuyên môn kỹ thuật của Bệnh viện tuyến tỉnh thì vẫn còn nhiều tồn tại cần phải khắc phục trong thời gian tới, nhất là hệ thống các thiết bị y tế kỹ thuật cao, trình độ chuyên khoa sâu, các kỹ năng kỹ thuật lành nghề để thực hiện các kỹ thuật bắt buộc của một Trung tâm y tế kỹ thuật cao trong khu vực.

IV. HỆ THỐNG CÁC ĐƠN VỊ VỆ TINH:

Các bệnh viện vệ tinh của Trung tâm đều nằm trên địa bàn thành phố, đó là: Bệnh viện Chống lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần, Trong quy hoạch Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Mắt Nghệ An cũng sẽ được thành lập trên địa bàn thành phố. Các Trung tâm khác thuộc hệ y tế dự phòng như: Trung tâm phòng chống sốt rét, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Da liễu là những đơn vị có nhiều thành tích trong lĩnh vực tế dự phòng.

Các đơn vị vệ tinh được tổ chức bộ máy theo Nghị định 171/2004/NĐ-CP ngày 29/9/2004 của Chính phủ và hoạt động theo Quy chế Bệnh viện, Quy định chức năng và nhiệm vụ của các đơn vị y tế tuyến tỉnh do Bộ Y tế ban hành.

Thực trạng về cơ sở vật chất trang thiết bị của các đơn vị này cần được nâng cấp và bổ sung để có khả năng đảm nhiệm chức năng là các đơn vị vệ tinh của Trung tâm y tế kỹ thuật cao khu vực Bắc Trung bộ.

Bên cạnh hệ thống khám chữa bệnh công lập, còn có hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập. Những năm gần đây, mạng lưới khám chữa bệnh ngoài công lập phát triển nhanh, đến 30/6/2007, toàn tỉnh đã có 16 phòng khám bệnh đa khoa; 143 phòng khám bệnh chuyên khoa; 4 bệnh viện tư nhân với tổng số 313 giường bệnh nội trú; 2 cơ sở vận chyển cấp cứu; 395 quầy thuốc tư nhân; 120 nhà thuốc; 19 Công ty TNHH, 2 Công ty cổ phần Dược phẩm và trang thiết bị; 473 tủ thuốc của trạm y tế. Xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn của Tổ chức y tế Thế giới (GMP/GLP/GSP - WHO). Bước đầu đã có sản phẩm và thương hiệu trên thị trường trong tỉnh và cả nước. Ngoài ra, thực hiện chủ trương XHH đầu tư trang thiết bị của UBND tỉnh. Tại các bệnh viện HNĐK tỉnh, Bệnh viện Nhi, một số bệnh viện huyện còn liên doanh tiến hành lắp đặt một số trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh.

V. CÔNG TÁC KIỂM NGHIỆM DƯỢC PHẨM - MỸ PHẨM:

Các tỉnh trong khu vực đều có Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm thực hiện chức năng giám sát, kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm lưu hành trên địa bàn. Các Trung tâm có tổ chức và bộ máy theo quy định của Nhà nước. Nhìn chung, hiện nay các Trung tâm còn rất nghèo nàn về trang thiết bị kiểm nghiệm. Hầu hết chưa đạt tiêu chuẩn GLP trong điều kiện các hãng sản xuất thuốc, mỹ phẩm đều đăng ký đạt tiêu chuẩn GMP, GSP... Đây là điều bất cập trong công tác quản lý, giám sát các hoạt động dược, mỹ phẩm.

Thực trạng Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm Nghệ An.

(Xem phụ lục 3)

- Về trang thiết bị: thiếu, không đồng bộ và lạc hậu, do vậy công tác kiểm nghiệm gặp rất nhiều khó khăn. Hàng năm đã có đầu tư kinh phí để mua sắm thiết bị máy móc. Tuy nhiên, chưa thể đáp ứng kịp với yêu cầu phân tích - kết luận chất lượng thuốc hiện nay đối với thị trường thuốc - mỹ phẩm.

- Về cơ sở vật chất:

Hiện tại trung tâm đang đóng trụ sở trong khuôn viên có diện tích khoảng 590 m2, tuy diện tích sử dụng còn ít, các điều kiện về thiết kế, kết cấu công trình... còn phải nâng cấp nhiều. Song, vị trí của Trung tâm thuận lợi về nhiều mặt điện nước, hạ tầng giao thông và các điều kiện văn hoá xã hội khác.

- Về hoạt động chuyên môn:

Với một đội ngũ cán bộ chuyên môn chưa đủ, cơ sở vật chất còn hạn chế, lại phải quản lý trên một địa bàn trải rộng 19 huyện thành trong đó có 10 huyện miền núi, núi cao, việc kiểm tra quản lý kiểm nghiệm mang tính thường xuyên liên tục trong điều kiện trung tâm còn nhiều khó khăn về nhân lực, kinh phí... nhưng hàng năm trung tâm vẫn thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm đạt và vượt kế hoạch. Tham mưu cho Sở Y tế trong công tác quản lý chất lượng thuốc, góp phần đảm bảo chất lượng thuốc, an toàn hợp lý.

Do hạn chế trang thiết bị về hoá chất, dung môi và chất chuẩn nên số lượng thuốc không đạt chất lượng còn hạn chế, chủ yếu là các thuốc đơn chất, hoặc 2 thành phần, một số kháng sinh Vitamin, thuốc thông thường. Nếu trang thiết bị tốt hơn, đầy đủ hơn chắc chắn hiệu quả kiểm nghiệm tốt hơn.

Dự báo nhu cầu phát triển đến năm 2010 và 2020.

(Một số chỉ tiêu cơ bản của Nghệ An).

1. Dân số:

- Dự báo đến năm 2010: 3.230.000 người

- Dự báo đến năm 2020: 3.580.000 người

2. Chỉ tiêu y tế:

Chỉ tiêu chung

Hiện tại (6/2007)

2010

2020

- Tuổi thọ trung bình

71

> 72

75

- Tỷ suất chết mẹ/100.000 trẻ đẻ sống

74

70

< 60

- Tỷ lệ chết trẻ < 1 tuổi/1.000 trẻ đẻ sống

18

< 16

< 15

- Tỷ lệ chết trẻ < 5 tuổi/1.000 trẻ đẻ sống

20

20

< 18

- Tỷ lệ trẻ mới đẻ trọng lượng < 2.500g (%)

7

6

< 5

- Tỷ lệ trẻ < 5 tuổi bị suy dinh dưỡng (%)

28

< 20

<10

- Tỷ lệ tử vong sơ sinh (%o)

20

18

15

- Chiều cao trung bình thanh niên

1m58

> 1m60

1m65

3. Nhu cầu cán bộ và đảm bảo về y tế:

- Bác sỹ/vạn dân

3,65

5,8

7

- Dược sỹ ĐH/vạn dân

0,35

0,6

1,0

- Tỷ lệ xã có bác sỹ (%)

70

90

> 90

- Tỷ lệ xã có NHS hoặc YSSN (%)

95

100

100

- Tỷ lệ xã đạt chuẩn Quốc gia (%)

39

75

100

- Tỷ lệ thôn bản có nhân viên y tế hoạt động

100

100

100

4. Nhu cầu giường bệnh (giường/vạn dân)

14

16

22

Trong đó có 1- 2 giường dân lập

 

 

 

5. Dịch vụ y tế

 

 

 

- Khám chữa bệnh/người/năm:

2,2

3,0

>3,0

- Ngày điều trị nội trú trung bình/1 bệnh nhân

8,5

7,0

<7

Phần III

MỤC TIÊU, CÁC NỘI DUNG CƠ BẢN VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

A. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu chung:

Xây dựng và phát triển các cơ sở y tế ở thành phố Vinh thành một Trung tâm Y tế kỹ thuật cao, từng bước hiện đại hoá để theo kịp trình độ các Trung tâm chuyên sâu trong cả nước, hỗ trợ chuyên môn cho các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân với chất lượng ngày càng cao.

2. Mục tiêu cụ thể:

2.1. Xây dựng, phát triển Bệnh viện Đa khoa Nghệ An, Bệnh viên Nhi thành trung tâm khám chữa bệnh có quy mô 1000 giường.

2.2. Hoàn thiện và phát triển trung tâm y tế dự phòng thành Trung tâm phòng dịch có Labo an toàn sinh học đạt cấp độ 2.

2.3. Củng cố và phát triển các Bệnh viện vệ tinh nhằm giảm tải cho Bệnh viện đa khoa. Tạo điều kiện phát triển chuyên khoa sâu cho từng chuyên ngành.

2.4. Phát triển Trung tâm kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm thành Trung tâm kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn Thực hành Kiểm nghiệm tốt theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (GLP- WHO).

2.5. Triển khai đề án phát triển công nghiệp dược, đảm bảo công suất 500 tấn sản phẩm/năm, góp phần bình ổn giá thuốc và gây thương hiệu mạnh trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.

2.6. Phát triển các cơ sở y tế ngoài công lập, đến năm 2010 phấn đấu đạt 7 bệnh viện tư nhân được cấp phép đi vào hoạt động. (Đưa tổng số 313 giường bệnh hiện nay lên 500 giường, đạt tỷ lệ 1, 6 giường/vạn dân)

B. NỘI DUNG CƠ BẢN PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM Y TẾ KỸ THUẬT CAO

I. TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y - DƯỢC, THÀNH PHỐ VINH

Là Trường đại học đa ngành, đa bậc học và đa hệ đào tạo. Đồng thời Trường còn là trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, dịch vụ khoa học; nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm các loại thuốc phục vụ cho công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Phấn đấu để xây dựng trường Đại học Y - Dược Vinh đạt trình độ phát triển tương đương các trường đại học Y - Dược trong nước vào năm 2020 với quy mô 3.500 - 4.500 HSSV. Lựa chọn phương án hợp lý để sớm thành lập Trường Đại học Y - Dược trên thành phố Vinh. (Có thể thông qua hình thức thành lập phân hiệu đại học trên cơ sở của một Trường Đại học Y - Dược trong nước đỡ đầu).

(Đề án chi tiết do Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo xây dựng).

II. TRUNG TÂM Y TẾ DỰ PHÒNG:

- Phát triển hệ thống giám sát dịch bệnh và giám sát chất lượng hoạt động của hệ thống y tế dự phòng nhằm phát hiện sớm các nguy cơ gây dịch, tổ chức ngăn chặn và dập dịch có hiệu quả nếu dịch xảy ra.

- Nâng cao năng lực cán bộ và đầu tư trang thiết bị hiện đại phù hợp với định hướng cho năm 2006 - 2010 với mục tiêu đạt Labo an toàn sinh học cấp 2.

- Phát huy năng lực phát hiện, chẩn đoán nguyên nhân dịch bệnh tại cộng đồng và có biện pháp ngăn ngừa kịp thời, hữu hiệu, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm như SARS, cúm A (H5N1)...

- Phát triển nguồn nhân lực chuyên ngành của hệ thống YTDP từ tỉnh đến huyện, xã để đảm bảo nhiệm vụ vệ sinh phòng bệnh, phòng và chống dịch một cách chủ động.

Phát triển kỹ thuật và nhu cầu trang thiết bị:

Xây dựng Trung tâm y tế dự phòng tỉnh nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các xét nghiệm thường quy, tăng cường các kỹ thuật xét nghiệm độc chất, kiểm nghiệm kim loại nặng trong nước và thực phẩm, xác định nhanh hoá chất bảo vệ thực vật trong thực phẩm, phân lập vi rút, phát hiện nhanh tác nhân gây bệnh... tương xứng với Trung tâm Y tế kỹ thuật cao của khu vực Bắc miền Trung.

Để đáp ứng được với yêu cầu và nhiệm vụ trong thời gian tới sẽ triển khai.

* Về hoá học.

Hoá thực phẩm: Xác định hoá chất bảo vệ thực vật, các kim loại nặng…

Hoá nước: Xác định tồn dư hoá chất bảo vệ thực vật, độ màu, độ đục, nhôm, Antimon, Bari, Cadimi, Hydrosunfua, thuỷ ngân, Molipden, Niken, Selen, Natri, kẽm, nhóm Ankal clo hoá, Hydrocacbua thơm, nhóm Benzen clo hoá, nhóm các chất hữu cơ phức tạp, hoá chất khử trùng và sản phẩm phụ.

Hơi khí độc và sinh hoá máu nước tiểu. Hơi Asen, Crom và các sinh hoá bệnh nghề nghiệp khác...

* Về vi sinh vật

Phân lập vi rút Viêm não Nhật Bản B. Định týp vi rút Dengue.

Xét nghiệm TCD4, TCD8.

* Để thực hiện tốt yêu cầu trên phải xây dựng được phòng thí nghiệm đạt mức an toàn sinh học cấp 2 (BSL2) đáp ứng một số tiêu chí sau:

+ Là phòng thí nghiệm ngăn chặn được sự lây nhiễm của các loại vi sinh vật thuộc nhóm nguy cơ 2 (mức độ nguy cơ lây nhiễm cho cá thể trung bình, nguy cơ cho cộng đồng thấp).

+ Là phòng thí nghiệm thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, chẩn đoán và nghiên cứu.

+ Các hoạt động của phòng thí nghiệm yêu cầu kỹ thuật vi sinh vật chuẩn, quần áo bảo hộ và biển báo nguy hiểm sinh học.

+ Thiết bị an toàn cần thiết là bàn xét nghiệm và tủ an toàn sinh học khi có nguy cơ tạo khí dung.

+ Yêu cầu trang thiết bị thiết yếu cố định.

- Buồng cấy an toàn sinh học                 - Kính hiển vi

- Tủ ấm                                                 - Dàn ELISA

- Tủ sấy                                                - Máy ly tâm

- Tủ lạnh                                                - Máy lắc

- Lò hấp tiệt trùng                                  - Máy khuấy từ...

+ Bên cạnh đó cần phải đạt các yêu cầu cần thiết như: thiết kế xây dựng, thực hiện đúng nguyên tắc chung, đảm bảo an toàn hoá chất, quy trình xử lý rác thải, đào tạo nguồn nhân lực đủ năng lực....

Nhu cầu trang thiết bị (Xem phụ lục 4). Nhu cầu xây dựng mới.

Xây dựng mới nhà kỹ thuật và làm việc của Trung tâm theo mẫu 2a/TCN- của Bộ Y tế. (dựa theo dự án Hỗ trợ phát triển hệ thống y tế dự phòng ước tính khoảng 6 tỷ).

Nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực.

Giai đoạn từ nay đến năm 2020 bổ sung và duy trì đồng thời đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu mới như sau:

TT

TRÌNH ĐỘ

Hiện có

Kế hoạch đào tạo đến năm 2010

Kế hoạch đào tạo đến năm 2020

1

Tiến sỹ - CK II

 

6

10

2

Thạc sỹ - CK I

4

9

12

3

Bác sỹ

17

19

15

4

Đại học khác - Cao đẳng

8

10

10

5

TC - KTV

15

10

9

6

Khác

4

4

4

 

Tổng

48

58

60

III. HỆ THỐNG KHÁM CHỮA BỆNH TRUNG TÂM Y TẾ KỸ THUẬT CAO:

1. Hệ thống khám chữa bệnh trung tâm: được xác định là Bệnh viện Đa khoa và Bệnh viện Nhi. Đây sẽ là bệnh viện hạt nhân có quy mô trên 1000 giường bệnh nội trú, thực hiện các kỹ thuật cao, ứng dụng các tiến bộ về khoa học y học và công nghệ thông tin trong công tác khám chữa bệnh và hợp tác với các cơ sở khám chữa bệnh Trung ương và Quốc tế. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã dược UBND phê duyệt Dự án đầu tư với tổng dự toán là 553 tỷ đồng. Bệnh viện Nhi đã được đưa vào kế hoạch của Chính phủ đầu tư xây dựng giai đoạn 2 (tại Quyết định số 239/2005/QĐ-TTg ngày 30/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ).

2. Về tổ chức bộ máy:

* Bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh có:

- Ban giám đốc Bệnh viện.

- Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn thanh niên...

- Khối khám bệnh và điều trị ngoại trú: 7 bộ phận.

- Khối điều trị bệnh nội trú: 21 khoa lâm sàng.

- Khối kỹ thuật nghiệp vụ: 14 khoa.

- Khối hành chính quản trị phục vụ: 8 phòng và bộ phận phụ trợ.

* Bệnh viện Nhi:

- Ban giám đốc Bệnh viện.

- Khối khám bệnh và điều trị ngoại trú.

- Khối điều trị nội trú: 10 khoa lâm sàng.

- Khối kỹ thuật nghiệp vụ: 10 khoa.

- Khối hành chính quản trị.

3. Về kỹ thuật chuyên môn:

3.1. Bệnh viện Đa khoa.

* Về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế:

Bệnh viện đa khoa Nghệ An đang triển khai dự án đầu tư xây dựng với tổng kinh phí gần 553 tỷ đồng (trong đó hơn 350 tỷ mua sắm TTB, dụng cụ y tế).

* Về chuyên môn

Hệ ngoại:

a) Ngoại tiêu hoá - gan mật:

- Hoàn thiện kỹ thuật mổ nội soi tiêu hoá gan mật như mổ cắt túi mật nội soi, lấy sỏi đường mật chính và phát triển thêm một số kỹ thuật mổ nội soi như cắt dây thần kinh X, trào ngược thực quản, co thắt tâm vị, thoát vị bẹn.

- Triển khai nội soi chẩn đoán chấn thương bụng.

- Tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật cắt khối tá tụy, cắt dạ dày toàn bộ.

- Phát triển kỹ thuật cắt gan bệnh lý: u gan.

- Triển khai kỹ thuật mổ ung thư thực quản đường ngực bụng.

b) Ngoại tiết niệu:

Tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da, tán sỏi và lấy sỏi qua nội soi niệu quản. Mổ nội soi tiết niệu qua thắt lưng, qua ổ bụng.

c) Ngoại lồng ngực - mạch máu:

- Phẫu thuật lồng ngực trong tràn mủ dịch, cặn màng phổi, phẫu thuật u phổi; tràn dịch, tràn mủ, máu màng ngoài tim, cấp cứu mạch máu.

- Phẫu thuật cấp cứu tim mạch, khi đủ điều kiện phát triển sẽ triển khai phẫu thuật tim sau này.

d) Chấn thương chỉnh hình và thần kinh sọ não:

- Phát triển mổ sọ não bệnh lý như u não.

- Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm.

- Phẫu thuật chấn thương cột sống vùng lưng, thắt lưng.

- Phẫu thuật nội soi khớp gối.

- Kết xương không mổ ổ gãy.

Trước mắt, từ nay đến năm 2010 tập trung phát triển các kỹ thuật cao về chấn thương chỉnh hình, những năm sau đó có điều kiện sẽ thành lập Trung tâm chấn thương chỉnh hình.

e) Phụ - Sản:

- Phát triển các phẫu thuật tạo hình trong dị dạng đường sinh dục.

- Phẫu thuật u xơ nội soi.

- Phối hợp với khoa ung bướu điều trị tốt các trường hợp ung thư.

* Sức khoẻ sinh sản và vô sinh:

- Khi có Bệnh viện mới tiến đến thực hiện áp dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

* Sơ sinh: Sử dụng thành thạo máy thở cho các trẻ sơ sinh nhẹ cân, đủ cân khi ngừng thở hoặc suy hô hấp nặng.

g) Về u bướu:

- Phối hợp với khoa lâm sàng để điều trị các bệnh lý u bướu chủ yếu phẫu thuật các loại u bướu.

- Thành lập khoa u bướu, tổ chức thực hiện tốt kỹ thuật điều trị ung thư theo phương pháp tia xạ hoá trị liệu.

h) Về tai mũi họng:

Mổ nội soi mũi, xoang.

i) Về mắt:

- Mổ đặt thuỷ tinh thể bằng phương pháp Phaco.

- Điều trị bằng Lazer các bệnh lý về mắt.

- Phẫu thuật tạo hình mi.

- Phẫu thuật nối lệ quản chấn thương và bệnh lý.

k) Về răng hàm mặt:

- Triển khai kỹ thuật làm răng giả gắn chặt: thép, sứ; cấy ghép Implants trong phục hình mất răng.

- Triển khai kỹ thuật hàn răng bằng Composit đại trà.

- Thay lồi cầu xương hàm.

- Ghép xương tự thân trong mất đoạn xương, xương bệnh lý cần cắt bỏ.

l) Về gây mê hồi sức:

Triển khai gây mê cho phẫu thuật lồng ngực và phẫu thuật tim mạch can thiệp.

Hệ nội:

a) Về tim mạch:

- Phát triển kỹ thuật cấp cứu tim mạch:

- Triển khai điều trị tim tích cực để giúp hệ ngoại tim mạch chẩn đoán, điều trị trước và sau mổ tim.

- Phát triển chẩn đoán chuyên sâu bằng điện tim gắng sức, siêu âm tim.

- Phát triển tim mạch can thiệp. Quý IV /2007 B/v HNĐK tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển khoa tim mạch, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, để từng bước tiếp cận sự giúp đỡ của Viện tim mạch TW, Viện tim Tp. Hồ Chí Minh, Chuyên khoa tim mạch Huế, Hội tim mạch Quốc gia Việt Nam nhằm phát triển kỹ thuật bệnh lý của hệ tim mạch.

b) Về thần kinh:

- Tiến hành kỹ thuật tiêm ngoài màng cứng điều trị thoát vị đĩa đệm.

- Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng chọc hút đĩa đệm qua da.

- Tiếp tục phát triển và hoàn thành đơn vị đột quỵ trong khoa.

c) Về da liễu:

Triển khai Lazer CO2, Lazer nội mạch điều trị bệnh da liễu.

d) Về hồi sức cấp cứu:

- Thành lập tổ chống độc và hồi sức cấp cứu theo mô hình Bộ Y tế.

- Thành lập tổ thận nhân tạo 5 máy - 10 máy.

- Triển khai soi phế quản.

e) Khoa nội tổng hợp:

- Ứng dụng kỹ thuật nội soi trong gắp giun đường mật, lấy sỏi ống mật chủ qua cắt cơ tròn Oddi, chụp đường mật tuỵ ngược dòng ERCP.

g) Về dinh dưỡng:

Thực hiện chế độ ăn bệnh lý cho 100% bệnh nhân nội trú, ít nhất 02 bữa chính/ngày.

Cận lâm sàng:

a) Về xét nghiệm:

- Thành lập Trung tâm truyền máu khu vực đặt tại Bệnh viện.

- Phát triển kỹ thuật miễn dịch truyền máu, miễn dịch huyết học.

- ứng dụng công nghệ mới của y học trong việc xác định kháng nguyên, kháng thể và các maker gây bệnh bảo đảm an toàn truyền máu ở mức cao.

- Tiến hành đầy đủ xét nghiệm sinh hoá phục vụ chẩn đoán và điều trị.

- Tăng cường công tác kiểm soát chống nhiễm khuẩn bệnh viện, phát triển phòng vi sinh.

b) Về giải phẫu bệnh:

Phát triển chuyên sâu, chẩn đoán và phân loại, phân độ ung thư tạo điều kiện cho khoa u bướu điều trị hoá chất, tia xạ.

c) Khoa chẩn đoán hình ảnh. c.1. Về X quang:

- X quang chụp mạch máu.

- Tiến hành chụp vú.

c.2. CT Scaner và MRI:

- Phát triển chụp cắt lớp vi tính nhiều đầu dò có tính chất thường quy.

- Chụp cộng hưởng từ hạt nhân trong những bệnh lý chẩn đoán đặc hiệu.

c.3. Siêu âm:

Siêu âm mầu Doppler 3D phát triển mạnh đặc biệt siêu âm tim, siêu âm căn âm, siêu âm mạch máu để giúp đỡ ngành nội tim mạch phát triển, từ đó có cơ sở cho ngoại tim mạch phát triển.

c.4. Nội soi:

- Tiến hành thủ thuật gắp giun chui đường mật qua đường nội soi, gắp sỏi ống mật chủ qua đường nội soi có cắt cơ tròn oddi (Edoscopis Sphi Notomy).

- Thực hiện kỹ thuật chụp đường mật tuỵ ngược dòng.

- Tiêm xơ cầm máu, thắt tĩnh mạch thực quản trong điều trị chảy máu do giãn tĩnh mạch thực quản, cắt polyp đại tràng qua nội soi.

3.2. Bệnh viện Nhi:

+ Mở thêm 2 khoa mới trong 2 năm tới: Phục hồi chức năng, Khoa 3 chuyên khoa.

+ Phát triển khoa sơ sinh: Từng bước nâng chỉ tiêu giường bệnh. Mở 2 đơn nguyên hồi sức sơ sinh, đơn nguyên trẻ nhẹ cân non tháng trong khoa sơ sinh. Thực hiện các kỹ thuật điều trị sơ sinh tương đương Bệnh viện Nhi Trung ương hiện nay để bệnh nhân sơ sinh không phải chuyển đi Hà Nội, kể cả thay máu cho sơ sinh vàng da nhân.

+ Về Ngoại khoa: Tập trung nâng chất lượng các phẫu thuật bệnh lý bẩm sinh ở trẻ sơ sinh. Hồi sức bỏng, phẫu thuật lồng ngực, phẫu thuật các dị tật.

+ Về Bệnh tim bẩm sinh: Hoàn thiện chẩn đoán các bệnh tim bẩm sinh, bước đi cho can thiệp các bệnh tim bẩm sinh như sau:

. Mổ tim kín vào đầu năm 2007.

. Can thiệp bằng đặt dù các lỗ thông vào đầu năm 2008 và phát triển mạnh kỹ thuật này trước năm 2010.

. Sau 2010 (có thể sớm hơn) sẽ mổ tim hở.

+ Về hồi sức cấp cứu: Hoàn thiện và cập nhật các kỹ thuật hồi sức, thành

lập đơn vị hồi sức tích cực tập trung. Phấn đấu vào cuối năm 2007 không phải chuyển bệnh nhân đi tuyến trên trong khi đang cần hồi sức tích cực.

+ Các chuyên khoa khác về nội nhi: Điều trị hoá chất các bệnh ung thư, trước hết là ung thư máu.

IV. HỆ THỐNG VỆ TINH CỦA TRUNG TÂM Y TẾ KỸ THUẬT CAO:

1. Phát triển Bệnh viện Tâm thần:

Từ bộ máy tổ chức cũng như cơ sở vật chất hiện có phát triển hoàn thiện các kỹ thuật chuyên ngành, tăng cường nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tăng cường bồi dưỡng cán bộ đủ trình độ làm chủ các kỹ thuật cao trong điều trị và dự phòng. Nâng quy mô từ 150 giường bệnh lên 200 giường bệnh.

a) Tổ chức hoàn chỉnh khoa cận lâm sàng từ bộ phận xét nghiệm, điện quang, điện não, điện tim của khoa khám bệnh hiện tại. Trước hết cần bổ sung đầy đủ cán bộ sau đại học cho chẩn đoán hình ảnh, hoá nghiệm lâm sàng, đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên có tay nghề cao. Tổ chức được các xét nghiệm phi labo (trắc nghiệm tâm lý).

b) Thành lập khoa còn thiếu để thực hiện nội dung chuyên môn thường quy. Hướng tới mô hình quản lý người bệnh tại cộng đồng. Nghiên cứu áp dụng các loại hình điều trị phù hợp với nhu cầu hiện tại của người dân.

* Nhu cầu XDCB và mua sắm trang thiết bị (xem phụ lục 7).

2. Phát triển Bệnh viện Chống lao và Bệnh phổi: Nội dung phát triển:

* Ngoài kỹ thuật thường quy, hoàn thiện một số kỹ thuật cao hiện đang sử dụng:

- Nội soi, lấy mủ qua đường thanh, phế quản.

- Chọc rửa màng phổi, chống dày dính màng phổi trong tràn dịch màng phổi lao.

- Kỹ thuật nuôi cấy vi trùng, phát hiện sớm các chủng kháng thuốc.

- Hồi sức tích cực.

* Các phương tiện cần nâng cấp trong thời gian tới:

- Hệ thống máy phục vụ cho công tác hồi sức cấp cứu.

- Hệ thống xét nghiệm kỹ thuật cao như: PCR. ELISA...

- Máy siêu âm màu 3 chiều. Hệ thống nuôi cấy vi trùng lao.

- Máy Xquang 03 cái, bao gồm: 01 máy X. quang cả sóng, 01 máy X quang truyền hình tăng sáng thế hệ mới.

- Máy nội soi phế quản thế hệ mới.

- Máy siêu âm.

- Các trang thiết bị phục vụ cho công tác xét nghiệm như: máy sinh hoá 18 thông số, máy huyết học, máy ly tâm...

3. Phát triển Bệnh viện Y học cổ truyền:

Phát triển Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An theo hướng phối kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền. Tìm tòi và phát triển các bài thuốc quý vào điều trị. Phát triển các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc. Nâng cao hiệu quả chẩn trị bằng y học dân tộc thông qua đầu tư những thiết bị y học hiện đại. Bệnh viện đang được UBND tỉnh cho phép lập dự án kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất với quy mô 300 giường nội trú.

Nội dung phát triển kỹ thuật:

- Siêu âm điều trị kết hợp điện xung và chẩn đoán điện cơ.

- Điều trị bằng dòng giao thoa hai kênh.

- Châm cứu bằng Laze. Điều trị bằng Laze hồng ngoại.

- Điều trị vi sóng điện xung.

- Điều trị sóng ngắn xung và liên tục hai lần.

- Bể tắm xoáy kết hợp Gavanic toàn thân.

- Hệ thống xông hơi dược thảo - ngâm tắm dược thảo.

- Bể bơi nước nóng - mặn chữa bệnh.

- Kích thích liền xương bằng từ trường.

- Hoàn thiện và phát triển kỹ thuật mổ châm tê.

5. Thành lập Bệnh viện Phụ sản:

Trên cơ sở khoa Phụ sản Bệnh viện HNĐK tỉnh, trong tương lai Nghệ An sẽ thành lập Bệnh viện Phụ sản vào năm 2010 có quy mô 250 giường và 500 giường trong những năm tiếp theo. Dự kiến sẽ sử dụng hạ tầng và cơ sở vật chất của bệnh viện HNĐK (bệnh viện cũ), cải tạo, nâng cấp để đáp ứng với nhu cầu phát triển của Bệnh viện. Để chuẩn bị các điều kiện thành lập Bệnh viện, hiện nay khoa Phụ sản bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An đã sử dụng các phương pháp kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị, như:

- Crosen - Wertheim.

- Đóng các lỗ rò phức tạp (tiêu hoá, tiết niệu liên quan đến sản phụ khoa).

- Cắt tử cung hoàn toàn qua đường âm đạo.

- Mổ nội soi: Vô sinh, chửa ngoài dạ con, u nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, lấy vòng trong ổ bụng...

Trong tương lai sẽ phát triển thêm:

- Lọc rửa tinh trùng, bơm tinh trùng vào buồng tử cung điều trị vô sinh.

- Thụ tinh trong ống nghiệm.

- Bóc u xơ tử cung qua nội soi.

- Cắt tử cung qua nội soi.

- Phẫu thuật ung thư bằng nội soi.

- Điều trị ung thư phụ khoa bằng tia xạ, hoá chất.

- Trung tâm thẩm mỹ với phụ nữ ở mọi lứa tuổi.

- Phẫu thuật tạo hình.

6. Thành lập Bệnh viện Nội tiết.

Phát triển Trung tâm Nội tiết có giường bệnh lên thành Bệnh viện Nội tiết đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.

Các bệnh rối loạn nội tiết chuyển hoá như bệnh bướu cổ và các rối loạn thiếu iốt, đặc biệt bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh mãn tính chưa có thuốc đặc trị, phải điều trị suốt cuộc đời người bệnh. Bệnh diễn biến ngày càng nặng và chắc chắn xuất hiện nhiều biến chứng về tim mạch, huyết áp, gan, suy thận, loét bàn chân cắt cụt chi. Đây là một bệnh xã hội mang tính thời đại (bệnh của xã hội phát triển).

Qua đề tài nghiên cứu khoa học: Tỷ lệ bệnh đái tháo đường typ II toàn tỉnh đến năm 2005 là 3% (tương đương 90.000 người), riêng thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò 5,6% (tương đương 15.000 người). Trong đó: 70% bị bệnh tiềm ẩn chưa có triệu chứng lâm sàng, chưa được tư vấn điều trị, chỉ phát hiện qua điều tra và 3% đã và đang được quản lý, điều trị tại các cơ sở y tế. Dự kiến đến năm 2010 số người dân Nghệ An bị bệnh đái tháo đường sẽ là 120 - 130 ngàn người.

Từ thực tế đó, việc phát triển bệnh viện Nội tiết Nghệ An là rất cần thiết.

* Về lâm sàng: Đã triển khai khám và điều trị tất cả các bệnh nhân bị bệnh bướu cổ đơn thuần (thể nhân, thể lan toả, thể hỗn hợp, chọc hút tuyến giáp) và Basedow, bệnh đái tháo đường và các biến chứng chuyên khoa bệnh ĐTĐ (loét, nhiễm trùng, cắt lọc phục hồi chức năng bàn chân bệnh nhân ĐTĐ; biến chứng tim mạch, cao huyết áp, tổn thương thận, tổn thương mắt, thần kinh, xương khớp, rối loạn mỡ máu và rối loạn chức năng gan nguyên nhân do bệnh ĐTĐ). Chọc hút tuyến giáp…

* Về cận lâm sàng: Đã triển khai làm tốt, đầy đủ tất cả các xét nghiệm như tuyến bệnh viện chuyên ngành TW như xét nghiệm sinh hoá, huyết học, miễn dịch, phóng xạ, Hooc môn, di truyền, điện tim, siêu âm và XQ chẩn đoán hình ảnh.v.v...

Trong tương lai gần, khi có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng Trung tâm Nội tiết Nghệ An tiếp tục triển khai các kỹ thuật chuyên sâu hơn:

- Mổ bướu cổ, Basedow;

- Điều trị phóng xạ cho những bệnh nhân bị bệnh tuyến giáp mà các biện pháp điều trị nội - ngoại khoa bất lực;

- Cắt cụt, tháo khớp cứu tính mạng bệnh nhân khi có biến chứng nhiễm trùng bàn chân nặng…

- Chạy thận nhân tạo cho những bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) bị biến chứng suy thận nặng.

Ngoài ra, phối hợp với Viện chiến lược Quốc gia ĐTĐ và Bệnh viện Nội tiết Trung ương triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học về bệnh rối loạn nội tiết chuyển hoá của các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ, góp phần tích cực hoàn thành công trình dịch tễ: Xây dựng thành công bản đồ dịch tễ bệnh ĐTĐ typ II và các yếu tố nguy cơ của bệnh trong khu vực, toàn quốc đến năm 2010 và những năm tiếp theo.

7. Thành lập Bệnh viện Mắt

Việc ra đời một Bệnh viện Mắt trên địa bàn Nghệ An đảm nhiệm cho công tác phòng chống mù loà, khám và chữa các bệnh về mắt cho hơn 6.000.000 dân Bắc Trung bộ là cần thiết, phù hợp với sự phân bố phát triển ngành mắt hiện nay trên toàn quốc. Điều đó cũng sẽ nằm trong kế hoạch phát triển và hành động cụ thể hoá chiến lược "Thị giác 2020" đã được Tổ chức Y tế thế giới phát động, Bộ Y tế đang chỉ đạo Bệnh viện Mắt TW và chuyên ngành Mắt toàn nước thực hiện là thanh toán hết các bệnh mắt gây mù cho đến năm 2020. Với đội ngũ y bác sỹ, thạc sỹ chuyên khoa hiện có, cập nhật sự phát triển các kỹ thuật cao, tranh thủ được sự đầu tư của các tổ chức nước ngoài, với hậu thuẫn có được sự ủng hộ tối đa của lãnh đạo, chính quyền các cấp thì việc thành lập Bệnh viện Mắt Bắc Trung bộ hoàn toàn khả thi, đảm nhiệm được chức năng nhiệm vụ của mình đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Ngoài việc đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh tốt, từ nay đến năm 2010 sẽ tiếp tục làm chủ được các kỹ thuật cao như Phaco (tán nhuyễn thể thuỷ tinh bằng năng lượng siêu âm), ghép giác mạc, áp dụng ghép màng ối rau thai trong việc điều trị bệnh lý kết giác mạc. Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ trong điều trị mộng thịt, laze YAG v.v...Đẩy mạnh đưa cận lâm sàng vào công tác khám và chẩn đoán như siêu âm A -B, chụp mạch ký huỳnh quang trong việc chẩn đoán bệnh lý võng mạc. Từ năm 2010 trở đi Bệnh viện Mắt Bắc miền Trung sẽ là cơ sở khám chữa bệnh về mắt hàng đầu của khu vực với các kỹ thuật cao khác sẽ được đưa vào áp dụng như:

- Phẫu thuật Lasik trong điều trị tật khúc xạ với sự hỗ trợ của các hệ thống máy Laze hiện đại nhất nhì thế giới.

- Laze quang đông Diot trong điều trị bệnh lý võng mạc.

- Chụp cắt lớp vi tính OCT trong chẩn đoán nhãn khoa.

- Phẫu thuật thẩm mỹ, ứng dụng tế bào nguồn sẽ được đẩy mạnh áp dụng đưa vào thực tế.

Đây là các kỹ thuật mà các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan đã áp dụng thành công, nước ta tại Bệnh viện Mắt TW cũng đang thực hiện.

8. Thành lập Trung tâm sức khỏe sinh sản:

Trung tâm Sức khỏe sinh sản là mô hình mới ở Việt Nam, được Bộ Y tế đồng ý cho chủ trương thành lập tại Nghệ An. Trung tâm đã được các chuyên gia Dự án Sức khỏe sinh sản - JICA (Nhật Bản) giúp đỡ xây dựng Đề án. Hiện nay, Đề án thành lập Trung tâm đã được phía Việt Nam hoàn thiện và gửi tới Đại sứ quán Nhật Bản chờ thủ tục đầu tư.

9. Phát triển hệ thống khám chữa bệnh ngoài công lập:

Tiếp tục củng cố và phát triển các kỹ thuật ở 04 bệnh viện đã được Bộ Y tế cấp giấy phép đủ tiêu chuẩn hoạt động. Đến năm 2010, trên địa bàn toàn tỉnh sẽ có 07 bệnh viện tư nhân hoạt động, Tạo điều kiện thuận lợi cho 03 bệnh viện đang hoàn tất thủ tục để được thẩm định cấp phép. Đưa tổng số giường bệnh tư nhân ở tỉnh ta lên 500 giường đạt 1, 6 giường/vạn dân.

V. TRUNG TÂM KIỂM NGHIỆM DƯỢC PHẨM - MỸ PHẨM:

1. Xây dựng Trung tâm Kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn GLP - WHO phát triển những kỹ thuật cơ bản:

1.1. Quang phổ hồng ngoại (RI) (Kiểm tra các chất hấp thụ ánh sáng hồng ngoại để phát hiện, định lượng thuốc, mỹ phẩm, xác định công thức, thành phần các chất).

1.2. Kỹ thuật sắc ký khí (GC) kiểm tra các chất dễ bay hơi, và có khả năng bay hơi như thuốc, tinh dầu, mỹ phẩm.

1.3. Sắc ký khối phổ (MS) xác định công thức, thành phần các chất hữu cơ như thuốc chữa bệnh, dư lượng thuốc trừ sâu, các nguyên tố vi lượng.

1.4. Kỹ thuật sắc ký điện ly mao quản, vi mao quản, siêu vi mao quản định lượng các chất có hàm lượng nhỏ, trong thành phần phức tạp.

1.5. Sắc ký lớp mỏng hiệu năng cao (HTLC) phát hiện và định lượng các chất vi lượng trong máu, trong nước tiểu, trong dịch sinh học, dịch chiết thực vật, dược liệu.

1.6. Kỹ thuật quang phổ hấp thụ nguyên tử phát hiện các kim loại nặng độc như chì, asen và các nguyên tố quý hiếm rất tốt cho phân tích dự đoán bảo vệ môi trường, kiểm tra thuốc và mỹ phẩm, thực phẩm. Phát hiện đến bpm.

1.7. Sắc ký trao đổi Ion, kỹ thuật bật Ion (Ion trap) để kiểm tra các chất dạng Ion hóa như các gốc tự do, các ion gây độc hại cho môi trường.

1.8. Kỹ thuật sắc ký lỏng cao áp với dertector tán xạ bay hơi kiểm tra các chất mà các phương pháp khác gặp khó khăn.

1.9. Kỹ thuật nuôi cấy phân lập vi khuẩn1, nấm ứng dụng vào kiểm tra thuốc, thực phẩm.

2. Về tổ chức bộ máy:

Hiện nay, Trung tâm có 05 phòng chuyên môn; trong kế hoạch phát triển cần củng cố và bổ sung cán bộ chuyên môn cho các khoa, phòng hiện có, tách phòng kiểm nghiệm Mỹ phẩm ra khỏi phòng Đông dược (đang ghép tạm), thành lập thêm phòng Kiểm nghiệm thực phẩm.

3. Cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng:

Thực trạng nhà làm việc của trung tâm là: nhà 02 tầng cấp 3A, diện tích sân:

680 m2 đưa vào sử dụng từ năm 1996, nằm trong khuôn viên diện tích 500 m2 trên đường Nguyễn Phong Sắc - Tp Vinh. Các phòng thí nghiệm đang trong trình trạng xuống cấp, diện tích chật hẹp, nội thất và trang bị lạc hậu không thể đáp ứng được quy mô, mục tiêu thực hành “thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc” theo yêu cầu của Bộ Y tế. Vì vậy cải tạo cơ sở hạ tầng là vấn đề cần thiết, là tiền đề cho các bước tiếp theo. (Xem phụ lục 7).

4. Bổ sung trang thiết bị: (xem phụ lục 8).

5. Đào tạo nhân lực (Nhân lực hiện có và nhu cầu cần bổ sung)

TT

 

Hiện có

Nhu cầu cần bổ sung

Cộng

Ghi chú

2006-2010

2011-2015

2016-2020

1

DSKI

3

1

2

2

8

- Năm 2007 1 cán bộ nghỉ 1

- Năm 2009 2 cán bộ nghỉ 2

 

 
- Thực tế còn

2

DSDH

2

1

2

2

7

3

DSTH

5

2

2

3

12

4

Cử nhân

2

 

 

 

 

5

Dược tá CNV

7

0

2

2

11

 

Cộng

19

 

 

 

38

35 cán bộ

VI. CÔNG TÁC DƯỢC - VẬT TƯ Y TẾVật tư y tế

- Hoàn thiện và nâng cao chất lượng mạng lưới cung ứng thuốc chữa bệnh trên địa bàn.

- Tăng cường quản lý, kiểm tra để bình ổn giá thuốc, đảm bảo an toàn, hợp lý sử dụng thuốc.

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án phát triển công nghiệp dược tập trung chỉ đạo vào các nội dung sau:

1. 2005 - 2006, đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, lưu thông, bảo quản thuốc đạt các tiêu chuẩn, cơ sở sản xuất thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP). Bảo quản thực hành thuốc tốt (GSP). Thực hành kiểm nghiệm thuốc tốt (GLP).

2. Trong các năm 2007 - 2010 xây dựng tiếp dây chuyền sản xuất thuốc đông dược, dây chuyền sản xuất thuốc kháng sinh Beta lactam đạt tiêu chuẩn GMP.

3. Quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung để trồng một số cây dược liệu.

4. Liên doanh, liên kết, sản xuất thuốc nhượng quyền của các công ty đa quốc gia hoặc công ty lớn ngoại tỉnh.

5. Kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm công suất 10.000 tấn /năm tại các khu công nghiệp Nghệ An.

- Tăng cường cung cấp thiết bị, vật tư y tế thiết yếu, đồng thời chú trọng cung ứng những trang thiết bị y tế kỹ thuật cao đã thông qua đào tạo cán bộ.

C. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

I. NHÓM GIẢI PHÁP VỀ CÁC THỦ TỤC PHÁP LÝ.

1. Hoàn thành Đề án thành lập Trung tâm Y tế kỹ thuật cao khu vực Bắc Trung bộ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Tiến hành lập các Dự án đầu tư XD cơ sở hạ tầng và trang thiết bị:

2.1. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng dự án Bệnh viện Đa khoa Nghệ An 700 giường.

2.2. Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi giai đoạn 2.

2.3. Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Y tế dự phòng.

2.4. Dự án đầu tư xây dựng các bệnh viện vệ tinh.

2.5. Dự án đầu tư nâng cấp xây dựng Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm.

II. NHÓM GIẢI PHÁP VỀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC

(Đã có đề án nâng cao nguồn nhân lực y tế giai đoạn đến năm 2005 và những năm tiếp theo được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 72/2004/QĐ-UB ngày 15/6/2004)

Giải pháp chung

- Đào tạo cán bộ theo quy hoạch, xây dựng chức danh cán bộ để đào tạo theo hướng phát triển kỹ thuật nào thì đào tạo cán bộ (kíp cán bộ) theo kỹ thuật đó. Phương thức đào tạo đa dạng (chính quy và không chính quy) trong nước hoặc nước ngoài.

- Đào tạo cán bộ một cách toàn diện về chuyên môn, chính trị, ngoại ngữ, tin học và năng lực quản lý.

- Đào tạo tập trung vào các chuyên khoa đầu ngành, đào tạo đồng bộ trọn kíp kỹ thuật (Mỗi kỹ thuật 02 kíp cán bộ).

- Có cơ chế thu hút cán bộ kỹ thuật cao và thu hút cán bộ về những đơn vị có tính đặc thù.

III. NHÓM GIẢI PHÁP TỔNG THỂ VỀ VỐN

1. Vốn đầu tư của Nhà nước:

- Vốn XDCB tập trung (XDCB, mua sắm những trang thiết bị và những lĩnh vực không tái đầu tư được).

- Tranh thủ nguồn vốn ODA - xin vay ADB, WB (mua sắm TTB có khả năng tái đầu tư trong quá trình vận hành).

- Vốn huy động từ trái phiếu.

2. Vốn huy động xã hội hoá - Liên danh, liên kết (trong và ngoài nước chủ yếu tập trung mua sắm TTB y tế).

3. Các nguồn vốn hợp pháp khác: Cổ đông, viện phí...

IV. Cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa

- Thực hiện một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ các dự án đầu tư về lĩnh vực y - dược trên địa bàn theo Quyết định của UBND tỉnh (Có tính đến ưu đãi đặc thù riêng cho ngành, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư).

- Tăng cường quản lý nhà nước đối với các cơ sở hoạt động tư nhân, đảm bảo tính công bằng trong các cơ sở công lập và ngoài công lập theo đúng quy định của nhà nước.

Phần IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

I. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Giai đoạn 2007 - 2010

Tiếp tục củng cố hoàn thiện tốt các kỹ thuật chuyên môn đang triển khai thực hiện tốt công tác phòng bệnh và khám chữa bệnh cho nhân dân, đồng thời không ngừng phát triển kỹ thuật mới trong điều kiện có thể.

Tập trung đẩy mạnh tiến độ đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Nghệ An, đồng thời tiến hành kế hoạch đào tạo cán bộ đủ năng lực cả về chuyên môn và quản lý sẵn sàng tiếp nhận và vận hành Bệnh viện mới đạt hiệu quả kinh tế cao.

Cho chủ trương đầu tư và đầu tư xây dựng khu nhà điều trị cao tầng tại Bệnh viện Nhi.

Hoàn thành dự án ĐTXD nhà kỹ thuật của Trung tâm y tế dự phòng, tiếp nhận các trang thiết bị từ dự án Trung ương để đi vào hoạt động.

Cho chủ trương đầu tư và đầu tư cho hệ thống các bệnh viện vệ tinh: Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Chống Lao, Bệnh viện Tâm thần, Trung tâm Nội tiết thành Bệnh viện Nội tiết, Trung tâm Mắt thành Bệnh viện Mắt. Tiếp tục đầu tư Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm…

2. Giai đoạn 2010 - 2015.

Thành lập Bệnh viện Phụ sản Nghệ An, đồng thời tiến hành cho chủ trương đầu tư và đầu tư xây dựng Bệnh viện.

Tiếp tục thi công và hoàn thiện Bệnh viện Đa khoa Nghệ An, đưa Bệnh viện vào khai thác, sử dụng.

Triển khai dự án cải tạo nâng cấp khối nhà chữ U tại Bệnh viện Nhi. Tiếp tục đầu tư các công trình dở dang từ giai đoạn trước.

3. Giai đoạn 2015 - 2020

Bệnh viện Đa khoa Nghệ An phát triển mạnh các kỹ thuật chuyên môn mang tính chuyên khoa, chuyên ngành với tầm khu vực, tổ chức tiếp nhận bệnh nhân đến từ các tỉnh bạn trong khu vực và các tỉnh lận cận của nước bạn Lào. Tổ chức hội chẩn và triển khai các kỹ thuật với các chuyên gia giỏi qua mạng Tele medicinne.

Các cơ sở của Trung tâm Y tế kỹ thuật cao đồng loạt triển khai các kỹ thuật chuyên ngành mang tính khu vực.

II. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH

Sau khi Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt:

1. Đối với Sở Y tế: là cơ quan chủ trì, có trách nhiệm phối hợp với các Ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện thắng lợi các nội dung chuyên môn xây dựng Vinh thành Trung tâm Y tế kỹ thuật cao khu vực Bắc Trung Bộ.

2. Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư: có trách nhiệm hướng dẫn Sở Y tế thực hiện các quy trình về xây dựng cơ bản, đảm bảo nguồn vốn để thực hiện các nội dung có tính xây dựng cơ bản của Đề án.

3. Đối với Sở Tài chính: có trách nhiệm cân đối, bố trí vốn sự nghiệp cho các hoạt động chung của Đề án.

4. Đối với Sở Nội vụ: có trách nhiệm hướng dẫn và tạo điều kiện cho Sở Y tế trong việc đào tạo, tiếp nhận, thu hút nhân lực đủ mạnhh để thực hiện các nội dung phát triển kỹ thật của Đề án.

5. Đối với Sở Khoa học - Công nghệ: có trách nhiệm thẩm định, giúp đỡ Sở Y tế tổ chức mua sắm các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, tiên tiến để thực hiện công tác quản lý, điều hành và hoạt động chuyên môn của Trung tâm đạt hiệu quả đầu tư cao.

6. Đối với Sở Xây dựng: có trách nhiệm hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư các Dự án của Trung tâm thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng cơ bản.

7. Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo: có trách nhiệm hướng dẫn và giúp đỡ Trường Cao đẳng Y tế hoàn thành tốt Đề án thành lập Trường đại học Y - Dược Vinh.

8. Đối với UBND thành phố Vinh: có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi về môi truờng đầu tư cho các Dự án và cùng với Sở Y tế thực hiện tốt các nội dung Đề án đề ra./.

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 97/2007/QĐ-UBND phê duyệt đề án Xây dựng Trung tâm Y tế kỹ thuật cao khu vực Bắc Trung bộ tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

  • Số hiệu: 97/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/08/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Hoàng Ky
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/09/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản