Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 96/2008/QĐ-UBND | Pleiku, ngày 31 tháng 12 năm 2008 |
ỦY BAN NHÂN NHÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Căn cứ Nghị quyết số 37/2008/NQ-HĐND ngày 11/12/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Đề án nâng cao đời sống nhân dân vùng căn cứ cách mạng của huyện Kbang, Kông Chro, Krông Pa;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 861/KHĐT-VX ngày 17/11/2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án nâng cao đời sống nhân dân vùng căn cứ cách mạng của huyện Kbang, Kông Chro, Krông Pa thực hiện từ năm 2009 đến năm 2011.
Điều 2. Các Ông Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và môi trường, Lao động - Thương binh và xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hoá Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ; Trưởng Ban Dân tộc; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện: Kbang, Kông Chro, Krông Pa và thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
NÂNG CAO ĐỜI SỐNG CỦA NHÂN DÂN VÙNG CĂN CỨ CÁCH MẠNG HUYỆN KBANG, HUYỆN KÔNG CHRO VÀ KRÔNG PA GIAI ĐOẠN 2009-2011
(Kèm theo Quyết định số 96 /2008/QĐ-UBND ngày 31 /12/2008 của UBND tỉnh)
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Căn cứ Nghị quyết số 37/2008/NQ-HĐND ngày 11/12/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Đề án nâng cao đời sống nhân dân vùng căn cứ cách mạng của huyện Kbang, Kông Chro, Krông Pa;
Căn cứ vào thực trạng đời sống của nhân dân các xã vùng căn cứ cách mạng của huyện KBang, Kông Chro, KrôngPa và dự báo tình hình triển khai thực hiện các nguồn vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh trong 3 năm 2009-2011, Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng Đề án nâng cao đời sống nhân dân vùng căn cứ cách mạng của 3 huyện KBang, Kông Chro, Krông Pa (viết tắt là CCCM) như sau:
- Về dân số, lao động: Dân số của 12 xã Kroong, Đăk Rong, Tơ Tung, Sơn Lang, Ia Ma, Đăk Tpang, Chư Krei, Sơ Ró, Ia Mlăh, Đất Bằng, Ia Rsai, Chư Drăng có 41.655 người với 8.005 hộ, trong đó dân tộc Bahnar chiếm 73,5%, dân tộc kinh chiếm 16,1%, dân tộc khác chiếm 10,4%; bình quân có 2,03 lao động/hộ. Có 131 thôn làng, phần lớn các làng, thôn ở rãi rác trên triền núi và gần rừng, làng cách xa làng và cách xa trung tâm xã. Đồng bào Bahnar lập gia đình sớm, tỷ lệ sinh còn khá cao.
- Về tình hình sản xuất: Sản xuất của nhân dân các xã vùng căn cứ cách mạng chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, với các loại cây trồng chính là lúa, bắp, đậu đỗ, mía, sắn, mè, thuốc lá, dưa lấy hạt, cà phê, điều và chăn nuôi gia súc. Diện tích canh tác phần lớn là đất rẫy, diện tích đất ruộng ít, do vậy dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Đồng bào dân tộc Bahnar trồng lúa, bắp, đậu đỗ, điều là chủ yếu.
Ở các xã Kroong, Đăk Rong huyện đã tăng cường kỹ sư nông nghiệp (trả lương từ ngân sách huyện) để hướng dẫn và giúp bà con sản xuất. Hàng năm tổ chức tập huấn và xây dựng một số mô hình trình diễn, chuyển giao kỹ thuật như: sản xuất lúa nước, trồng tre lấy măng, trồng rừng nguyên liệu… tuy nhiên số hộ được tập huấn kỹ thuật và tham gia nhân rộng mô hình chưa nhiều, năng suất cây trồng thấp, ít sản phẩm hàng hóa.
- Về tình hình giáo dục phổ thông: Tổng số học sinh phổ thông của 12 xã là 9.809 học sinh, trong đó tiểu học 6.178 HS, THCS 2.547 HS, bình quân 4,23 người dân có 1 HS học phổ thông (bình quân của huyện Kbang là 3,9; huyện Kông Chro là 5,3; huyện Krông Pa là: 3,46); tỷ lệ học sinh bỏ học, vắng lớp cao (trường ở xã tỷ lệ bỏ học khoảng 10%, ở làng, cụm làng có nơi lên đến 25%). Số học sinh huy động ra lớp thấp, nhất là học sinh dân tộc Bahnar, học sinh lớp 5 ở làng chất lượng kém, số học sinh lớp 5 lên lớp 6 bỏ học nhiều và đến lớp 9 còn lại rất ít.
- Về y tế: Trong những năm qua, trên địa bàn các xã không có dịch bệnh xảy ra, tất cả các xã đều có trạm y tế và 6/12 xã có bác sĩ phục vụ y tế tại xã; xã Đăk Tpang, Ia Ma và 4 xã CCCM của huyện Krông Pa chưa có bác sỹ. Các chương trình y tế được triển khai, các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đều được cấp thẻ BHYT. Địa bàn dân cư ở khá xa và không tập trung nên công tác triển khai các chương trình mục tiêu y tế quốc gia hết sức khó khăn. Cán bộ y tế ở tuyến xã còn thiếu (thiếu 6 bác sỹ), trạm y tế xã Đăk Tpang xuống cấp, hư hỏng nặng.
- Về văn hóa thông tin, TDTT: Ở trung tâm xã có sân thể thao, ti vi tiếp được sóng truyền hình; riêng 4 xã huyện Krông Pa và xã Đăk Tpang do có địa hình lõm nên chất lượng phủ sóng chưa cao; còn 31 làng chưa có điện, phương tiện nghe nhìn rất hạn chế; hầu hết các làng không có loa truyền thanh, sân bãi thể dục thể thao.
- Về việc làm, thu nhập và nhà ở: Lao động chủ yếu của người dân là làm nương rẫy nên thời gian nhàn rỗi còn rất nhiều; phần lớn lao động chưa được đào tạo nghề. Tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều hộ nghèo không biết cách làm ăn, không dám vay vốn. Ở các xã được khảo sát đều có trợ cấp cứu đói cho dân. Chương trình 134 cơ bản đã giải quyết đất ở, đất sản xuất và nhà ở cho dân.
Số hộ ở nhà kiên cố còn rất ít. Ở các xã Đăk Rong, Kroong, Chư Krei, Đăk Tpang và 4 xã của huyện Krông Pa tỷ lệ hộ dân sử dụng điện thấp, riêng 4 xã của huyện Krông Pa còn 24% số hộ chưa được sử dụng điện; tiện nghi sinh hoạt còn thiếu. Trong làng chưa có đường nội bộ, nhà ở trong làng chưa được quy hoạch, không có đất vườn và lộn xộn, mất vệ sinh; vẫn còn tập quán thả rông gia súc, gia cầm.
- Thực hiện các chương trình dự án và các chính sách: Qua khảo sát ở các xã, các hộ dân đã được hưởng lợi từ các chương trình dự án và các chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình 134, 135, XĐGN, các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục và hỗ trợ về đời sống.
- Cơ sở hạ tầng: ở trung tâm xã cơ bản đã đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, đã có đường ô tô đến trung tâm xã (chủ yếu đường đất, đường cấp phối), có điện lưới, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt. Đường từ trung tâm xã về các thôn, làng còn rất khó khăn.
* Nhận xét chung:
Trong những năm gần đây bằng nhiều nguồn vốn đầu tư của Trung ương và của tỉnh đã làm thay đổi diện mạo của các xã vùng căn cứ cách mạng; kết cấu hạ tầng của các xã được tăng cường đáng kể, bộ mặt nông thôn có khởi sắc, đời sống của đồng bào được nâng lên. Đã huy động được cả hệ thống chính trị tập trung giải quyết được các vấn đề bức xúc, an ninh chính trị ổn định.
Tuy nhiên qua khảo sát, thực tế cho thấy các làng đồng bào dân tộc Bahnar ở vùng căn cứ cách mạng đời sống vẫn còn hết sức khó khăn cả về đời sống vật chất và tinh thần, đó là: số hộ nghèo còn rất cao (hầu hết tập trung ở đồng bào dân tộc Bahnar); phần lớn nhà ở còn tạm bợ; sinh hoạt theo kiểu quần cư. Trình độ sản xuất thấp, sống gần rừng nhưng chưa phát huy được nghề rừng, chưa biết làm kinh tế vườn, còn lúng túng trong xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Sản xuất còn mang tính tự cung, tự cấp. Chất lượng giáo dục thấp, phòng học, nhà ở giáo viên ở thôn làng, phương tiện truyền thông còn thiếu thốn. Giao thông khó khăn nhất là vào mùa mưa, vì vậy giao lưu hàng hóa và đi lại giữa các vùng còn hạn chế; vệ sinh phòng bệnh kém, hầu hết các hộ chưa có nhà vệ sinh; còn 31 làng chưa có điện, phương tiện nghe nhìn rất hạn chế.
Đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị cơ sở yếu cả về năng lực và trình độ, tính nội sinh chưa cao.
* Nguyên nhân yếu kém:
§ Nguyên nhân khách quan: Địa hình các xã rất phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều sông suối, các làng nằm rải rác, phân tán, cách xa trung tâm xã, đi lại khó khăn. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, trình độ dân trí thấp, hầu hết sống thuần nông. Người dân ít có cơ hội giao lưu và tiếp cận với các dịch vụ xã hội.
§ Nguyên nhân chủ quan:
- Chưa có quy hoạch chi tiết về bố trí lại dân cư và quy hoạch đất đai, quy hoạch phát triển nông lâm nghiệp.
- Chất lượng giáo dục còn thấp, trình độ sản xuất lạc hậu so với mặt bằng chung của tỉnh, trình độ nhận thức chuyển biến rất chậm, nhiều tập tục lạc hậu, mặc cảm, tự ti vẫn còn.
- Còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, một bộ phận chưa cần cù và siêng năng trong lao động; thụ động không chịu học hỏi; chi tiêu không hợp lý.
- Trình độ của cán bộ cơ sở còn yếu, thiếu cán bộ có tư duy về phát triển kinh tế, chưa có phương pháp và sự kiên trì trong tuyên truyền giáo dục nhân dân, cầm tay chỉ việc cho dân.
- Nhà nước chưa có chế độ đãi ngộ tương xứng cho cán bộ ở vùng sâu, vùng xa.
II. Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho các xã vùng căn cứ cách mạng:
a. Mục tiêu chung:
Phấn đấu đến hết năm 2010 các xã Tơ Tung, Sơn Lang, Đăk Tpang, Đất Bằng, Ia Rsai, Chư Drăng không còn là xã ĐBKK và đến hết năm 2011 các xã Kroong, Đăk Rong, Sơ Ró, Chư Krei không còn là xã ĐBKK (riêng 2 xã Ia Mlah, YaMa hiện nay không còn là xã ĐBKK).
Đến năm 2011 trên địa bàn các xã vùng CCCM của 3 huyện cơ bản không còn hộ đói, hộ nghèo giảm xuống dưới 30% (chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ).
b. Mục tiêu cụ thể:
- Về phát triển sản xuất: nâng cao khả năng sản xuất, chuyển giao kỹ thuật sản xuất mới cho đồng bào các dân tộc, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững. Phấn đấu trên 75% số hộ đạt mức thu nhập bình quân đầu người 3,5triệu đồng/năm vào năm 2011.
- Về phát triển cơ sở hạ tầng: Đảm bảo các xã có đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu, trên 80% số xã có đường giao thông nông thôn từ trung tâm xã đến thôn bản (xe cơ giới đi lại được), 100% xã có đủ trường lớp học kiên cố và lớp bán trú ở các trường bán trú; 100% số thôn, bản có điện; 100% trạm y tế xã được đầu tư kiên cố, đúng tiêu chuẩn.
- Về nâng cao đời sống văn hoá cho nhân dân: Trên 80% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh; 90% số hộ được sử dụng điện; trên 95% số học sinh tiểu học và 75% học sinh THCS trong độ tuổi đến trường; 100% người dân có nhu cầu được trợ giúp pháp lý, được hưởng các phúc lợi văn hoá xã hội; 100% số xã có trạm truyền thanh.
- Nâng cao năng lực cho cán bộ xã và người dân, tổ chức các lớp đào tạo nâng cao nhận thức pháp luật, nâng cao kiến thức quản lý cho CBCC cấp xã, trưởng thôn, nâng cao năng lực cộng đồng.
c. Nhiệm vụ, giải pháp:
Thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Nâng cao nhận thức của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân để phát huy y chí tự lực, tự cường của cộng đồng và phát huy nội lực của hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Nhà nước hỗ trợ để đồng bào phát huy triệt để nội lực.
- Đối với các xã có địa hình chia cắt lớn cần quy hoạch bố trí lại dân cư, quy hoạch đất sản xuất gắn với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm giải quyết tình trạng chia cắt, biệt lập, tạo điều kiện cho nhân dân các làng, các xã vùng căn cứ cách mạng phát triển.
Phát triển nông nghiệp phải gắn với lâm nghiệp và phát triển nông thôn, với đặc thù các xã có nhiều làng sống gần rừng cần thực hiện tốt các chính sách như: giao rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng, khoán trồng rừng sản xuất; xây dựng phương án tổ chức sản xuất; tổ chức tập huấn, tham quan và xây dựng các mô hình, hướng dẫn nhân dân cách làm ăn và phát triển đại trà các mô hình có hiệu quả, hướng dẫn cho dân làm nghề rừng. Chú ý đầu tư các công trình thủy lợi để tăng năng lực tưới, đảm bảo an ninh lương thực trong vùng có phương án tiếp thị sản phẩm do nhân dân làm ra.
Bố trí cán bộ khuyến nông có trình độ, có kiến thức để giúp dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa.
- Đầu tư xây dựng CSHT phải được bố trí tập trung và có trọng điểm, đối với các công trình đã được đầu tư UBND huyện có kế hoạch tu sửa, bảo dưỡng công trình nhằm phát huy hiệu quả lâu dài. Các công trình đầu tư mới phải hết sức cần thiết, có tác động trực tiếp đến việc nâng cao đời sống của nhân dân. Từ năm 2008 đến năm 2010 chương trình 135 hỗ trợ ngân sách để tu sửa, bảo dưỡng các công trình thuộc chương trình 135 đầu tư. Đến hết năm 2010 hoàn thành hệ thống điện cho 31 làng chưa có điện. Các trường có đủ phòng học kiên cố, các xã có trạm truyền thanh, sân tập, thể dục thể thao.
Ngân sách Nhà nước đầu tư các công trình có yêu cầu cao về kỹ thuật, thiết bị. Đường giao thông nhà nước đầu tư cầu, cống; láng nhựa hoặc bê tông xi măng, các đoạn xung yếu, các đoạn còn lại huyện san gạt để đảm bảo giao thông thông suốt; các công trình đơn giản, công trình gắn với đời sống văn hóa (như nhà rông) thực hiện xã hội hóa, Nhà nước và nhân dân cùng làm.
- Vấn đề hết sức quan trọng đối với trước mắt cũng như lâu dài là nâng cao trình độ dân trí, nâng cao chất lượng giáo dục cho người lớn và cho học sinh ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Nghiên cứu chương trình dạy học cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Tăng cường công tác xoá mù chữ, phổ cập THCS và chống tái mù chữ, nâng cao chất lượng giáo viên cả về trình độ chuyên môn và tiếng dân tộc. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ xã, ưu tiên tuyển sinh, cử tuyển con em đồng bào dân tộc Bahnar để tạo nguồn cán bộ tại chỗ. Mặt trận và các đoàn thể có trách nhiệm làm tốt công tác vận động học sinh con em dân tộc thiểu số ra lớp đông đủ, khắc phục tình trạng trẻ em bỏ học nhiều và bỏ học tập thể vào các ngày mùa, lễ hội. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho học sinh con hộ nghèo ở các xã ĐBKK theo Quyết định 112/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Xóa đói giảm nghèo và các vấn đề văn hóa xã hội: Cần tập trung các nguồn lực để tác động đến hộ nghèo nhất là các hộ đăng ký thoát nghèo, có biện pháp cụ thể cho từng hộ, nhằm đảm bảo tính bền vững, tránh hình thức. Thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi đối với người nghèo về y tế, giáo dục, trợ giúp pháp lý. Triển khai đồng bộ các chương trình, dự án kết hợp với chương trình giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.
- Tăng cường công tác y tế dự phòng, xây dựng các trạm y tế xã đạt chuẩn Quốc gia, thực hiện tốt các mục tiêu y tế quốc gia, hướng dẫn đồng bào về vệ sinh phòng bệnh; nâng cao năng lực cán bộ y tế thôn làng và bổ sung cán bộ y tế xã đủ theo quy định; vận động con em không lấy vợ hoặc chồng sớm, thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình. Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, xây dựng mỗi xã 01 trạm truyền thanh và trang bị cụm loa truyền thanh không dây để nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân.
- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ xã, tỉnh có đề án riêng về việc đào tạo cán bộ cho hệ thống chính trị ở cơ sở.
1. Đầu tư cho 4 xã huyện Kbang:
1.1. Về bố trí lại dân cư, phát triển sản xuất, Xóa đói giảm nghèo:
- Thực hiện chính sách theo Quyết định 33 của Chính phủ, tổ chức ĐCĐC tập trung cho nhân dân làng Tung và làng Gút xã Kroong với quy mô 124 hộ và ĐCĐC xen ghép cho 13 làng (làng Kếch, Vir1+2, Đăk Trâu, Yueng, Đất đỏ, Tăng Lăng lớn, Klư, Bngăn-xã Kroong; làng Kon lanh 1, Kon Lanh Te, Kon Von 1, Kon Trang 1, Hà Đừng-xã Đăk Rong) với quy mô 373 hộ.
Hỗ trợ vốn trực tiếp cho hộ nghèo thông qua dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135; dự án khuyến nông-lâm-ngư, hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo: hỗ trợ trồng 62 ha cây bời lời cho 2 xã Kroong, Đăk Rong; 1.016 bò giống cho các hộ nghèo; hỗ trợ giống cây + phân bón cho 1.675 hộ nghèo ở 4 xã; tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình và mua sắm máy móc thiết bị, công cụ sản xuất, sơ chế biến nông sản, giống cây con mới.
Bố trí khuyến nông viên (hoặc cán bộ cộng đồng) cho 63 thôn, làng của 4 xã với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng trong 3 năm.
1.2. Về kết cấu hạ tầng:
1.2.1 Giao thông:
- Tuyến đường liên xã:
+ Đường từ thị trấn Kbang đi xã Kroong: Vốn vay JBIC.
+ Đường đến xã Kroong: tuyến nối từ đường tái định cư thủy điện An Khê-Ka nat đến UBND xã dài 6 km+ cầu bê tông 32m. Vốn bổ sung có mục tiêu.
+ Đường liên xã từ bản 7 đến giáp Đăk Pơ: 4km đường GTNT loại A, mặt đường bằng đất đồi chọn lọc, 12 cống thoát nước và sữa chữa mặt cầu Ca Tung. Vốn bổ sung có mục tiêu.
- Lồng ghép vốn Chương trình 135, vốn bổ sung có mục tiêu, ngân sách huyện, ngân sách tỉnh để xây dựng 09 tuyến đường liên thôn của 4 xã:
+ Xã Kroong:
§ Đường từ trung tâm xã vào làng Đăk Đỏ: 1km BTXM+4 cống+hạ dốc. Vốn kiên cố hoá giao thông nông thôn (Ngân sách tỉnh hỗ trợ 2/3, ngân sách huyện 1/3).
§ Đường đi làng Adrong - làng Klư: 1,5km BTXM+6 cống; đường vào làng Đăk Đỏ: 1km BTXM+4 cống: đầu tư từ nguồn vốn bổ sung có mục tiêu.
§ Đường vào làng La Hách, Đăk ChCâu: 2km BTXM, mặt đường 3m+3 cống. Đầu tư từ vốn CT 135.
+ Xã Đăk Rong:
§ Đường vào làng Kon Trang 2: 2 cống hộp ø150 + 10cống. Đầu tư từ nguồn vốn bổ sung có mục tiêu.
§ Đường vào làng Kon Bông, Kon Lốc: 1km BTXM + 7 cống + 1 cầu bản + san gạt. Đầu tư từ vốn CT 135.
+ Xã Sơn Lang:
§ Đường thôn 4 đi thôn 1: 0,9km BTXM mặt đường 3,5m+ 3cống; đường vào thôn 5: 1km BTXM mặt đường 3m+4 cống; đường vào thôn 3a, 3b: 1,5km BTXM+6 cống. Đầu tư từ nguồn vốn bổ sung có mục tiêu.
§ Đường vào thôn 5: 1km BTXM mặt đường 3m: Vốn kiên cố hoá giao thông nông thôn (Ngân sách tỉnh hỗ trợ 2/3, ngân sách huyện 1/3).
§ Đường thôn 8 đi thôn 1a: 2,5km BTXM + 2 cống. Đầu tư từ vốn CT 135.
+ Xã Tơ Tung:
§ Đường bản 8, bản 4: 1,5km BTXM + 6 cống. Đầu tư từ vốn CT 135.
1.2.2 Điện: Đầu tư điện cho 21 làng chưa có điện theo chương trình điện Tây Nguyên của Chính phủ từ nguồn vốn của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, bao gồm các làng: Đăk ChKâu, La hách, Bngăn, Klư, Adrong, Klếch, Lur, Tăng, Tung, Gút của xã Kroong; Kon Lôk 1, Kon Lôk 2, Hà Đừng 1A, Hà Đừng 1B, Hà Đừng 2, Kon Von 2, Kon Trang 1, Kon Trang 2, Kon Bông 1, Kon Bông 2 của xã Đăk Roong và Làng Leng 2 của xã Tơ Tung.
1.2.3 Thủy lợi: đầu tư các công trình thủy lợi và nâng cấp các công trình tạm, gồm các công trình: thủy lợi Tơ Nang, xã Kroong, năng lực tưới 25ha; thủy lợi Kon Bông, xã Đăk Roong, năng lực tưới 45ha; đập dâng Kà Tung xã Tơ Tung, năng lực tưới 20ha; đập dâng Đăk Lơr xã Kroong: đầu tư từ nguồn vốn bổ sung có mục tiêu. Kiên cố, BS kênh nhánh thủy lợi Đăk Phan xã Sơn Lang: ngân sách tỉnh đầu tư 50%, ngân sách huyện đầu tư 50%.
1.2.4. Giáo dục- đào tạo:
Lồng ghép chương trình MTQG giáo dục với chương trình kiên cố hóa trường lớp giai đoạn II, ngân sách huyện, vốn TTCX, cụ thể như sau:
+ Xã Kroong: xây dựng 4 phòng học phổ thông, 8 phòng học mầm non, 17 phòng ở giáo viên. Vốn chương trình kiên cố hoá trường, lớp học.
+ Xã Đăk Rong: xây dựng 2 phòng học phổ thông, 6 phòng học mầm non, 10 phòng ở giáo viên. Vốn chương trình kiên cố hoá trường, lớp học.
Trường tiểu học Đăk Rong: Nhà ở học sinh bán trú 150m2; phòng học 340m2 và công trình phụ. Vốn Chương trình MTQG.
Trường THCS Đăk Rong: 4 phòng học. Vốn TTCX.
+ Xã Sơn Lang: xây dựng 6 phòng học phổ thông, 02 phòng học mầm non. Vốn chương trình kiên cố hoá trường, lớp học.
Đầu tư xây dựng nhà ở giáo viên trường THCS Sơn Lang: 6 phòng, nguồn ngân sách huyện.
+ Xã Tơ Tung: xây dựng 13 phòng học phổ thông, 4 phòng học mầm non, 5 phòng ở giáo viên. Vốn chương trình kiên cố hoá trường, lớp học.
Trường THCS Tơ Tung: 4 phòng học, 1 phòng thí nghiệm, 4 nhà ở Học sinh, giáo viên. Vốn Dự án phát triển giáo dục THCS - ADB tài trợ.
1.2.6.Về công tác y tế: nâng cấp 2 trạm y tế Kroong, Sơn Lang; hỗ trợ trang thiết bị để xây dựng trạm y tế đạt chuẩn quốc gia tại 4 xã Kroong, Đăk Rong, Sơn Lang, Tơ Tung. Nguồn vốn bổ sung có mục tiêu.
1.2.7. Văn hóa thông tin-phát thanh::
- Đầu tư xây dựng mới 2 nhà văn hoá xã Sơn Lang, Tơ Tung: Ngân sách tỉnh.
- Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở: hỗ trợ trang thiết bị nhà văn hóa của 2 xã Đăk Rong, Kroong. Vốn Chương trình MTQG về văn hoá.
- Xây dựng 4 trạm truyền thanh và trang bị cụm loa truyền thanh không dây cho 4 xã: Tơ Tung, Sơn Lang, Kroong, Đăk Rong. Vốn bổ sung có mục tiêu.
2. Đầu tư cho 4 xã huyện Kông Chro:
2.1. Về bố trí lại dân cư, phát triển sản xuất, Xóa đói giảm nghèo:
- Thực hiện chính sách theo Quyết định 33 của Chính phủ, tổ chức ĐCĐC xen ghép cho 4 làng (làng Lơ Bơ, Brăng, TNung I, Quel) với quy mô 127 hộ (392 khẩu); ĐCĐC tập trung làng Biêu xã Đăk Tpang với quy mô 60 hộ.
Hỗ trợ vốn trực tiếp cho hộ nghèo thông qua dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135; dự án khuyến nông-lâm-ngư, hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo: hỗ trợ 740 bò giống cho các hộ nghèo; hỗ trợ giống cây + phân bón cho 740 hộ nghèo ở 4 xã; tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình và mua sắm máy móc thiết bị, công cụ sản xuất, sơ chế biến nông sản, giống cây con mới.
Bố trí khuyến nông viên hoặc cán bộ cộng đồng cho 29 thôn, làng của 4 xã với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng trong 3 năm.
1.2. Về kết cấu hạ tầng:
1.2.1 Giao thông:
- Tuyến đường liên xã:
+ Xã Chư Krei: đường từ tỉnh lộ 662 đến trung tâm xã Chư Krei: 2 cống liên hợp tràn dài 55m, đường 2 đầu tràn 145m. Vốn đầu tư từ nguồn bổ sung có mục tiêu.
+ Xã Sơ Ró: đường từ trung tâm xã Ya Ma đi xã Sơ Ró: 7 cống. Nguồn vốn bổ sung có mục tiêu.
- Lồng ghép từ nguồn vốn bổ sung có mục tiêu, vốn Chương trình 135, vốn Trung tâm cụm xã để xây dựng 14 tuyến đường liên thôn của 4 xã:
+ Xã Chư Krei:
§ Đường từ trung tâm xã đi làng Châu, làng Tdinh, làng Hrách: 0,4km BTXM mặt đường 3m; 7km san gạt + 25 cống. Vốn đầu tư từ nguồn bổ sung có mục tiêu.
§ Trung tâm xã đi làng Sơ Rơ, Lơ Bơ: 3km BTXM+10 cống. Vốn kiên cố hoá giao thông nông thôn và vốn bổ sung có mục tiêu.
§ Đường từ trung tâm xã đi làng Châu: 0,6km đường nhựa, mặt đường 3m +5 cống+1 cầu tràn. Đầu tư từ vốn Chương trình 135.
+ Xã Đăk Tpang:
§ Đường từ trung tâm xã đi làng Groi, Grap, Boong: 900m đường BTXM, mặt 3,5m, san gạt 2km + 35 cống. Vốn đầu tư từ nguồn bổ sung có mục tiêu.
§ Đường từ trung tâm xã đi làng Kông, làng Brăng: san gạt 2,5km + 4 cống+1 tràn dài 22m. Đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 135.
+ Xã Ya Ma:
§ Đường liên thôn từ trung tâm xã đi làng Hơn: 700m BTXM mặt đường 3m, san gạt 2.700m+6 cống. Vốn đầu tư từ nguồn bổ sung có mục tiêu.
§ Trung tâm xã đi làng T’Nung: 1,5km BTXM+4 cống. Vốn kiên cố hoá giao thông nông thôn và vốn bổ sung có mục tiêu.
§ Đường bê tông làng Hơn: 0,3km BTXM mặt đường 3m. Đầu tư từ vốn Chương trình 135 (vốn làng ĐBKK).
+ Xã Sơ Ró:
§ Đường từ trung tâm xã đi làng Sơ Ró: 1km BTXM+ 9 cống, san gạt. Vốn đầu tư từ nguồn bổ sung có mục tiêu.
§ Đường giao thông khu TTCX: Chiều dài 1,5km đường láng nhựa. Vốn chương trình TTCX.
§ Trung tâm xã đi thôn 15: 1km BTXM+13 cống. Vốn kiên cố hoá giao thông nông thôn và vốn bổ sung có mục tiêu.
§ Đường làng BTing đi làng Groi: 1km BTXM + 8 cống. Đầu tư từ nguồn vốn bổ sung có mục tiêu và vốn Kiên cố hoá giao thông nông thôn.
§ Trung tâm xã đi làng Ya Ma: 2,5km đường BTXM. Vốn kiên cố hoá giao thông nông thôn (Ngân sách tỉnh hỗ trợ 2/3, ngân sách huyện 1/3).
§ Đường từ Trung tâm xã đi làng Kươk: 1km đường nhựa+0,2km BTXM. Đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 135.
2.2.2 Điện: Đầu tư điện cho 6 làng Hrách gió; Hrách Kông, Sơ Rơ, Lơ Pơ, Krap, Boong theo chương trình điện Tây Nguyên của Chính phủ.
2.2.3 Nước sinh hoạt: Đầu tư 4 hệ thống nước tự chảy ở các làng: làng Sơ Rơ, làng Vel xã Chư Krei phục vụ 143 hộ; làng Kráp, Boong, Kphiêu, Groi xã ĐăkTPang phục vụ 160 hộ; làng Groi, làng Kpoh, xã Sơ Ró phục vụ 76 hộ; làng Tnung 1, Tnung 2, làng Măng xã Sơ Ró phục vụ 212 hộ. Vốn đầu tư từ Chương trình MTQG Nước sạch và VSMTNT.
2.2.4 Thủy lợi: đầu tư nâng cấp thủy lợi Sơ Rơn xã Chư Krei, năng lực tưới 17ha; kiên cố hóa thủy lợi làng TDinh xã Chư Krei, năng lực tưới 7ha; thủy lợi Krăk, xã Sơ Ró: xây dựng đập đất đồng chất, ngưỡng tràn bằng bê tông, kênh dẫn nước dài 1.170m: đầu tư từ nguồn vốn bổ sung có mục tiêu.
2.2.5. Giáo dục- đào tạo:
Lồng ghép chương trình MTQG giáo dục với chương trình kiên cố hóa trường lớp giai đoạn II, vốn bổ sung có mục tiêu để đầu tư, cụ thể như sau:
+ Xã Chư Krei: xây dựng 2 phòng học phổ thông, 3 nhà ở giáo viên. Vốn kiên cố hoá trường lớp học.
Xây dựng trường THCS Nguyễn Khuyến: Nhà ở học sinh bán trú 80m2; phòng học, thư viện 360m2 và các công trình phụ trợ. Vốn Chương trình MTQG.
+ Xã Đăk Tpang: xây dựng 5 phòng học phổ thông, 4 nhà ở giáo viên. Vốn kiên cố hoá trường lớp học.
Đầu tư xây dựng trường THCS Đăk Tpang: nhà học 6 phòng. Vốn bổ sung có mục tiêu.
+ Xã Sơ Ró: xây dựng 1 phòng học phổ thông, 3 nhà ở giáo viên. Vốn kiên cố hoá trường lớp học.
Xây dựng phòng học mầm non làng Pơding, Kơpóh xã Sơ Ró. Vốn chương trình MTQG.
2.2.6.Về công tác y tế: xây dựng mới trạm y tế xã Đăk Tpang; TYT xã Ya Ma; tường rào, công trình vệ sinh, nước TYT xã Đăk Tpang, Chư Krei. Vốn bổ sung có mục tiêu.
2.2.7. Văn hóa thông tin-TDTT:
- Đầu tư trang thiết bị cho 4 nhà văn hóa xã. Đầu tư từ vốn Chương trình MTQG về văn hoá.
- Xây dựng 4 trạm truyền thanh và trang bị cụm loa truyền thanh không dây cho 4 xã: Chư Krei, Đăk Tpang, Sơ Ró, Ya Ma. Đầu tư từ vốn bổ sung có mục tiêu.
3. Đầu tư cho 4 xã huyện Krông Pa:
2.1. Về bố trí lại dân cư, phát triển sản xuất, Xóa đói giảm nghèo:
- Thực hiện chính sách theo Quyết định 33, 193 của Chính phủ, tổ chức bố trí dân cư, ĐCĐC cho 672 hộ của 4 xã Ia Rsai, Ia Mlah, Đất Bằng, Chư Đrăng.
Hỗ trợ vốn trực tiếp cho hộ nghèo thông qua dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135, ngân sách tỉnh: hỗ trợ 1.083 bò giống cho các hộ nghèo; hỗ trợ giống ngô bắp lai cho 1.083 hộ nghèo ở 4 xã; tập huấn đào tạo, xây dựng mô hình khuyến nông.
Ngân sách tỉnh hỗ trợ khuyến nông viên thôn làng cho 31 thôn, làng của 4 xã với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng trong 3 năm.
1.2. Về kết cấu hạ tầng:
1.2.1 Giao thông:
- Xã Ia Mlăh: nâng cấp đường liên xã Ia Mlah-Đất Bằng: 8km. Đầu tư từ vốn bổ sung có mục tiêu.
- Xã Đất Bằng:
+ Đường giao thông các thôn, buôn 4km BTXM. Đầu tư từ Chương trình 135.
+ Xây dựng 01 cống, 02 cầu tràn buôn Ama Lông, Ama Giai. Nguồn vốn bổ sung có mục tiêu.
- Xã Ia Rsai:
+ Xây dựng cầu bản suối Ia Tê. Nguồn vốn bổ sung có mục tiêu.
+ Đường thôn, buôn: 11km BTXM. Đầu tư từ vốn Chương trình 135 và vốn kiên cố hoá giao thông nông thôn (Ngân sách tỉnh hỗ trợ 2/3, ngân sách huyện 1/3).
- Xã Chư Drăng:
+ Đường liên xã vào 3 thôn Uar, H'Mung, Nung: 10km; cầu cống và BTMX đoạn xung yếu. Nguồn vốn bổ sung có mục tiêu.
+ Đường thôn, buôn: 11km BTXM. Đầu tư từ vốn Chương trình 135 và vốn kiên cố hoá giao thông nông thôn (Ngân sách tỉnh hỗ trợ 2/3, ngân sách huyện 1/3).
2.2.2 Điện: Đầu tư điện cho 4 làng: Nung, Uar, H’Mung, H’Liên theo chương trình điện Tây Nguyên của Chính phủ từ nguồn vốn của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam.
2.2.3 Nước sinh hoạt: Đầu tư 01 hệ thống công trình tập trung ở xã Chư Drăng. Vốn đầu tư từ Chương trình MTQG Nước sạch và VSMTNT.
2.2.4 Thủy lợi: khai hoang đồng ruộng xã Chư Drăng 55ha. Đầu tư từ vốn bổ sung có mục tiêu. Đập thuỷ lợi Uar xã Chư Drăng, nguồn vốn JBIC (vốn vay Chính phủ Nhật Bản).
2.2.5. Giáo dục- đào tạo:
Lồng ghép chương trình MTQG giáo dục với chương trình kiên cố hóa trường lớp giai đoạn II, vốn bổ sung có mục tiêu để đầu tư, cụ thể như sau:
+ Xã Ia Mlah: xây dựng 6 phòng học phổ thông, 4 phòng học mầm non, 1 nhà ở GV. Vốn kiên cố hoá trường lớp học.
Trường THCS Lê Lợi: nhà hiệu bộ, phòng thí nghiệm từ nguồn vốn Trung tâm cụm xã.
+ Xã Đất Bằng: xây dựng 07 phòng học phổ thông; 3 phòng học mầm non; 3 phòng ở GV. Vốn kiên cố hoá trường lớp học.
+ Xã Ia Rsai: xây dựng 08 phòng học phổ thông; 6 phòng học mầm non; 1 phòng ở GV. Vốn kiên cố hoá trường lớp học.
+ Xã Chư Drăng: xây dựng 9 phòng học phổ thông; 4 phòng học mầm non; 7 phòng ở GV. Vốn kiên cố hoá trường lớp học.
Trường THCS Nguyễn Huệ: xây dựng phòng chức năng và phòng ở cho HS bán trú (đầu tư từ nguồn vốn Chương trình MTQG).
2.2.6.Về công tác y tế: xây dựng khu vệ sinh, giếng nước cho 2 xã Đất Bằng và Ia Rsai. Vốn bổ sung có mục tiêu.
2.2.7. Văn hóa-phát thanh truyền hình:
- Xây mới 03 nhà văn hoá xã Chư Drăng, Ia Rsai, Đất Bằng. Nguồn ngân sách tỉnh.
- Đầu tư trang thiết bị nhà văn hoá 4 xã và trang thiết bị nhà sinh hoạt cộng đồng cho 31 buôn, thôn của 4 xã. Vốn Chương trình MTQG về văn hoá và ngân sách huyện.
- Xây dựng 4 trạm truyền thanh và trang bị cụm loa truyền thanh không dây cho 4 xã từ nguồn vốn bổ sung có mục tiêu.
2.2.8. Trụ sở xã: xây dựng trụ sở xã Chư Drăng, vốn bổ sung có mục tiêu.
Kinh phí đầu tư cho 12 xã vùng căn cứ cách mạng là: 304,303 tỷ đồng (Ba trăm lẻ tư tỷ, ba trăm lẻ ba triệu đồng).
Trong đó: Huyện Kbang: 142,077 tỷ đồng.
Huyện Kông Chro: 70,034 tỷ đồng.
Huyện Krông Pa: 92,192 tỷ đồng.
(Có biểu chi tiết kèm theo)
Để tổ chức thực hiện tốt Đề án trên, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành như sau:
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các ngành có liên quan bố trí vốn cho các xã vùng căn cứ cách mạng (sau đây gọi là các xã) và giao thành mục riêng trong kế hoạch hàng năm.
2. Ban Dân tộc chủ trì phối hợp với UBND các huyện vận động nhân dân thực hiện ĐCĐC tập trung và xen ghép theo Đề án, có trách nhiệm làm việc với các Bộ, ngành Trung ương để đảm bảo nguồn vốn thực hiện mục tiêu này.
3. Sở Công thương có trách nhiệm làm việc thống nhất với Tổng Công ty Điện lực Việt Nam tập trung đầu tư điện cho 31 làng, để đến năm 2010 tất cả các làng này đều có điện. Tùy theo tình hình thực tế của mỗi xã vùng CCCM để hỗ trợ vốn khuyến công cho phù hợp. Xây dựng phương án để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa do nhân dân làm ra.
4. Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện xây dựng phương án sản xuất, xác định rõ cây trồng, vật nuôi thích hợp ở các xã để hướng dẫn cho nhân dân sản xuất. Làm việc với Bộ Nông nghiệp và PTNT tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, vốn khuyến nông, khuyến công để tăng thêm nguồn lực cho các xã này.
5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì cùng với Sở Thông tin và truyền thông có trách nhiệm phối hợp với UBND các huyện vận động các doanh nghiệp, các đơn vị ủng hộ ti vi, xây dựng các điểm xem truyền hình.
6. Sở Lao động, Thương binh và XH chủ trì phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội và UBND các huyện hướng dẫn các hộ nghèo ở các xã này được tiếp cận với các nguồn vốn, hướng dẫn hộ nghèo vay vốn để sản xuất kinh doanh; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên và lao động nông thôn.
7. Giao cho Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Ban tổ chức Tỉnh ủy và các huyện rà soát và xây dựng chính sách ưu đãi đối với cán bộ công tác ở vùng CCCM, thu hút được cán bộ có trình độ đại học về công tác tại các xã; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, củng cố đội ngũ cán bộ xã hiện có trình UBND tỉnh phê duyệt để đưa vào thực hiện hàng năm.
8. Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp cho học sinh ở vùng khó khăn, chủ trì cùng với UBND các huyện xây dựng phương án duy trì sỹ số học sinh và nâng cao chất lượng học tập cho học sinh vùng khó khăn. Hằng năm tham mưu cho UBND tỉnh ưu tiên cử tuyển con em đồng bào Banah đi học ở các trường Đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp.
9. UBND huyện Kbang, huyện Kông Chro, huyện Krông Pa tăng cường công tác tuyên truyền và giáo dục nhân dân và CBCC về chủ trương, chính sách hỗ trợ của tỉnh để nâng cao đời sống nhân dân vùng căn cứ cách mạng, có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt Đề án, huy động nội lực của nhân dân vươn lên thoát nghèo, cùng tham gia xây dựng các công trình nhà rông, các thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở, đường giao thông nông thôn,.. Bảo đảm cho người dân được hưởng các chính sách đúng quy định, tránh trùng lắp, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.
10. Huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia thực hiện Đề án này, đề nghị cơ quan Mặt trận và các đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội cùng tham gia thực hiện./.
- 1Quyết định 15/2008/QĐ-UBND Quy định mức hỗ trợ thực hiện Chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật thuộc Chương trình 135 giai đoạn II, tỉnh Khánh Hòa do UBND Tỉnh Khánh Hòa ban hành
- 2Quyết định 719/2008/QĐ-UBND ban hành Quy định Chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật thuộc Chương trình 135 giai đoạn II trên địa bàn tỉnh Cao Bằng do Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành
- 3Kế hoạch 69/KH-UBND thực hiện Chương trình 02/CTr-TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015” do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 1Quyết định 170/2005/QĐ-TTg về chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 - 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Quyết định 112/2007/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật thuộc Chương trình 135 giai đoạn II do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 15/2008/QĐ-UBND Quy định mức hỗ trợ thực hiện Chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật thuộc Chương trình 135 giai đoạn II, tỉnh Khánh Hòa do UBND Tỉnh Khánh Hòa ban hành
- 6Quyết định 719/2008/QĐ-UBND ban hành Quy định Chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật thuộc Chương trình 135 giai đoạn II trên địa bàn tỉnh Cao Bằng do Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành
- 7Kế hoạch 69/KH-UBND thực hiện Chương trình 02/CTr-TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015” do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
Quyết định 96/QĐ-UBND năm 2008 về phê duyệt Đề án nâng cao đời sống nhân dân vùng căn cứ cách mạng của huyện Kbang, Kông Chro, Krông Pa, tỉnh Gia Lai giai đoạn 2009-2011
- Số hiệu: 96/2008/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 31/12/2008
- Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai
- Người ký: Phạm Thế Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra