Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 96/2000/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT QUẬN HOÀN KIẾM HÀ NỘI TỶ LỆ 1/2000 (PHẦN QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT VÀ QUY HOẠCH GIAO THÔNG)

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân;

- Căn cứ Nghị định số 91/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ ban hành Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị;

- Căn cứ Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020;

- Căn cứ Quyết định số 322/BXD-ĐT ngày 28/12/1993 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy định lập đồ án quy hoạch xây dựng đô thị;

- Xét đề nghị của Kiến trúc sư trưởng Thành phố tại Tờ trình số 1083/TTr-KTST ngày 31/12/1999, Công văn số 323/KTST-DA ngày 31/5/1999, Công văn số 256/KTST-DA ngày 24/5/2000 và Công văn số 527/KTST-DA ngày 29/9/2000,

QUYẾT ĐỊNH

Điều I. Phê duyệt quy hoạch chi tiết quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tỷ lệ 1/2000 (Phần quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông) do Công ty Tư vấn Kiến trúc đô thị Hà Nội lập tháng 12/1998 với nội dung chủ yếu như sau:

1. Vị trí, phạm vi, ranh giới và quy mô lập quy hoạch chi tiết.

1.1. Vị trí, phạm vi và ranh giới.

Quận Hoàn Kiếm có vị trí ở trung tâm Thành phố Hà Nội, ranh giới được giới hạn như sau:

- Phía Bắc và Tây Bắc giáp quận Ba Đình

- Phía Đông và Đông Bắc giáp sông Hồng

- Phía nam giáp quận Hai Bà Trưng

- Phía Tây giáp quận Đống Đa.

1.2. Quy mô

Quận Hoàn Kiếm bao gồm 18 phường với tổng diện tích đất tự nhiên theo ranh giới hành chính là 528,76 ha.

Trong đó mặt nước sông Hồng có diện tích là 75,43 ha và đất tự nhiên có diện tích 453,33 ha.

2. Nội dung quy hoạch chi tiết:

2.1. Tính chất

Quận Hoàn Kiếm là một trong các quận trung tâm của Thành phố, tại đây có trung tâm hành chính - chính trị của Thủ đô Hà Nội, có khu phố được bảo tồn và tôn tạo. Khu phố cũ (phía Nam hồ Hoàn Kiếm) được chỉnh trang và cải tạo. Khu vực ngoài đê sông Hồng khi xây dựng và cải tạo theo quy định của pháp luật về bảo vệ đê điều, đồng thời giải toả các khu đất ven sông tạo thành mảng cây xanh cho Thành phố.

2.2. Quy mô dân số

- Theo tổng điều tra dân số tính đến 0h ngày 1/4/1999 dân số trong quận Hoàn Kiếm là: 159.761 người. Mật độ 352 người/ha.

- Tổng dân số dự kiến theo quy hoạch đến năm 2005: 154.000 người. Mật độ 340 người/ha.

- Tổng dân số dự kiến theo quy hoạch đến năm 2020: 130.000 người. Mật độ 287 người/ha.

2.3. Các chỉ tiêu quy hoạch đạt được

STT

Ký hiệu

Loại đất

Diện tích (ha)

Tỷ lệ (%)

Chỉ tiêu bình quân (m2/người)

1

A

Đất dân dụng

352,55

77,77

27,12

2

AI

Đất khu ở

175,61

38,74

13,51

3

AII

Đất công cộng quận và Thành phố (Bao gồm: Đất hành chính; Văn hoá; Y tế; Giáo dục; Dịch vụ công cộng khác)

31,10

6,86

2,40

4

AIII

Đất cây xanh TDTT quận và Thành phố

29,91

6,60

2,30

5

AIV

Đất giao thông, quảng trường và bãi đỗ xe

115,93

25,57

8,91

6

B

Đất dân dụng khác

92,96

20,01

 

7

C

Đất ngoài dân dụng

7,82

1,73

 

 

 

Tổng cộng

453,33

100

34,87

2.4. Các chỉ tiêu quy hoạch khống chế tính đến năm 2020

TT

Hạng mục

Toàn quận

Khu phố cổ

Khu phố cũ

Khu ngoài đê

1

Dân số (1000 người)

130

50

55

25

2

Mật độ cư trú (ng/ha) (netto)

287

500

230

295

3

Mật độ xây dựng trung bình các ô phố (%)

50 ÷ 60

65 ÷ 70

50 ÷ 60

50 ÷ 55

4

Tầng cao trung bình (tầng)

2,5

2,5

2,75

2,5

5

Hệ số sử dụng đất (lần)

1,3 ÷ 1,5

1,6 ÷ 1,8

1,3 ÷ 1,7

1,2 ÷ 1,4

2.5. Cơ cấu quy hoạch

Quận Hoàn Kiếm được chia làm 4 khu quy hoạch:

- Khu phố cổ: Khi xây dựng phải tuân thủ các quy định của Quyết định số 70BXD/KT-quyền hạn ngày 30/3/1995 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt quy hoạch bảo vệ, tôn tạo và phát triển khu phố cổ Hà Nội và điều lệ tạm thời về quản lý xây dựng, bảo tồn và tôn tạo khu phố cổ Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 45/1999/QĐ-UB ngày 4/6/1999 của UBND Thành phố và các quy định trong QHCT quận Hoàn Kiếm đã được phê duyệt.

- Khu vực Hồ Gươm và phụ cận: Khi xây dựng phải tuân theo Quyết định số 448BXD/KT-quyền hạn ngày 3/8/1996 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Gươm và phụ cận, Điều lệ quản lý xây dựng theo quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Gươm và phụ cận số 45/QĐ-UB ngày 6/1/1997 của UBND Thành phố và các quy định được phê duyệt trong quy hoạch chi tiết quận Hoàn Kiếm, tỷ lệ 1/2000.

- Khu phố cũ: Được xây dựng, cải tạo các công trình theo các quy định của Quy hoạch chi tiết quận Hoàn Kiếm tỷ lệ 1/2000 được phê duyệt.

- Khu vực ngoài đê sông Hồng: Được xây dựng, cải tạo các công trình theo các chỉ tiêu sử dụng đất của quy hoạch chi tiết quận Hoàn Kiếm tỷ lệ 1/2000 được phê duyệt và các quy định hiện hành của các cấp có thẩm quyền.

2.6. Giải pháp quy hoạch sử dụng đất đai

2.6.1. Đất công nghiệp, kho tàng, bến bãi

- Tổ chức di chuyển các xí nghiệp, cơ sở sản xuất không đảm bảo vệ sinh môi trường và sản xuất kém hiệu quả để chuyển sang xây dựng các công trình hạ tầng xã hộ, chủ yếu là xây dựng trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, cây xanh, khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao.

- Một số cơ sở sản xuất công nghiệp nhẹ, không độc hại như Xí nghiệp In Báo Nhân dân, Công ty in Thống Nhất, Công ty chế tạo thiết bị đo điện và một số cơ sở sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp khác được giữ lại nhưng cần cải tạo để phù hợp với kiến trúc quy hoạch được phê duyệt và đảm bảo vệ sinh môi trường.

2.6.2. Đất cơ quan Ngoại giao đoàn:

Trụ sở cơ quan, nhà làm việc tại các vị trí hiện có được phép giữ nguyên nhưng cần cải tạo, chỉnh trang để khai thác quỹ đất có hiệu quả, công trình hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc. Những công trình ít giá trị về mặt kiến trúc hoặc đã xuống cấp được phép cải tạo xây dựng mới theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.

2.6.3. Đất trường đại học và trường chuyên nghiệp

Các trường đại học và trường chuyên nghiệp hiện có trong quận được giữ nguyên và cải tạo, chỉnh trang theo quy hoạch. Trường Đại học Tổng hợp và trường Đại học Dược cần khôi phục, tôn tạo các công trình kiến trúc có giá trị, không được sử dụng với mục đích khác giáo dục đào tạo.

2.6.4. Đất công trình thể thao, văn hoá

- Cải tạo, xây dựng lại trung tâm văn hoá Quận ở phố Nhà Chung cho phù hợp quy mô và tính chất công trình.

- Khu trung tâm thể dục thể thao Long Biên tổ chức giải toả, thu hồi phần đất bị lấn chiếm để cải tạo, xây dựng thành Trung tâm thể dục thể thao của quận.

- Chỉnh trang, tôn tạo các Bảo tàng, Thư viện, các rạp hát, rạp chiếu phim hiện có trên địa bàn huyện theo quy hoạch.

2.6.5. Đất công viên, cây xanh

- Giữ gìn, tôn tạo khu vực tượng đài Vua Lê để gắn kết, hoà nhập với cảnh quan quanh khu vực Hồ Gươm.

- Phát triển khu cây xanh tập trung ở khu vực hành lang bảo vệ cầu, hành lang bảo vệ đê, dải đất giữa sông Hồng và tuyến đường dạo dọc sông.

- Tổ chức trồng cây xanh sau khu vực Nhà Hát lớn Thành phố, dọc theo tuyến đê và dưới hành lang bảo vệ tuyến điện cao thế.

- Tổ chức trồng cây xanh bổ sung dọc theo các đường phố.

- Cây xanh trong các công trình và cụm công trình phải được chú ý khi cải tạo hoặc xây dựng mới.

- Diện tích đất dành cho cây xanh, công viên phải đạt được 29,91 ha với chỉ tiêu bình quân 2,3m2/người.

2.6.6. Đất trường học, nhà trẻ, mẫu giáo

Chủ trương xây dựng một số trường học, nhà trẻ, mẫu giáo tại các xí nghiệp cơ sở sản xuất phải di chuyển để đạt chỉ tiêu tối thiểu 6m2/học sinh.

2.6.7. Hệ thống dịch vụ công cộng

Hệ thống mạng lưới chợ:

- Chợ Đồng Xuân - Bắc Qua là chợ đầu mối.

- Chợ Hàng Da, chợ Hàng Bè.

- Chợ Cửa Nam, chủ yếu là thực phẩm và công nghệ phẩm.

Ngoài ra còn có hệ thống thương mại quy mô nhỏ, dịch vụ công cộng dọc các trục phố: Hàng Ngang, Hàng Đào, Lương Văn Can, Hàng Bông, Phố Huế, Hàng Bài....

- Các chợ 19/12, ngõ Tức Mạc chỉ khai thác quá độ, sau năm 2005 sẽ di chuyển.

2.6.8. Mạng lưới y tế

Giữ nguyên mạng lưới công trình y tế: các bệnh viện, nhà hộ sinh hiện có trong địa bàn quận, cho phép phát triển thêm các phòng khám chữa bệnh tư nhân, chăm sóc sức khoẻ nhưng phải đảm bảo vệ sinh môi trường sông

2.6.9. Đất ở

* Đất ở thuộc khu phố cổ

Bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc có giá trị ( danh mục, tính chất bảo tồn do Uỷ ban nhân dân thành phố xem xét quyết định). Các công trình khác được cải tạo, giữ gìn phong cách kiến trúc đặc hữu của khu phố cổ. Mật độ xây dựng 65-70%. Tầng cao trung bình 2,0-3 tầng. khi xây dựng phải tuân thủ các quy định của Nhà nước và Uỷ ban nhân dân Thành phố về việc bảo vệ, tôn tạo và phát triển khu phố cổ Hà Nội.

* Đất ở xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Các công trình cải tạo, xây dựng phải theo đúng chỉ tiêu qui hoạch đã được phê duyệt.

* Đất ở thuộc khu phố cũ.

Bao gồm địa bàn các phường Phan Chu Trinh, Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, khi cải tạo cần nghiên cứu kỹ về giá trị kiến trúc và chất lượng công trình để có giải pháp cụ thể cho từng công trình. Mật độ xây dựng 50-60%. Tầng cao trung bình 2,5 ¸ 3 tầng. Hạn chế chiều cao các công trình xây dựng mới, chỉ bố trí xây dựng các công trình cao tầng ở vị trí thích hợp.

* Đất ở khu vực ngoài đê sông Hồng.

- Bao gồm địa bàn các phường Chương Dương, Phúc Tân cần tổ chức, giải toả các khu nhà xây dựng trái phép, các khu nhà vi phạm các khu vực cấm xây dựng như: hành lang bảo vệ đê điều, hành lang bảo vệ cầu, công trình giao thông đường bộ, đường sông, hành lang bảo vệ an toàn lưới điện.

- Nhà ở và các khu nhà ở đã xuống cấp không đảm bảo an toàn được cải tạo xây dựng, các khu vực đất đai bị lấn chiếm sẽ tổ chức giải toả và xây dựng lại theo qui hoạch chung. Mật độ xây dựng 50-55%. Tầng cao trung bình 2,0-3 tầng. Việc xây dựng tại khu vực này cần tuân thủ theo quy định của pháp luật về bảo vệ đê điều.

* Đất ở các khu còn lại.

Bao gồm các địa bàn thuộc phường Cửa Nam, phố Lý Nam Đế. Mật độ xây dựng 50-60%. Tầng cao trung bình 2,5-3 tầng.

2.6.10. Đất các công trình di tích lịch sử văn hoá.

- Giữ gìn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá.

- Thu hồi những diện tích đất đã bị lấn chiếm trong phạm vi bảo vệ các công trình di tích lịch sử, văn hoá đã được xếp hạng.

- Xác định giá trị các công trình tôn giáo, di tích để có kế hoạch công nhận và bảo vệ, giữ gìn.

- Đối với các công trình tôn giáo, di tích trong địa bàn quận Hoàn Kiếm thì khu vực bảo vệ là khu vực I theo quy định của pháp luật.

- Các công trình tôn giáo, di tích được bảo tồn, tôn tạo để giữ nguyên kiến trúc đặc thù vốn có của công trình. Việc cải tạo chỉnh trang phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

2.6.11. Đất an ninh quốc phòng

- Một số khu nhà ở của cán bộ, chiến sỹ quân đội nằm ở phố Lý Nam Đế và phố Phạm Ngũ Lão chuyển sang chịu sự quản lý chung của Quận và Thành phố.

- Phần còn lại nằm ở các tuyến phố Trần Quang Khải và Phạm Ngũ Lão chịu sự quản lý của Bộ Quốc phòng: Quân khu Thủ đô, Bộ Chỉ huy quân sự Thành phố thực hiện theo quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất an ninh quốc phòng.

2.7. Quy hoạch hệ thống giao thông

2.7.1. Hệ thống giao thông đối ngoại

a, Đường sắt

Phía Tây Bắc quận Hoàn Kiếm hiện tại có tuyến giao thông đường sắt quốc gia đi qua địa bàn quận về ga Hà Nội. Trong quy hoạch quận tuyến đường sắt này sẽ kết hợp với tuyến đường sắt nội đô, đi trên cao nằm vào vị trí nền đường sắt hiện có. Ngoài ra còn dự kiến 1 tuyến đường sắt đô thị nội đô từ ga Hà Nội đến cuối phố Trần Hưng Đạo (được xác định theo hướng quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020).

b, Đường thuỷ

Phía Đông quận Hoàn Kiếm giáp với sông Hồng, dự kiến xây dựng một cảng đường thuỷ. Quy mô, diện tích dự kiến khoảng 5000m2. Đây là cảng chủ yếu vận chuyển hành khách, khách du lịch dọc theo sông Hồng.

2.7.2. Hệ thống giao thông đô thị

a, Mạng lưới đường

- Giữ nguyên mạng lưới đường trên cơ sở mặt cắt và chỉ giới xây dựng hiện có các đường trong khu phố cổ. Từng bước xây dựng một số đường phố để dành riêng cho khách đi bộ.

- Mở rộng các tuyến phố Trần Khánh Dư - Trần Quang Khải - Trần Nhật Duật theo quy hoạch.

- Mở rộng phố Lê Duẩn với mặt cắt là 30m, từ đầu phố Trần Hưng Đạo đến ngã tư Nguyễn Thượng Hiền.

- Cải tạo nút giao thông cầu Chương Dương.

- Đối với khu vực ngoài đê sông Hồng: Mở rộng các tuyến phố Bạch Đằng - Cầu Đất - La Văn Cầu - Nguyễn Thị Chiên với mặt cắt 17m, các tuyến đường nội bộ khu vực có bề rộng mặt cắt ngang theo quy hoạch từ 10m đến 13,5m.

b, Bãi đỗ xe và các công trình phục vụ giao thông

Xây dựng một số bãi đỗ xe nổi, ngầm hoặc cao tầng tại các vị trí thích hợp được xác định theo quy hoạch. Chú trọng khai thác các khu đất dọc hành lang bảo vệ đê, các ga ra ngầm dưới các vườn hoa.

Các bãi đỗ xe kết hợp với các công rình xây dựng cao tầng

- Tại trung tâm thương mại: Chợ Cửa Nam, Hiệu sách Hà Nội phố Tràng Tiền, Khách sạn Tháp Hà Nội, Chợ Đồng Xuân.... với quy mô xây dựng khoảng 200 xe/công trình.

- Tổng diện tích giao thông tĩnh đạt được khoảng 33.200m2, đạt chỉ tiêu là 0,25m2/người.

Điều II. Căn cứ quy hoạch chi tiết quận Hoàn Kiếm Hà Nội - tỷ lệ 1/2000 được phê duyệt (phần quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông), Kiến trúc sư trưởng Thành phố chịu trách nhiệm kiểm tra và xác nhận hồ sơ thiết kế kèm theo, tổ chức công bố công khai quy hoạch chi tiết được duyệt cho các tổ chức, cơ quan và nhân dân biết, thực hiện.

- Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý, kiểm tra, giám sát xây dựng theo quy hoạch và xử lý các trường hợp xây dựng sai quy hoạch theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

- Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều III. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Kiến trúc sư trưởng Thành phố, Giám đốc các Sở: Kế hoạch - Đầu tư, Giao thông Công chính, Xây dựng, Địa chính - Nhà đất, Tài chính - Vật giá; Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm; Chủ tịch UBND các phường thuộc quận Hoàn Kiếm; Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM/ UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH




Hoàng Văn Nghiên