Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 956/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 04 tháng 4 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THEO DÕI TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT NĂM 2014 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh tại Tờ trình số 338/TTr-STP ngày 19 tháng 3 năm 2014 về việc ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2014 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Điều 2. Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc triển khai và tổ chức thực hiện Kế hoạch này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Tư pháp; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Xứng

 

KẾ HOẠCH

THEO DÕI TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT NĂM 2014 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 956/QĐ-UBND ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa)

Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2014 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo quy định Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật; Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh, với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ.

2. Theo dõi tình hình thi hành pháp luật nhằm xem xét, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật, kiến nghị các giải pháp đảm bảo cho pháp luật được thi hành nghiêm minh, thống nhất, góp phần nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

3. Công tác theo dõi thi hành pháp luật phải được thực hiện thường xuyên, toàn diện có trọng tâm, trọng điểm; kết hợp theo dõi thi hành pháp luật theo lĩnh vực và địa bàn, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

4. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình theo dõi tình hình thi hành pháp luật; không trùng lắp, chồng chéo với các hoạt động thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước đã được pháp luật quy định. Huy động sự tham gia tích cực của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nhân dân trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

II. LĨNH VỰC THEO DÕI THI HÀNH PHÁP LUẬT

Tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: Đất đai, môi trường và xây dựng tại một số sở và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

1. Lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính về đất đai

Đánh giá việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực Đất đai theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2013; Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008; Nghị định số 105/2009/NĐ-CP ngày 11/11/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; Thông tư số 16/2010/TT-BTNMT ngày 26/8/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Thông tư liên tịch số 39/2011/TTLT-BTNMT-BTC ngày 15/11/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện việc đo đạc xác định diện tích đất phục vụ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

2. Lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính về môi trường

Đánh giá việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực môi trường theo quy định Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2013; Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002; Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008; Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; Thông tư liên tịch số 197/2010/TTLT-BTC-BTNMT ngày 08/12/2010 của Bộ Tài chính - Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thu, nộp tiền phạt, quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

3. Lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng

Đánh giá việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2013; Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008, Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 7/12/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị, Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; Thông tư số 24/2009/TT-BXD ngày 22/7/2009 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản, khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý phát triển nhà và công sở; Thông tư số 02/2014/TT-BXD ngày 12 tháng 02 năm 2014 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.

III. HÌNH THỨC THEO DÕI TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT

1. Điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật

- Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng tiến hành điều tra, khảo sát theo yêu cầu của tình hình thi hành pháp luật trong từng lĩnh vực, địa bàn và đối tượng cụ thể thông qua Phiếu khảo sát, tọa đàm, phỏng vấn trực tiếp và các hình thức phù hợp khác.

- Hoạt động điều tra, khảo sát có thể được thực hiện theo cơ chế cộng tác viên.

2. Nội dung theo dõi

Công tác theo dõi thi hành pháp luật được thực hiện theo các nội dung sau:

2. 1. Thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật

Các cơ quan, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật trên các lĩnh vực từ các nguồn sau:

- Kết quả kiểm tra tình hình thi hành pháp luật;

- Kết quả điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật;

- Báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước;

- Kết quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và giám sát;

- Thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin do các tổ chức, cá nhân cung cấp.

2. 2. Xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật

Sau khi thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật, các cơ quan, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật trên từng lĩnh vực theo 03 nội dung sau:

- Tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật;

- Tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật;

- Tình hình tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

2. 3. Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật

Căn cứ kết quả thu thập thông tin, kết quả kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật, các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo các nội dung sau đây:

- Ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tập huấn, phổ biến pháp luật;

- Bảo đảm về tổ chức, biên chế, kinh phí và các điều kiện khác cho thi hành pháp luật;

- Thực hiện các giải pháp để kịp thời tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật đã có hiệu lực;

- Sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật;

- Thực hiện các biện pháp khác nhằm bảo đảm cho pháp luật được thực hiện nghiêm minh góp phần nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

3. Kiểm tra tình hình thi hành pháp luật

3. 1. Thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình thi hành pháp luật

Tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành do Giám đốc Sở Tư pháp làm Trưởng đoàn, với sự tham gia của đại diện các Sở, ban, ngành có liên quan.

3. 2. Nội dung, phạm vi kiểm tra

- Kiểm tra, đánh giá việc thi hành và triển khai thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong 03 lĩnh vực: Đất đai, môi trường và xây dựng.

- Kiểm tra hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 03 lĩnh vực: Đất đai, môi trường và xây dựng từ ngày 01/01/2012 đến ngày 30/6/2014.

3. 3. Địa bàn kiểm tra

- Kiểm tra 07 huyện: Đông Sơn, Như Xuân, Thạch Thành, Triệu Sơn, Vĩnh Lộc, Hà Trung và Hậu Lộc.

- Kiểm tra 02 Sở: Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng.

3. 4. Thời gian thực hiện: Quý III năm 2014.

4. Chế độ báo cáo

4. 1. Nội dung báo cáo: Thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục (Kèm theo)

4. 2. Thời gian báo cáo

- UBND các huyện, thị xã, thành phố (đơn vị phối hợp) có trách nhiệm gửi báo cáo cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng (đơn vị chủ trì trong từng lĩnh vực) trước ngày 30/9/2014.

- Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng tổng hợp báo cáo, gửi về Sở Tư pháp trước ngày 05/10/2014.

- Sở Tư pháp tổng hợp kết quả công tác theo dõi thi hành pháp luật năm 2014 trên địa bàn tỉnh, báo cáo Bộ Tư pháp và UBND tỉnh trước ngày 15/10/2014.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tư pháp:

a) Chủ trì tổ chức thực hiện Kế hoạch và hướng dẫn, đôn đốc các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp thực hiện Kế hoạch; kiểm tra các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật.

b) Tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành về theo dõi tình hình thi hành pháp luật; phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức xây dựng Kế hoạch làm việc của Đoàn Kiểm tra liên ngành và thông báo cho các đơn vị được kiểm tra trước khi tổ chức kiểm tra.

c) Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng mẫu Phiếu khảo sát và hướng dẫn các đơn vị liên quan thực hiện việc khảo sát theo mẫu.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng:

a) Chủ động xây dựng Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật năm 2014 của ngành mình; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp triển khai và đôn đốc việc thực hiện báo cáo về tình hình thi hành pháp luật đối với lĩnh vực quản lý nhằm đảm bảo chất lượng, nội dung theo thời gian yêu cầu.

b) Chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng báo cáo về tình hình thi hành pháp luật đối với những nội dung thuộc lĩnh vực quản lý của ngành mình.

3. Các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố:

a) Phối hợp cung cấp thông tin, báo cáo, thực hiện khảo sát theo yêu cầu của các đơn vị chủ trì; chuẩn bị báo cáo theo yêu cầu của Đoàn Kiểm tra liên ngành.

b) UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm triển khai kế hoạch đến các cơ quan chuyên môn có liên quan và UBND xã, phường, thị trấn để kế hoạch được thực hiện có hiệu quả.

4. Kinh phí thực hiện: Kinh phí thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật được sử dụng trong dự toán chi thường xuyên theo quy định về phân cấp ngân sách. /.

 

PHỤ LỤC

NỘI DUNG BÁO CÁO THEO DÕI TÌNH HÌNH THI HÀNH LUẬT VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI, MÔI TRƯỜNG VÀ XÂY DỰNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 956/QĐ-UBND ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa)

I. ĐÁNH GIÁ NỘI DUNG CỤ THỂ VỀ THI HÀNH PHÁP LUẬT

1. Tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện, thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: Đất đai, môi trường, xây dựng

a) Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật:

- Số lượng, hình thức văn bản cần được xây dựng, ban hành theo yêu cầu;

- Số lượng, hình thức văn bản được xây dựng ban hành đúng tiến độ;

- Số lượng, hình thức và tên văn bản xây dựng, ban hành chậm tiến độ. Lý do chậm tiến độ.

(Nội dung này được đánh giá căn cứ vào kết quả ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của HĐND và UBND quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND).

b) Việc ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật (bao gồm các loại văn bản không phải văn bản QPPL, liệt kê số lượng văn bản, hình thức ban hành).

c) Đánh giá tình hình ban hành văn bản:

- Tính kịp thời, đầy đủ của văn bản;

- Tính thống nhất đồng bộ của văn bản;

- Tính khả thi của văn bản.

(Các nội dung đánh giá trong mục này không chỉ đối với văn bản của địa phương mà còn đối với văn bản của Trung ương)

d) Đánh giá về trình tự, thủ tục hành chính các lĩnh vực: Đất đai, môi trường và xây dựng.

Nêu những thuận lợi, khó khăn.

2. Các điều kiện bảo đảm cho việc thi hành pháp luật

a) Công tác phổ biến pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân trong lĩnh vực này.

b) Tình hình tổ chức nhân sự; công tác xây dựng, kiện toàn tổ chức, nhân sự; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; kinh phí, cơ sở vật chất và các điều kiện bảo đảm khác.

Đánh giá thuận lợi, khó khăn.

3. Kết quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm:

- Số lượng vụ việc thanh tra đã thực hiện; số lượng các sai phạm được phát hiện qua hoạt động thanh tra; kết quả thực hiện kết luận thanh tra và kết quả xử lý sai phạm;

- Số lượng vụ việc vi phạm phát hiện qua hoạt động kiểm tra;

- Số lượng quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính khác đã ban hành;

- Số lượng quyết định đã được chấp hành; số lượng quyết định chưa được chấp hành, lý do chủ yếu của việc chưa chấp hành;

- Đánh giá về tình hình vi phạm pháp luật:

+ Các vi phạm pháp luật có tính chất phổ biến.

+ Nguyên nhân của tình hình vi phạm pháp luật.

Nêu và đánh giá nguyên nhân của tình hình vi phạm pháp luật: Do bất cập của quy định pháp luật về nội dung, về trình tự, thủ tục; do nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của đối tượng thi hành; do công tác tổ chức thi hành pháp luật (điều kiện về nguồn lực đảm bảo; công tác đôn đốc thực hiện, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm... ).

c) Đánh giá về tình hình ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

II. CÁC ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THI HÀNH PHÁP LUẬT

1. Kiến nghị xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật:

a) Nêu tên văn bản và các nội dung quy định pháp luật cụ thể.

b) Kiến nghị (xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ và lý do cụ thể).

2. Đề xuất, kiến nghị về thủ tục hành chính:

a) Ban hành thủ tục hành chính mới.

b) Sửa đổi, hủy bỏ những thủ tục hành chính không còn phù hợp, không cần thiết, gây cản trở, phiền hà, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.

3. Kiến nghị về các biện pháp tổ chức thi hành pháp luật.

(Ghi chú: Số liệu báo cáo được thống kê từ ngày 01/01/2012 đến ngày 30/6/2014).

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 956/QĐ-UBND về kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2014 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

  • Số hiệu: 956/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/04/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Nguyễn Đình Xứng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/04/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản