ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 956/QĐ-UBND | Hoà Bình, ngày 07 tháng 6 năm 2011 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC TỈNH HÒA BÌNH
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000 (số 30/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28/12/2000) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 12/2002/TT-BCA(A11) ngày 13/9/2002 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước;
Xét đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh tại Tờ trình số 114/TTr-CAT(PV11) ngày 17/5/2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế Bảo vệ bí mật nhà nước tỉnh Hòa Bình, gồm 5 chương, 24 điều.
(có bản Quy chế kèm theo)
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các cơ quan, tổ chức có chức năng liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| CHỦ TỊCH |
BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC TỈNH HÒA BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 956 /QĐ-UBND ngày 07 /6/2011 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình)
Điều 1. Bí mật nhà nước là thông tin, tư liệu, tài liệu, mẫu vật nếu để lộ sẽ gây nguy hại cho nhà nước về chính trị, kinh tế, đối ngoại, an ninh, quốc phòng và lợi ích hợp pháp của các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội.
Bí mật nhà nước của tỉnh Hòa Bình là thông tin, tư liệu, số liệu, tài liệu, mẫu vật có nội dung thuộc các độ “Tuyệt mật”, “Tối mật”, “Mật” do Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thực hiện trong phạm vi tỉnh Hòa Bình; là thông tin, tư liệu, số liệu, tài liệu, mẫu vật được ấn định và đóng dấu các độ mật ở nơi khác gửi đến tỉnh Hòa Bình.
Điều 2. Bảo vệ bí mật nhà nước của tỉnh Hòa Bình là nhiệm vụ quan trọng của cơ quan Đảng, nhà nước, đoàn thể, tổ chức chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Mọi tổ chức, cá nhân trong tỉnh đều có nghĩa vụ bảo vệ bí mật nhà nước.
Điều 3. Nghiêm cấm mọi hành vi tiết lộ, dò xét, chiếm đoạt bí mật nhà nước; lạm dụng bí mật nhà nước để xâm hại đến thể chế chính trị Nhà nước và làm thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của nhà nước và công dân, hoặc làm cản trở đến việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương.
BÍ MẬT NHÀ NƯỚC DO TỈNH HÒA BÌNH QUẢN LÝ, BẢO VỆ
Điều 4. Danh mục bí mật nhà nước độ “Tuyệt mật” do tỉnh quản lý, bảo vệ gồm:
- Tài liệu, mẫu vật đã ấn định và đóng dấu độ “Tuyệt mật” do các cơ quan Trung ương, địa phương khác gửi đến.
- Danh mục bí mật nhà nước độ “Tuyệt mật” của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Điều 5. Danh mục bí mật nhà nước độ “Tối mật” do tỉnh quản lý, bảo vệ gồm:
- Tài liệu, tư liệu, số liệu, mẫu vật đã ấn định và đóng dấu độ “Tối mật” do nơi khác gửi đến tỉnh.
- Danh mục bí mật nhà nước độ “Tối mật” của tỉnh đã được Thủ tưởng Chính phủ quyết định.
Điều 6. Danh mục bí mật nhà nước độ “Mật” do tỉnh quản lý, bảo vệ gồm:
- Tài liệu, tư liệu, số liệu, mẫu vật đã ấn định và đóng dấu độ “Mật” do nơi khác gửi đến tỉnh.
- Danh mục bí mật nhà nước độ “Mật” của tỉnh đã được Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.
Điều 7. Hàng năm Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung, thay đổi độ mật, giải mật danh mục bí mật nhà nước của tỉnh Hòa Bình.
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG, TIÊU HỦY, THAY ĐỔI BÍ MẬT NHÀ NƯỚC
Điều 8. Việc soạn thảo, in, sao chụp tài liệu, mẫu vật thuộc danh mục các độ mật phải tuân theo quy định sau:
- Người được giao nhiệm vụ soạn thảo, đánh máy, in, sao chụp tài liệu, mẫu vật phải đảm bảo tiêu chuẩn chính trị và đã qua đào tạo về văn thư, lưu trữ, bảo mật.
- Tổ chức soạn thảo, đánh máy, in, sao chụp tài liệu, mẫu vật có các độ mật phải được tiến hành ở nơi an toàn; phải ấn định các độ mật của tài liệu, mẫu vật; phải thực hiện nghiêm quy trình bảo mật đã được quy định.
- Phương tiện soạn thảo, in ấn, sao chụp tài liệu, mẫu vật thuộc danh mục các độ mật phải được đảm bảo an toàn tuyệt đối, không bị tán phát ra bên ngoài, không có nguy cơ bị tấn công xâm nhập dữ liệu từ bên ngoài vào; nếu là phương tiện máy tính thì tuyệt đối không được nối mạng Internet.
- Sao chụp các tài liệu, mẫu vật có độ “Tuyệt mật”, “Tối mật” và “Mật” phải được sự đồng ý bằng văn bản của Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành tỉnh (nơi lưu giữ mẫu vật, hoặc ban hành tài liệu gốc).
- Bộ phận văn thư, lưu trữ được giao xử lý tài liệu mật có trách nhiệm đóng dấu các độ mật đã được ấn định, vào sổ phân phối để theo dõi, quản lý, thu hồi theo quy định. Các dấu độ mật, thu hồi dùng thống nhất, như sau:
+ Mẫu con dấu Mật hình chữ nhật kích thước 20mm x 08mm, có đường viền xung quanh, bên trong là chữ “MẬT” in hoa nét đậm cách đều đường viền 0,2 mm.
+ Mẫu con dấu Tối mật hình chữ nhật kích thước 30mm x 08mm, có đường viền xung quanh, bên trong là chữ “TỐI MẬT” in hoa nét đậm cách đều đường viền 0,2 mm.
+ Mẫu con dấu Tuyệt mật hình chữ nhật kích thước 40mm x 08mm, có đường viền xung quanh, bên trong là chữ “TUYỆT MẬT” in hoa nét đậm cách đều đường viền 0,2mm.
+ Mẫu con dấu thu hồi tài liệu mang bí mật nhà nước hình chữ nhật kích thước 80mm x 15mm, có đường viền xung quanh, bên trong có 2 hàng chữ, hàng trên là hàng chữ in hoa nét đậm “TÀI LIỆU THU HỒI”, hàng dưới là chữ “Thời hạn…” in thường ở đầu hàng và các dấu chấm cho đến hết, chữ ở các hàng cách đều đường viền 0,2mm.
+ Mẫu con dấu chỉ người có tên mới được bóc bì hình chữ nhật kích thước 100mm x 10mm, có đường viền xung quanh, bên trong là hàng chữ “Chỉ người có tên mới được bóc bì” in thường nét đậm, cách đều đường viền 0,2mm.
+ Mực đóng dấu độ mật, thu hồi dùng loại mực mầu đỏ tươi.
Điều 9. Việc lưu hành, phổ biến, trao đổi, tìm hiểu, sử dụng bí mật Nhà nước thuộc danh mục các độ mật phải được thực hiện đúng nguyên tắc, đúng quy định, đúng tiêu chuẩn về đối tượng, nội dung, thủ tục, địa điểm tổ chức các hoạt động đó.
Điều 10. Vận chuyển, giao, nhận tài liệu, mẫu vật thuộc danh mục bí mật Nhà nước đã ấn định và đóng dấu các độ mật phải đăng ký qua văn thư, lưu trữ của đơn vị và thực hiện theo đúng nguyên tắc sau:
1. Gửi tài liệu, vật mang bí mật Nhà nước
1.1. Vào sổ:
Tài liệu, vật mang bí mật nhà nước trước khi gửi đi các nơi phải vào sổ “Tài liệu đi” để theo dõi. Sổ “Tài liệu đi” phải ghi đầy đủ các cột mục, số thứ tự, loại tài liệu gửi, ngày gửi, ngày, tháng, năm ban hành văn bản, nơi nhận, trích yếu nội dung, độ mật, độ khẩn, người ký, ghi chú.
Trường hợp tài liệu, vật mang độ “Tuyệt mật” thì người chuẩn bị văn bản vẫn phải lấy số đi và đăng ký theo đúng các cột mục trong sổ, riêng cột trích yếu nội dung bỏ trống. Nếu người có thẩm quyền đồng ý thì ghi sau, cho vào bì dán kín và làm các yêu cầu bảo mật trước khi đưa đến văn thư để làm bì ngoài gửi đi.
1.2. Làm bì:
- Tài liệu, vật mang bí mật nhà nước gửi đi không gửi chung trong một bì với tài liệu thường; giấy làm bì, đóng gói phải là loại giấy dai, khó bóc, không thấm nước, không nhìn thấu qua được; gấp bì theo mối chéo, hồ dán phải dính, khó bóc.
- Tài liệu, vật mang bí mật nhà nước độ “Mật” ngoài bì đóng dấu chữ C.
- Tài liệu, vật mang bí mật nhà nước độ “Tối mật” ngoài bì đóng dấu chữ “B”.
- Tài liệu, vật mang bí mật nhà nước độ “Tuyệt mật” gửi bằng hai bì:
+ Bì trong: Sau khi dán bằng hồ phải dán bằng keo đè lên các mép dán hồ; niêm phong bằng chỉ si, hoặc bằng giấy mỏng niêm lên giao điểm các mối chéo phía sau của bì và đóng dấu bảo hiểm, mực niêm phong dùng loại mực màu đỏ tươi. Niêm phong xong ghi rõ số, ký hiệu tài liệu, tên người nhận, đóng dấu “Tuyệt mật”. Nếu là tài liệu, mẫu vật gửi đích danh cho người có trách nhiệm giải quyết thì đóng dấu “Chỉ người có tên mới được bóc bì”.
+ Bì ngoài: Trình bày như công văn thường, không đóng dấu “Tuyệt mật” vào bì ngoài, mà đóng dấu có chữ “A”.
2. Vận chuyển tài liệu, vật mang bí mật Nhà nước
Mọi trường hợp vận chuyển tài liệu, vật mang bí mật nhà nước phải có phương tiện mang gửi tốt (hòm, két sắt, cặp có khóa chắc chắn), khi cần thiết phải niêm phong theo quy định, có phương tiện vận chuyển đảm bảo an toàn trong mọi tình huống, không buộc sau xe đạp, mô tô. Không được giao tài liệu, vật mang bí mật nhà nước cho người không có trách nhiệm giữ hộ. Không để tài liệu, vật mang bí mật nhà nước bất cứ nơi nào mà không có người có trách nhiệm coi giữ cẩn thận. Trường hợp xét thấy cần thiết thì phải bố trí người bảo vệ hoặc phối hợp với lực lượng chức năng có biện pháp đảm bảo an toàn cho việc vận chuyển các tài liệu, vật đó.
3. Nhận tài liệu, vật mang bí mật nhà nước
Mọi tài liệu mật, bất cứ từ nguồn nào gửi đến đều phải qua văn thư vào sổ ghi “Tài liệu mật đến” để theo dõi và chuyển đến người có trách nhiệm giải quyết.
Trường hợp tài liệu mật đến mà bì có dấu gửi đích danh “Chỉ có người có tên mới được bóc bì” thì văn thư vào sổ ghi số ngoài bì và chuyển ngay đến người có tên nhận. Nếu người có tên trên đi vắng thì chuyển đến người có trách nhiệm giải quyết, văn thư không được bóc bì.
Tài liệu gửi đến không đủ thủ tục theo quy định, một mặt chuyển ngay đến người có trách nhiệm giải quyết, đồng thời tìm cách nhanh chóng hỏi lại và rút kinh nghiệm với nơi gửi. Nếu phát hiện tài liệu, vật mang bí mật nhà nước gửi đến có dấu hiệu bị bóc, mở bao bì, lộ, lọt bí mật nhà nước, tài liệu, vật bị tráo đổi, hư hỏng, mất thì người nhận phải báo cáo ngay với thủ trưởng cơ quan để có biện pháp xử lý kịp thời.
Điều 11. Thống kê, thu hồi, cất giữ, bảo quản bí mật nhà nước đã ấn định các độ mật.
- Từng cơ quan, đoàn thể, tổ chức phải thống kê danh mục những bí mật nhà nước đã được thẩm định và ấn định các độ mật theo trình tự: Thời gian và từng độ mật bao gồm những bí mật hiện có, mới phát sinh và mới được tiếp nhận.
- Văn thư phải theo dõi tùy theo thời gian và nội dung thực hiện để tổ chức thu hồi văn bản: Các cơ quan, đơn vị khi nhận được công văn, tài liệu loại này phải quản lý đúng chế độ, nguyên tắc và trả lại cơ quan ban hành khi có yêu cầu thu hồi.
- Tài liệu mật sau khi giải quyết xong phải được phân loại, sắp xếp theo cặp hồ sơ, cho vào tủ sắt có khóa bảo đảm, không được để rơi, không để bên ngoài khi không có người có trách nhiệm coi giữ.
- Nơi cất giữ tài liệu, mẫu vật mang bí mật nhà nước phải có quy định nghiêm ngặt về công tác phòng cháy chữa cháy.
Không tự tiện mang tài liệu, vật mang bí mật nhà nước ra khỏi cơ quan. Nếu mang về nhà riêng thì phải được sự đồng ý của Thủ trưởng cơ quan và phải đăng ký với bộ phận bảo mật; phải đảm bảo tuyệt đối an toàn trên đường đi, nơi ở và nhà riêng phải có phương tiện cất giữ an toàn không để người khác xem được.
Điều 12. Tiêu hủy, giải các độ mật của tài liệu, mẫu vật mang bí mật nhà nước tỉnh Hòa Bình.
- Tiêu hủy tài liệu, mẫu vật mang bí mật nhà nước tỉnh thuộc các độ mật do Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quyết định (đối với tài liệu mật mã có quy định riêng).
Căn cứ để thanh lý, tiêu hủy tài liệu, mẫu vật mang bí mật nhà nước:
+ Theo đề nghị của cơ quan ban hành tài liệu gốc.
+ Hết giá trị sử dụng (giá trị mật, hoặc hết thời hạn).
Phải thành lập Hội đồng tiêu hủy và lập biên bản tiêu hủy. Quá trình tiêu hủy phải thực hiện triệt để, không để lộ, lọt bí mật nhà nước. Tiêu hủy vật mang bí mật nhà nước phải làm thay đổi hình dạng và tính năng tác dụng. Tiêu hủy tài liệu phải đốt đúng nơi quy định hoặc xén, nghiền nhỏ, đảm bảo không thể phục hồi được.
Trong trường hợp không có điều kiện tổ chức tiêu hủy theo quy định nói trên. Nếu tài liệu, mẫu vật mang bí mật nhà nước không được tiêu hủy ngay sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho an ninh, quốc phòng, hoặc các lợi ích khác của đất nước, thì người nắm giữ tài liệu, mẫu vật mang bí mật đó được quyền tự tiêu hủy, nhưng phải báo cáo bằng văn bản ngay sau khi tiêu hủy với người đứng đầu cơ quan và cơ quan Công an cùng cấp, nếu việc tiêu hủy không có lý do chính đáng thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
- Thay đổi độ mật, giải mật: Căn cứ vào thời gian, tính chất bí mật của từng loại danh mục bí mật nhà nước tỉnh; hàng năm vào quý I, Hội đồng thẩm định danh mục bí mật nhà nước tỉnh xem xét các danh mục không còn phù hợp, cần thay đổi độ mật, cần giải mật, hoặc xác định những nội dung mới cần được bảo mật, thì làm thủ tục báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thay đổi độ mật, giải mật đối với các danh mục bí mật nhà nước tỉnh. Sau khi được quyết định thay đổi thì thông báo cho cơ quan lưu trữ, sử dụng biết để thực hiện, đồng thời thành lập Hội đồng tiêu hủy và làm thủ tục tiêu hủy theo quy định đối với những bí mật nhà nước đã được giải mật hoặc hết giá trị sử dụng.
Điều 13. Thủ tục xin phép mang tài liệu, vật thuộc phạm vi bí mật Nhà nước ra nước ngoài, hoặc xét duyệt cung cấp thông tin bí mật Nhà nước cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
- Người mang tài liệu, vật thuộc phạm vi bí mật nhà nước ra nước ngoài phải có văn bản đề nghị và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, hoặc người được ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đồng ý. Văn bản đề nghị phải nêu rõ người mang tài liệu, vật thuộc phạm vi bí mật nhà nước ra ngoài; tài liệu, vật sẽ mang đi; thời gian, địa điểm đến, phạm vi, mục đích sử dụng. Khi xuất cảnh phải trình văn bản đề nghị có sự phê duyệt của cấp có thẩm quyền cho cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu. Trong thời gian ở nước ngoài phải có biện pháp quản lý, bảo vệ bí mật tài liệu, vật mang theo.
- Cơ quan tổ chức, cá nhân trong tỉnh khi quan hệ tiếp xúc với tổ chức, cá nhân nước ngoài không được tiết lộ bí mật nhà nước. Việc cung cấp thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải có văn bản đề nghị và được cấp có thẩm quyền đồng ý. Văn bản xin phép phải nêu rõ người hoặc tổ chức cung cấp tin; loại tin thuộc bí mật nhà nước sẽ cung cấp; tổ chức, cá nhân nước ngoài sẽ nhận tin; phạm vi, mục đích sử dụng tin.
Văn bản đề nghị được cung cấp tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước độ tối mật, gửi đến Tổng cục An ninh - Bộ Công an để trình Bộ trưởng Bộ Công an duyệt (những tin thuộc lĩnh vực quốc phòng gửi đến Bộ quốc phòng duyệt). Văn bản xin phép cung cấp tin thuộc bí mật nhà nước độ mật được gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Giám đốc Công an tỉnh nếu được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền duyệt.
Điều 14. Bảo vệ bí mật Nhà nước khi truyền đi bằng phương tiện thông tin liên lạc.
Các nội dung tài liệu mang bí mật nhà nước nếu truyền đi bằng phương tiện viễn thông và máy tính phải được mã hóa theo quy định của pháp luật về cơ yếu, đảm bảo không bị lộ, lọt bí mật nhà nước.
Điều 15. Bảo vệ khu vực, địa điểm cấm, nơi cất giữ bí mật Nhà nước, nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
Các khu vực, địa điểm thuộc phạm vi bí mật nhà nước, nơi cất giữ bí mật nhà nước, nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải cắm biển cấm theo quy định. Mọi hoạt động về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng đều phải tuân thủ các quy định của Chính phủ và các ngành liên quan, có trách nhiệm quản lý, bảo vệ khu vực, địa điểm thuộc phạm vi bí mật nhà nước; phải có chế độ nội quy bảo vệ, người không có phận sự không được tiếp cận, cán bộ đến liên hệ công tác phải có giấy chứng minh nhân dân, giấy giới thiệu và được bố trí làm việc ở phòng dành riêng. Tùy tính chất và yêu cầu bảo vệ của từng nơi mà tổ chức lực lượng chuyên trách bảo vệ, tổ chức tuần tra canh gác, kiểm soát ra vào chặt chẽ, bố trí phương tiện kỹ thuật bảo vệ.
Cán bộ công nhân viên làm việc ở những khu vực, địa điểm cấm, nơi cất giữ bí mật nhà nước hoặc nơi tiến hành các hoạt động thuộc danh mục bí mật nhà nước phải đảm bảo đủ điều kiện về tiêu chuẩn chính trị, đạo đức và được tuyển chọn, sử dụng theo đúng quy định.
QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA THỦ TRƯỞNG, CÁN BỘ, NHÂN VIÊN CÓ LIÊN QUAN ĐẾN BÍ MẬT NHÀ NƯỚC
Điều 16. Quyền hạn, trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Thành lập Hội đồng thẩm định danh mục bí mật nhà nước tỉnh.
- Lập danh mục bí mật nhà nước thuộc độ “Tuyệt mật”, “Tối mật”, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
- Lập danh mục bí mật nhà nước thuộc độ “Mật” báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.
- Xác định, thay đổi độ mật và giải mật đối với bí mật nhà nước tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.
- Ban hành và chỉ đạo thực hiện Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước tỉnh.
- Tổ chức thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước theo hướng dẫn của Bộ Công an.
- Chỉ đạo công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của các ngành, các cấp trong phạm vi tỉnh. Thường xuyên tổ chức giáo dục cán bộ, công chức, cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh nâng cao cảnh giác, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
- Thực hiện chế độ báo cáo về công tác bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định; chịu trách nhiệm trước Chính phủ về công tác bảo vệ bí mật nhà nước tỉnh.
Điều 17. Quyền hạn và trách nhiệm của Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
- Triển khai thực hiện Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước tỉnh đến cán bộ, công nhân, viên chức trong cơ quan.
- Căn cứ văn bản hướng dẫn về xây dựng danh mục bí mật nhà nước, tiến hành rà soát, thống kê những thông tin, tài liệu, mẫu vật mà cơ quan, đơn vị đang nắm, quản lý để chủ động lập danh mục bí mật nhà nước, tập hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời trình Hội đồng thẩm định danh mục bảo vệ bí mật nhà nước tỉnh phê duyệt, ban hành thực hiện và phải trao đổi cho cơ quan Công an cùng cấp biết, phối hợp theo dõi.
- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng năm bằng văn bản về công tác bảo vệ bí mật nhà nước của cơ quan, đơn vị mình lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và gửi đến cơ quan Công an cùng cấp để nắm, phối hợp theo dõi.
Điều 18. Trách nhiệm người soạn thảo tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước.
Người soạn thảo văn bản thuộc danh mục bí mật nhà nước có trách nhiệm xác định độ mật, nơi nhận và chế độ thu hồi đối với tài liệu mật, quá trình soạn thảo phải chấp hành đầy đủ và đúng các quy định.
Điều 19. Trách nhiệm của người được giao làm công tác bảo mật (chuyên trách hoặc bán chuyên trách).
Người được giao làm công tác bảo vệ bí mật có trách nhiệm đề xuất để thủ trưởng cơ quan, đơn vị xác định độ mật đối với địa điểm, phương tiện, tài liệu, vật thuộc phạm vi bí mật nhà nước đang thuộc thẩm quyền quản lý.
Người làm công tác bảo mật phải làm bản cam kết theo quy định trước khi nhận nhiệm vụ để lưu hồ sơ nhân sự.
Điều 20. Định kỳ hàng năm, Hội đồng thẩm định danh mục bí mật nhà nước tỉnh tiến hành tổ chức việc thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ bí mật nhà nước của các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; giao Công an tỉnh là cơ quan Thường trực xây dựng kế hoạch và tiến hành thanh tra, kiểm tra các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh về công tác bảo vệ bí mật nhà nước.
Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để việc thanh tra, kiểm tra đạt kết quả.
Kết thúc mỗi đợt thanh, kiểm tra, Công an tỉnh có trách nhiệm báo cáo kết quả bằng văn bản với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời đề xuất, kiến nghị, đưa ra phương hướng, nhiệm vụ đối với công tác bảo vệ bí mật nhà nước cho những năm tiếp theo.
Mọi tổ chức, cá nhân trong tỉnh có trách nhiệm nghiêm chỉnh thực hiện Quy chế này. Căn cứ vào các quy định của Quy chế này, từng cơ quan, đơn vị xây dựng nội quy và có biện pháp cụ thể để triển khai thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước.
Tổ chức, cá nhân nào có một trong những thành tích sau sẽ được khen thưởng theo chế độ chung của nhà nước.
- Hoàn thành xuất sắc việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước theo chức trách được giao.
- Có thành tích đột xuất trong công tác giữ gìn, bảo vệ bí mật nhà nước.
- Có biện pháp ngăn chặn hoặc có sáng kiến khắc phục hậu quả các vụ việc lộ, lọt bí mật nhà nước do người khác hoặc do khách quan gây ra.
- Phát hiện tố giác kịp thời hành vi dò xét, chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy trái phép bí mật nhà nước.
Người nào làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán, làm mất tài liệu, vật mang bí mật nhà nước, lợi dụng công tác bảo mật để che dấu hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, tiêu hủy trái phép bí mật nhà nước gây hại đến an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia thì tùy theo mức độ để xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 24. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt những nội dung được quy định tại Quy chế này./.
- 1Quyết định số 25/2013/QĐ-UBND Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế
- 2Quyết định 1165/2013/QĐ-UBND Quy chế Bảo vệ bí mật nhà nước tỉnh Phú Yên
- 3Quyết định 1572/2013/QĐ-UBND về Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của thành phố Hải Phòng
- 4Quyết định 1390/QĐ-UBND năm 2014 Quy chế Bảo vệ bí mật nhà nước tỉnh Hòa Bình
- 1Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2000
- 2Nghị định 33/2002/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước
- 3Thông tư 12/2002/TT-BCA(A11) hướng dẫn Nghị định 33/2002/NĐ-CP thi hành Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước do Bộ Công an ban hành
- 4Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 5Quyết định số 25/2013/QĐ-UBND Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế
- 6Quyết định 1165/2013/QĐ-UBND Quy chế Bảo vệ bí mật nhà nước tỉnh Phú Yên
- 7Quyết định 1572/2013/QĐ-UBND về Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của thành phố Hải Phòng
Quyết định 956/QĐ-UBND năm 2011 về Quy chế Bảo vệ bí mật nhà nước tỉnh Hòa Bình
- Số hiệu: 956/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 07/06/2011
- Nơi ban hành: Tỉnh Hòa Bình
- Người ký: Bùi Văn Tỉnh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 07/06/2011
- Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực