Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 919/QĐ-UB

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 06 năm 1992

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC KIỆN TOÀN TỔ CHỨC CỤC THỐNG KÊ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 30 tháng 6 năm 1989;
Căn cứ pháp lệnh kế toán và thống kê ngày 10/8/1988;
Căn cứ yêu cầu kiện toàn tổ chức của cơ quan chuyên môn thuuộc thành phố theo nghi quyết 109/HĐBT ngày 12/4/1991 và chỉ thị 24/CT-UB ngày 12/7/1991 của Ủy ban nhân dân thành phố;
Theo đề nghị của Cục Trưởng Cục thống kê thành phố và Trưởng Ban Tổ chức Chánh quyền thành phố;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay kiện toàn tổ chức cơ quan thống kê thành phố, Cục Thống kê thành phố là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố có chức năng quản lý công tác hạch toán thống kê, tổ chức điều tra, thu thập thông tin thống kê trong toàn thành phố.

Cục Thống kê thành phố chịu sự lãnh đạo của Ủy ban nhân dân thành phố về công tác tổ chức, biên chế đồng thời bảo đảm sự quản lý thống nhất theo ngành của Tổng cục Thống kê.

Cục Thống kê thành phố có tư cách pháp nhân, dự toán kinh phí độc lập, có con dấu riêng và mở tài khoản ở ngân hànhg theo quy định của nhà nước.

Điều 2. Cục Thống kê thành phố có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn chế độ hạch toán và thông tin thống kê, thực hiện điều tra thống kê, báo cáo thống kê, xuất bản niên giám thống kê, quản lý các chương trình xử lý thông tin thống kê và các chứng từ, biểu mẫu thống kê thống nhất cho các thành phần kinh tế trong thành phố.

Cục Thống kê thành phố được quyền kiểm tra, kiểm soát trong công tác hạch toán thống kê, chế độ ghi chép ban đầu, chế độ báo cáo thống kê và điều tra thống kê, kiểm soát việc ấn hành, lưu hành các chứng từ, biểu mẫu thống kê trong thành phố.

Cục Thống kê giữ vị trí độc lập về công tác chuyên môn theo hệ thống chuyên ngành.

Điều 3. Cục Thống kê thành phố do một Cục trưởng phụ trách, có các Phó Cục trưởng giúp việc trong đó có một Phó Cục trưởng thường trực được thay Cục trưởng điều hành công việc của cơ quan khi Cục trưởng vắng mặt.

Cục trưởng Cục Thống kê thành phố do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố bổ nhiệm với sự thỏa thuận của Tổng cục Trưởng Tổng Cục Thống kê. Phó Cục Trưởng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố bổ nhiệm theo đề nghị của Cục trưởng.

Các chức danh khác của Cục Thống kê do Cục trưởng bổ nhiệm.

Điều 4. Cơ cấu tổ chức của Cục Thống kê gồm có các Phòng chuyên môn và các đơn vị trực thuộc:

A. CÁC PHÒNG CHUYÊN MÔN:

1. Phòng Thống kê công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

2. Phòng Thống kê thương nghiệp – Vật tư – Giá cả

3. Phòng Thống kê nông – lâm nghiệp

4. Phòng Thống kê xây dựng cơ bản – Giao thông vận tải và Bưu điện

5. Phòng Thống kê dân số - Lao động – đời sống – văn xã

6. Phòng Thống kê tổng hợp cân đối – phân tích kinh tế

7. Phòng tổ chức cán bộ - thanh tra – HCQT

Cục Trưởng Cục Thống kê được ra quyết định thành lập, sáp nhập, điều chỉnh, bổ sung các phòng sau khi có sự thoả thuận của Trưởng Ban Tổ chức Chánh quyền thành phố.

B. CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:

1- Chi nhánh Trung tâm tư liệu và thông tin dân số (đơn vị sự nghiệp)

2- Trung tâm xử lý thông tin thống kê: là đơn vị sự nghiệp chuyển từ Công ty dịch vụ thông tin thống kê. Trung tâm được ký hợp đồng dịch vụ xử lý thông tin thống kê với các đơn vị trong nước; khoản thu được trích giữ lại theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố để bảo trì máy móc thiết bị và bồi dưỡng giữ vững đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên chuyên ngành.

3- Xí nghiệp in Thống kê: đơn vị sản xuất – kinh doanh, hạch toán kinh tế độc lập.

4- Trạm cung ứng biểu mẫu thống kê: đơn vị sự nghiệp có thu, hạch toán gắn thu bù chi.

Điều 5. Bãi bỏ quyết định số 300/TCCQ ngày 10/11/1975 của Ủy ban quân quản thành phố về việc thành lập Chi cục Thống kê thành phố, quyết định số 190/QĐ-UB ngày 26/9/1988 về việc thành lập Công ty dịch vụ thông tin thống kê trước đây.

Điều 6. Ban hành kèm theo quyết định này bản “quy chế tổ chức và hoạt động của Cục Thống kê thành phố.

Điều 7. Các ông Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng ban Tổ Chức Chánh quyền thành phố, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trang Văn Quý

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CỤC THỐNG KÊ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo quyết định số 919/QĐ-UB ngày 11 tháng 6 năm 1992 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương I.

VỊ TRÍ VÀ CHỨC NĂNG

Điều 1. Cục Thống kê thành phố là cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố đồng thời là cơ quan thuộc hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước ngành thống kê, từ Tổng cục Thống kê đến các cơ quan thống kê quận huyện.

Cục Thống kê thành phố có tư cách pháp nhân, dự toán kinh phí độc lập, có con dấu riêng và mở tài khoản ở ngân hàng theo quy định của Nhà nước.

Điều 2. Cục Thống kê thành phố có chức năng tổng hợp thông tin về kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố, đồng thời giúp Ủy ban nhân dân thành phố quản lý thống nhất công tác hạch toán thống kê đối với các ngành, các cấp, các thành phần kinh tế trong thành phố, tổ chức thu thập thông tin thống kê, phục vụ cho sự lãnh đạo, chỉ đạo về kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố.

Cục Thống kê thành phố có trách nhiệm bảo đảm sự quản lý thống nhất của ngành theo quy định của Hội đồng Bộ trưởng và sự chỉ đạo hướng dẫn về nghiệp vụ của Tổng cục Thống kê.

Chương II.

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 3. Cục Thống kê thành phố có nhiệm vụ:

1/ Thực hiện chế độ báo cáo thống kê định kỳ (tháng, quý, năm) về kết quả sản xuất kinh doanh và các hoạt động các thành phần kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố.

2/ Thực hiện các cuộc điều tra thống kê toàn diện và không toàn diện theo kế hoạch cấp trên giao.

3/ Thực hiện báo cáo chuyên đề và báo cáo đột xuất về một số hoạt động kinh tế xã hội theo yêu cầu của ngành hoặc của thành phố.

4/ Hệ thống hóa, biên soạn, xuất bản các niên giám thống kê và các quyền số liệu thống kê chuyên ngành thống nhất quản lý công việc công bố và cung cấp số liệu thống kê về kinh tế xã hội của thành phố. Từng bước thực hiện phổ cập thông tin thống kê đại chúng.

5/ Chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện chế độ hạch toán và thông tin thống kê ở các tổ chức, các đơn vị (theo đúng pháp lện kế toán – thống kê của Nhà nước) thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố. Quản lý thống nhất chế độ ghi chép ban đầu, chế độ báo cáo và điều tra thống kê, chế độ ban hành các chứng từ và biểu mẫu thống kê theo quy định của Nhà nước.

6/ Tổ chức nghiên cứu khoa hoạc thống kê, bổ sung sửa đổi, cải tiến phương pháp chế độ thống kê kinh tế xã hội phù hợp cơ chế kinh tế mới. Tổ chức đào tạo bồi dưỡng cán bộ chuyên môn nghiệp vụ thống kê và kỹ thuật tính toán cho các ngành, các cấp và các đơn vị kinh tế cơ sở.

7/ Quản lý việc thiết kế, trang bị, lắp đặt các phương tiện xử lý và lưu trữ thông tin thống kê trên máy tính điện tử. Quản lý thống nhất việc xây dựng các chương trình xử lý thông itn thống kê trong toàn thành phố.

8/ Quản lý thống nhất chứng từ, biểu mẫu thống kê theo quy định của Tổng cục Thống kê trong toàn thành phố.

9/ Quản lý tài sản, thiết bị, kinh phí lao động của cơ quan và các đơn vị sự nghiệp, sản xuất kinh doanh trực thuộc.

Điều 4. Cục Thống kê có quyền hạn:

1- Kiểm tra các ngành, các cấp, các thành phần kinh tế trong việc chấp hành chế độ ghi chép ban đầu, chế độ báo cáo định kỳ và điều tra thống kê theo sự phân cấp của Tổng cục Thống kê.

2- Kiểm soát công tác hạch toán thống kê trong toàn thành phố, kiểm tra phương pháp tính toán theo hệ thống biểu mẫu của ngành thống kê đã ban hành. Kiểm soát việc ấn hành, lưu hành các chứng từ, biểu mẫu, báo cáo kế toán thống kê trên địa bàn thành phố. Được quyền thu hồi, xử lý hành chánh các chứng từ, biểu mẫu kế toán thống kê do các cơ quan, đơn vị ấn hành trái với quy định ngành thống kê.

3- Xem xét các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, các số liệu kế toán thống kê của các ngành, các cấp, và được quyền không công nhận các chỉ tiêu, số liệu kế toán, thống kê không đúng theo phương pháp hạch toán kế toán thống kê hiện hành.

4- Độc lập về chuyên môn nghiệp vụ thống kê (theo quy định của pháp lệnh về kế toán và thống kê).

Chương III.

TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA CỤC THỐNG KÊ:

Điều 5. Cục Thống kê thành phố do 1 Cục trưởng phụ trách và có các Phó Cục trưởng giúp việc, trong đó có 1 Phó Cục trưởng thứ I thay mặt Cục trưởng điều hành công việc của cơ quan khi Cục trưởng vắng mặt.

Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố và Tổng cục Thống kê về nhiệm vụ của ngành được phân công, phân cấp. Các Phó Cục trưởng được Cục trưởng phân công phụ trách từng khối công việc cụ thể, chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và cấp trên về những phần việc được phân công.

Cục trưởng Cục Thống kê thành phố do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố bổ nhiệm với sự thoả thuận của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Các Phó Cục trưởng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố bổ nhiệm theo đề nghị của Cục trưởng. Các chức danh khác của Cục Thống kê do Cục trưởng bổ nhiệm.

Cục trưởng có trách nhiệm xây dựng lề lối làm việc, các chế độ sinh hoạt, phối hợp, báo cáo của Cục Thống kê theo quy định của Nhà nước.

Điều 6. Bộ máy của Cục Thống kê gồm có các phòng nghiệp vụ:

1. Phòng Thống kê công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

2. Phòng Thống kê thương nghiệp – Vật tư – Giá cả

3. Phòng Thống kê Nông lâm nghiệp

4. Phòng Thống kê XDCB - GTVT và Bưu điện

5. Phòng Thống kê dân số - Lao động đời sống văn xã

6. Phòng Thống kê tổng hợp cân đối phân tích kinh tế

7. Phòng tổ chức cán bộ Thanh tra và hành chánh quản trị.

Cục trưởng Cục Thống kê được ra quyết định thành lập, sáp nhập, điều chỉnh, bổ sung các phòng sau khi có sự thỏa thuận của Trưởng Ban Tổ chức Chánh quyền thành phố.

Các đơn vị sự nghiệp, sản xuất kinh doanh trực thuộc Cục Thống kê gồm:

1- Chi nhánh Trung tâm tư liệu và thông tin dân số (đơn vị sự nghiệp)

2- Trung tâm xử lý thông tin thống kê: chuyển từ Công ty dịch vụ thông tin thống kê. Trung tâm là đơn vị sự nghiệp, dự toán độc lập, được ký hợp đồng dịch vụ xử lý thông tin thống kê với các đơn vị trong nước. Khoản thu được trích giữ lại theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố để bảo trì máy móc thiết bị , bồi dưỡng giữ vững đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên chuyên ngành.

3- Xí nghiệp in Thống kê: đơn vị sản xuất – kinh doanh, hạch toán kinh tế độc lập.

4- Trạm cung ứng biểu mẫu thống kê: đơn vị sự nghiệp có thu, hạch toán gắn thu bù chi.

Chương IV.

QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA CỤC THỐNG KÊ THÀNH PHỐ

Điều 7. Cục Thống kê thành phố có mối quan hệ công tác sau:

1/ Đối với Ủy ban nhân dân thành phố và Tổng cục Thống kê:

Cục Thống kê thành phố chịu sự lãnh đạo và quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân thành phố đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của Tổng cục Thống kê.

Cục Thống kê thành phố có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo định kỳ và bất thường tình hình hoạt động của Cục cho Ủy ban nhân dân thành phố và Tổng cục Thống kê, phục vụ cho sự chỉ đạo ngành trong toàn thành phố.

2/ Đối với các sở, ban, ngành thành phố:

Cục Thống kê thành phố có mối quan hệ phối hợp công tác, thực hiện chế độ hạch toán và thông tin thống kê, hướng dẫn kiểm tra các đơn vị kinh tế cơ sở của các ngành thực hiện tốt chế độ thông tin thống kê kinh tế xã hội.

3/ Đối với các Ủy ban nhân dân quận, huyện và thống kê Quận, huyện:

Cục Thống kê thành phố có trách nhiệm quản lý ngành, hướng dẫn thống kê quận, huyện thực hiện đúng các yêu cầu kế hoạch công tác ngành Thống kê đề ra. Chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho Thống kê quận, huyện. Thoả thuận với Ủy ban nhân dân quận, huyện trong việc bổ nhiệm, điều chuyển cán bộ chủ chốt ngành thống kê ở quận, huyện.

Chương V.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:

Điều 8. Căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn được quy định Cục trưởng Cục Thống kê thành phố có trách nhiệm tổ chức, sắp xếp các phòng, bố trí cán bộ, chuyên viên phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới và kiện toàn tổ chức các đơn vị sự nghiệp sản xuất kinh doanh thuộc ngành.

Điều 9. Giám đốc các sở ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận huyện căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan mình để phối hợp hoạt động với Cục Thống kê thành phố nhằm bảo đảm hiệu lực quản lý Nhà nước ngành và thống nhất thông tin thống kê trên địa bàn thành phố.

Điều 10. Bản quy chế này khi cần thiết được Ủy ban nhân dân thành phố bổ sung, điều chỉnh theo đề nghị của Tổng cục Thống kê, Cục Thống kê thành phố và các sở ngành có liên quan.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 919/QĐ-UB năm 1992 kiện toàn tổ chức Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 919/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/06/1992
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Trang Văn Quý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/06/1992
  • Ngày hết hiệu lực: 07/07/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản