Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 918/QĐ-UBND | Hòa Bình, ngày 22 tháng 4 năm 2020 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA GIAI ĐOẠN 2020-2025
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 12/6/2017;
Căn cứ Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Căn cứ Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 12/10/2010 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 395/TTr-STP, ngày 14/4/2020.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020-2025 (có Chương trình kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| CHỦ TỊCH |
CHƯƠNG TRÌNH
HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH GIAI ĐOẠN 2020-2025
(Kèm theo Quyết định số 918/QĐ-UBND ngày 22/4/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình)
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
a) Triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh kinh doanh có hiệu quả, phòng chống các rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.
b) Đảm bảo tính chủ động, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Khắc phục cơ bản tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận, tìm hiểu các thông tin pháp luật có liên quan.
b) Bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh dành cho người quản lý doanh nghiệp và kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp nhỏ và vừa.
c) Tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ pháp lý; nâng cao năng lực của cán bộ, chuyên viên, cơ quan, tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
d) Thúc đẩy sự phát triển của tổ chức pháp chế trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
e) Xây dựng và hoàn thiện cán bộ đầu mối tại các Sở, Ngành liên quan để thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
g) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về doanh nghiệp cho những người quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh và các đối tượng có liên quan khác.
II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH
1. Cung cấp thông tin pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
a) Cung cấp thông tin pháp lý:
- Nội dung thực hiện: Biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu như tờ gấp, sổ tay giới thiệu các văn bản có liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố;
- Thời gian thực hiện: Hàng năm.
b) Thực hiện hỗ trợ pháp lý trên sóng phát thanh, truyền hình tỉnh:
- Nội dung: Giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các Sở, ban, ngành liên quan;
- Thời gian thực hiện: Hàng năm.
2. Xây dựng, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh
a) Nội dung thực hiện:
Duy trì, thường xuyên cập nhật văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vào “Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật” và đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh (trừ văn bản thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật) để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu pháp luật.
b) Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
c) Thời gian thực hiện: Hàng năm.
3. Xây dựng, cập nhật dữ liệu về bản án, quyết định của tòa án; phán quyết của trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp
a) Nội dung thực hiện: Cập nhật và đăng tải các bản án, quyết định của tòa án; phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp được phép công khai, có hiệu lực thi hành mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là một bên có liên quan lên Cổng Thông tin điện tử tỉnh.
b) Cơ quan thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan có liên quan.
c) Thời gian thực hiện: Hàng năm.
4. Tọa đàm/đối thoại và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
a) Nội dung thực hiện:
- Trao đổi về những khó khăn, vướng mắc, đưa ra giải pháp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình sản xuất, kinh doanh;
- Giới thiệu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nội dung các văn bản quy phạm pháp luật mới, các chuyên đề pháp luật trong phạm vi, lĩnh vực quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh;
- Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
b) Đơn vị thực hiện: Sở Tư pháp, các Sở, ban, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
c) Thời gian thực hiện: Hàng năm.
5. Giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
a) Nội dung:
- Tiếp nhận yêu cầu về giải đáp pháp luật của các doanh nghiệp được gửi đến thuộc phạm vi quản lý của ngành;
- Trả lời yêu cầu, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp. Thực hiện bằng các hình thức như: Giải đáp bằng văn bản, giải đáp thông qua mạng điện tử, các bản tin của các lĩnh vực chuyên ngành, giải đáp trực tiếp hoặc thông qua điện thoại, các hình thức khác theo quy định pháp luật;
- Xây dựng cán bộ đầu mối thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Cơ quan thực hiện:
Sở Tư pháp chủ trì, tham mưu việc xây dựng Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt cán bộ đầu mối thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
- Thời gian thực hiện:
Xây dựng Quyết định về cán bộ đầu mối: Tháng 9/2020;
Giải đáp pháp luật: Khi doanh nghiệp nhỏ và vừa có yêu cầu.
b) Xây dựng và duy trì chuyên mục “Doanh nghiệp hỏi - cơ quan Nhà nước trả lời” trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh:
- Nội dung thực hiện: Tiếp nhận và trả lời các câu hỏi về vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp;
- Cơ quan chủ trì: Sở Kế hoạch và Đầu tư;
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố;
- Thời gian thực hiện: Hàng năm.
6. Tự kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật
a) Nội dung:
Thực hiện tự kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, qua đó đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý bằng các hình thức bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, thay thế đối với những văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và tình hình thực tế tại địa phương.
b) Thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
c) Thời gian thực hiện: Hàng năm.
7. Xây dựng chính sách về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh
a) Nội dung thực hiện: Xây dựng, tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các chính sách về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.
b) Thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
c) Thời gian thực hiện: Theo phân công, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và căn cứ vào điều kiện thực tế địa phương.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
Kinh phí đảm bảo thực hiện Chương trình Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được giao dự toán trong ngân sách hàng năm của tỉnh theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan. Đồng thời, huy động sự đóng góp, tài trợ, hỗ trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tư pháp
a) Là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm chung về tổ chức thực hiện Chương trình; theo dõi và đánh giá việc triển khai Chương trình.
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại mục II của Chương trình này và tổng hợp tiến độ, kết quả, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan có liên quan tổng hợp các nội dung hỗ trợ trong khuôn khổ các chính sách cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
b) Thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Chương trình này.
3. Sở Tài chính
a) Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình chủ trì hoặc phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện các nội dung tại Chương trình này.
b) Hàng năm chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân tỉnh cấp kinh phí đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nội dung trong Chương trình này.
4. Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan
a) Thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Chương trình này.
b) Báo cáo kết quả hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa liên quan đến lĩnh vực quản lý về Sở Tư pháp theo quy định hoặc khi có yêu cầu của Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân tỉnh.
Trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn, điều chỉnh cho phù hợp./.
- 1Kế hoạch 4435/KH-UBND năm 2022 triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2023
- 2Kế hoạch 17/KH-UBND triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2023
- 3Kế hoạch 39/KH-UBND về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2023
- 1Thông tư liên tịch 157/2010/TTLT-BTC-BTP hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp ban hành
- 2Luật ngân sách nhà nước 2015
- 3Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 4Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017
- 5Nghị định 39/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
- 6Nghị định 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
- 7Kế hoạch 4435/KH-UBND năm 2022 triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2023
- 8Kế hoạch 17/KH-UBND triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2023
- 9Kế hoạch 39/KH-UBND về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2023
Quyết định 918/QĐ-UBND năm 2020 phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2020-2025 do tỉnh Hòa Bình ban hành
- Số hiệu: 918/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 22/04/2020
- Nơi ban hành: Tỉnh Hòa Bình
- Người ký: Bùi Văn Khánh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 22/04/2020
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra